Chào Nptlawyer.com ;, Xin tư vấn giúp em vấn đề như sau, em xin chân thành cảm ơn Anh/Chị. Em và chồng đã ly thân 22 tháng, nay anh ấy đưa đơn ly hôn, xin tư vấn giúp em:

1. Khi ly hôn chồng em có trách nhiệm chu cấp cho con trong thời gian ly hôn không (vì trong thời gian ấy chồng em không hề chu cấp, thăm hỏi vợ con), em ở nhà ngoại.

2. Em muốn anh ấy chu cấp một lần cho đến khi con em 18 tuổi có được không (vì em cũng không muốn liên hệ với anh ấy nữa)

3. Giấy thoả thuận viết tay mà chồng em viết sẽ trả số tiền vàng cưới cho em trước toà có giá trị không (giấy viết tháng 12/2014)

4. Em là nhân viên kế toán cho anh, khi sinh con em được hưởng chế độ thai sản và số tiền đó chuyển khoản vào tài khoản công ty, vậy khi ly hôn em có được lấy lại không.

5. Trong quá trình chung sống 2 vợ chồng kinh doanh chúng em có mua một xe tải nhỏ bằng giấy tay đứng tên chồng nay xe đó vẫn còn nhưng em không giữ giấy viết tay đấy, vậy có được chia tài sản ấy không.

6. Liệu em có được trả tiền khi làm kế toán cho chồng không.

7. Trong thời gian sống chung anh có thực hiện 1 Hợp đồng kinh tế và có mượn tiền của bên ngoại để thực hiện HĐ này (nay đã trả rồi) nhưng mượn miệng và chuyển khoản vào số CMND của em thì có được chia lợi nhuận từ hợp đồng ấy không.

Xin tư vấn giúp em vì hiện tại em rất khó khăn về tài chính trong khi chồng em bảo sẽ không trả em một đồng vì thời gian em sống với anh ấy việc em ăn, ở, đẻ là do anh ấy lo hết rồi. Chúng em chỉ sống với nhau 01 năm 03 tháng (con em được 05 tháng là nảy sinh mâu thuẫn và về bên ngoại.) 

Em xin cảm ơn.

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn pháp luật hôn nhân của Nptlawyer.com ;

Luật sư tư vấn pháp luật Hôn nhân và Gia đình gọi: 

Trả lời:

 

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Nptlawyer.com ;. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

Cơ sở pháp lý:

Luật hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13 của Quốc hội

Nội dung tư vấn:

1. Về vấn đề cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn:

Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:

Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

Sau khi ly hôn, cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi dưỡng con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con theo điều 82 Luật hôn nhân và gia đình 2014 như sau:

"Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó."

Như vậy, con bạn mới được 5 tháng tuổi thì quyền nuôi con thuộc về bạn trừ khi bạn không đủ điều kiện hoặc bị tước quyền nuôi con, và khi bạn nuôi con thì chồng bạn không trực tiếp nuôi con phải thực hiện cấp dưỡng cho con.

Theo điều 110 Luật hôn nhân gia đình năm 2014:

"Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con."

Theo điều 116,117 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 về mức và phương thức cấp dưỡng:

"1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

2. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết."

"Việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần.

Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết."

Bạn và chồng bạn có thể thỏa thuận về mức cấp dưỡng và phương thức cấp dưỡng một lần cho con khi con của bạn được 18 tuổi.

2. Về giấy thỏa thuận viết tay:

Theo điều 46 Luật hôn nhân gia đình 2014 về tài sản chung của vợ chồng như sau:

"Điều 46. Nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung

1. Việc nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung được thực hiện theo thỏa thuận của vợ chồng.

2. Tài sản được nhập vào tài sản chung mà theo quy định của pháp luật, giao dịch liên quan đến tài sản đó phải tuân theo hình thức nhất định thì thỏa thuận phải bảo đảm hình thức đó.

3. Nghĩa vụ liên quan đến tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung được thực hiện bằng tài sản chung, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác."

Như vậy, nếu số tiền vàng cưới của bạn được gộp vào tài sản chung của vợ chồng mà bạn thỏa thuận với chồng bạn về việc trả lại tài sản đó cho bạn thì thỏa thuận này được coi là thỏa thuận chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân. Theo điều 38 Luật hôn nhân gia đình 2014:

"Điều 38. Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân

1. Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung, trừ trường hợp quy định tại Điều 42 của Luật này; nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

2. Thỏa thuận về việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản. Văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật.

3. Trong trường hợp vợ, chồng có yêu cầu thì Tòa án giải quyết việc chia tài sản chung của vợ chồng theo quy định tại Điều 59 của Luật này."

Như vậy, thỏa thuận này được công chứng theo yêu cầu của vợ hoặc chồng, có nghĩa là không bắt buộc phải công chứng. Theo quy định của pháp luật thì hiện tại không có quy đinh nào về việc văn bản trả lại tài sản phải công chứng cả, cho nên thỏa thuận này có giá trị pháp lý.

3. Về vấn đề tài sản khi vợ chồng cùng thực hiện kinh doanh:

Theo điều 33 luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định:

"Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng

1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung."

Theo điều 59 Luật hôn nhân và gia đình 2014 về nguyên tắc phân chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn như sau:

"Điều 59. Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn

1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.

Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.

2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

3. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.

4. Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.

Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

5. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

6. Tòa án nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn Điều này."

– Đối với số tiền hưởng chế độ thai sản thì theo quy định trên thì tài sản chung của vợ chồng bao gồm cả thu nhập do lao động và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân cho nên số tiền được hưởng chế độ thai sản đó được coi là tài sản chung và bạn sẽ được chia số tiền đó khi ly hôn.

– Đối với tài sản là xe tải, nếu vợ chồng bạn thỏa thuận là dùng tài sản chung để mua chiếc xe đó thì chiếc xe là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp nếu chồng bạn chứng minh được đó là tài sản riêng thì mới không được chia.

– Đối với số tiền lợi nhuận từ hợp đồng kinh tế của chồng bạn thì theo quy định tại điều 33 Luật hôn nhân gia đình nêu trên thì số tiền đó là thu nhập do hoạt động sản xuất, kinh doanh của chồng bạn trong thời kỳ hôn nhân nên là tài sản chung của vợ chồng và được chia đôi.

– Đối với việc trả lương khi làm kế toán cho chồng:

+ Nếu bạn ký hợp đồng lao động với chồng bạn thì khi ly hôn, bạn vẫn làm việc cho công ty của chồng bạn thì bạn vẫn được trả lương.

Nếu sau khi ly hôn, bạn không làm việc nữa thì bạn chấm dứt hợp đồng lao động, nếu việc chấm dứt hợp đồng đúng pháp luật thì bạn sẽ được trả lương nếu còn thiếu, trả các khoản trợ cấp thôi việc nếu bạn có thời gian làm việc từ đủ 12 tháng trở lên.

Bạn có thể tham khảo các bài viết về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động dưới đây:

Tư vấn về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động ?

Khoản bồi thường khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động được quy định như thế nào?

+ Nếu bạn làm việc cho chồng mà không ký hợp đồng lao động, (nhưng bạn vẫn đóng bảo hiểm xã hội (có thể là bảo hiểm xã hội tự nguyện)) thì việc bạn làm việc cho chồng tạo ra thu nhập trong thời kỳ hôn nhân thì số tiền đó được coi là tài sản chung. Và bạn sẽ được chia tài sản sau khi ly hôn.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo.

Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số:  hoặc gửi qua email: npttrinhlaw@gmail.com để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Nptlawyer.com ;.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận Luật sư Tư vấn pháp luật hôn nhân.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *