Sinh con theo phương pháp khoa học đã thể hiện sự phát triển vượt bậc của khoa học kĩ thuật, chính điều đó đã cho phép các cặp vợ chồng vô sinh có thể có con, niềm mong mỏi tha thiết của họ đã trở thành hiện thực. Các phương pháp hỗ trợ sinh sản có thể giải quyết được tình trạng vô sinh của phụ nữ và nam giới do ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như môi trường, hậu quả chiến tranh… đáp ứng được nguyện vọng làm cha, làm mẹ của họ, điều đó đã thể hiện những giá trị nhân bản cao đẹp….

Thực tế cho thấy vấn đề mang thai hộ, xét thuần tuý về mặt khoa học thì có thể chấp nhận được nhưng xét đưới góc độ tâm lí, tình cảm, phong tục tập quán và pháp lí thì rất phức tạp, đặc biệt là quan hệ mẹ con vì, theo pháp luật hiện hành người nào sinh ra đứa trẻ sẽ là mẹ của nó (chứng minh bằng giấy chứng sinh), ngoài ra rất khó đưa ra cơ chế giám sát đối với người mang thai hộ hay những vấn đề về mặt tố tụng đối với cặp vợ chồng đang nhờ mang thai và người mang thai hộ, chẳng hạn vấn đề hạn chế li hôn có được áp dụng tương tự không?… Sinh sản vô tính là vấn đề mang tính toàn cầu, việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp này là rất khó khăn bởi nếu người nhân bản ra đời thì sẽ có mối quan hệ như thế nào với người được nhân bản, sẽ là anh chị em sinh đôi hay là quan hệ mẹ con, cha con duy nhất. Vì vậy, Nghị định 12 cấm mang thai hộ và sinh sản vô tính là hoàn toàn phù hợp.

.

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi:  –

+ Nghị định 12 không chỉ quy định việc cho, nhận tinh trùng; cho, nhận noãn mà còn quy định việc cho, nhận phôi. Như vậy, đứa trẻ khi ra đời không nhất thiết phải mang gen của người cha hay người mẹ về mặt pháp lí, điều này đảm bảo quyền được làm cha, làm mẹ và đặc biệt là đảm bảo cho người phụ nữ thực hiện thiên chức của mình đó là chức năng sinh đẻ. Tuy nhiên, điều này đi ngược lại cách hiểu truyền thống là đứa trẻ khi ra đời phải mang ít nhất huyết thống của người cha hoặc người mẹ. Cùng với việc cho, nhận tinh trùng; trứng; phôi là việc bảo đảm việc lưu giữ và bảo quản tinh trùng, phôi. Khoản 2 Điều 17 Nghị định 12 đã quy định: “Tinh trùng, phôi được lưu giữ trong quá trình cặp vợ chồng vô sinh thực hiện kĩ thuật hỗ trợ sinh sản”. Và khoản 2 Điều 18 Nghị định 12 quy định: “Người gửi tinh trùng phải chi phí lưu giữ, bảo quản theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp người gửi tinh trùng bị chết, cơ sở lưu giữ tinh trùng phải huỷ số tinh trùng của người đó”. Về vấn đề này chúng tôi thấy rằng nếu trong quá trình cặp vợ chồng vô sinh đang thực hiện kĩ thuật hỗ trợ sinh sản mà người chồng chết và tinh trùng của người chồng đang được lưu giữ thì có nên huỷ tinh trùng của họ không? Theo chúng tôi là không thể huỷ tinh trùng của người đó nếu không có sự đồng ý của người vợ vì trước đó cả hai vợ chồng đã thể hiện sự tự nguyện mong muốn thực hiện việc sinh con theo phương pháp khoa học, nếu sau khi người chồng chết mà người vợ vẫn muốn tiếp tục thực hiện việc sinh con đó thì phải bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ. Tuy nhiên, vấn đề này có liên quan đến quy định tại Điều 21 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP ngày 3/10/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật hôn nhân và gia đình: “… con sinh ra trong vòng 300 ngày, kể từ ngày người chồng chết… thì được xác định là con chung của hai người”. Vì trường hợp trên sẽ không giống như trường hợp sinh con do có quan hệ tình dục giữa vợ và chồng, do đó thời gian này có thể không chỉ là trong vòng 300 ngày mà có thể là dài hơn, tuỳ thuộc vào quá trình thực hiện kĩ thuật hỗ trợ sinh sản đối với người vợ. Như vậy, Nhà nước cần thiết phải có quy định pháp lí cho trường hợp đặc biệt này.

+ Điều kiện hạn chế li hôn có nên áp dụng trong trường hợp khi hai vợ chồng đang tiến hành áp dụng biện pháp hỗ trợ sinh sản để sinh con theo phương pháp khoa học không? Có thể trong trường hợp đang tiến hành thụ tinh đã thành phôi và đang trữ phôi, vì điều này rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người vợ và đứa con tương lai. Nếu cả hai bên quyết định li hôn thì họ phải quyết định huỷ bỏ yêu cầu áp dụng việc sinh con theo phương pháp khoa học. Còn trong trường hợp người chồng biệt tích thì vẫn tiến hành áp dụng như các trường hợp khác vì người chồng đã thể hiện mong muốn có con bằng văn bản.

+ Vấn đề sinh con theo phương pháp khoa học là rất đặc biệt do vậy việc xác định cha, mẹ, con cũng có những nét riêng biệt.

Điều 20 Nghị định 12 quy định:

“1. Trẻ ra đời do thực hiện kĩ thuật hỗ trợ sinh sản phải được sinh ra từ người mẹ trong cặp vợ chồng vô sinh hoặc người phụ nữ độc thân.

2. Những người theo quy định tại khoản 1 Điều này được xác định là cha, mẹ đối với trẻ sinh ra do thực hiện kĩ thuật hỗ trợ sinh sản”.

Điều 21 Nghị định 12 quy định:

“Con được sinh ra do thực hiện kĩ thuật hỗ trợ sinh sản không được quyền yêu cầu quyền thừa kế, quyền được nuôi dưỡng đối với người cho tinh trùng, cho noãn, cho phôi”.

Như vậy, với việc sinh con theo phương pháp khoa học đã đặt ra một thực tế là có sự khác biệt giữa người cha, người mẹ về mặt pháp lí và người cha, người mẹ về mặt huyết thống. Việc xác định như vậy cũng xuất phát từ nguyên tắc chung đó là xác định cha, mẹ, con khi cha mẹ có hôn nhân hợp pháp: “Con sinh ra trong thời kì hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kì đó là con chung của vợ chồng” (Điều 63 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000). Đây là sự đảm bảo mọi quyền lợi cho cặp vợ chồng vô sinh và đặc biệt là đứa trẻ. Đối với trường hợp người phụ nữ độc thân khi sinh con thì áp dụng tương tự như trường hợp xác định cha, mẹ, con khi cha mẹ không có hôn nhân hợp pháp, trong trường hợp này chỉ có quan hệ giữa mẹ và con. Đặc biệt, trong trường hợp này cần quy định rõ sau khi đứa trẻ được sinh ra nếu người cha, người mẹ không muốn thừa nhận con thì cũng không được yêu cầu xác định lại vì quan hệ cha mẹ và con là tất yếu và không thể phủ nhận được, họ không được quyền yêu cầu giám định về gen di truyền. Điều này khác với trường hợp sinh con tự nhiên vì người chồng có quyền yêu cầu xác định lại quan hệ cha con khi không tin tưởng đứa con là con ruột của mình. Tuy nhiên, trong những trường hợp đặc biệt nếu cặp vợ chồng vô sinh, người phụ nữ độc thân nghi ngờ cơ sở y tế và có thể có sự nhầm lẫn trong quá trình thực hiện kĩ thuật hỗ trợ sinh sản thì nên chăng cho phép họ được quyền yêu cầu được xem xét lại trong phạm vi và mức độ nào đó. Vấn đề này sẽ trở nên phức tạp hơn khi có sự nhầm lẫn, do vậy cần có quy định cụ thể về vấn đề này.

Tóm lại, vấn đề sinh con theo phương pháp khoa học là vấn đề khá phức tạp, đặc biệt là về mặt pháp lí, bởi trong chừng mực nào đó nó đã làm thay đổi những quan niệm truyền thống về quan hệ huyết thống giữa cha mẹ và con… vì vậy cần có những văn bản pháp lí hướng dẫn cụ thể về vấn đề này./.

ThS. Nguyễn Thị LanKhoa Luật dân sự – Đại học Luật Hà Nội

Nguồn: thongtinphapluatdansu.wordpress.com

(Nptlawyer.com LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

———————————————————-

THAM KHẢO DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN:

1. Tư vấn pháp luật lao động;

3. Tư vấn pháp luật lĩnh vực dân sự;

4. Tư vấn luật hành chính Việt Nam;

2. Luật sư riêng cho doanh nghiệp;

5. Dịch vụ luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp tại tòa án.

6. Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp hôn nhân gia đình;

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *