Xin chào luật sư, Chị tôi lấy chồng được hơn 1 năm và có 1 cháu gần 2 tháng tuổi. Khi chị lấy chồng chị không có việc làm và gần đây mẹ chồng về ở chung (gia đình chồng không có nhà riêng, đang ở nhà trọ) để dự tính là chăm cháu cho chị đi làm. Cuộc sống của chị có nhiều bế tắc, chồng và mẹ chồng hay có những lời nói xỏ xiên, nặng nề khiến chỉị bị áp lực tâm lý mà muốn ly hôn.

Chồng chị có công ty riêng, nhưng thực chất nhân sự chỉ có vài người , 1 hay 2 hay 3 người gì đó, làm ăn cũng không ổn định đại loại là lúc có tiền nhưng lúc chẳng có đồng nào, chồng chị cũng hay ăn nhậu xởi lởi nên cũng không có khoản tiền tiết kiệm nào và đang còn nợ khoảng nợ 200 triệu do vay mượn lập nghiệp (khoản vay trước khi cưới chị). Tôi hiện đang là sinh viên năm cuối và vài tháng nữa sẽ ra trường đi làm, tôi muốn chỉị về với tôi 2 chị em ở trọ với nhau.Tôi được biết con dưới 3 tuổi thì khi ly hôn ở với mẹ, Vậy nếu ly hôn trong thời gian đó chị tôi có được nuôi con không trong khi chị chưa có việc làm? Giả sử lúc đó tôi có việc làm với mức lương bao nhiêu thì chị có thể về ở với tôi bao gồm cả cháu. Chị đã nhập hộ khẩu vào gia đình chồng, hộ khẩu ở Thanh Hóa nhưng gia đình chị đang sống và làm việc ở Đồng Nai, còn hộ khẩu gia đình tôi ở Gia Lai, như vậy: tòa án nào sẽ là nơi giải quyết: Gia Lai, Đồng Nai hay Thanh Hóa? Chị tôi phải có gì để ly hôn có được con? nếu trước khi con chỉ 3 tuổi tôi có thu nhập ổn định khoảng 7 triệu /tháng chẳng hạn thì tòa có thể để cho chị và con về ở với tôi được không? Nếu chị ly dị khi con chưa đến 3 tuổi thì con sẽ ở với mẹ mà không xét thêm điều kiện nào khác phải không hay tòa không giải quyết vì chị tôi chưa có việc làm. Vì tôi phải chờ thêm vài tháng nữa mới đi làm cho có thu nhập để lo cho chị và cháu nên chị tôi vẫn chưa thể li hôn ngay. Vậy nếu li hôn khi nào thích hợp để cháu tôi chưa đầy 3 tuổi mà tôi vẫn có thời gian để chuẩn bị, vì tôi sợ thủ tục rườm rà đến khi cháu tôi 3 tuổi thì muộn mất. Vì hoàn cảnh gia đình mẹ tôi đi làm ăn xa và cũng đang lâm bệnh, ba tôi là người chồng gia trưởng và vũ phu, sắp tới em tôi vào ĐH thì ba tôi dẫn vợ mới và con riêng về, nên giờ chỉ có chị em tôi chăm sóc nhau, nếu li dị chị tôi không thể về nhà ở với ba được, vì từ khi mẹ tôi ra đi ba tôi không chu cấp gì nữa cả, chúng tôi tự lo cho nhau. Tôi đang học ở TPHCM, em tôi đang ở Gia Lai, chị tôi đang sống với gi đình chổng ở Đồng Nai. Tôi sợ để lâu rồi có ngày anh rể tôi biến thành ba tôi hoàn toàn thì nguy. anh rể tôi còn nói li hôn chị tôi đưng hòng có con và hay cố tình nói người này người kia đẹp cưới về làm vợ và đại loại những vấn đề khác rất không hiểu nổi. Chị tôi cảm thấy sợ và áp lực từng ngày trong khi chỉ mới sinh con có 2 tháng. Và nếu tôi sử dụng dịch vụ tư vấn hôn nhân thì phí sẽ là bao nhiêu, tôi chỉ có 1 giấy xác nhận gia đình khó khăn khi vào đại học năm nhất, vậy tôi sẽ cần phải chuẩn bị chi phí khoảng bao nhiêu để có thể nhờ luật sư tư vấn? Mong luật sư sẽ không đăng câu hỏi này được không ạ vì tôi sợ anh rể tôi có thể đọc được. Mong luật sư tư vấn giúp tôi, tôi xin chân thành cám

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn Luật hôn nhân   của Nptlawyer.com ;

Luật sư tư vấn pháp luật hôn nhân  trực tuyến: 

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Nptlawyer.com ;. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn như sau: 

I Cơ sở pháp lý:

Luật hôn nhân và gia đình năm 2014

Nghị quyết 02/2000 của HĐTP TANDTC Hướng dẫn luật hôn nhân gia đình

Bộ luật tố tụng dân sự 2004 sửa đổi bổ sung 2011

II Nội dung trả lời:

Xin trả lời các câu hỏi của bạn

Thứ nhất là bạn hỏi vè việc ly hôn của chị bạn và việc chị bạn có được quyền nuôi con không?

Chị bạn muốn ly hôn . Trường hợp này của chị bạn là ly hôn đơn phương và theo quy định tại Điều 56 Luật hôn nhân gia đình năm 2014

Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên

1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.

3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.

Theo quy định tại khoản 8 Nghị quyết 02/2000

a.1. Được coi là tình trạng của vợ chồng trầm trọng khi:

– Vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau như người nào chỉ biết bổn phận người đó, bỏ mặc người vợ hoặc người chồng muốn sống ra sao thì sống, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.

– Vợ hoặc chồng luôn có hành vi ngược đãi, hành hạ nhau, như thường xuyên đánh đập, hoặc có hành vi khác xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của nhau, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, đoàn thể nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.

– Vợ chồng không chung thuỷ với nhau như có quan hệ ngoại tình, đã được người vợ hoặc người chồng hoặc bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, khuyên bảo nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình;

a.2. Để có cơ sở nhận định đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được, thì phải căn cứ vào tình trạng hiện tại của vợ chồng đã đến mức trầm trọng như hướng dẫn tại điểm a.1 mục 8 này. Nếu thực tế cho thấy đã được nhắc nhở, hoà giải nhiều lần, nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình hoặc vẫn tiếp tục sống ly thân, bỏ mặc nhau hoặc vẫn tiếp tục có hành vi ngược đãi hành hạ, xúc phạm nhau, thì có căn cứ để nhận định rằng đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được.

a.3. Mục đích của hôn nhân không đạt được là không có tình nghĩa vợ chồng; không bình đẳng về nghĩa vụ và quyền giữa vợ, chồng; không tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ, chồng; không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng; không giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau phát triển mọi mặt.

Như vậy nếu chồng của chị ấy thường xuyên có lời lẽ xở xiên xúc phạm chị ấy không quan tâm đến gia đình khiến chị bạ bị áp lực thì chị bạn có quyền được yêu càu tòa án giải quyết cho ly hôn đơn phương. Vì con của chi bạn mới được hai tháng tuổi nên chị bạn sẽ được quyền nuôi con tuy nhiên cũng sẽ rất khó vì chị bạn chưa có việc làm nên trong trường hợp nếu có tranh chấp về quyền nuôi con thi sẽ do tòa án quyết định tòa căn cứ vào điềukiện của hai bên và việc bên nào có thể chăm sóc tốt nhất cho quyền lợi của cháu bé thì tòa sẽ  giao cho người đó nuôi. Tuy nhiên con chị bạn mới được hai tháng tuổi nên khả năng rất cao là chị bạn sẽ được quyền nuôi chỉ cần chị bạn cam kết đảm baordduwoscj cho cuộc sống của cháu bé. vì thực tế tầm độ 2 tháng tuổi như con của chị bạn thì không thể xa mẹ được

Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

 Thứ hai Bạn hỏi nếu trước khi con chỉ 3 tuổi tôi có thu nhập ổn định khoảng 7 triệu /tháng chẳng hạn thì tòa có thể để cho chị và con về ở với tôi được không? 

Khi chị bạn ly hôn thì bạn hoàn toàn có quyền được đón chị về ở cùng với mình. Tuy nhiên nếu khi chuyển về Tỉnh / tThành phố khác nơi đăng ký thường trú thì chị bạn phải làm thủ tục tạm trú còn nếu chị ban có đủ điều kiện để được đăng ký thường trú theo quy định của Tỉnh đó thì chị bạn hoàn toàn có quyền được đăng ký thường trú. Còn về việc bạn hỏi vấn đề tiền lương bạn  được bao nhiêu triệu một tháng thì được quyền đón chị bạn và cháy vè nuôi thì nếu như có giành quyền nuôi con thì pháp luật  cũng chỉ căn cứ vào thu nhập của chị bạn nên sẽ không căn cứ vào thu nhập của bạn. Bạn hỏi là thời điểm nào thích hợp để ly hôn và giành được quyền nuôi con. Thì tốt nhất chị bạn nên ly hôn càng sớm càng tốt. Thêm vào đó trong thời  gian này chị bạn nên cố gắng tìm một công việc nào đó để đi làm để đảm bảo khi tòa ra quyết định nuôi con thì thời điểm đó chị bạn đã có công việc ổn định rồi nên tòa sẽ giao con cho chị bạn

Thứ ba là tòa án nào có thẩm quyền giải  quyết việc ly hôn

Vì chồng của chị ý đang sống và làm việc tại Đồng nai thì chị ý sẽ gửi đơn cho tòa án Đồng Nai để được giải quyết theo quy định tại khoản 1a Điều 35 BLTTDS

Điều 35 Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ

1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:

a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 25, 27, 29 và 31 của Bộ luật này;

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo.

Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số:  hoặc gửi qua email: npttrinhlaw@gmail.com  để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Nptlawyer.com ;.

Rất mong nhận được sự hợp tác!                                  

Trân trọng./.                                  

Bộ phận Luật sư dân sự. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *