"Bình đẳng" là một trong những nguyên tắc cơ bản trong giao dịch dân sự, được thể hiện bằng sự tự do trao đổi, thỏa thuận giữa các bên. Theo đó, việc giải quyết tranh chấp loại quan hệ này cũng phải dựa trên tinh thần ấy. Thế nhưng, trên thực tế khi giải quyết các giao dịch dân sự có một bên tham gia là cơ quan Nhà nước, sự bình đẳng có thực sự được tôn trọng (?)

Năm 1966, ngôi nhà 28 phố Quang Trung, quận Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội (thuộc quyền sở hữu của ông Trần Khắc Viên và vợ là bà Lý Thị Sinh) là một trong những ngôi nhà được chính quyền thông báo nằm trong khu vực thành phố quyết định sẽ xây dựng công trình chỉ đạo phòng không chiến đấu (ngôi nhà này, ông bà Viên đã cho Bệnh viện C thuê từ năm 1959, còn ông bà thì tự đi thuê 2 buồng 42 m2 tại tầng 2 nhà 42B Trần Xuân Soạn để ở – PV). Trước yêu cầu khẩn cấp của TP.Hà Nội và vì lợi ích dân tộc, ông bà đã phải chấp nhận cho TP. thuê toàn bộ ngôi nhà của mình để phục vụ cho chiến tranh. Tuy nhiên, sau khi thuê nhà 28 Quang Trung, TP. đã không sử dụng vào mục đích quốc phòng như thông báo mà lại cho một số cơ quan vào làm việc tạm thời trong thời gian chiến tranh, sau đó sắp xếp cho một số hộ gia đình đến ở.

Từ năm 1976, ông bà Viên đã nhiều lần viết đơn đề nghị UBND TP.Hà Nội trả lại nhà 28 Quang Trung cho gia đình vì chiến tranh đã chấm dứt, nhưng không có kết quả.

Ngày 29.5.1982, UBND TP.Hà Nội ra Quyết định số 2015/QĐ-UB chuyển đổi ngôi nhà 28 Quang Trung bằng ngôi nhà 42B Trần Xuân Soạn để trả cho ông bà Viên, với lý do: nhà 28 Quang Trung vẫn nằm trong khu vực trực chiến phòng không của TP. Vì lợi ích quốc gia, ông bà Viên buộc phải chấp nhận yêu cầu này của UBND TP.Hà Nội. Tuy nhiên, vào thời điểm ấy, nhà 42B Trần Xuân Soạn đang có một số hộ ở thuê và các hộ này không chịu dời đi nên UBND TP.Hà Nội đã không thể bàn giao được nhà 42B Trần Xuân Soạn theo tinh thần của Quyết định số 2015/QĐ-UB cho gia đình ông Viên.

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi:  –

Để đảm bảo diện tích tạm sinh hoạt cho gia đình ông Viên và để có thể tiếp tục thực hiện việc đổi nhà, UBND TP.Hà Nội đã đẩy trách nhiệm thu hồi căn nhà 42B Trần Xuân Soạn cho gia đình ông bằng cách: cho gia đình thuê hai căn hộ số 203 nhà M6B Trương Định và số 401B8b Kim Liên để gia đình ông dùng chính hai căn hộ này mà tự thương lượng đổi nhà với các hộ đang thuê ở 42B Trần Xuân Soạn. Với sự sắp đặt này, gia đình ông Viên đã phải tiến hành đàm phán nhiều lần với các hộ thuê nhà 42B Trần Xuân Soạn nhưng các hộ này vẫn không chịu di chuyển. Sau đó, UBND TP.Hà Nội lại bán nhà cho những hộ đang thuê ở 42B Trần Xuân Soạn theo Nghị định 61/CP! Để tạo ra điều kiện tương đương cho việc đổi nhà 42B Trần Xuân Soạn, năm 2005, ông bà Viên đã phải tiến hành mua lại căn hộ ở Kim Liên theo Nghị định 61/CP để tiếp tục việc đổi nhà với các hộ ở 42B Trần Xuân Soạn. Tuy nhiên, việc đổi nhà với các hộ ở 42B Trần Xuân Soạn vẫn không thực hiện được. Quyết định số 2015/QĐ – UB vì thế không thể và không có khả năng thực hiện. Gia đình ông Viên lại tiếp tục viết đơn gửi UBND TP.Hà Nội, các cơ quan chức năng yêu cầu hủy bỏ thỏa thuận đổi nhà trước đây.

Nhằm khắc phục sai phạm trong suốt 25 năm, ngày 13.7.2007, UBND TP.Hà Nội đã đồng ý hủy bỏ thỏa thuận đổi nhà bằng việc ra Quyết định số 2879/QĐ-UBND và ngày 14.02.2008, UBND TP.Hà Nội ra tiếp Quyết định số 642/QĐ-UBND về việc điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 2879/QĐ-UBND. Nội dung cơ bản của 2 Quyết định này là thu hồi Quyết định số 2015/QĐ-UB ngày 29.5.1982. Bên cạnh đó, TP. công nhận ngôi nhà 28 Quang Trung vẫn thuộc sở hữu của ông bà Viên; chuyển các hộ đang thuê ở tại nhà 28 Quang Trung đến các diện tích nhà đất khác tương đương và phù hợp với chính sách nhà ở.

Nhưng, đến nay, gia đình ông Viên vẫn chưa được nhận lại ngôi nhà của mình bởi hai hộ đang ở tại 28 Quang Trung vẫn không chịu thi hành các Quyết định trên của UBND TP.Hà Nội và liên tục khiếu nại lên các cấp các ngành.

Khi trao đổi với chúng tôi, luật sư Nguyễn Quang Anh, Văn phòng luật sư Sao Việt – Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng: Bản chất các Quyết định 2879/QĐ-UBND và Quyết định 642/QĐ-UBND của UBND TP.Hà Nội là xử lý hai giao dịch dân sự: Giao dịch dân sự thứ nhất – hủy bỏ hợp đồng đổi nhà giữa UBND TP.Hà Nội và gia đình ông Viên; Giao dịch dân sự thứ hai – hủy bỏ hợp đồng cho thuê nhà giữa UBND TP.Hà Nội với hai hộ gia đình đang thuê nhà tại 28 Quang Trung, đồng thời đưa ra những giải pháp về nhà ở để khắc phục hậu quả pháp lý của việc hủy bỏ hợp đồng cho thuê nhà giữa UBND TP.Hà Nội với hai hộ nói trên. Do đó, quan hệ này không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Khiếu nại tố cáo. Và, đây là hai giao dịch dân sự độc lập! Bởi vậy, hai hộ gia đình đang ở tại nhà 28 Quang Trung chỉ có quyền khởi kiện UBND TP.Hà Nội ra Tòa dân sự – TAND.TP Hà Nội về việc tranh chấp hợp đồng cho thuê nhà giữa UBND TP.Hà Nội với hai hộ đó chứ không có quyền can thiệp vào việc hủy bỏ giao dịch dân sự đổi nhà giữa UBND TP.Hà Nội với gia đình ông Viên. Việc Bộ Xây dựng tiếp nhận giải quyết đơn thư khiếu nại của các hộ đang ở tại 28 Quang Trung trong trường hợp này là không đúng về mặt thẩm quyền. Trên thực tế, sau khi thụ lý giải quyết khiếu nại vụ việc của các hộ gia đình đang ở tại nhà 28 Quang Trung, Bộ Xây dựng đã áp dụng cơ chế xử lý như đối với một quan hệ hành chính, cho rằng phải tiếp tục thực hiện Quyết định 2015/QĐ-UB theo các phương án mà Bộ Xây dựng đưa ra khi mà đối tượng của hợp đồng đổi nhà đã không còn (ngôi nhà 42B không còn thuộc quyền sở hữu hoàn toàn của Nhà nước), khi mà các bên đều chưa hề tiến hành bàn giao nhà cho nhau, và đặc biệt, khi mà các bên trong hợp đồng đều không muốn tiếp tục thực hiện nữa. Việc sử dụng mệnh lệnh hành chính – thực hiện quyền lực công nhằm can thiệp vào các thỏa thuận dân sự, ép buộc các bên tiếp tục thực hiện phải chăng là đã trái với bản chất và nguyên tắc tối thượng của giao dịch dân sự, chưa kể tới việc thụ lý vụ việc sai thẩm quyền của Bộ Xây dựng?. Với cách giải quyết này, liệu có hay không sự bình đẳng trong các giao dịch dân sự khi một bên tham gia là chủ thể đặc biệt – cơ quan nhà nước (!?)

Thiết nghĩ, việc UBND TP.Hà Nội đã nghiêm túc khắc phục những sai phạm trong quá khứ khi trả lại ngôi nhà tại số 28 phố Quang Trung cho gia đình ông Viên và giải quyết vấn đề nhà ở cho các hộ đang thuê tại 28 Quang Trung là việc làm đúng pháp luật, đúng chính sách, thực thi, phù hợp với đạo lý, đảm bảo được quyền và lợi ích chính đáng cho tất cả các bên. Các cơ quan chức năng cần ủng hộ và có thái độ nghiêm túc khi giải quyết vụ việc trên để không tiếp tục sai phạm với dân, nhất là đối với gia đình ông Viên – một gia đình có công với cách mạng!

SOURCE: BÁO ĐỜI SỐNG VÀ PHÁP LUẬT

Trích dẫn từ: http://doisongphapluat.com.vn/

(mkLAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

—————————————————

THAM KHẢO DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN:

1. Tư vấn pháp luật lao động;

3. Tư vấn pháp luật lĩnh vực dân sự;

4. Tư vấn luật hành chính Việt Nam;

2. Luật sư riêng cho doanh nghiệp;

5. Dịch vụ luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp tại tòa án.

6. Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp hôn nhân gia đình;

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *