Ý chí của nguyên đơn và bị đơn đều xác định tài sản tranh chấp là một khối thống nhất chỉ có thể sở hữu chung cho một tộc họ hoặc sở hữu riêng cho một gia đình. Bộ luật TTDS cũng quy định, Toà án chỉ được phép thụ lý giải quyết trong phạm vi đơn kiện thế nhưng cấp sơ thẩm lại "xé rào" phân chia khối di sản trên theo pháp luật thừa kế?

Tài sản là sở hữu chung của tộc họ

Ngôi nhà trên thửa đất toạ lạc tại xóm Hưng Thạnh, thôn Chánh Thạnh, xã Nhơn Hưng (huyện An Nhơn), được tạo lập từ thời ông thuỷ tổ Trần Xuân Quyển, lưu lại cho con cháu phụng tự, hương khói. Đến đời thứ 9, khối di sản trên được giao cho tộc trưởng Trần Thế Bình (cha của bà Trần Thị Ngọc Sương – bị đơn trong vụ án) trông coi và quản lý. Chiến tranh và thời gian kéo dài, tộc đường hư sập. Ngày 26.12.2003, con cháu họ Trần họp mặt thống nhất đóng góp tiền của xây dựng lại tổ đường. Lúc này ông Bình bị tai biến nặng, trí óc không minh mẫn. "Vì là chỗ ông bà tổ tiên và là vì danh dự dòng họ nên tôi bằng lòng". Bà Sương giải thích và thay mặt cha ghi tên mình vào biên bản. Ngày khánh thành, tấm biển "Từ đường Trần tộc" được gắn trang trọng trước mặt tiền ngôi nhà và cũng chính tay bà Sương ký tên xác nhận vào sổ. Trước đó 07.2.2002 (âm lịch), nhân ngày kỵ có đông đủ cháu con, tộc trưởng Bình còn để lại di ngôn (qua băng ghi hình và ghi âm) giao lại quyền quản lý trông coi nhà từ đường cho em trai Trần Thế Khiêm. Di ngôn trên tiếp tục được tộc họ khẳng định và chính quyền địa phương xác nhận sau khi ông Bình qua đời.

Các bậc cao niên còn sống tại địa phương do cấp sơ thẩm thu thập, đều khẳng định: Ngôi nhà ông Bình đang ở là từ đường Trần tộc. Đáng lưu ý, Biên bản cuộc họp quân dân chính thôn Chánh Thạnh ngày 6.9.2006 (thành phần Chi bộ thôn, tổ Đảng, cán bộ thôn, xóm, đoàn thể, mặt trận…) cũng xác nhận: "Đất ở của bà Sương là đất hương hoả từ đường của tộc họ Trần, không phải đất của ông Trần Thế Bình". Như vậy có cơ sở, ngôi nhà và thửa đất trên là từ đường của Trần tộc, do đó là sở hữu chung của dòng họ, được quy định tại Điều 220 Bộ luật Dân sự. Tuy nhiên sau khi ông Bình qua đời, bà Sương mặc dù đã có nhà cửa ổn định ở thôn khác lại "cố thủ" ngôi nhà, đứng ra tranh chấp với tộc họ (!?)

Luật sư tư vấn luật Đất đai qua điện thoại gọi số: 

Cấp sơ thẩm… phạm quy (?)

Đã là sở hữu chung thì các thành viên của cộng đồng cùng quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản theo thoả thuận hoặc theo tập quán (khoản 2, Điều 220, Điều 214 Bộ luật Dân sự). Phạm vi yêu cầu trong đơn kiện của nguyên đơn, ông Trần Thiên Trí, được Trần tộc uỷ quyền là yêu cầu bà Sương phải giao lại quyền sở hữu ngôi nhà và đất có số hiệu 852, tờ bản đồ số 1, diện tích 2.281, 39 m2 tại xóm Hưng Thạnh, thôn Chánh Thạnh để tộc họ Trần cử người tiếp tục quản lý thờ cúng. Tại phiên toà sơ thẩm ngày 21.11.2008, bị đơn – bà Trần Thị Ngọc Sương cũng không yêu cầu chia tài sản mà chỉ yêu cầu Toà xác định là tài sản của cha mẹ để lại.

Theo quy định tại khoản 1, Điều 50 Bộ luật TTDS, Toà án chỉ có quyền xét xử trong phạm vi của đơn kiện. "Trong trường hợp này, nếu yêu cầu của tộc họ Trần là có căn cứ thì TA buộc bị đơn phải trả di sản trên và ngược lại" – luật sư Phan Tư Thy – Đoàn Luật sư Bình Định cho biết. Tại phiên toà, Hội đồng xét xử cũng đồng tình với nguyên đơn: "Suốt 6 tháng thi công nhà tổ đường (nhà thờ họ) tại xóm Hưng Thạnh, thôn Chánh Thạnh, xã Nhơn Hưng, ông Bình – bà Nhồng và bà Sương không hề khiếu nại hay cản trở, chứng tỏ họ cũng đồng ý. Việc xây dựng lại tổ đường có sự đóng góp tiền của nhiều người trong tộc họ nên thuộc quyền sở hữu chung của tộc họ" (nguyên văn phần nhận định của Bản án dân sự số 79/2008/DSST ngày 21.11.2008). Là tài sản của tộc họ thì không thể chia, bởi vì nguyên đơn không có yêu cầu; nhưng mặt khác Toà lại lập luận: "Khi xây dựng lại từ đường một số người trong tộc họ Trần có dỡ đi một phần nhà ở và tu sửa lại nhà cũ của ông Bình nên bà Sương tranh chấp quyền thừa kế phần diện tích nhà ở nói trên là có cơ sở". Từ sở hữu chung của cộng đồng, HĐXX nhầm lẫn sang lĩnh vực thừa kế, từ đó dẫn tới phán quyết theo kiểu "Đầu Ngô, mình Sở": Công nhận tài sản trên là thuộc quyền sở hữu của gia tộc họ Trần, nhưng lại tuyên giao cho bà Sương được thừa kế quyền sở hữu một phần ngôi nhà và 545, 42 m2 đất; toàn bộ phần ngôi nhà còn lại cùng với 1.735, 97 m2 giao cho tộc họ Trần quản lý sử dụng (?)

Bản án vừa tuyên, tộc họ Trần lập tức có đơn kháng cáo. Dư luận cho đó là một bản án không nhất quán về quan điểm xét xử, đặc biệt là quy trình tố tụng bị phạm quy nghiêm trọng cần phải được xem xét lại.

Vi phạm thời gian hoãn phiên tòa

Trước đó trong quá trình thụ lý vụ ánT, cấp sơ thẩm đã để kéo dài thời gian hoãn phiên toà hơn 6 tháng (14.05.2008 có quyết định hoãn, đến 21.11.2008 phiên toà mở lại); trong khi tại khoản 1, Điều 208 Bộ luật TTDS quy định thời hạn hoãn phiên toà không quá 30 ngày.

SOURCE: BÁO ĐỜI SỐNG VÀ PHÁP LUẬT – MINH TRUNG

Trích dẫn từ: http://doisongphapluat.com.vn

(MKLAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

—————————————————-

THAM KHẢO MỘT SỐ DỊCH VỤ TƯ VẤN LUẬT:

1. Tư vấn tách thửa đất đai;

2. Tư vấn pháp luật đất đai ;

3. Tư vấn cấp lại sổ đỏ bị mất ;

4. Tư vấn mua bán, chuyển nhượng đất đai ;

5. Tư vấn đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ;

6. Tư vấn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do trúng đấu giá ;

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *