Mới đây, TAND một quận tại TP.HCM đã trả đơn trong một vụ xin ly hôn khá lạ: Cha mẹ của một người đàn ông bị tâm thần đề nghị thay mặt con trai đứng đơn khởi kiện và tham gia tố tụng tại tòa nhằm giúp người con dâu được tự do, có cơ hội đi lấy chồng khác.

TÙNG CHI

Pháp luật chưa điều chỉnh tình huống nếu vợ hoặc chồng bị tâm thần thì cha, mẹ người bệnh có quyền đại diện đứng đơn xin ly hôn và tham gia tố tụng hay không. Ngành tòa án từ chối giải quyết trong khi thực tế đã xuất hiện không ít trường hợp tương tự…

Giải thoát cho con dâu

Người con dâu trong vụ này là chị G. Theo trình bày của chị, vợ chồng chịlấy nhau được hơn 10 năm, có với nhau hai mặt con. Trước đây, chồng chị hoàn toàn bình thường nhưng sau mấy năm đi làm thuê ở một số nơi về thì thấy có dấu hiệu thần kinh không ổn định. Sau đó người chồng đổ bệnh, ốm liền mấy tháng, khi tạm khỏe lại thì đầu óc không còn minh mẫn như trước, suốt ngày tưng tưng, nói năng lảm nhảm.

Hai năm trước, chị cùng gia đình đưa chồng đến bệnh viện tâm thần khám. Các bác sĩ kết luận chồng chị bị tâm thần nặng. Gần đây, thấy bệnh tâm thần của con trai chữa trị mãi nhưng không hết mà có phần nặng thêm, phía gia đình chồng đã vận động chị G. đứng đơn xin ly hôn để tìm hạnh phúc mới.

Tuy nhiên, do thương chồng và cũng đã lớn tuổi, chị G. không chịu, quyết định ở vậy chăm sóc chồng và các con. Về phía cha mẹ chồng, vì muốn giải thoát cho con dâu khỏi cảnh khổ nên khi vận động không được, họ đã quyết định thay con trai làm đơn “xin ly hôn giùm”.

>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi:  –

 

Luật không cho phép đại diện

Nghiên cứu đơn “xin ly hôn giùm” này, tòa đã giải thích cho cha mẹ chồng chị G. biết là theo Điều 73 Bộ luật Tố tụng dân sự, đối với các vụ án ly hôn không được áp dụng chế độ người đại diện. Tức là phải đích thân chồng hay vợ đứng đơn khởi kiện và tham gia tố tụng chứ không thể nhờ ai thay mặt mình được.

Cha mẹ chồng chị G. vẫn thắc mắc rằng bản thân con trai họ đang bị bệnh tâm thần, làm sao tỉnh táo được như người bình thường mà khởi kiện hay tham gia tố tụng. Họ thương người con dâu đã bao năm vất vả vì chồng vì con, giờ có chồng mà cũng như không. Họ muốn gánh trách nhiệm lo lắng, chăm sóc, nuôi dưỡng con trai để con dâu có cơ hội đi tìm hạnh phúc mới. Chẳng lẽ người con dâu của họ sẽ phải bị giam hãm cả cuộc đời mình với người chồng tâm thần suốt đời suốt kiếp hay sao?

Thông cảm với trường hợp này, thấu hiểu tâm tư của cha mẹ chồng chị G. nhưng cuối cùng tòa vẫn phải trả đơn kiện, từ chối giải quyết vụ án.

Nhiều cách hiểu nhưng vẫn bế tắc

Chuyện nếu vợ hoặc chồng bị tâm thần thì cha, mẹ người bệnh có quyền đại diện đứng đơn xin ly hôn và tham gia tố tụng hay không, pháp luật chưa điều chỉnh. Tại một hội thảo gần đây, lãnh đạo Tòa Dân sự TAND Tối cao cho biết hiện còn nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này.

Quan điểm thứ nhất cho rằng cần áp dụng Điều 64 Bộ luật Dân sự để cử cha, mẹ của người bệnh làm người giám hộ. Họ sẽ đại diện cho con đứng đơn kiện và tham gia tố tụng.

Tuy nhiên, theo Tòa Dân sự TAND Tối cao, việc này trái với Điều 62 Bộ luật Dân sự vì tòa chỉ được cử người giám hộ khi người bệnh chưa có người giám hộ đương nhiên. Trường hợp cụ thể này, người giám hộ đương nhiên theo pháp luật của người bệnh lại chính là vợ hay chồng họ.

Quan điểm thứ hai lại nói nên áp dụng Điều 75 Bộ luật Tố tụng dân sự để chỉ định cha, mẹ người bệnh làm người giám hộ. Nhưng theo Tòa Dân sự TAND Tối cao, làm vậy cũng không được vì chỉ áp dụng được trong trường hợp tòa đã thụ lý vụ án. Tức là nếu vợ hay chồng của người bệnh đứng đơn khởi kiện xin ly hôn và tòa đã nhận đơn thì tòa mới có quyền chỉ định. Một khi tòa chưa thụ lý đơn thì theo Điều 58, Điều 62 Bộ luật Dân sự, chỉ một người duy nhất có quyền giám hộ cho người bệnh là chồng hay vợ của họ.

Cũng theo Tòa Dân sự TAND Tối cao, vợ hay chồng của người bệnh chỉ mất quyền giám hộ khi bản thân họ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác (chưa được xóa án tích) hoặc có bản án xác định họ mất năng lực hành vi dân sự. Khi ấy mới có thể công nhận cha, mẹ của người bệnh có quyền giám hộ, quyền đại diện cho người bệnh để khởi kiện xin ly hôn…

Gần 20 năm không thể ly hôn

Trước đây, Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh trường hợp của ông P., ngụ quận Gò Vấp yêu cầu tuyên bố vợ ông mất năng lực hành vi dân sự để ly hôn nhưng gần 20 năm qua vẫn không được.

Số là vợ chồng ông P. kết hôn năm 1987, có một con gái nhưng vợ ông có biểu hiện tâm thần như bỏ nhà đi, nói lăng nhăng, phá phách, chửi bới, đánh con… 12 năm trước ông xin ly hôn nhưng tòa bác vì tại tòa người vợ nói mình hoàn toàn bình thường. Gần đây, ông yêu cầu tòa tuyên bố vợ mất năng lực hành vi dân sự để ly hôn nhưng tòa năm lần bảy lượt mời đến giải quyết, vợ ông đều kiên quyết không hợp tác. Khổ nỗi luật không cho phép tòa được cưỡng chế khi vợ ông không hợp tác nên vụ án đành phải… treo.

Phải luật hóa

Theo tôi, Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi lần này cần phải quy định chế độ đại diện với các vụ án ly hôn khi chồng hoặc vợ mất năng lực hành vi dân sự. Cụ thể, khi giải quyết về tài sản và con chung mà xét thấy có ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh thì cần phải có người đại diện của họ tham gia. Người đại diện trong trường hợp này, theo tôi, tốt nhất là người giám hộ theo hàng thứ hai của người bệnh, tức cha hoặc mẹ.

Tiến sĩ NGUYỄN VĂN TIẾN, Đại học Luật TP.HCM

Hướng dẫn tạm thời

Thực tiễn cho thấy những vụ xin ly hôn liên quan đến một bên vợ hoặc chồng bị mất năng lực hành vi dân sự không phải ít. Tuy nhiên, các hướng dẫn thì rất thiếu cho nên không có cơ quan nào có thẩm quyền yêu cầu chỉ định người giám hộ thay thế người bị mất năng lực để giải quyết cho dứt điểm vụ ly hôn. Để giải quyết những trường hợp này khi chưa sửa luật, tôi nghĩ cần phải có hướng dẫn cụ thể từ phía TAND Tối cao để tạm thời gỡ vướng.

Một thẩm phán TAND TP.HCM

SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

Trích dẫn từ: http://phapluattp.vn/

(Nptlawyer.com LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

—————————————————-

THAM KHẢO DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN:

1. Tư vấn pháp luật lao động;

3. Tư vấn pháp luật lĩnh vực dân sự;

4. Tư vấn luật hành chính Việt Nam;

2. Luật sư riêng cho doanh nghiệp;

5. Dịch vụ luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp tại tòa án.

6. Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp hôn nhân gia đình;

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *