Máy biến thế nặng hơn 100 tấn rơi xuống biển mất tăm tích khiến công ty vận chuyển bị kiện đòi bồi thường hơn tám tỷ đồng. Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM vừa xử một vụ tranh chấp hợp đồng vận chuyển máy móc khá lạ giữa Công ty cổ phần Cơ điện Thủ Đức (Cơ điện Thủ Đức) và Công ty cổ phần Đại lý liên hiệp vận chuyển (Gemadept).

Làm rơi máy trên biển

Tháng 11-2007, Cơ điện Thủ Đức đã khởi kiện Gemadept ra TAND TP.HCM đòi bồi thường 8,4 tỷ đồng. Theo Cơ điện Thủ Đức, tháng 10-2006, công ty này ký hợp đồng thuê Gemadept vận chuyển một máy biến áp 63 MVA nặng 115 tấn từ TP.HCM ra Hà Nội bằng đường biển với giá 620 triệu đồng. Cùng ngày, Gemadept cũng mua bảo hiểm cho lô hàng với giá trị 8,4 tỷ đồng.

Nửa tháng sau, Cơ điện Thủ Đức nhận được hung tin từ Gemadept rằng máy biến áp xếp trên tàu trong lúc đi từ cảng Sài Gòn ra cảng Hải Phòng đã rơi xuống biển Đà Nẵng. Qua giám định, nguyên nhân máy rơi xuống biển là do lỗi của thuyền viên trong việc xếp hàng, chằng buộc hàng hóa.

Dựa vào hợp đồng vận chuyển giữa hai bên, Cơ điện Thủ Đức yêu cầu Gemadept bồi thường tổn thất bằng giá trị bảo hiểm máy biến thế. Tuy nhiên, phía Gemadept cho rằng vào ngày vận chuyển, thời tiết xấu và có bão tại vùng biển Đà Nẵng khiến máy biến thế từ tàu rơi xuống biển. Cạnh đó, theo Bộ luật Hàng hải năm 2005 thì Cơ điện Thủ Đức không có cơ sở đòi bồi thường bởi đã không khai báo số tiền 8,4 tỷ đồng khi bốc hàng và cũng không được ghi vào vận đơn như là giá trị máy biến áp…

.

Luật sư tư vấn luật Đất đai qua điện thoại gọi số:  –

 

Bên vận chuyển có lỗi

Tháng 9-2008, tại phiên xử sơ thẩm của TAND TP.HCM, hai bên vẫn giữ nguyên quan điểm, riêng Gemadept có thêm yêu cầu phản tố.

Theo Gemadept, trước đó để thể hiện thiện chí giúp Cơ điện Thủ Đức trong lúc khó khăn, Gemadept đã ứng cho công ty này bốn tỷ đồng, nay Gemadept yêu cầu được nhận lại. Ngoài ra, Gemadept còn bảo theo quy định, người vận chuyển được miễn trách nhiễm bồi thường vì lỗi gây ra do thuyền viên trong việc xếp hàng, chằng buộc hàng hóa.

Theo TAND TP, dựa vào hợp đồng thì bên vận chuyển có trách nhiệm chằng buộc hàng hóa, phương tiện đảm bảo an toàn tuyệt đối trong suốt quá trình bốc xếp, vận chuyển, kích kéo máy biến áp. Nếu xảy ra hư hỏng hay mất mát hàng hóa do lỗi của bên vận chuyển thì phải bồi thường 100% giá trị hàng hóa và các chi phí liên quan khác.

Theo kết luận giám định, nguyên nhân mất hàng hóa là do lỗi của bên vận chuyển. Do đó, muốn được miễn trừ hoàn toàn trách nhiệm theo quy định của Bộ luật Hàng hải thì Gemadept phải chứng minh mình không có lỗi, những người làm công cũng không có lỗi hoặc không cố ý gây ra mất mát hàng hóa. Tuy nhiên, từ quá trình hòa giải cho đến khi xét xử, Gemadept đều không chứng minh được.

Về mặt ý chí và hành vi, theo tòa, Gemadept cũng đã bồi thường thiệt hại một phần cho Cơ điện Thủ Đức thông qua việc chuyển bốn tỷ đồng. Gemadept nại rằng đây chỉ là tiền hỗ trợ là không có cơ sở vì tiền được Gemadept chuyển thông qua hình thức thanh toán điện tử liên thông ngân hàng. Trong đó, nội dung thể hiện là bồi thường thiệt hại tổn thất sự cố máy biến thế.

Việc Gemadept cho rằng nhân viên kế toán thực hiện chuyển tiền, không phải do người có thẩm quyền quyết định nên không phải là tiền bồi thường càng không thể chấp nhận. Bởi theo thỏa thuận ba bên (Cơ điện Thủ Đức, Gemadept và công ty bảo hiểm) tại cuộc họp về phương án giải quyết khắc phục hậu quả, nếu tổn thất không thuộc trách nhiệm của bên bảo hiểm thì Gemadept phải làm việc với Cơ điện Thủ Đức để xác định phương án, thời gian bồi thường. Sau đó, công ty bảo hiểm đã có văn bản từ chối bảo hiểm nên việc Gemadept chuyển tiền bồi thường cho Cơ điện Thủ Đức là hợp lý. Hơn nữa, nhân viên kế toán không thể tự ý chi bốn tỷ đồng nếu không có lệnh của chủ tài khoản như pháp luật về tài chính quy định. Chưa kể trước đó, Cơ điện Thủ Đức không hề có văn bản hay trực tiếp gợi ý Gemadept “hỗ trợ khó khăn”.

Ngoài ra, Gemadept cho rằng Cơ điện Thủ Đức không khai báo cho biết giá trị của máy, không được Gemadept chấp nhận ghi vào vận đơn nên không có cơ sở đòi bồi thường 8,4 tỷ đồng cũng bị tòa bác. Theo tòa, Cơ điện Thủ Đức đã thông báo giá trị, trọng lượng hàng hóa để Gemadept mua bảo hiểm cho lô hàng. Trước khi nhận hàng, Gemadept không yêu cầu cơ quan giám định tiến hành giám định và cũng không chứng minh có sự nghi ngờ về tính trung thực của hàng hóa. Vì vậy, việc không ghi vào vận đơn của Gemadept không phải là lỗi của Cơ điện Thủ Đức nên không thể áp dụng điều khoản giới hạn trách nhiệm của người vận chuyển theo Bộ luật Hàng hải.

Phải bồi thường toàn bộ

Từ các phân tích trên, TAND TP đã bác yêu cầu đòi lại “tiền hỗ trợ” của Gemadept, buộc công ty này bồi thường tiếp 4,3 tỷ đồng cho Cơ điện Thủ Đức.

Ngay sau đó, Gemadept đã kháng cáo toàn bộ bản án. Tại phiên phúc thẩm mới đây, những lập luận của Gemadept một lần nữa bị tòa bác. Tòa phúc thẩm còn nêu thắc mắc: Vì sao một máy biến áp nặng 115 tấn rơi xuống biển mà không ai trên thuyền hay biết, thuyền không chao đảo? Vì sao lại đặt máy trên tàu mà không ràng buộc khi vận chuyển để hạn chế tối đa việc mất mát? Thắc mắc của tòa đã không nhận được câu trả lời. Cạnh đó, tòa cũng không chấp nhận lý lẽ của Gemadept khi cho rằng không thể quản lý được đội ngũ thuyền viên khi vận chuyển…

Cuối cùng, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM đã tuyên y án sơ thẩm.

Miễn hoàn toàn trách nhiệm của người vận chuyển

Người vận chuyển được miễn hoàn toàn trách nhiệm nếu tổn thất hàng hóa xảy ra do nguyên nhân mà người vận chuyển không có lỗi hoặc không cố ý gây ra tổn thất hoặc không phải do người làm công, đại lý của người vận chuyển có lỗi gây ra.

Giới hạn trách nhiệm của người vận chuyển

Trong trường hợp chủng loại và giá trị hàng hóa được người giao hàng khai báo trước khi bốc hàng và được người vận chuyển chấp nhận, ghi vào chứng từ vận chuyển thì người vận chuyển chịu trách nhiệm bồi thường mất mát, hư hỏng hàng hóa trên cơ sở giá trị đó theo nguyên tắc hàng hóa bị mất mát thì bồi thường bằng giá trị đã khai báo.

(Theo Điều 78, Điều 79 Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2005)

SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM – HOÀNG YẾN

Trích dẫn từ: http://www.phapluattp.vn/

(MKLAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

————————————————
THAM KHẢO DỊCH VỤ PHÁP LÝ LIÊN QUAN:

1. Tư vấn pháp luật về thuế;
2.Tư vấn đăng ký chất lượng hàng hóa;
3. Dịch vụ kê khai báo cáo thuế hàng tháng;
4. Kế toán thuế cho doanh nghiệp mới thành lập;
5. Tư vấn pháp luật thương mại quốc tế và thuế;

6. Dịch vụ luật sư tư vấn pháp luật thường xuyên;
7. Dịch vụ kế toán thuế thường xuyên cho doanh nghiệp;

8. Luật sư tư vấn pháp luật Tài Chính, Thuế và Ngân Hàng;

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *