Vụ án đòi nhà cho thuê giữa nguyên đơn Nguyễn Thị Thu Thủy và bị đơn Nguyễn Văn Ba cùng trú tại đường Nguyễn Thái Sơn, phường 5, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh đã qua hai cấp xét xử nhưng khó có thể thi hành do bị đơn khiếu nại quyết liệt và nhiều người dân ký đơn ủng hộ bị đơn. Theo đơn thư trình bày và hồ sơ vụ án, quả thực có nhiều vấn đề làm rõ bản chất vụ tranh chấp lại bị bỏ qua một cách khó hiểu.

Bản án số 05/2009/DS-PT ngày 09.01.2009 của Tòa Phúc thẩm TANDTC tại TP. Hồ Chí Minh  quyết định ông Nguyễn Văn Ba, sinh năm 1934, cư trú tại 322/9 Nguyễn Thái Sơn, cùng gia đình gồm 7 người phải giao trả nhà cho bà Nguyễn Thị Thu Thủy là nguyên đơn trong vụ kiện.

Theo nguyên đơn, căn nhà 322/9 Nguyễn Thái Sơn trước đây là 30 Phan Thanh Giản được ông Nguyễn Văn Lộc – cha của bà Thuỷ tự xây cất bằng vật liệu nhẹ trên đất của ông Nghiêm Xuân Việt từ năm 1937, sau đó ngăn ra làm bốn căn. Ông Nguyễn Văn Ba thuê căn 322/9 từ năm 1964 gồm nhà chính 18m2 và diện tích phụ. Trong quá trình thuê nhà ông Ba tự ý xây cất lại.

Năm 1986 ông Lộc khởi kiện ông Ba đòi lại nhà, ông Nghiêm Xuân Việt xác nhận đã cho và không tranh chấp. Bà Đặng Mộng Xuân (vợ ông Nghiêm Xuân Việt) đã chết từ lâu bên Pháp. Toà hoà giải nên ông Ba thuê tiếp đến năm 1990 nhưng không lấy tiền thuê. Vì vậy, bà Thuỷ yêu cầu ông Ba trả lại nhà.

 

Luật sư tư vấn luật Đất đai qua điện thoại gọi số:  –

Nguyện vọng của bà Thuỷ được cả hai cấp xét xử chấp nhận, buộc ông Ba và gia đình phải bàn giao ngôi nhà mà ông Ba đã xây dựng mới trên nền cũ cho nguyên đơn, bù lại nguyên đơn bồi hoàn cho ông Ba một phần tiền xây dựng trên 20 triệu đồng.

Hai bản án bộc lộ nhiều vấn đề có tính chất của vụ tranh chấp nhưng không được làm rõ. Vấn đề mấu chốt là ông Nguyễn Văn Lộc, cha của nguyên đơn Nguyễn Thị Thu Thuỷ, có phải là chủ sở hữu ngôi nhà và thửa đất 322/9 này hay không? Trong hồ sơ và hai bản án không thể hiện ông Lộc có giấy tờ gì trực tiếp chứng minh mình là chủ sở hữu; ngược lại nhiều chứng cứ cho thấy ông Lộc không phải là chủ sở hữu, chỉ là đại diện cho ông Việt mà thôi. Chúng tôi chỉ xin nêu một khía cạnh để bạn đọc tham khảo.

Trước hết, ông Nghiêm Xuân Việt là một nhà tư sản địa ốc, có nhiều nhà cho thuê. Ông Nguyễn Văn Ba khai năm 1964 ông và gia đình có hợp đồng thuê nhà số 322/9 Nguyễn Thái Sơn (trước đây mang số 6/30 Phan Thanh Giản) với ông Nguyễn Văn Lộc vì lẽ ông Lộc là người trông coi căn nhà này, là quản gia của ông Việt. Điều này chỉ thể hiện việc xác lập giao dịch dân sự giữa ông Ba và ông Lộc chứ không phải  là căn cứ khẳng định ông Lộc là chủ sở hữu căn nhà.

Ông Nghiêm Xuân Việt và bà Đặng Mộng Xuân cùng đứng tên (năm 1972) căn nhà này theo văn bản Trích sao sổ điền thổ ngày 31.11.2004 và ông Việt chỉ ủy quyền cho ông Lộc trọn quyền quyết định việc tranh chấp nhà và đất, chứng tỏ ông Lộc không thể là chủ sở hữu căn nhà này.

Ủy quyền này có hợp pháp hay không chưa chứng minh được vì căn nhà thuộc đồng sở hữu của ông Nghiêm Xuân Việt và bà Đặng Mộng Xuân. Việc ủy quyền phải có sự đồng ý của bà Xuân. Nếu bà Xuân chết mà không có di chúc để lại phần sở hữu căn nhà này cho ông Việt thì còn thừa kế là các con. Vì vậy, các con của ông Việt, bà Xuân cũng có quyền quyết định đối với căn nhà này. Nếu các con ông Việt, bà Xuân ủy quyền cho ông Việt quyết định thì phải có văn bản thể hiện. Thực tế, văn bản ngày không có.

Giả sử việc ông Việt ủy quyền cho “ông Lộc trọn quyền quyết định” là hợp pháp đi chăng nữa thì không có nghĩa quyền sở hữu nhà đương nhiên thuộc về ông Lộc vì đơn thuần đây chỉ là giao dịch dân sự ủy quyền, không phải tặng cho, không phải mua bán tài sản hay thừa kế. Nếu tặng cho thì phải làm các thủ tục chuyển quyền sở hữu chặt chẽ theo quy định của pháp luật. Theo quy định tại khoản 4 Điều 589 Bộ luật Dân sự 2005, việc ủy quyền đương nhiên chấm dứt khi bên ủy quyền chết. Ông Việt đã chết thì ông Lộc không thể là người có quyền quản lý, quyết định đối với căn nhà này.

Do đó, cả hai bản án buộc ông Ba trả nhà cho bà Thuỷ là điều không thuyết phục. Hơn nữa, căn nhà từng bị nhà nước quản lý, ông Ba đã từng nhiều năm trả tiền thuê nhà cho Phòng nhà đất quận Gò Vấp. Khi ngôi nhà dột nát, sụp đổ, gia đình ông Ba đã xây dựng nhà mới trên nền cũ mà buộc ông Ba trả lại cho bà Thuỷ cũng là điều khó hiểu.

Về tố tụng, bản án cũng thể hiện sự cẩu thả, vi phạm nghiêm trọng khi chỉ nêu trong phần khai của nguyên đơn là “bà Đặng Mộng Xuân đã chết từ lâu bên Pháp” mà không hề có giấy chứng tử hay văn bản xác nhận nào. Hơn nữa, bà Xuân là đồng sở hữu tài sản với ông Việt, nếu bà Xuân đã chết thì còn có các con của họ là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, nhưng họ đã không được triệu tập tham gia tố tụng.

Chúng tôi cho rằng, một vài khía cạnh trên đây trong số rất nhiều mâu thuẫn do bị đơn phát hiện, rồi những chứng từ do nguyên đơn cung cấp bị giám định phát hiện giả mạo…dẫn đến không quá khó để Toà án thấy rõ bản chất vụ việc. Mặc dù vậy hai bản án vẫn xử cho bà Thuỷ lấy được nhà của ông Ba khiến người dân nghi ngờ tính khách quan của bản án. Nhiều người dân đã ký đơn đề nghị hoãn thi hành án để xem xét lại vụ án. Do đó chúng tôi cho rằng, nên đưa vụ án này vào nội dung giám sát, để ngăn ngừa oan sai theo đúng tinh thần cải cách tư pháp cấp bách hiện nay.

Khi bài báo này lên khuôn, chúng tôi nhận được tin Cơ quan thi hành án TP Hồ Chí Minh lại đưa thông báo đôn đốc ông Nguyễn Văn Ba thi hành án và bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ đã tiếp tục khởi kiện đòi nhà đối với bà Nguyễn Thị Thu ở 322/19 Nguyễn Thái Sơn, có hoàn cảnh tương tự gia đình ông  Ba. Do đó, nếu không sớm giám sát, ngăn chặn thì vụ án sẽ ngày càng phức tạp hơn.

SOURCE: BÁO NGƯỜI ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN- LÊ TRỌNG NGHĨA

Trích dẫn từ:http://nguoidaibieu.com.vn/

(MKLAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

——————————————————

THAM KHẢO DỊCH VỤ PHÁP LUẬT LIÊN QUAN:

1. Tư vấn pháp luật về thuế;
2.Tư vấn đăng ký chất lượng hàng hóa;
3. Dịch vụ kê khai báo cáo thuế hàng tháng;
4. Kế toán thuế cho doanh nghiệp mới thành lập;
5. Tư vấn pháp luật thương mại quốc tế và thuế;

6. Dịch vụ luật sư tư vấn pháp luật thường xuyên;
7. Dịch vụ kế toán thuế thường xuyên cho doanh nghiệp;
8. Luật sư tư vấn pháp luật Tài Chính, Thuế và Ngân Hàng;

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *