Sáu hộ dân ngụ hẻm 47 Trần Hưng Đạo, quận 5, TP.HCM phản ánh: Hơn 50 năm nay, họ có sử dụng chung một nhánh rẽ của hẻm 47 để làm lối đi. Do nhánh rẽ là đường cùn nên các hộ đã nâng cấp, xây nhiều bồn cây, chậu kiểng làm thành một sân chung trồng nhiều cây xanh.

Quy chuẩn xây dựng hiện hành không quy định việc trổ cửa.

Tự ý trổ nhiều cửa

Lấn cấn phát sinh khi hộ 47/19 (không thuộc sáu hộ trên) xây dựng nhà ở vào tháng 5-2009. Do hông nhà này giáp ranh với nhánh rẽ, mặt tiền nhà quay ra đoạn đầu con hẻm nên trong quá trình thi công, chủ hộ là ông T. đã di dời, phá bỏ cây xanh nhằm mở cửa đi bên hông nhà. Khi bị sáu hộ phản đối, ông T. đã bít cửa hông này. Chừng khi xây lầu thì ông lại tiếp tục mở cửa bên hông trên lầu và cửa sổ nhìn trực diện vào nhà của sáu hộ. Ngoài ra, cửa thông gió phòng vệ sinh của nhà ông T. còn hướng thẳng vào nhà 47/28.

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi: 

Theo một hộ dân, khi khởi công xây dựng thì ông T. có trao đổi với các hộ về việc trổ cửa sổ và cửa hông, đồng thời yêu cầu các hộ dọn dẹp cây xanh. Nhưng sáu hộ không chấp thuận cho trổ cửa. Bởi làm vậy thì hẻm sẽ bị thu hẹp và các cây xanh cũng bị phá hỏng. Nhưng viện lẽ đã được cấp phép xây dựng, ông T. vẫn cứ theo kế hoạch mà làm.

Không còn cách nào khác, sáu hộ đã khiếu nại đến UBND phường 6 và UBND quận 5. Ngày 25-5, đại diện Phòng Quản lý đô thị quận 5 đã mời hai bên đến làm việc và yêu cầu sáu hộ dân đồng ý cho ông T. trổ cửa sổ với điều kiện “cách mặt đất 2,5 m trở lên, chỉ được trổ ít cửa sổ và không mở trực diện nhìn thẳng sang nhà các hộ”. Sau đó, đại diện của Thanh tra xây dựng quận 5 có biên bản lưu ý: Theo bản vẽ kèm theo giấy phép xây dựng thì nhà 47/19 không có cửa hông lẫn cửa sổ. Nhưng để dễ đón nắng, ông T. được trổ ba cửa sổ.

Chưa có cơ sở điều chỉnh

Trong hai công văn trả lời khiếu nại của sáu hộ dân, UBND quận 5 cho biết: Quyết định 04 ngày 3-4-2008 của Bộ Xây dựng không khống chế việc mở cửa sổ tại hẻm công cộng. Quy chuẩn xây dựng Việt Nam năm 2008 chỉ quy định “khi thiết kế nhà ở liên kế, việc mở cửa sổ tại các phòng chức năng phải đảm bảo tính riêng biệt cho mỗi căn nhà” (khoản 5.5.1). Tiếp nữa, theo Công văn 5673 ngày 20-7-2009 của Sở Xây dựng, nhà ở và công trình xây dựng trong khu quy hoạch cải tạo các khu vực cũ trong đô thị phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu đến ranh đất kề cận từ 2 m trở lên. Như vậy, hộ 47/19 không làm sai quy định trong việc trổ cửa sổ tại hẻm 4 m. Tất nhiên, việc mở cửa phải đảm bảo tính riêng biệt cho mỗi căn nhà.

Đáng lưu ý, cả hai công văn đều chưa thể hiện rõ ông T. có được phép mở cửa hông hay không. Riêng với lưu ý trên của Thanh tra xây dựng quận 5 (chỉ được mở tối đa ba cửa sổ), ông T. đã mở đến tám cửa sổ và hai cửa bên hông lại nhìn trực diện vào nhà của sáu hộ dân làm ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.

Ông Huỳnh Thiện Triết, Phó phòng Quản lý đô thị quận 5, thừa nhận: Rất khó ra công văn yêu cầu ông T. bít cửa sổ vì không có quy định về việc này. Trong khi đó, Công văn 5673 của Sở Xây dựng lại cho phép “công trình xây dựng có khoảng cách đến ranh đất của hộ liền kề từ 2 m trở lên được trổ cửa sổ”.

“Để đảm bảo được sự riêng tư của các hộ lân cận, phòng đã đề nghị Thanh tra xây dựng quận phối hợp với UBND phường buộc ông T. phải lắp gạch kính (không nhìn thấy bên ngoài) đối với các cửa sổ theo đúng thiết kế. Sắp tới, nếu ông T. không thực hiện việc này thì phòng sẽ xin ý kiến xử lý của UBND quận” – ông Triết nói.

Trước chi tiết, nay không

Theo Điều 7 Quy chuẩn xây dựng Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 682 ngày 14-12-1996 của Bộ Xây dựng, chủ sở hữu nhà chỉ được trổ cửa sổ, cửa đi, lỗ thông hơi, lỗ thông gió theo quy định sau:

– Từ tầng hai (lầu một) trở lên, trên các bức tường cách ranh giới đất với công trình bên cạnh dưới 2 m không được mở cửa đi, cửa sổ, lỗ thông hơi (chỉ được mở cửa đi, cửa sổ, lỗ thông hơi trên các bức tường cách ranh giới đất với nhà bên cạnh ít nhất 2 m). Khi mở cửa cần có biện pháp tránh tia nhìn trực tiếp vào nội thất nhà bên cạnh (chắn tầm nhìn hoặc bố trí so le các cửa sổ giữa hai nhà).

– Mép ngoài cùng của ban công trông sang nhà hàng xóm phải cách ranh giới đất giữa hai nhà ít nhất là 2 m.

Tuy nhiên, quy chuẩn xây dựng này đã được thay thế bằng Quy chuẩn xây dựng ban hành kèm theo Quyết định 04 ngày 3-4-2008 của Bộ Xây dựng và việc trổ cửa đã không được đề cập đến.

SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM – LINH GIANG

Trích dẫn từ: http://www.phapluattp.vn

 

(MKLAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

THAM KHẢO MỘT SỐ DỊCH VỤ TƯ VẤN LUẬT:

1. Tư vấn tách thửa đất đai;

2. Tư vấn pháp luật đất đai ;

3. Tư vấn cấp lại sổ đỏ bị mất ;

4. Tư vấn mua bán, chuyển nhượng đất đai ;

5. Tư vấn đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ;

6. Tư vấn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do trúng đấu giá ;

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *