Thưa luật sư, Anh(chị) cho em hỏi thẩm quyền của toàn án trong giải quyết tranh chấp đất đai ở luật đất đai 2003 khác gì với thẩm quyền giải quyết tranh chấp của tòa án ở luật đất đai 2013 ạ ?

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục hỏi đáp pháp luật   của Nptlawyer.com ;.

 

Trả lời:

Cơ sở pháp lý:

Luật Đất đai năm 2013

Luật Đất đai năm 2003

Nội dung trả lời:

Câu hỏi của bạn, chúng tôi xin trả lời như sau:

Theo quy định của Điều 136 của Luật Đất đai 2003: Tranh chấp đất đai đã được hoà giải tại UBND xã, phường, thị trấn mà một bên hoặc các bên đương sự không nhất trí thì được giải quyết như sau:

Tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Toà án nhân dân giải quyết;

Tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật này được giải quyết như sau:

Trường hợp Chủ tịch UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh giải quyết lần đầu mà một bên hoặc các bên đương sự không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giải quyết; quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là quyết định giải quyết cuối cùng.

Trường hợp Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giải quyết lần đầu mà một bên hoặc các bên đương sự không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường là quyết định giải quyết cuối cùng.

Như vậy, theo quy định của Luật Đất đai 2003, Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của Tòa án chỉ giới hạn trong phạm vi các tranh chấp mà đương sự có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật này. Đối với người dân, khi có tranh chấp về đất đai mà không có giấy chứng nhận và hoặc các giấy tờ theo quy định thì cũng không có quyền lựa chọn cơ quan giải quyết nào khác ngoài UBND và cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường. 

Thực tế cho thấy các tranh chấp về đất đai khá phức tạp, đặc biệt là với các tranh chấp mà đương sự không có giấy chứng nhận. Do đó, việc giải quyết tranh chấp tại cơ quan hành chính còn nhiều bất cập do khối lượng công việc lớn, trình độ pháp luật  của cán bộ tham mưu, giải quyết còn hạn chế. Đây có thể coi là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài về đất đai trong nhiều năm qua.

Mở rộng thẩm quyền của Tòa án

Theo quy định tại khoản 1 điều 203 Luật Đất đai 2013 thì tranh chấp đất đai mà đương sự có giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Theo quy định tại khoản 2 Điều 203: Tranh chấp đất đai mà đương sự không có giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tài Điều 100 của Luật Đất đai 2013 thì đương sự chỉ được chọn yêu cầu UBND cấp có thẩm quyền hoặc khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. 

Như vậy, so với quy định tại Điều 136 Luật Đất đai năm 2003 (về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của Tòa án), thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của Tòa án được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 203 Luật Đất đai 2013 được mở rộng hơn nhiều. Đối với các tranh chấp mà đương sự không có giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tài Điều 100 của Luật Đất đai 2013, ngoài cơ quan quản lý hành chính, người dân còn có quyền lựa chọn Tòa án là cơ quan giải quyết tranh chấp. Quy định nào sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong giải quyết tranh chấp, giảm áp lực cho cơ quan hành chính nhà nước và góp phần hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài trong lĩnh vực quản lý đất đai.

Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 203 và Điều 204 Luật Đất đai 2013 thì đối với quyết định giải quyết tranh chấp đất đai quy định tại khoản 3 Điều 203 Luật Đất đai 2013; quyết định hành chính, hành vi hành vi hành chính về quản lý đất đai quy định tại Điều 204 Luật Đất đai 2013 mà đương sự không đồng ý thì họ có quyền khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật  về tố tụng hành chính. 

Cụ thể, Khoản 3 Điều 203 Luật Đất đai 2013 quy định: Trường hợp đương sự lựa chọn giải quyết tranh chấp tại UBND cấp có thẩm quyền thì việc giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện như sau: 

Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật  về tố tụng hành chính;

Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật  về tố tụng hành chính;

Điều 204 (Giải quyết khiếu nại, khiếu kiện về đất đai) quy định: Người sử dụng đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất có quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai.

Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật  về khiếu nại. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật  về tố tụng hành chính.

Như vậy, có thể thấy điểm khác biệt lớn nhất trong quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp trong Luật đất đai 2013 và 2003 là ở phạm vi thẩm quyền của cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Luật mới đã có sự mở rộng hơn , đem lại nhiều sự lựa chọn cho người dân khi có tranh chấp về đất đai tạo thuận lợi hơn cho họ vì giờ đây sẽ không chỉ giới hạn là cơ quan quản lý hành chính mà còn có quyền lựa chọn  cơ quan Tòa án để giải quyết tranh chấp. Không chỉ vậy, Luật còn cho phép trường hợp giả quyết tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của củ tịch UBND tỉnh thì chủ tịch UBND tỉnh có thể ủy quyền cho cơ quan tài nguyên môi trường cùng cấp, quy định này cũng làm giảm bớt gánh nặng công việc cho các cơ quan quản lý. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng công việc cũng như tạo ra sự đồng bộ trong hệ thống các cơ quan nhà nước đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ trong giải quyết công việc.

Trân trọng./.

BỘ PHẬN TƯ VẤN PHÁP LUẬT – Nptlawyer.com ;

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *