Kết quả tổng kết thi hành Luật Đất đai 2003 tại các tỉnh, thành cho thấy, Luật đã từng bước hoàn thiện quyền của người sử dụng đất, khắc phục tình trạng bao cấp về giá đất, đẩy mạnh phân cấp và tiếp tục hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước về đất đai…; song vẫn còn những bất cập về sở hữu đất đai; điều tiết giá trị gia tăng từ đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư… Vì vậy, sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2003 một cách đồng bộ là rất cần thiết.

Trong 7 năm qua, việc thực hiện Luật Đất đai đã góp phần đưa công tác quản lý đất đai vào nền nếp, sử dụng đất có hiệu quả hơn. Công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng và tính khả thi, làm rõ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất của từng cấp, tạo tính linh hoạt và chủ động của địa phương trong xây dựng kế hoạch phát triển KT – XH. Việc thống nhất cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã khắc phục được nhiều bất cập, đáp ứng nhu cầu của thực tế. Công tác quản lý Nhà nước về đất đai theo chủ trương kinh tế hóa, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Việc định giá đất theo giá chuyển nhượng thực tế của thị trường cũng góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước…

Ở các địa phương, thực hiện Luật Đất đai, công tác quản lý đất đai được thực hiện khá được đồng bộ. Trên địa bàn TP Hà Nội, công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng và tính khả thi của phương án quy hoạch, bảo đảm kỷ cương, nề nếp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ – công – nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu CNH – HĐH và xây dựng nông thôn mới, làm tăng tổng sản phẩm nội địa, tạo nguồn thu ngân sách và giải quyết việc làm cho người lao động. Trong 7 năm thực hiện Luật, TP đã ban hành 50 văn bản quy phạm pháp luật quản lý nhà nước về đất đai; thành lập 2 Trung tâm phát triển quỹ đất. Cấp quận, huyện, thị xã đã thành lập 29 phòng Tài nguyên và Môi trường để giải quyết những vấn đề liên quan. UBND TP cơ bản đã hoàn thành công tác quản lý hồ sơ địa giới hành chính, công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; sau khi mở rộng địa giới hành chính, TP đã tập trung rà soát và nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, lập Ban chỉ đạo GPMB để thực hiện chức năng tham mưu, cụ thể hóa chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn…

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi:

Đối với TP Hồ Chí Minh, việc thực hiện Luật Đất đai cũng thu được kết quả nhiều mặt. Công tác thu ngân sách, cấp giấy chủ quyền, công tác quản lý và chất lượng giải quyết tranh chấp, tố cáo liên quan đến đất đai được thực hiện tốt hơn. Từ năm 2004 đến nay, TP tiếp nhận khoảng 40.000 đơn thư, giải quyết hơn 25.000 vụ, trong đó chiếm số lượng lớn nhất là các tranh chấp về quyền sử dụng đất. TP còn tận dụng nguồn đất, đưa vào sử dụng có hiệu quả. Năm 2005 có 2263ha, nhưng đến cuối năm 2009 toàn TP chỉ còn 635ha đất chưa sử dụng,…

Theo báo cáo của UBND TP Đà Nẵng,  tính đến nay, toàn TP đã đo đạc lập bản đồ địa chính hơn 45.000ha, triển khai hơn 1.300 dự án sử dụng hơn 17.000ha, di dời giải toả hơn 85.000 hộ dân, tiếp nhận và giải quyết 480 vụ khiếu nại, tố cáo về đất đai, cấp 281.400 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tiền thu từ đất lên tới 14.700 tỷ đồng…

Kết quả thực tế ở nhiều địa phương cho thấy, Luật Đất đai 2003 đã góp phần rất lớn vào việc ổn định và phát triển đất nước, giải quyết được nhiều bức xúc, tạo sự công bằng trong xã hội. Tuy nhiên vẫn còn một số nội dung cần điều chỉnh, như: vai trò của Nhà nước đối với tư cách là chủ sở hữu về đất đai trong việc quản lý điều tiết các nguồn lợi từ đất đai cho phát triển; vấn đề phân bổ nguồn tài nguyên đất đai; chính sách giao đất nông nghiệp, thời hạn sử dụng đất nông nghiệp trồng cây hàng năm đã giao theo Nghị định 64/CP năm 1993; chính sách điều tiết lợi ích từ đất đai giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân; cơ chế chính sách tạo quỹ đất của Nhà nước phục vụ các mục tiêu công ích, chính sách xã hội, điều tiết thị trường đất đai và hỗ trợ tái định cư; thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư của Nhà nước, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế… Cụ thể, theo quy định của Luật Đất đai năm 2003, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu; Nhà nước có quyền định đoạt, quyết định mục đích sử dụng đất, xét duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thu hồi, giao đất, cho thuê đất… Nhưng thực tế, quyền định đoạt của Nhà nước để giao cho người sử dụng chưa được như quy định. Theo quy định, chỉ được thế chấp tài sản trên đất gắn liên với đất thuê, nhưng tài sản trên đất giá trị không nhiều so với giá trị của đất, vì vậy việc thế chấp được các cơ quan tài chính cho vay rất lớn. Đây là việc cần xem xét để điều chỉnh quy định cho phù hợp.

Theo quy định tại Điều 54 Luật Đất đai, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 198/2004 về việc thu tiền sử dụng đất, trong đó quy định phạm vi điều chỉnh đối tượng phải nộp tiền sử dụng đất, căn cứ tính tiền sử dụng đất. Thực tế triển khai ở Hà Nội cho thấy, đối tượng là hộ gia đình, cá nhân khi được công nhận quyền sử dụng đất, nếu phải nộp tiền sử dụng đất thì được áp dụng theo khung đất được UBND TP công bố vào ngày 1.1 hàng năm. Còn các đối tượng khác khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất thì phải được thực hiện theo sát giá thị trường. Tuy nhiên, khi xác định sát giá thị trường cũng chỉ là tương đối. Cũng theo quy định này, việc miễn giảm tiền sử dụng đất được quy định trong Luật Đất đai, tuy nhiên khi thực hiện còn rườm rà, nhiều thủ tục…

Nhiều ý kiến cho rằng, về cơ bản Luật Đất đai đã xóa bỏ được cơ chế xin – cho, tạo được nguồn thu từ đất. Tuy nhiên, về lĩnh vực bồi thường, hỗ trợ tái định cư cần thành lập đơn vị tư vấn giá đủ mạnh để tư vấn về giá đất sát giá thị trường, làm cơ sở cho việc xây dựng khung giá đất, phục vụ công tác đền bù, GPMB. Đồng thời, thống nhất áp dụng một giá trong việc bồi thường, hỗ trợ và trong việc thu tiền sử dụng đất để đảm bảo thống nhất giữa quyền lợi và nghĩa vụ của người sử dụng đất…

Thực tế trên cho thấy, việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2003 một cách đồng bộ để tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể khi thực hiện là rất cần thiết.

Bảo Hân
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân

(MKLAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)
——————————————–

THAM KHẢO DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN:

1. Tư vấn pháp luật lao động;

3. Tư vấn pháp luật lĩnh vực dân sự;

4. Tư vấn luật hành chính Việt Nam;

2. Luật sư riêng cho doanh nghiệp;

5. Dịch vụ luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp tại tòa án.

6. Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp hôn nhân gia đình;

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *