Theo quy định tại khoản 9 Điều 3 Nghị định 52/2013/NĐ-CP thì Sàn giao dịch thương mại điện tử là các website thương mại điện tử cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu website có thể tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên đó.
Để giải thích dễ hiểu hơn thì Sàn giao dịch thương mại điện tử là các website mà theo đó cho phép bất kỳ ai, dù không phải là chủ sở hữu các website đó được phép bán hàng hóa của mình trên đó. Hiện nay có rất nhiều sàn giao dịch thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Sendo, …
Các hình thức hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định của pháp luật bao gồm:
– Website cho phép người tham gia được mở các gian hàng trên đó để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ;
– Website cho phép người tham gia được lập các website nhánh để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ;
– Website có chuyên mục mua bán trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ;
Ngoài ra, đối với các mạng xã hội có một trong các hình thức hoạt động nêu trên thì cũng phải đăng ký dưới hình thức sàn giao dịch thương mại điện tử. (Điều 6 Thông tư 47/2014/TT-BTC).
(Khoản 2 Điều 35 Nghị định 52/2013/NĐ-CP)
Điều kiện đăng ký Sàn giao dịch thương mại điện tử
Theo quy định tại Điều 54 Nghị định 52/2013/NĐ-CP, khoản 2 Điều 10 và Điều 11 Nghị định 08/2018/NĐ-CP, các thương nhân, tổ chức, cá nhân muốn thiết lập website thương mại điện tử bán hàng phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
1. Là thương nhân, tổ chức được thành lập theo quy định pháp luật.
2. Có đề án cung cấp dịch vụ trong đó nêu rõ các nội dung sau:
- Mô hình tổ chức hoạt động, bao gồm hoạt động cung cấp dịch vụ, hoạt động xúc tiến, tiếp thị dịch vụ cả trong và ngoài môi trường trực tuyến;
- Phân định quyền và trách nhiệm giữa thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử với các bên sử dụng dịch vụ. Theo quy định tại Điều 36 Nghị định 52/2013/NĐ-CP thì trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử bao gồm:
- Đăng ký thiết lập website cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định và công bố các thông tin đã đăng ký trên trang chủ website.
- Xây dựng và công bố công khai trên website quy chế hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định tại Điều 38 Nghị định 52/2013/NĐ-CP; theo dõi và bảo đảm việc thực hiện quy chế đó trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
- Yêu cầu thương nhân, tổ chức, cá nhân là người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử cung cấp thông tin theo quy định tại Điều 29 Nghị định 52/2013/NĐ-CP khi đăng ký sử dụng dịch vụ.
- Có cơ chế kiểm tra, giám sát để đảm bảo việc cung cấp thông tin của người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử được thực hiện chính xác, đầy đủ.
- Lưu trữ thông tin đăng ký của các thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử và thường xuyên cập nhật những thông tin thay đổi, bổ sung có liên quan.
- Thiết lập cơ chế cho phép thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện được quy trình giao kết hợp đồng theo quy định tại Mục 2 Chương II Nghị định 52/2013/NĐ-CP nếu website có chức năng đặt hàng trực tuyến.
- Áp dụng các biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh của thương nhân, tổ chức, cá nhân và thông tin cá nhân của người tiêu dùng.
- Có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh về hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
- Hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước điều tra các hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật, cung cấp thông tin đăng ký, lịch sử giao dịch và các tài liệu khác về đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
- Công bố công khai cơ chế giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình giao dịch trên sàn giao dịch thương mại điện tử. Khi khách hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử phát sinh mâu thuẫn với người bán hoặc bị tổn hại lợi ích hợp pháp, phải cung cấp cho khách hàng thông tin về người bán, tích cực hỗ trợ khách hàng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
3. Đã đăng ký thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và được Bộ Công Thương xác nhận đăng ký theo quy định.
Thủ tục và hồ sơ đăng ký Sàn giao dịch thương mại điện tử
Các thương nhân, tổ chức tiến hành truy cập đăng ký trực tuyến với Bộ Công thương về việc thiết lập website cung cấp các dịch vụ thương mại điện tử sau khi website đã được hoàn thiện với đầy đủ cấu trúc, tính năng và thông tin theo đề án cung cấp dịch vụ, đã hoạt động tại địa chỉ tên miền được đăng ký và trước khi chính thức cung cấp dịch vụ đến người dùng. Hồ sơ đăng ký bao gồm:
- Đơn đăng ký thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử;
- Bản sao y bản chính quyết định thành lập (đối với tổ chức), giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy phép đầu tư (đối với thương nhân) theo quy định của Bộ công thương.
- Các đề án để cung cấp các dịch vụ theo quy định tại khoản 3 Điều 54 Nghị định 52/2013/NĐ-CP;
- Quy chế để quản lý các hoạt động của website khi cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tuân thủ các quy định của pháp luật và các quy định của pháp luật có liên quan;
- Mẫu các hợp đồng khi cung cấp dịch vụ, các điều kiện giao dịch chung, nếu có.
- Các tài liệu khác do Bộ Công Thương quy định.
NPTLAWYER hy vọng tư vấn trên hữu ích cho bạn.
Trân trọng!
*Lưu ý: Nội dung tư vấn nêu trên chỉ nhằm mục đích tham khảo. Tùy từng thời điểm có sự thay đổi về chính sách pháp luật mà nội dung tư vấn có thể được điều chỉnh. Nếu có bất kỳ thắc mắc hoặc góp ý xin vui lòng liên hệ về email: npttrinhlaw@gmail.com