Kính gửi Luật sư: Tôi và chồng tôi kết hôn vào tháng 3/2013. Quá trình chung sống từ đó đến nay, chúng tôi không tìm được điểm hòa hợp mà chỉ thấy trái ngược nhau về mọi mặt, từ quan điểm sống, nhận thức, tư duy, sở thích. Những bất đồng trên khiến vợ chồng tôi thường xuyên cãi vã. Một số lần xung đột, chồng tôi còn đánh tôi dù rằng tôi đang bế con. Về con cái: Chúng tôi có 2 con chung, bé gái lớn 29 tháng, bé trai nhỏ 6 tháng.
Về tài sản: – Tài sản chung: 1 ngôi nhà cấp 4 được xây trên lô đất 60m2 mua theo diện quân nhân sau kết hôn và các tài sản khác phục vụ sinh hoạt. Để có tài sản này, chúng tôi phải chi khoảng 320 triệu. – Tài sản riêng: + Tài sản của chồng: Chiếc xe máy chồng tôi đang sử dụng: Tuy được mua trước khi kết hôn nhưng do chồng tôi mua nợ, đến khi sinh con đầu lòng (tháng 11/2013) mới hết nợ. + Tài sản của vợ gồm có: . 1 chiếc xe máy tôi hiện đang sử dụng, mua trước kết hôn. . 4 gian nhà trọ cấp 4 trên 1 lô đất 74m2 do bố mẹ tôi chia cho từ phần tài sản của bố mẹ từ trước khi kết hôn, hiện bố mẹ đẻ tôi đang trông nom giúp vì được tách ra từ phần đất bố mẹ tôi đang sinh sống. Về công việc: Chồng tôi là bộ đội, lái xe thường xuyên phải công tác đột xuất. Còn tôi là công an, làm việc theo giờ hành chính; Về thu nhập: Chồng tôi thu nhập 6 triệu/tháng từ lương; tôi thu nhập từ lương 9 triệu/tháng và thu nhập từ nhà trọ cho thuê trên phần tài sản riêng khoảng 3 triệu/tháng (tổng là khoảng 12 triệu/tháng) Về công nợ: Hiện chúng tôi còn nợ 70 triệu trong đó 60 triệu tiền mua nhà và đất và 10 triệu khám chữa bệnh cho con do chồng tôi ít đưa tiền sinh hoạt phí. Về sinh hoạt: – Các ngày nghỉ làm do chế độ đẻ, ngày lễ tết, cuối tuần, chúng tôi thường sinh hoạt tại ngôi nhà chung vì nhà này gần nơi chồng tôi công tác. Còn các ngày đi làm, chúng tôi sang bên ngoại để tiện tôi vừa công tác vừa có thể chăm sóc tốt cho vì bên đó điều kiện chăm sóc tốt hơn, gần nơi công tác và cũng là nơi tôi và các cháu đăng ký hộ khẩu, tiện cho việc học tập của các cháu sau này. – Sinh hoạt phí của gia đình, trong thời gian từ kết hôn đến khi sinh con, chồng tôi không đưa lương hàng tháng mà để trả nợ xe máy, chúng tôi sống bằng tiền lương của tôi và các thu các khoản đồng nghiệp nợ của tôi từ trước khi kết hôn. Khi mua nhà, chồng tôi có đưa 20 triệu là các khoản thu ngoài lương của chồng. Sau khi sinh con đầu tiên đến thời điểm chồng tôi còn ở đội xe, chồng tôi có đưa tiền sinh hoạt phí hàng tháng, chúng tôi đã tích cóp trả dần được 1 phần công nợ. Xét về đóng góp, có thể coi thời gian từ khi kết hôn đến trước khi chồng tôi lên ban xe, chồng tôi có trách nhiệm với gia đình. Còn từ sau khi lên ban xe, chồng tôi không đưa sinh hoạt phí nữa. Nhiều lúc đi làm về chồng tôi thường than: Tiền lo sơn xe, sửa xe, ủng hộ việc nọ, quỹ kia, phải tạm ứng tiền công tác… Tôi vướng bận con cái không thể đi chợ, các thu nhập của tôi đều đưa cho chồng để chi tiêu nhưng không để ra được đồng nào để trả nợ ngoài việc lắp 1 chiếc điều hòa. Riêng việc mua TV là khoản tiền chế độ đẻ. Tôi biết, chồng tôi còn dùng số tiền này để đánh bạc vì đã có người nhắn tin đòi nợ tiền đánh đề đến máy điện thoại của chồng tôi mà tôi vô tình bắt được. Về điều kiện chăm sóc con cái: Chồng tôi thường xuyên công tác đột xuất, chế độ quân nhân phải thường xuyên ứng trực tại đơn vị, bố mẹ chồng ở xa không thể hỗ trợ. Việc chăm sóc, dạy dỗ con cái không thể được như tôi, nhất là những lúc chồng tôi đi công tác, nếu con tôi được chồng nuôi thì sẽ không thể chăm sóc con cái khi đó. Ngược lại, tôi có nhiều điều kiện để chăm sóc con cái tốt hơn chồng (Có ông bà ngoại hỗ trợ, có thời gan, kinh tế… Nơi học tập của các cháu sau này cũng gần nơi tôi công tác). Về nhân phẩm, tư cách: Chồng tôi là 1 người bạo lực, anh đánh tôi nhiều lần. Nếu cuộc sống hôn nhân vẫn tiếp tục duy trì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của tôi. Bên cạnh đó, chồng tôi là 1 người cờ bạc (đánh đề qua nhắn tin điện thoại). Chính vì đề đóm, anh hạn chế đóng góp sinh hoạt phí, việc trang trải nợ nần nhà cửa, sinh hoạt và chữa trị lúc con cái ốm đau phần nhiều cho tôi. Nếu để anh nuôi con, bản tính côn đồ và đam mê cờ bạc ảnh hưởng trực tiếp đến hình thành nhân cách và điều kiện vật chất của con. Về tài sản chung, chồng tôi muốn chia đôi. Về con cái, chồng tôi muốn nuôi cháu lớn. Còn với tôi, tôi muốn được nuôi cả 2 con vì không yên tâm khi con tôi sống với người có nhân phẩm tư cách như chồng tôi. Về tài sản, tôi muốn được phân chia theo tỷ lệ đóng góp cho gia đình. Với điều kiện, hoàn cảnh của tôi ở trên, tôi muốn toàn quyền nuôi 2 con, tôi cần phải thu thập tài liệu gì gì và làm để tòa án xét cho tôi nuôi 2 con và đảm bảo các quyền lợi khác cho tôi và các cháu.
Trân trọng cám ơn Luật sư.
Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật hôn nhân Nptlawyer.com ;
Luật sư tư vấn về pháp luật hôn nhân, gọi:
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Nptlawyer.com ;. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
Cơ sở pháp lý:
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;
Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2004; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự 2011
Nội dung tư vấn:
Nuôi con
Theo quy định tại khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: "Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con." Xét trường hợp của bạn thì bạn đủ điều kiện để nuôi cả hại bé sau khi ly hôn khi chứng minh được đủ điều kiện tài chính và việc chăm sóc hai bé khi ở với mẹ đảm bảo sự phát triển của hai bé tốt hơn đối với ở với bố người bố .
Bạn hỏi về việc thu thập tài liệu chứng cứ thì bạn cần mang theo giấy khai sinh chứng minh hai bé, dưới 36 tháng tuổi và chứng minh được tiềm lực tài chính điều kiện ăn ở sinh hoạt của hai bé khi ở với mẹ theo các loại chứng cứ quy định sau đây.
Theo quy định tại Điều 81 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2011 "Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cá nhân, cơ quan, tổ chức khác giao nộp cho Tòa án….". Điều 82 Bộ luật tố tụng dân sự 2011 quy định về nguồn chứng cứ:
Điều 82. Nguồn chứng cứ
Chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau đây:
1. Các tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được;
2. Các vật chứng;
3. Lời khai của đương sự;
4. Lời khai của người làm chứng;
5. Kết luận giám định;
6. Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ;
7. Tập quán;
8. Kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản;
9. Các nguồn khác mà pháp luật có quy định.”
Phân chia tài sản sau khi ly hôn:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 33 luật hôn nhân gia đình.
Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng
1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
Điều 59. Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn
…………….
2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:
a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
3. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.
Trước tiên việc phân chia tài sản sau ly hôn, thì bạn cần cân nhắc tới hai loại tài sản là tài sản trước hôn nhân và tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân, việc phân chia là chia đôi đối với tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân nhưng có tính tới công sức đóng góp của từng vợ, chồng, vậy bạn có thể viện dẫn việc đó trước tòa hoặc có các giấy tờ liên quan để chứng minh việc bạn đóng góp nhiều hơn ( việc chứng mình này không dễ ).
Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo.
Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng.
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: hoặc gửi qua email: npttrinhlaw@gmail.com để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Nptlawyer.com ;.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận luật sư hôn nhân.