Luật tục, hương ước đã từng là công cụ quản lý đời sống cộng đồng trong lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam. Ngày nay, trước yêu cầu tăng cường tính tự quản và sự đồng thuận xã hội, thì luật tục, hương ước của cộng đồng đang có tác động to lớn trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực quản lý và bảo vệ rừng.

Bài viết không chỉ có giá trị tham khảo về vấn đề sử dụng luật tục, hương ước trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng mà còn có thể gợi mở việc sử dụng luật tục, hương ước trên mọi lĩnh vực quản lý đời sống xã hội khác.

1. Luật tục và hương ước với việc quản lý rừng

Luật tục

Luật tục là một hệ thống các quy tắc xử sự mang tính dân gian, quy định về mối quan hệ ứng xử của con người với môi trường tự nhiên và con người với con người trong cộng đồng, thể hiện ý chí của toàn thể cộng đồng, được thực hiện một cách tự giác, theo thói quen, nhưng vẫn có tính bắt buộc trong phạm vi cộng đồng.

Luật tục có phạm vi điều chỉnh rộng, bao quát toàn bộ các lĩnh vực quan hệ xã hội như: lĩnh vực tổ chức và quản lý cộng đồng; lĩnh vực ổn định trật tự an ninh và đảm bảo lợi ích cộng đồng; lĩnh vực tôn trọng, tuân thủ, bảo vệ phong tục, tập quán, duy trì và giáo dục nếp sống văn hoá tín ngưỡng; lĩnh vực quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình; lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai, tài nguyên rừng; bảo vệ sản xuất, môi trường. Luật tục của hầu hết các dân tộc ít người ở miền núi đều có những quy định chặt chẽ về bảo vệ rừng, có giá trị bổ trợ cho pháp luật của nhà nước, nó đã thấm sâu vào cộng đồng như những quy tắc xử sự tự nhiên, có thể đề cập một số điển hình sau:

>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi:  –

 

Người H’mông có tục ăn ước. Trong lễ này, người ta xây dựng thêm hay nhắc lại các quy ước bảo vệ rừng, đồng thời quy định lại các hình thức xử phạt nếu có người vi phạm. Ai không tôn trọng quy ước bảo vệ rừng đều bị xử phạt giống như gia súc phá họai mùa màng, nghiêm cấm đốt nương làm rẫy. Ai tự tiện vào rừng cấm để chặt cây bị phạt một con lợn hoặc bị phạt từ 50.000 đến 100.000 đồng.

Luật tục của người Thái quy định: ai muốn phát rừng làm rẫy phải được Tạo bản cho phép; nếu tự ý làm, sẽ bị phạt từ 1 đến 3 nén bạc kèm theo rượu, thịt. Hàng năm cứ đến cuối tháng 5 (âm lịch) mới được vào rừng lấy măng, nhưng chỉ được hái lứa đầu và lứa thứ tư. Ai làm sai bị phạt 1 nén bạc kèm theo rượu, thịt. Cây gỗ, cây quế trong rừng dù lớn hay nhỏ, nhưng trên thân cây có dấu chữ thập (+)hoặc dấu nhân h (x) là cây đã có chủ, không ai được chặt cây gỗ đó nữa.

Luật tục của người Tày quy định: cấm không để cháy rừng, ai lấy trộm cây rừng của người khác thì bị phạt gấp 3 lần số thiệt hại.

Luật tục của người Nùng (ở Hà Giang) quy định: các gia đình không được chặt rừng, đốt rẫy làm nương ở những nơi đầu nguồn nước. Không được bẻ măng hoặc cho trâu ăn măng rừng của người khác. Ai vi phạm sẽ bị phạt 5 cân thóc một cây măng.

Luật tục người Khơ Mú quy định: ai lấy cây ở khu rừng cấm sẽ bị phạt tiền hoặc tịch thu sung công quỹ, nếu vi phạm vào “ rừng ma “ [1] bị phạt gà, rượu, gạo, trước là cúng, sau là để dân bản đến ăn, uống nhắc nhở lần sau không được vi phạm.

Luật tục của người Ê Đê (Tây Nguyên) quy định rất cụ thể về các hành vi đốt, phá rừng. Điều 80 của luật tục Ê Đê quy định: “Đàn ông thường đốt lửa bừa bãi, đàn bà thường đốt lửa bậy bạ, có những người đốt lửa mà làm như kẻ điên, kẻ dại. Cây le đang đâm chồi thế mà họ chặt mất ngọn, cây lồ ô đang đâm chồi thế mà họ chặt mất đọt. Nếu người ta bắt được họ đem về cho người tù trưởng nhà giàu thì chân họ tất bị trói lại ngay, tay họ tất bị xiềng lại ngay… Vì vậy có chuyện nghiêm trọng cần phải xét xử họ “. Điều 231 của luật tục Ê Đê cũng quy định: “Đất đai, sông suối, cây rừng là cái nong, cái nia, cái lưng của ông bà. Ông bà là người giữ cái hang, trông coi rừng, trông coi cây K’tơng, cây Kdjar “, kẻ xâm lấn rừng và đất rừng của người khác nhất định phải bị đưa ra xét xử.

Hương ước

Về hương ước, Thông tư liên tịch số 03/2000/TTLT/BTP-BVHTT-UBTƯMTTQVN ngày 31/03/2000, của liên Bộ Tư pháp – Bộ Văn hóa Thông tin – Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về hướng dẫn việc xây dựng và thực hiện hương ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư định nghĩa: “Hương ước là văn bản quy phạm xã hội, trong đó quy định các quy tắc xử sự chung do cộng đồng dân cư cùng thoả thuận đặt ra để điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính tự quản của nhân dân nhằm giữ gìn và phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp và truyền thống văn hoá trên địa bàn làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư, góp phần hỗ trợ tích cực cho việc quản lý nhà nước bằng pháp luật”.

Hương ước bảo vệ rừng hiện nay phần lớn được thể hiện dưới tên gọi là quy ước bảo vệ rừng của công đồng dân cư thôn, làng, buôn, bản, ấp. Ngày 30 tháng 3 năm 1999, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 56/1999/TT-BNN-KL hướng dẫn xây dựng quy ước bảo vệ và phát triển rừng trong cộng đồng dân cư. Đến nay, đã có 21.750 thôn, bản thuộc 1.535 xã của 165 huyện xây dựng và thực hiện quy ước bảo vệ rừng. Quy ước bảo vệ rừng đã và đang có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội bảo vệ rừng phát sinh trong đời sống ở cộng đồng dân cư, hỗ trợ pháp luật, lấp đầy các khoảng trống của pháp luật trong việc điều chỉnh các hành vi bảo vệ rừng. Quy ước bảo vệ rừng góp phần phục hồi những thuần phong, mỹ tục, truyền thống văn hoá, đạo đức, lối sống tốt đẹp của các dân tộc ít người. Quy ước bảo vệ rừng cũng góp phần giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp nảy sinh trong nội bộ cộng đồng, duy trì trật tự, kỷ cương, an ninh thôn xóm, ổn định chính trị – xã hội, tạo điều kiện cho nhân dân có thu nhập chính đáng từ rừng, làm giàu chính đáng theo quy định của pháp luật. Quy ước bảo vệ rừng còn hỗ trợ phòng chống các tệ nạn xã hội, huy động nguồn đóng góp để xây dựng các công trình phúc lợi chung của cộng đồng, tạo quỹ để tái trang trải những chi phí cần thiết cho hoạt động bảo vệ rừng.

Tuy nhiên, quy ước bảo vệ cũng có những hạn chế. Nhiều quy định trong quy ước bảo vệ rừng không phù hợp với quy định của pháp luật. Một số cộng đồng dân cư còn đề ra các hình thức phạt vượt quá thẩm quyền của cấp xã (như: trục xuất khỏi cộng đồng, thu hồi rừng nhà nước đã giao cho người có hành vi vi phạm quy ước bảo vệ rừng, mức phạt tiền cao hơn mức tối thiểu xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm được quy định của pháp luật, thậm chí còn có quy định việc bắt giam người vi phạm quy ước…). Người soạn thảo quy ước không hiểu rõ, không nắm vững luật, trình độ văn hoá thấp nên, chất lượng quy ước bảo vệ rừng không cao. Người dân không được bàn bạc, thảo luận và quyết định nội dung của quy ước bảo vệ rừng trên tinh thần tự nguyện.

Mặc dù có những mặt hạn chế nêu trên, nhưng xét về bản chất, quy ước bảo vệ rừng là ý chí, nguyện vọng thoả thuận, xuất phát từ nhu cầu, lợi ích của cộng đồng. Nội dung các quy ước thường ngắn gọn, dễ nhớ, phù hợp pháp luật, phong tục, tập quán, đạo đức xã hội, điều kiện địa phương. Do vậy, hương ước, quy ước bảo vệ rừng có ảnh hưởng mạnh mẽ bởi dư luận cộng đồng, có tác dụng kiểm soát, đánh giá hành vi các cá nhân; định hướng hành vi cá nhân, hỗ trợ tích cực việc chấp hành pháp luật. Tuy hương ước, quy ước bảo vệ rừng không thể thay thế được pháp luật của nhà nước, nhưng không thể phủ nhận vai trò của hương ước, quy ước bảo vệ rừng trong mối quan hệ với pháp luật, đặc biệt là trong quá trình chúng ta đang đi tới thực hiện một nền dân chủ đầy đủ, hoàn thiện hơn. Với chủ trương xây dựng nông thôn mới, thực hiện dân chủ ở cơ sở của nhà nước ta hiện nay, thì tính tự nguyện, tự quản của nhân dân trong việc xây dựng hương ước, quy ước bảo vệ rừng sẽ làm nên sự đa dạng, phong phú trong ổn định đời sống cộng đồng. Hương ước, quy ước bảo vệ rừng là sản phẩm của xã hội, là “ sợi dây ” nối liền, tạo sự gắn bó hơn giữa người dân và cộng đồng dân cư với nhà nước.

2. Kết hợp giữa pháp luật với luật tục, hương ước – một đặc thù trong quản lý rừng ở Việt Nam

Với những phân tích trên đây về luật tục, hương ước, quy ước bảo vệ rừng, thì sự kết hợp hợp lý giữa pháp luật của nhà nước với luật tục, hương ước, quy ước bảo vệ rừng trong quản lý rừng là một đặc trưng có tính đặc thù cao trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng ở Việt Nam.

Đặc trưng này thể hiện trên các mặt sau:

Thứ nhất, trong lĩnh vực bảo vệ rừng, pháp luật của nhà nước và luật tục, hương ước, quy ước bảo vệ rừng đều là hệ thống các quy tắc xử sự của con người đối với rừng và trong công tác bảo vệ rừng, giữa con người với con người trong cộng đồng, thể hiện ý chí của chủ thể quản lý, có tính cưỡng chế và bắt buộc chung, góp phần bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ rừng. Về bản chất pháp lý, chúng đều mang tính quy phạm, do vậy có nhiều ý kiến đề nghị sử dụng luật tục, hương ước, quy ước như là một trong những nguồn của pháp luật Việt Nam.

Thứ hai, luật tục, hương ước, quy ước là di sản văn hoá quản lý cộng đồng vô cùng quý báu, hiện đang có hiệu lực thực tế trong đời sống các dân tộc với những nội dung mới được bổ sung mang tính thời đại, được kế thừa và phát huy trên cơ sở truyền thống, đã thành tâm thức của cộng đồng. Nếu nhà nước sử dụng một cách khoa học, thì luật tục, hương ước, quy ước bảo vệ rừng sẽ bổ sung cho công cụ pháp luật bảo đảm quản lý có hiệu quả, tiết kiệm, sát thực, có sức thu hút cao sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo vệ rừng.

Thứ ba, cùng với pháp luật của nhà nước, các giá trị tiến bộ của luật tục, hương ước, quy ước bảo vệ rừng đang phát huy tác dụng trong đời sống cộng đồng. Khuyến khích, tạo điều kiện để cộng đồng vận dụng luật tục, hương ước, quy ước truyền thống trong bảo vệ rừng sẽ mang lại hiệu quả to lớn.

Để những quy định của luật tục, hương ước, quy ước bảo vệ rừng vận hành trong quản lý rừng, chúng phải được bộ máy các cơ quan quản lý nhà nước tổ chức thực hiện với phương thức và kỹ năng, nghệ thuật điều hành phù hợp. Phát huy những mặt tính cực, những quy định phù hợp với pháp luật của luật tục, hương ước, quy ước bảo vệ rừng. Đồng thời hạn chế, loại bỏ những hủ tục lạc hậu, phản khoa học trong luật tục, hương ước, quy ước, tránh những quy định xung đột giữa pháp luật và hương ước, quy ước bảo vệ rừng. Giải quyết hợp lý các vấn đề trong quản lý nhà nước để ngăn chặn kịp thời tình trạng “ phép vua thua lệ làng “, dẫn đến hiện tượng lạm dùng luật tục, hương ước, quy ước bảo vệ rừng để xử lý các quan hệ quản lý bảo vệ rừng trong cộng đồng thay cho việc phải sử dụng pháp luật.

3. Một số giải pháp

Trong những năm tới, để góp phần làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên rừng, chúng tôi cho rằng các cơ quan nhà nước cần rất quan tâm tới những giải pháp cơ bản để sử dụng luật tục, hương ước, quy ước bảo vệ rừng như một công cụ quản lý rừng có hiệu lực và hiệu quả sau:

Thứ nhất, kế thừa và phát huy những quy định của luật tục về bảo vệ rừng. Nhà nước cần tổ chức nghiên cứu, định hướng sưu tập, tổng hợp, đánh giá luật tục của đồng bào các dân tộc ít người sống gắn bó với rừng cả phương diện các quy định cũng như sự vận hành của luật tục. Qua đó, xác định những quy định trong luật tục phù hợp, có tác dụng bổ sung, hỗ trợ cho pháp luật bảo vệ rừng, những quy định là hủ tục, phản tiến bộ để lựa chọn biện pháp giải quyết phù hợp trong quản lý bảo vệ rừng. Giúp đỡ đồng bào dân tộc nhận thức được các giá trị tốt đẹp của luật tục cũng như các nội dung lạc hậu, mê tín dị đoan trái pháp luật, xoá bỏ những nội dung luật tục không phù hợp và tự giác thực hiện pháp luật nhà nước. Nhà nước cần nghiên cứu để áp dụng những phương thức tác động thích hợp đối với cộng đồng để tăng cường việc tự quản lý rừng bằng luật tục của đồng bào các dân tộc.

Trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, chúng ta cần đặc biệt coi trọng vai trò của già làng, trưởng bản – những người có uy tín trong xã hội làm chỗ dựa, làm hạt nhân trong việc tổ chức thực hiện luật tục và hoạt động tự quản trong cộng đồng. Đồng thời, thường xuyên coi trọng tuyên truyền về vai trò, giá trị của rừng đối với đời sống con người và phổ biến các kiến thức cơ bản nhất về pháp luật bảo vệ rừng; tổ chức tốt các hoạt động trợ giúp pháp lý cho đồng bào, chú trọng hoạt động của tổ hoà giải trong cộng đồng và chính quyền cơ sở. Cung cấp thường xuyên các tài liệu, sách báo phục vụ đồng bào, hướng dẫn nhân rộng những mô hình cộng đồng bảo vệ rừng tốt gắn với nâng cao đời sống cộng đồng.

Thứ hai, nâng cao hiệu lực và hiệu quả của hương ước, quy ước trong quản lý rừng.Nhà nước cần tổ chức tổng kết, áp dụng các biện pháp quản lý để nâng cao hiệu lực và hiệu quả của hương ước, quy ước bảo vệ rừng, trong đó cần tập trung vào các vấn đề sau:

– Tùy theo đặc điểm tình hình thực tế của mỗi cộng đồng dân cư mà lựa chọn hình thức hương ước hoặc quy ước bảo vệ rừng thích hợp. Những cộng đồng sống trong rừng, có cuộc sống gắn bó với rừng thì rà soát, bổ sung hoặc hướng dẫn cộng đồng xây dựng mới quy ước riêng về bảo vệ rừng. Những cộng đồng sống gần rừng hoặc quản lý diện tích rừng không lớn thì lồng ghép nội dung bảo vệ rừng vào trong hương ước chung của cộng đồng;

– Cách thức quy định các nội dung về bảo vệ rừng trong hương ước, quy ước cơ bản là: quy định những việc cấm làm, những việc phải làm, những việc được phép làm, những việc khuyến khích làm. Quy định của hương ước, quy ước bảo vệ rừng phải sử dụng ngôn ngữ đặc trưng của đồng bào, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ áp dụng. Hương ước, quy ước bảo vệ rừng phải do cộng đồng xây dựng theo nguyên tắc tự nguyện và đồng thuận, không áp đặt từ bên ngoài bởi các cơ quan nhà nước. Nhà nước giám sát các nội dung quy định trong hương ước, quy ước bảo vệ rừng bằng hình thức phê duyệt chấp thuận của Uỷ ban nhân dân cấp huyện.

– Đưa quy định pháp luật vào hương ước, quy ước bảo vệ rừng. Tuy nhiên, không nhất thiết và cũng không thể đưa đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ rừng vào hương ước, quy ước, chỉ lựa chọn những nội dung cần thiết, phù hợp với điều kiện, tình hình địa phương, đạo đức truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của cộng đồng.

– Các quy định về khen thưởng, xử phạt trong hương ước, quy ước bảo vệ rừng phải phù hợp với pháp luật, tôn trọng, bảo vệ danh dự, uy tín cá nhân, sự đoàn kết, đồng thuận của cộng đồng. Cần khuyến khích các hình thức giáo dục, thuyết phục, tự nguyện, công khai xin lỗi, khắc phục hậu quả trong các trường hợp vi phạm hương ước, quy ước bảo vệ rừng.

– Những nội dung pháp luật cụ thể về bảo vệ rừng cần đưa vào hương ước, quy ước: Những quy định về khai thác rừng, tận thu, tận dụng lâm sản; quy định nguyên tắc chia xẻ lợi ích từ rừng mang lại cho cộng đồng; những quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng; phòng trừ sâu bệnh hại rừng; quy định về chăn thả gia súc, quản lý canh tác nương rẫy ở trong rừng; những quy định về huy động sự đóng góp của cộng đồng dân cư vào việc tuần tra, bảo vệ rừng; quy định trách nhiệm đóng góp khoản kinh phí của từng hộ gia đình vào quản lý bảo vệ rừng và phát triển rừng cộng đồng; quy định về trách nhiệm dân sự, khen thưởng và xử lý vi phạm; quy định trách nhiệm của hộ gia đình, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm gây thiệt hại rừng.

Thứ ba, xác định cơ chế và trách nhiệm của cơ quan nhà nước, các cấp chính quyền địa phương. Chúng ta cần xây dựng cơ chế, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là của Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã trong việc hướng dẫn, giúp đỡ, kiểm tra, giám sát việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước bảo vệ rừng trên địa bàn. Hàng năm, các cấp chính quyền địa phương cần tổ chức đánh giá, rà soát các quy định của hương ước, quy ước bảo vệ rừng để kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình của địa phương. /.

Chú thích:

[1] Tức nơi chôn cất người chết.

SOURCE: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP SỐ 71 THÁNG 3 NĂM 2006 – HÀ CÔNG TUẤN

Trích dẫn từ:http://www.nclp.org.vn

(MKLAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)
——————————————————

THAM KHẢO DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN:

1. Tư vấn pháp luật lao động;

3. Tư vấn pháp luật lĩnh vực dân sự;

4. Tư vấn luật hành chính Việt Nam;

2. Luật sư riêng cho doanh nghiệp;

5. Dịch vụ luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp tại tòa án.

6. Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp hôn nhân gia đình;

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *