Tin Tức Tư vấn Giấy phép Tư vấn Lao động

Thủ tục xin cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài tại Việt Nam

CĂN CỨ PHÁP LÝ:

  • Bộ luật Lao động 2012;
  • Nghị định số 140/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018 sửa đổi, bổ sung các nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;
  • Thông tư số 18/2018/TT-BLĐTBXH ngày 30/10/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư liên quan đến thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;
  • Thông tư số 23/2017/TT-BLĐTBXH ngày 15/08/2017 hướng dẫn thực hiện cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam qua mạng điện tử;
  • Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 03/02/2016 quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam;
  • Thông tư số 40/2016/TT-BLĐTBXH ngày 25/10/2016 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 11/2016/NĐ-CPngày 03 tháng 02 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

I. ĐIỀU KIỆN CỦA LAO ĐỘNG LÀ CÔNG DÂN NƯỚC NGOÀI VÀO LÀM VIỆC TẠI VIỆT NAM

(Điều 169 Bộ luật Lao động 2012)

  • Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
  • Có trình độ chuyên môn, tay nghề và sức khỏe phù hợp với yêu cầu công việc;
  • Không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài;
  • Có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp, trừ các trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động.

Lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam theo các hình thức sau:

(Điều 2 Nghị định 11/2016/NĐ-CP)

  • Thực hiện hợp đồng lao động;
  • Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp;
  • Thực hiện các loại hợp đồng hoặc thỏa thuận về kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học kỹ thuật, văn hóa, thể thao, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp và y tế;
  • Nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng;
  • Chào bán dịch vụ;
  • Làm việc cho tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam được phép hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam;
  • Tình nguyện viên;
  • Người chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại;
  • Nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật;
  • Tham gia thực hiện các gói thầu, dự án tại Việt Nam.

II. THỦ TỤC XIN CẤP GIẤY PHÉP LAO ĐỘNG CHO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM:

BƯỚC 1. XIN CHẤP THUẬN NHU CẦU SỬ DỤNG NGƯỜI LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI.

(Khoản 2 Điều 11 Nghị định số 140/2018/NĐ-CP, Khoản 5 Điều 9 Thông tư 18/2018/TT-BLĐTBXH, Điều 6 Thông tư số 23/2017/TT-BLĐTBXH)

Trước ít nhất 30 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài, người sử dụng lao động (trừ nhà thầu) gửi báo cáo giải trình về nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài đến Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Tuy nhiên, kể từ ngày 02/10/2017, người sử dụng lao động còn có thể thực hiện nộp tờ khai và hồ sơ xin chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước qua thông qua cổng thông tin điện tử http://dvc.vieclamvietnam.gov.vn/. Thủ tục cụ thể như sau:

Hồ sơ Mẫu báo cáo giải trình về nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài

Mẫu số 1_giải trình nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài

(Mẫu số 1 tại Thông tư 18/2018/TT-BLĐTBXH)

Cơ quan có thẩm quyền Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

 

Trình tự, thủ tục –          Trước tiên, người sử dụng lao động đăng ký tài khoản tại cổng thông tin điện tử như đã nêu trên.

–          Trước ít nhất 20 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài, người sử dụng lao động (trừ nhà thầu) phải khai thông tin vào tờ khai và nộp báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài, trừ các trường hợp khác theo quy định pháp luật.

–          Trong vòng 12 ngày kể từ ngày nhận được tờ khai và báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài hợp lệ, cơ quan chấp thuận sẽ gửi kết quả qua thư điện tử của người sử dụng lao động. Nếu hồ sơ nộp chưa hợp lệ, cơ quan chấp thuận sẽ ra thông báo nêu rõ lý do chưa chấp nhận.

–          Sau khi nhận được chấp thuận sử dụng lao động nước ngoài, người sử dụng lao động nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện bản gốc báo cáo đến cơ quan chấp thuận.

–          Trong thời hạn không quá 08 giờ làm việc kể từ khi nhận bản gốc báo cáo, cơ quan nhận chấp thuận sẽ trả kết quả chấp thuận cho người sử dụng lao động (có thể nhận kểt quá trực tiếp hoặc bưu điện theo địa chỉ đăng ký của người sử dụng lao động).

Thời gian: 12 ngày.

BƯỚC 2. NỘP HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY PHÉP LAO ĐỘNG CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI

(Điều 10 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP, Điều 6 Thông tư 40/2016/TT-BLĐTBXH, Điều 7 Thông tư số 23/2017/TT-BLĐTBXH, Điều 12 Nghị định số 11/2016, khoản 7 Điều 11 Nghị định 140/2018/NĐ-CP)

Trước ít nhất 15 ngày làm việc, kể từ ngày người lao động nước ngoài dự kiến bắt đầu làm việc cho người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động đó phải nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc.

Tương tự thủ tục xin chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài tại Việt Nam. Hiện nay, người sử dụng lao động còn có thể thực hiện nộp tờ khai và hồ sơ xin cấp giấy phép lao động thông qua cổng thông tin điện tử http://dvc.vieclamvietnam.gov.vn. Thủ tục cụ thể như sau:

Hồ sơ
  • Giấy chứng nhận sức khỏe hoặc giấy khám sức khỏe do cơ quan, tổ chức y tế có thẩm quyền của nước ngoài hoặc của Việt Nam cấp có giá trị trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày ký kết luận sức khỏe đến ngày nộp hồ sơ.
  • Phiếu lý lịch tư pháp hoặc văn bản xác nhận người lao động nước ngoài không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự của nước ngoài cấp. Trường hợp người lao động nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam thì chỉ cần phiếu lý lịch tư pháp do Việt Nam cấp (Lưu ý phải được cấp không quá 06 tháng kể tính đến ngày nộp hồ sơ).
  • Văn bản chứng minh là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật, theo đó nhằm chứng minh trình độ phù hợp với từng công việc tương ứng: bằng cấp, kinh nghiệm …
  • 02 ảnh màu (kích thước 4cm x 6cm, phông nền trắng, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu), ảnh chụp không quá 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ.
  • Bản sao có chứng thực hộ chiếu.
  • Ngoài ra, tùy thuộc vào từng ngành, nghề mà người lao động nước ngoài sẽ làm việc mà hồ sơ sẽ bao gồm các giầy tờ khác theo quy định của pháp luật.
Cơ quan có thẩm quyền Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.
Trình tự, thủ tục –       Trước tiên, người sử dụng lao động đăng ký tài khoản tại cổng thông tin điện tử như đã nêu trên.

–       Trước ít nhất 7 ngày làm việc, kể từ ngày người lao động nước ngoài dự kiến bắt đầu làm việc cho người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động phải khai thông tin vào tờ khai và nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động đến cơ quan cấp giấy phép lao động qua cổng thông tin điện tử.

–       Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động phù hợp với quy định của pháp luật, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài. Trường hợp không cấp giấy phép lao động thì có văn bản trả lời và nêu rõ lý do từ chối.

–       Sau khi nhận được trả lời kết quả hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động là phù hợp với quy định của pháp luật, người sử dụng lao động nộp trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính bản gốc hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động đến cơ quan cấp giấy phép lao động để kiểm tra, đối chiếu và lưu theo quy định.

–       Trong thời hạn không quá 8 giờ làm việc kể từ khi nhận được bản gốc hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động thì cơ quan cấp giấy phép lao động phải trả kết quả cho người sử dụng lao động. Người sử dụng lao động có thể nhận kết quả trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính theo địa chỉ đăng ký của người sử dụng lao động.

–       Lưu ý: Đối với người lao động nước ngoài theo hình thức hợp đồng lao động thì sau khi người lao động nước ngoài được cấp giấy phép lao động thì người sử dụng lao động và người lao động nước ngoài phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản theo quy định của pháp luật lao động Việt Nam trước ngày dự kiến làm việc cho người sử dụng lao động. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ký kết hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải gửi bản sao hợp đồng lao động đã ký kết tới Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã cấp giấy phép lao động đó.

Thời gian: 5 ngày làm việc.

Lưu ý: Các giấy tờ của người nước ngoài cần phải được hợp pháp hóa lãnh sự, sau đó dịch ra tiếng Việt và chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Đối với một số giấy tờ liên quan đến ngành nghề đặc biệt thì phải cung cấp 01 bản chụp kèm theo bản gốc để đối chiếu hoặc 01 bản sao có chứng thực, nếu của nước ngoài thì miễn hợp pháp hóa lãnh sự, nhưng phải dịch ra tiếng Việt và chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.

NPTLAWYER hy vọng tư vấn trên hữu ích cho bạn.

Trân trọng!

*Lưu ý: Nội dung tư vấn nêu trên chỉ nhằm mục đích tham khảo. Tùy từng thời điểm có sự thay đổi về chính sách pháp luật mà nội dung tư vấn có thể được điều chỉnh. Nếu có bất kỳ thắc mắc hoặc góp ý xin vui lòng liên hệ về email: npttrinhlaw@gmail.com. 

Related posts

Một vài khía cạnh pháp lý từ vụ kiện công ty Lý Hải và bài thơ Gánh mẹ

NP Tú Trinh

Tài sản chung của vợ chồng được tính từ khi nào?

NP Tú Trinh

Bỏ hoang đất không sử dụng có thể bị Nhà nước thu hồi?

NP Tú Trinh

Nam có được nghỉ thai sản khi chưa đăng ký kết hôn không?

NP Tú Trinh

Có phải trả nợ nữa không khi chủ nợ đã chết?

NP Tú Trinh

Chi phí du lịch trả cho người thân của người lao động có được tính vào chi phí phúc lợi của người lao động không?

NP Tú Trinh

Toàn văn Hiệp định Thương mại Tự do Liên minh châu Âu (EU) – Việt Nam (EVFTA)

NP Tú Trinh

Năm 2020, công bố thêm 8 án lệ mới

NP Tú Trinh

Báo cáo quá trình thực hiện dự án và một phần dự án chuyển nhượng

NP Tú Trinh

This website uses cookies to improve your experience. We'll assume you're ok with this, but you can opt-out if you wish. Accept Read More