Điều 28 Hiến pháp năm 1992 quy định: “Mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh bất hợp pháp, mọi hành vi phá hoại nền kinh tế quốc dân làm thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể và của công dân đều bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Nhà nước có chính sách bảo hộ quyền lợi của người sản xuất và người tiêu dùng“.

 Từ khi Đảng và Nhà nước ta thực hiện chính sách đổi mới Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản pháp quy liên quan đến việc bảo vệ người tiêu dùng, đặc biệt “Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” đã được ban hành (số 13/1999/PL-UBTVQH10, ngày 27-4-1999) và Nghị định số 69/2001/CP ngày 02 tháng 10 năm 2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ngoài ra, liên quan đến chất lượng sản phẩm, Nhà nước quản lý bằng “Pháp lệnh chất lượng hàng hoá” (số 18/1999/PL-UBTVQH10). Các cơ quan quản lý nhà nước và bảo vệ pháp luật như Bộ Thương mại, Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính đã phối hợp ra Thông tư liên tịch số 10/2000/TTLT, ngày 27-04-2000 nhằm chống lại các hoạt động làm, buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ hàng giả, góp phần quan trọng bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng nước ta… 

Tuy nhiên cho đến nay chúng ta vẫn chưa có Luật bảo vệ người tiêu dùng. Trong nền kinh tế thị trường hiện nay doanh nghiệp là người cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho xã hội. Người tiêu dùng trả tiền cho hàng hóa và dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp. Doanh nghiệp cần người tiêu dùng và người tiêu dùng cần doanh nghiệp. Không thể tách bạch phân chia xã hội thành doanh nghiệp và người tiêu dùng vì bản thân doanh nghiệp vừa là người cung cấp hành hóa và dịch vụ và vừa là người tiêu dùng.
Người tiêu dùng là ai? Là tất cả chúng ta, là toàn xã hội. Cần khẳng định rằng doanh nghiệp thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế và người tiêu dùng cũng thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Doanh nghiệp muốn phát triển phải nhờ vào người tiêu dùng. Doanh nghiệp muốn phát triển phải gây dựng được thương hiệu. Thương hiệu của sản phẩm, của doanh nghiệp có được cũng nhờ vào người tiêu dùng.

Tuy nhiên thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam hiện này còn rất ít, nhiều doanh nghiệp không có được sự ủng hộ của người tiêu dùng. Vì sao? Vì quyền của người tiêu dùng Việt Nam hiện nay ít được bảo vệ. Có người còn nói rằng quyền của người tiêu dùng Việt Nam hiện nay được bảo vệ kém nhất trên thế giới. Nói như vậy có phần chua xót nhưng lại phản ánh đúng hiện trạng.

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến – Ảnh minh họa

1. QUYỀN CỦA NGƯỜI TIÊU DÙNG ĐANG BỊ VI PHẠM VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC

Nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc số A/RES/39/248 ngày 16 tháng 4 năm 1985 đã đưa ra các nguyên tắc bảo vệ người tiêu dùng :

a) Bảo vệ an toàn cho người tiêu dùng, không làm tổn hại sức khỏe người tiêu dùng;

b)  Khuyến khích và bảo vệ lợi ích kinh tế của người tiêu dùng ;

c) Người tiêu dùng có quyền tiếp cận thông tin để có sự lựa chọn có ý thức phù hợp với nhu cầu cá nhân;

d) Giáo dục người tiêu dùng;

đ) Quy định thủ tục có hiệu quả cho việc giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng;

e) Người tiêu dùng tự do lập tổ chức, nhóm và các tổ chức đó có quyền bày tỏ quan điểm của mình trong quá trình thông qua các quyết định liên quan đến lợi ích của người tiêu dùng.

Các quyền của người tiêu dùng không chỉ được Nhà nước bảo vệ mà còn nhận được sự bảo vệ từ các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh khi họ phải thực hiện các quy định của pháp luật. Các quyền của người tiêu dùng còn được các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi cá nhân (trong đó có bản thân người tiêu dùng) đều có trách nhiệm tham gia bảo vệ. ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình cũng có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục, động viên nhân dân tham gia các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và thi hành pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng là trách nhiệm chung của toàn xã hội.

Chúng tôi cho rằng các quyền này hầu như được quy định đầy đủ trong các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam. Tuy nhiên trên thực tế quyền của người tiêu dùng Việt Nam đã và đang bị xâm hại nghiêm trọng.

Những vụ việc gần đây như vụ xăng chứa aceton gây hỏng động cơ gắn máy, nước tương chứa chất 3-MPCD gây ung thư, sữa đóng hộp không đúng trọng lượng, ghi nhãn sai đối với sữa tươi nhằm lừa dối người tiêu dùng, ghi nhãn mác là nước mắn cá hồi bắc Âu sau phải cải chính lại hương cá hồi, vấn đề rau xanh, an toàn thực phẩm, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, việc gian dối taximét của các hãng taxi, chất lượng dịch vụ viễn thông… đã và đang gây ra nhiều bức xúc trong cộng đồng xã hội.
Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, trên thị trường cũng đang xuất hiện nhiều phương thức kinh doanh mới như bán hàng qua mạng, qua điện thoại…giao dịch điện tử để đặt mua hàng hoá, dịch vụ từ một nước khác cũng đang phát triển. Những phương tiện giao dịch hiện đại tạo sự thuận tiện cho các bên nhưng bên cạnh những tiện ích thì đây cũng là môi trường làm phát sinh những hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng ngày một tinh vi và phức tạp hơn.

Các cơ quan chức năng đã có những cố gắng nhất định trong việc bảo vệ người tiêu dùng. Chẳng hạn, mới đây, trước Tết Mậu Tý, tháng giáp Tết, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều trường hợp tiêu thụ hàng giả trong đó có rượu ngoại, thuốc lá… Trong tháng giáp Tết, ngành hải quan đã kiểm tra, bắt giữ 1.355 vụ, trị giá 24 tỷ 358 triệu đồng. Trong đó, buôn lậu, vận chuyển trái phép 188 vụ, gian lận thương mại 56 vụ, bắt giữ 675 kg pháo lậu…

Một thực tế hiển nhiên là, trước những vấn đề nóng bỏng hiện nay các cơ quan quản lý Nhà nước chưa nhanh chóng vào cuộc.
Bên cạnh quan hệ giữa các nhà sản xuất với nhau, quan hệ kinh tế chủ yếu trong xã hội là quan hệ giữa người tiêu dùng và nhà sản xuất, kinh doanh, phân phối hàng hoá, dịch vụ. Tuy là số đông, nhưng người tiêu dùng không được tổ chức lại nên họ khó có sức mạnh, tiếng nói đơn lẻ của họ cũng rất ít được lắng nghe. So với những nhà sản xuất, những nhà chuyên môn, thì ở những lĩnh vực nhất định, người tiêu dùng kém hiểu biết hơn. Bởi vậy, trong mối quan hệ giữa họ với các nhà sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng luôn đứng ở thế yếu và chịu nhiều thiệt thòi. Điều này thực sự đã kìm hãm sự phát triển kinh tế xã hội.
 
2. KHIẾU NẠI CỦA NGƯỜI TIÊU DÙNG

Ở nước ta Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được ban hành cách đây 9 năm và chưa thực sự phát huy tác dụng. Theo quy định của Pháp lệnh, người tiêu dùng có quyền khiếu nại đối với hàng hóa và dịch vụ.

– Người tiêu dùng trực tiếp hoặc thông qua đại diện của mình để thực hiện việc khiếu nại, yêu cầu bồi hoàn, bồi thường.

– Việc khiếu nại được giải quyết theo nguyên tắc hòa giải, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Nếu không hòa giải được, người tiêu dùng có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật.

– Người tiêu dùng trực tiếp hoặc thông qua đại diện của mình tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

– Việc xử phạt các hành vi vi phạm Phát lệnh đã quy định cụ thể một số hành vi nghiêm trọng và bức xúc trong thực tế hiện nay cần phải xử lý như sau: “Người nào sản xuất, kinh doanh hàng cấm, thuốc chữa bệnh giả, thực phẩm giả và các loại hàng giả khác; thực phẩm không bảo đảm vệ sinh, an toàn; sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ gây ô nhiễm nghiêm trọng đến môi trường, nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của con người, trái với thuần phong mỹ tục; thông tin quảng cáo sai sự thật; gian lận trong cân, đong, đo, đếm hoặc có các hành vi khác vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì tuỳ theo mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường theo quy định của phát luật”.Thực tế cho thấy người tiêu dùng “thấp cổ, bé họng” nên ít trường hợp khiếu nại vì nghĩ rằng có khiếu nại cũng không được giải quyết. Với rất nhiều hành vi xâm hại đến quyền lợi của mình nhưng thực tế có tới 97% khách hàng không khiếu nại về những điều mình không hài lòng, bởi tâm lý ngại va chạm hay mất thời gian cho các thủ tục hành chính giải quyết khiếu kiện.

Người tiêu dùng có thể khiếu nại trực tiếp tới nhà sản xuất, cung ứng dịch vụ, có thể thông qua các hội bảo vệ người tiêu dùng, có quyền khởi kiện trước tòa án.

Hiệp hội người tiêu dùng các cấp từ trung ương xuống địa phương đã được thành lập. Ở cấp trung ương, Hội khoa học kỹ thuật về tiêu chuẩn hoá, đo lường, chất lượng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam tháng 5-1988, đã thành lập, gọi tắt là Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS), là thành viên của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đồng thời là thành viên của Tổ chức quốc tế người tiêu dùng (CI). Ở các địa phương, trên cả nước đã có 14 tỉnh và thành phố có tổ chức người tiêu dùng. Tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là tổ chức xã hội được thành lập trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, không phân biệt thành phần kinh tế, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, trình độ, nghề nghiệp; là tổ chức đại diện để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của pháp luật. Đây là các tổ chức phi chính phủ, mang tính xã hội hoá cao. Các tổ chức này đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động tiêu chuẩn hoá, đo lường chất lượng và bảo vệ người tiêu dùng trong cả nước. Tuy nhiên cũng phải thấy một thực tế là các tổ chức hội bảo vệ người tiêu dùng có thực sự là hội theo đúng nghĩa hay không? Hội bao giờ cũng là tổ chức tự nguyện của các hội viên. Rất khó có thể có hội bảo vệ người tiêu dùng do chính những người tiêu dùng lập ra một cách tự nguyện vì người tiêu dùng là tất cả chúng ta và cũng rất khó tập hợp người tiêu dùng thành các hội. Các cấp hội bảo vệ người tiêu dùng được thành lập do nhu cầu của “cơ cấu””cơ chế” nên không đủ mạnh để bảo vệ người tiêu dùng. Thật khó lý giải cho hiện tượng khá nhiều người tiêu dùng không biết đến sự tồn tại của các hội bảo vệ người tiêu dùng chứ chưa nói đến họ có thể trở thành hội viên của các hội này. Hội cũng chẳng có quyền lực gì, Hội có khiếu nại mà nhà sản xuất, cung ứng dịch vụ không giải quyết cũng đành chịu. Một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều lúc Hội hoạt động kém hiệu quả là Hội thiếu kinh phí hoạt động. Hoạt động khiếu nại chưa thu phí nên không có tiền trả lương cho nhân viên tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, không có tiền chi cho quảng bá hoạt động của Hội và càng không thu hút được người trẻ tuổi, có năng lực làm việc cho Hội.

Khi bị thiệt hại người tiêu dùng khiếu nại về hàng hóa và dịch vụ thì việc giải quyết của doanh nghiệp được đến đâu hay đến đó và họ không giải quyết thì cho dù hội bảo vệ người tiêu dùng có can thiệp cũng đành chịu. Theo điều tra của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, thực tế những khách hàng khiếu nại nhận được sự tiếp thu nghiêm túc của doanh nghiệp chỉ chiếm khoảng 21%, còn 30% không nhận được phản ứng gì, 33% tỏ thái độ khó chịu, thậm chí còn nhận được phản ứng khiếm nhã (4%). Khi mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng trôi nổi trên thị trường thì không thể nói tới việc khiếu nại. Khi người tiêu dùng mua  phải hàng kém chất lượng của doanh nghiệp thì việc khiếu nại cũng không đơn giản vì thủ tục giám định.

Trên thực tế, người tiêu dùng vẫn chưa sử dụng quyền của mình một cách hiệu quả. Rất nhiều người chấp nhận chấp nhận thiệt thòi khi mua phải hàng rởm và tự rút ra bài học không bao giờ mua hàng đó nữa. Nhưng người khác vẫn cứ mua và lại tiếp tục rút kinh nghiệm. Mọi người cứ rút kinh nghiệm âm thầm còn nhà sản xuất cứ thu bộn tiền. Tâm lý chung là sản phẩm chẳng đáng là bao mà khiếu nại thì tốn thời gian và tiền bạc mà chưa chắc đã thu được gì.

Quyền của người tiêu dùng ở nước ta còn bị xâm hại từ chính hoạt động của các cơ quan Nhà nước. Khẩu hiệu được các cơ quan này đưa ra thường là “Hãy trở thành người tiêu dùng thông thái”. Theo chúng tôi, khẩu hiệu này chỉ đúng một phần rất nhỏ. Người tiêu dùng thông thái có nghĩa là phải bảo đảm vệ sinh trước khi ăn, phải ăn chín, uống sôi chứ không ai thông thái đến mức biết được nước tương có chứa chất gây ung thư hay không, không ai thông thái đến mức phân biệt giữa hàng thật và hàng giả khi thấy chúng “y chang như nhau”, không ai thông thái đến mức nhìn vào cây xăng biết ngay là xăng có pha aceton, không ai thông thái đến mức dùng nước tương phát hiện nay ra trong đó có chất 3-MPCD gây ung thư. Vậy ai phải giúp người tiêu dùng? Đó chính là các cơ quan có chức năng của Nhà nước. Các cơ quan này có trình độ, có phương tiện và có nguồn tài chính để giúp người tiêu dùng trong toàn xã hội. Cơ quan nhà nước chuyên trách đương nhiên phải thông thái hơn người tiêu dùng. Nhưng một câu hỏi đặt ra tại sao người tiêu dùng cứ bi thiệt hại trước, thấy được hậu quả thì sau đó cơ quan Nhà nước mới nhảy vào cuộc. Ngay nước tương có chất gây ung thư, người tiêu dùng đã dùng nhiều năm qua và sự việc bị phát hiện lại xuất phát từ một nước châu Âu. Không hiếm trường hợp người tiêu dùng không biết lựa chọn hàng hóa để mua khi thứ hàng hóa đó phải dùng bắt buộc vì quy định của pháp luật nhưng cơ quan chức năng lại “thả nổi” thị trường, thậm chí còn không minh bạch các sản phẩm kém chất lượng vì “biết đâu doanh nghiệp sẽ sản xuất ra hàng hóa đạt tiêu chuẩn”. Chẳng hạn như mũ bảo hiểm xe máy vừa qua. Phải nói rằng các cơ quan chức năng đã phản ứng quá chậm và kém, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, thậm chí thiệt hại có thể trả giá bằng tính mạng.

Một người mua phải mũ bảo hiểm rớm, bị tai nạn và bị chấn thương sọ não thì kiện ai? nhà sản xuất thì “biệt vô âm tín”, chẳng biệt họ là ai, ở đâu. Câu hỏi đặt ra: Có thể khiếu nại và đòi cơ quan quản lý Nhà nước bồi thường thiệt hai? Đúng ra là người tiêu dùng có quyền này vì khi mua mũ, không ai có thể thông thái mà biết chất lượng của mũ bảo hiểm, vẫn để thị trường bán những loại mũ đó thì trách nhiệm cuối cùng vẫn thuộc về cơ quan quản lý thị trường. Cơ quan quản lý Nhà nước cần phải tính toán, dự báo để người tiêu dùng không bị thiệt hại khi thực hiện đúng quy định của pháp luật. Chúng ta vui mừng thấy việc đội mũ bảo hiểm được chấp hành nghiêm túc, hầu như 100% người đi xe gắn máy đã đội mũ bảo hiểm. Nhưng bên cạnh thành tích ấy có biết bao điều cần phải bàn. Các cơ quan chức năng đã làm gì để người dân đội mũ bảo hiểm thực sự được bảo hiểm khi chúng ta vào cuộc rất chậm trong việc công bố các loại mũ được coi là hợp chuẩn khi rất nhiều người đã mua mũ rởm để đối phó với “ngày lịch sử” 15 tháng 12 năm 2007.

Về vệ sinh an toàn thực phẩm. Người ta thường thấy ông Giám đốc một sở ở Hà Nội hay đi kiểm tra các mặt hành thực phẩm trong các chợ, các siêu thị ở Hà Nội (Thậm chí vị giám đốc này còn tuyên bố sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người tiêu dùng khi vẫn ăn các thức ăn được khuyến cáo gây dịch bệnh). Có thể đó là việc làm tốt, được nhân dân hoan nghênh nhưng suy cho cùng thì không nên như vậy. Ông Giám đốc sở làm sao kiểm tra hết được, ông phải có bộ máy giúp việc, có chuyên môn, trình độ để thường xuyên làm việc này.

Vấn đề thuốc tăng trưởng rau củ cũng là vấn đề gây nhiều hoài nghi. Đài truyền hình trung ương có phóng sự rau quả củ lớn nhanh như thổi sau 3 ngày. Cơ quan chức năng làm thí nghiệm phủ định tin này và nói đó là thông tin đồn thổi. Người ta công bố rằng  không có loại “thần dược” nào kích thích sự tăng trưởng cực nhanh của cây rau chỉ trong 2-3 ngày. Điều này phần nào đã trấn an người tiêu dùng trước hàng loạt thông tin dồn dập về loại thuốc không có nguồn gốc có tác dụng tăng trưởng đột biến, khiến hàng loạt cây rau, củ lớn nhanh vùn vụt. Cho đến nay chưa có đối chất giữa người làm phóng sự truyền hình và Chi cục bảo vệ thực vật Hà Nội. Và thí nghiệm của Chi cục bảo vệ thực vật Hà Nội tiến hành trước Tết để sau Tết mới công bố kết quả. Vậy cơ quan chức năng đã trấn an người tiêu dùng hay làm cho người tiêu dùng tin như vậy và vẫn tiếp tục sử dụng các loại rau củ độc hại này này? Và nếu đúng như vậy thì cần có biện pháp xử lý những người làm phóng sự truyền hình đã đưa tin “đồn thổi” như chúng ta đã kiên quyết xử lý vụ đưa tin không đúng về trái bưởi có chất gây ung thư làm thiệt hại cho người trồng bưởi. Và nếu dùng biện pháp “an dân” trong trường hợp này sẽ là nguy hiểm.

Các cơ quan chức năng của chúng ta thường cảnh báo rằng hiện nay có nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật đang được bán tràn lan trên thị trường, không thể quản lý xuể. Trong khi đó nhiều hộ trồng rau vẫn chưa tuân thủ chế độ, thời gian tưới, bón đối với rau xanh khiến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ở trong rau vẫn còn khá cao. Trong khi đó, lực lượng quản lý, kiểm tra quá mỏng nên chất lượng an toàn của rau quả phần lớn vẫn trông đợi vào lương tâm của người sản xuất. Và thêm nữa là kêu gọi người tiêu dùng hãy trở thành người tiêu dùng thông thái. Nếu tất cả những người sản xuất đều có lương tâm và mọi người tiêu dùng đều thông thái chắc có lẽ không cần phải có các cơ quan chức năng này nữa.

Có thể khái quát chung là hầu như người tiêu dùng Việt Nam đã và đang phải đối mặt với thực tế: đa số hàng hóa và dịch vụ đều có vấn đề xâm hại quyền của người tiêu dùng và việc bảo vệ người tiêu dùng từ phía các cơ quan quản lý nhà nước chưa có hiệu quả.
 
3. KIẾN NGHỊ

Trước thực trạng quyền của người tiêu dùng Việt Nam đang bị xâm hại kể cả theo pháp luật quốc tế và pháp luật của Việt Nam, trước sự phản ứng chậm và kém hiệu quả của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc bảo vệ người tiêu dùng, chúng tôi có một số kiến nghị sau. 

 1. Tăng cường thông tin cho người tiêu dùng về hàng giả, hàng nhái, về các doanh nghiệp làm ăn chộp giật. Thông tin phải kịp thời, đầy đủ. Xây dựng website về hàng giả, hàng nhái, hàng kém phẩm chất, danh sách đen các doanh nghiệp lừa dối khách hàng để mọi người biết rõ khi mua hàng hóa và sử dụng dịch vụ của các doanh nghiệp.

2. Các cơ quan chức năng thường xuyên họp báo, cung cấp thông tin cho báo chí. VINASTAS cần chủ động, thường xuyên tổ chức các hội thảo, các cuộc toạ đàm, hội nghị bàn tròn, các buổi gặp gỡ trao đổi ý kiến về những vấn đề cần quan tâm xung quanh quyền của người tiêu dùng và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng

3. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng, trước hết ban hành Luật bảo vệ người tiêu dùng. Đây là một bất cập, cần được nhanh chóng khắc phục. Chỉ khi có luật và trên cơ sở đó có các văn bản dưới luật, các văn bản pháp quy khác để điều chỉnh thì các cơ quan thực thi pháp luật mới có cơ sở triển khai thực hiện, sức mạnh của bộ máy chính trị mới phát huy tác dụng.

4. Các cơ quan có chức năng cần phối hợp chặt chẽ trong việc kiểm tra, kiểm soát tại biên giới đối với hàng hóa nhập khẩu, nhất là hàng lậu, hàng tiểu ngạch để không cho phép nhập vào Việt Nam những mặt hàng cấm dùng trong sản xuất nông nghiệp, thực phẩm (nhất là thuốc bảo vệ thực vật, tăng trưởng gia xúc, gia cầm, bảo quản thực phẩm, rau quả…). Tăng cường quản lý chất lượng và giá cả đối với dược phẩm, mỹ phẩm.

5. Mặc dù có ý kiến khác nhau nhưng chúng ta kiên quyết cấm bán hàng rong, nhất là hàng rong tại các cơ sở trường học, bệnh viện, nơi công cộng. Không thể để tình trạng bất cứ ai, làm ra bất cứ đồ ăn nào cũng có quyền mang ra phố bán cho người khác ăn, nhất là đối tượng là học sinh tiểu học, trung học cơ sở.

6. Tăng cường giáo dục, giám sát những người sản xuất hàng hóa, kinh doanh dịch vụ cá thể trong việc tuân thủ các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm, phạt nặng những trường hợp vi phạm. Tăng cường công tác quản lý chất lượng hàng hoá, dịch vụ thực chất là làm cho chất lượng hàng hoá, dịch vụ đưa đến tay người tiêu dùng được bảo đảm đúng như giá trị của nó, chống lại thủ đoạn lừa dối khách hàng của một số nhà sản xuất hàng hoá và cung cấp dịch vụ. Cần có biện pháp để tăng cường công tác quản lý như: tăng thêm quyền cho các tổ chức tiêu chuẩn đo lường chất lượng, các cơ quan thanh tra, giám sát, quản lý thị trường.

7. Tăng cường tuyên truyền phổ biến để người tiêu dùng biết được các quyền của mình theo quy định của pháp luật để người tiêu dùng chủ động bảo vệ quyền của mình khi bị xâm phạm.

8. Trong gia đoạn hội nhập kinh tế quốc tế, hội nhập khu vực hiện nay, người tiêu dùng Việt Nam có nhiều cơ hội mới trong việc thoả mãn những nhu cầu cơ bản nói riêng, trong đó có quyền tiếp cận với nhiều sản phẩm và dịch vụ với chất lượng đảm bảo và giá cả thích hợp và thực sự được sử dụng các quyền của người tiêu dùng nói chung. Cần tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người tiêu dùng về các loại hàng hóa nhập ngoại, tuyên truyền kiến thức về hội nhập.

9. Hoàn thiện pháp luật, đơn giản hóa thủ tục khiếu kiện của người tiêu dùng. Cần quy định cụ thể nghĩa vụ, trách nhiệm của các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa và cung ứmg dịch vụ đối với người tiêu dùng. Nếu doanh nghiệp không giải quyết khiếu nại chính đáng của người tiêu dùng, người tiêu dùng có quyền nhờ cơ quan chức năng can thiệp (các cơ quan quản lý Nhà nước và các cấp tòa án). 

 10. Tăng cường nguồn nhân lực, vật lực và quyền hạn cho Cục quản lý cạnh tranh của Bộ Công thương và các sở thương mại các tỉnh, thành phố trong hoạt động bảo vệ người tiêu dùng. Nhà nước đầu tư kinh phí cho hoạt động của các cấp hội bảo vệ người tiêu dùng ở trung ương và địa phương.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO

 
1. Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 1999
2. Nghị định 69/2001/NĐ-CP hướng dẫn thi hành pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
3. United Nations, 16 April 1985 A/RES/39/248, General Assembly, Consumer protection (http://www.un.org)
4. Website của Tổ chức Quốc tế NTD http://www.consumersinternational.org/.
5. Đinh Thị Mỹ Loan, Bảo vệ quyền lợi NTD, nhìn từ góc độ quản lý nhà nước, Tạp chí Cộng sản số 123, tháng 2/2007.
6. Viện Khoa học pháp lý, Tài liệu Hội thảo về “Cơ chế pháp lý bảo vệ người tiêu dùng: thực tiễn Việt nam và kinh nghiệm quốc tế”, tháng 8/2007.

 SOURCE: DIỄN ĐÀN CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT NAM – PGS-TS ĐINH NGỌC VƯỢNG – Viện Nhà nước và Pháp luật  – DẪN LUẬN

(MKLAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

—————————————————–

THAM KHẢO VÀ DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN:

1. Luật sư riêng cho doanh nghiệp ;

2. Dịch vụ tư vấn cơ cấu lại doanh nghiệp ;

3. Tư vấn thành lập doanh nghiệp tại Hà Nội ;

4. Tư vấn xây dựng quy chế hoạt động cho doanh nghiệp ;

5. Luật sư tư vấn vụ án tranh chấp kinh doanh, thương mại ;

6. Luật sư tư vấn và giải quyết tranh chấp nội bộ doanh nghiệp .

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *