Ông N.M.L (phường Bình An, quận 2) bày tỏ nỗi khổ mà gia đình ông đang phải gánh chịu như trên. Tại TP.HCM, nhà xin giấy phép trước tháng 7-2009 được trổ cửa thoải mái, còn nhà xin phép sau lại không được giải quyết.

“Nhà tôi và nhà kế cận cách nhau một con hẻm chung rộng chưa đầy một thước. Từ lúc họ trổ cửa sổ, tôi có cảm giác lúc nào nhà mình cũng bị người khác nhìn chòng chọc vào, không còn giữ được sự riêng tư”.

Trổ cửa chỗ nào cũng được?

Căn nhà của ông L. được thiết kế cửa sổ rộng, tường rào xây thấp nhằm tạo thông thoáng. Tuy nhiên, từ khi nhà hàng xóm trổ cửa, gia đình ông đành phải đóng kín các cửa sổ để bảo vệ sự riêng tư. Ông L. muốn chữa cháy bằng cách xây thêm bức tường có bố trí cửa sổ so le với nhà hàng xóm nhưng quận lại không đồng ý.

“Phòng Quản lý đô thị quận 2 nói rằng khoảng cách hai nhà không đủ 2 m nên không cho trổ cửa sổ nhưng tại sao họ lại cấp phép cho nhà kia?” – ông L. thắc mắc.

Chủ một căn nhà rất đẹp ở khu Miếu Nổi (quận Phú Nhuận) cũng hết sức đau khổ bởi căn nhà đã bị mất giá trầm trọng từ lúc nhà đối diện đưa lưng vào nhà mình, kèm theo gần chục cục nóng của máy lạnh. “Không thể khiếu nại được bởi họ xây dựng trong đất có chủ quyền mà quận cho biết không có quy định nào bắt buộc chủ nhà khi xây mới phải xoay cửa về hướng nào” – kiến trúc sư thiết kế căn nhà này ấm ức.

 

Luật sư tư vấn luật Đất đai qua điện thoại gọi số:  –

 

Trong cuộc họp giao ban giữa Sở Xây dựng TP.HCM với phòng QLĐT 24 quận, huyện hồi tháng 9, nhiều quận nội thành cho biết đã tiếp nhận rất nhiều đơn khiếu nại về vấn đề này. “Nhà có hai mặt tiền, chủ nhà xin mở cửa hết hai bên, quận cấp phép, thế là bị các hộ trong hẻm khiếu nại” – đại diện Phòng QLĐT quận 10 báo cáo.

Còn Trưởng phòng QLĐT quận 11 Võ Xuân Quang ngán ngẩm: “Cho một căn nhà mở cửa ra hẻm là kéo theo nhiều chuyện, vì điều này có thể ảnh hưởng đến lối đi, chỗ để xe của các hộ dân đang sử dụng hẻm nên họ sẽ khiếu nại”.

Mỗi nơi giải quyết một cách

Điều 271 Bộ luật Dân sự quy định: “Chủ sở hữu nhà chỉ được trổ cửa ra vào, cửa sổ quay sang nhà bên cạnh, nhà đối diện và đường đi chung theo quy định của pháp luật về xây dựng”.

Tuy nhiên, Luật Xây dựng hiện nay lại bỏ trống vấn đề này. Trong quy chuẩn được ban hành kèm theo QĐ 04 năm 2008 của Bộ Xây dựng nhằm thay thế quy chuẩn xây dựng năm 1996, vấn đề trổ cửa cũng không được đề cập đến. Trong quy chuẩn này, quan hệ với công trình bên cạnh được quy định rất ngắn gọn: “Không bộ phận nào của ngôi nhà kể cả thiết bị, đường ống, phần ngầm dưới đất được vượt quá ranh giới với lô đất bên cạnh; không được xả nước mưa, nước thải, khí bụi, khí thải sang nhà bên cạnh”.

Do không có quy định thống nhất nên các cơ quan cấp phép đã có nhiều cách giải quyết khác nhau. Hiện nay, các quận 2, 5, 10, … đang áp dụng quy chuẩn 2008 trong khi quận 11 lại căn cứ theo nguồn gốc của công trình. “Nếu trước đây nhà đó có trổ cửa ra hẻm thì khi xây mới sẽ được tiếp tục trổ cửa, còn nếu không thì thôi” – ông Quang cho biết. Trong khi đó, Phòng QLĐT quận Gò Vấp vẫn áp dụng quy chuẩn 1996.

Tháng 7-2009, Sở Xây dựng đã có văn bản hướng dẫn các quận, huyện về việc trổ cửa. Theo đó, việc trổ cửa sổ hay ban công phải đảm bảo khoảng cách đến ranh đất kế cận tối thiểu là 2 m. “Chính vì thế mới có tình trạng nhà xin phép trước tháng 7-2009 thì trổ cửa thoải mái, còn nhà xin phép sau lại không được giải quyết” – đại diện Phòng QLĐT quận 2 giải thích.

Tuy nhiên, xét về pháp lý, văn bản hướng dẫn của Sở Xây dựng không thể thay thế quy chuẩn xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành. Do đó, nếu nhà nào làm căng đòi giải quyết cho trổ cửa bởi quy chuẩn không cấm thì các cơ quan cấp phép sẽ gặp khó.

Tại cuộc họp giao ban, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Quách Hồng Tuyến nêu quan điểm của Sở Xây dựng: Không thể để người dân xin trổ cửa chỗ nào cũng được. Ông Tuyến cho biết Sở đã có văn bản kiến nghị Bộ Xây dựng cho áp dụng lại quy chuẩn cũ về việc trổ cửa trong quan hệ với công trình lân cận.

Trước hạn chế, nay lại không

Trước đây, quy chuẩn xây dựng ban hành kèm QĐ 682 năm 1996 quy định: Từ tầng hai trở lên, trên các bức tường cách ranh giới đất với công trình bên cạnh dưới 2 m không được mở cửa đi, cửa sổ, lỗ thông hơi. Việc mở cửa cũng được thực hiện nghiêm ngặt theo nguyên tắc: Khi mở cửa cần có biện pháp tránh tia nhìn trực tiếp vào nội thất nhà bên cạnh. Theo quy chuẩn trên, nếu không đủ khoảng cách 2 m, chủ nhà muốn trổ cửa phải có sự đồng ý của chủ nhà lân cận. Khi thỏa thuận giữa hai bên bị hủy bỏ, các lỗ cửa này mặc nhiên phải bị bít lại. Tuy nhiên, quy chuẩn xây dựng 2008 đã bỏ các điều khoản này.

SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM – CẨM TÚ

Trích dẫn từ:http://www.phapluattp.vn

(MKLAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

——————————————————–

THAM KHẢO MỘT SỐ DỊCH VỤ TƯ VẤN LUẬT:

1. Tư vấn tách thửa đất đai;

2. Tư vấn pháp luật đất đai ;

3. Tư vấn cấp lại sổ đỏ bị mất ;

4. Tư vấn mua bán, chuyển nhượng đất đai ;

5. Tư vấn đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ;

6. Tư vấn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do trúng đấu giá ;

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *