Tài nguyên có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội của mỗi quốc gia, đặc biệt trong điều kiện cạnh tranh gay gắt về thị trường tài nguyên trên thế giới hiện nay, vấn đề đánh giá tài nguyên, kiểm kê tiềm năng các dạng tài nguyên thiên nhiên phân bố theo yếu tố địa lý, khả năng và hiệu quả khai thác, thứ tự ưu tiên khai thác để vừa sử dụng có hiệu quả là một việc làm cần thiết đảm bảo yêu cầu bảo vệ và phát triển bền vững.

Theo quan niệm truyền thống tài nguyên vật chất hữu hình bao gồm tài nguyên tự nhiên, đất và sức lao động là các nhân tố cơ bản phát triển vùng, từ đó mà hình thành cơ cấu kinh tế vùng, bao gồm các ngành nghề thuộc khu vực một chủ yếu dựa vào nông nghiệp và khai khoáng… , sau đến là ngành nghề thuộc khu vực hai lấy gia công tài nguyên hoặc tái gia công là chủ yếu, tiếp đến là ngành nghề thuộc khu vực ba lấy dịch vụ là chủ yếu. Những quan niệm tiến bộ trên đây đã được định hình và coi như công nghệ trong các nội dung nghiên cứu và phổ biến trong phương pháp hoạch định kinh tế xã hội cũng như chiến lược phát triển vùng từ nhiều thế kỷ qua.

>> Luật sư tư vấn luật Đất đai qua điện thoại gọi số:  –

 

Ngày nay thông tin cùng với sự phát triển của ngành nghề công nghệ vi điện tử đang song hành phát triển thúc đẩy lẫn nhau đã được coi như một loại tài nguyên có giá trị cao, thậm chí có nơi có lúc còn được xếp loại là vô giá… đang trở thành những động lực mới thúc đẩy sư phát triển vùng, hơn nữa, đang có ảnh hưởng toàn diện đến nền kinh tế và đời sống xã hội. Trong thực tiễn cuộc sống với nền kinh tế toàn cầu hoá từ công đoạn khai thác thu thập, xử lý, lưu giữ và truyền đưa các loại thông tin trong và ngoài nước đã trở thành những chủ thể mới trong quản lý vận hành kinh tế khu vực. Do đó, có thể khẳng định ai nắm được tài nguyên thông tin, người đó sẽ nắm được quyền chủ động phát triển. Điều này không chỉ có ý nghĩa quan trọng tác động đến mọi lựa chọn trong kế hoạch kinh tế-xã hội, chiến lược an ninh chính trị quốc gia, trong lập kế hoạch của các nhà kinh doanh mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến những công việc và cuộc sống hàng ngày quanh ta. Tri thức là cơ sở và là nguồn gốc của tài nguyên thông tin. Nhân tài nắm vững khoa học công nghệ và tri thức văn hoá là người sáng tạo và phổ biến tri thức. Do vậy, trên một ý nghĩa nào đó cũng có thể khẳng định ai có nhân tài, người đó cũng có tài nguyên thông tin, cũng chính là nắm được quyền chủ động phát triển. Và như vậy cạnh tranh phát triển vùng hay khu vực trên thế giới hiện nay cũng chính là cạnh tranh nhân tài.

Công nghiệp gia công là những tổ hợp phát triển cao độ, trong thời kỳ công nghiệp hoá hàng hoá tiêu dùng bền chắc được phổ cập toàn diện, chủ yếu dựa vào các ngành nghề thuộc khu vực hai, tuy vậy trong thế giới phát triển ngày nay cơ cấu của ngành nghề thuộc khu vực này lại đang tiến vào giai đoạn cuối cùng, tiếp theo nó là giai đoạn hậu công nghiệp hoá. Đặc trưng kinh tế chủ yếu của giai đoạn hậu công nghiệp là tri thức, khoa học công nghệ, thông tin xã hội hoá, công nghệ cao với ngành nghề hoá đang là động lực chủ yếu thúc đẩy phát triển kinh tế vùng. Ngành nghề loại hình tập trung công nghệ và tri thức như công nghệ sinh học, thông tin laze, công nghệ nano, điều khiển tự động hoá, công nghệ vũ trụ, khai thác hải dương… đang dần trở thành những chủ thể được phát triển thêm một bước nhằm phục vụ cho phát triển khoa học công nghệ và quốc kế dân sinh, cho đời sống với chất lượng tốt hơn và được xếp loại đặc biệt trong loại hình ngành nghề của khu vực ba. Lúc này cơ cấu ngành nghề của vùng phát triển có thể biểu hiện bởi mô thức cơ cấu ngược lại từ khu vực ba qua khu vực hai đến khu vực một, trong đó các loại hình thuộc khu vực ba trở nên cơ cấu ngành nghề chủ yếu.

Song hành với sự phát triển của khoa học công nghệ hiện đại, cùng với ngành nghề thuộc khu vực ba ngành nghề tri thức, thông tin phục vụ trực tiếp có liên quan lại được phát triển lớn mạnh, cũng có thể sẽ tách ra để ra đời một ngành độc lập mới, tức là ngành nghề thuộc khu vực bốn. Trước mắt định nghĩa về ngành nghề thuộc khu vực bốn chưa hình thành được trong nhận thức thống nhất cuối cùng, nhưng cũng có thể gọi là ngành nghề tri thức hoặc ngành nghề thông tin. Ngành nghề tri thức thông tin này chủ yếu là cung cấp phần mềm và dịch vụ vô hình. Sự hình thành của ngành nghề thuộc khu vực bốn đã trở thành ngành nghề chủ đạo của nền kinh tế quốc dân, do vậy trong nền kinh tế quốc dân vùng sẽ xuất hiện sự nhảy vọt về chất từ xã hội kinh tế công nghiệp đi vào xã hội kinh tế tri thức. Từ đó, hình tượng ngành nghề thuộc khu vực một sẽ được phát triển trở lại, như nông nghiệp được trang bị bằng tri thức và công nghệ hiện đại, từ đó xuất hiện cách mạng xanh lần thứ hai, sự tổ hợp mới của gen động vật, thực vật sẽ cơ bản làm thay đổi tính chất nông nghiệp hoàn toàn dựa vào tự nhiên. Sự cải tạo ngành nghề thuộc khu vực hai làm cho các yếu tố sản xuất như nguyên liệu, vốn sức lao động bị đẩy xuống vị trí thứ hai, yếu tố trí lực như tri thức, thông tin… sẽ trở thành động lực mới cải thiện cơ cấu ngành nghề thuộc khu vực này. Ngành nghề dịch vụ cho tiền tệ, giáo dục, du lịch và vui chơi giải trí… thuộc khu vực ba sẽ đột nhiên xuất hiện với nhiều ngành nghề khác nhau, hơn nữa cũng có thể xuất hiện những tụ hợp ngành nghề mới của thời kỳ đại kinh tế tri thức.

Với nhân tố mới về tài nguyên thông tin, ai có thông tin người đó sẽ chiếm vị trí ưu thế trong cạnh tranh sản xuất, như vậy thông tin đã được coi như vật liệu trong sản xuất của ngành nghề truyền thống. Đối với ngành nghề công nghiệp cao cũng tương tự như vậy; trong xu thế thế giới đang từ xã hội công nghiệp từng bước đi vào xã hội thông tin, các nước đều coi tài nguyên thông tin là tài nguyên quan trọng như vật liệu, năng lượng, vốn… thậm chí còn quan trọng hơn. Vì vậy, trong đánh giá tài nguyên vùng cần thiết phải bổ sung phần đánh giá đối với điều kiện tài nguyên thông tin, trong đó bao gồm các nhân tố trên một số mặt như số lượng, các xa lộ, diện tích phủ, tốc độ truyền đưa, mức độ liên quan lẫn nhau, trình độ tiện lợi, an toàn với độ tin cậy cao có được của tài nguyên thông tin cùng với số lượng các trung tâm tụ điểm trong mạng lưới và nhân tài trí thức thuộc ngành nghề thông tin…; từ đây sẽ xây dựng được ma trận phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của vùng nghiên cứu.

Tài nguyên thông tin với tài nguyên khoáng sản truyền thống… đều là tài nguyên không thể tự tái sinh, nhưng có những tính chất khác nhau; đặc trưng lớn nhất của tài nguyên thông tin là đặc tính của người sử dụng, tính thụ hưởng của con người và tính tái sinh sẽ kích thích lẫn nhau để đổi mới. Đồng thời, thời gian sớm hay muộn để có được thông tin cũng đang trở thành một vấn đề đặc biệt quan trọng. Nhờ có hệ thống thông tin toàn cầu, hệ thống định vị toàn cầu mà các nhà lập kế hoạch, các nhà kinh doanh có thể nhanh chóng nắm bắt được những điều gì sẽ diễn ra, đặc biệt những biến động bất ngờ sẽ xảy ra, để rồi cùng với những kinh nghiệm đã có đưa ra được những quyết định đối ứng kịp thời và hữu hiệu.

Mạng hoá là yếu tố cơ bản của tài nguyên thông tin nhằm khai thác sử dụng thông tin tốt hơn, xây dựng xa lộ cao tốc thông tin đã trở thành làn sóng lôi cuốn toàn cầu. Mạng là phương thức quan trọng lưu giữ và truyền tài nguyên thông tin, cũng là nơi tập trung nhất tài nguyên thông tin, do vậy cũng chính là môi trường để ra đời và sinh tồn nhất của ngành nghề công nghệ cao. Bản thân công nghệ cao không phải là phức hợp khoa học chỉ dựa vào một vài cá nhân để phát triển, nó đòi hỏi một cơ chế tổ chức hiệp đồng hành động phức hợp của nhiều ngành khoa học, thể hiện được mối quan hệ liên ngành, có sự hợp tác liên vùng, liên quốc gia; tính chất rất phức hợp này đang đòi hỏi sự cộng tác hỗ trợ nhất định với hình thức nối mạng hoá tài nguyên thông tin nhằm thoả mãn nhu cầu của phát triển công nghệ cao.

Thông tin chính xác và kịp thời có ý nghĩa quyết định đối với doanh nghiệp đang cạnh tranh quyết liệt để phát triển trong bối cảnh toàn cầu hoá kinh tế tự do thương mại, đầu tư và trong hình thành phát triển kinh tế tri thức. Nhiều dự án đang được thực hiện trong khuôn khổ APEC và WTO nhằm xây dựng các phương thức cung cấp cho cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước những thông tin tối đa và an toàn về mọi lĩnh vực như hệ thống thông tin điện tử và hệ thống chuyển phát hợp nhất có thể thông qua mạng APEC các doanh nghiệp có thể cập nhật thông tin với đối tác và thị trường đồng thời hỗ trợ cho việc nghiên cứu chuyển giao từ những nền kinh tế phát triển.

Về góc độ tổ chức lãnh thổ tài nguyên hữu hình như khoáng sản… thường phân bố rải khắp các vùng miền, ngược lại tài nguyên thông tin lại có nhu cầu tập trung cao độ tại những trung tâm khoa học công nghệ với nguồn nhân lực tri thức. Do vậy, thành phố là trung tâm của trí lực, trung tâm của sáng tạo và trung tâm của thông tin, cũng chính là các hạt nhân của phát triển vùng… Do đó, điều kiện quan trọng nhất của phát triển vùng là xây dựng cho được hệ thống đô thị trung tâm có đủ sức mạnh, thu hút nhân tài và nắm chắc thông tin nhằm lan toả đến mọi miền đất nước và toàn cầu./.

SOURCE: TẠP CHÍ KINH TẾ VÀ DỰ BÁO SỐ 4 (420) THÁNG 2 NĂM 2008 – TS. NGUYỄN HIỀN

(MKLAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)
————————————————————–

THAM KHẢO MỘT SỐ DỊCH VỤ TƯ VẤN LUẬT:

1. Tư vấn tách thửa đất đai;

2. Tư vấn pháp luật đất đai ;

3. Tư vấn cấp lại sổ đỏ bị mất ;

4. Tư vấn mua bán, chuyển nhượng đất đai ;

5. Tư vấn đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ;

6. Tư vấn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do trúng đấu giá ;

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *