Công ty bên em có ký hợp đồng thuê vị trí để lắp đặt các bảng quảng cáo với công ty kia, thời hạn hợp đồng là từ tháng 8/2017 đến tháng 8/2020. Bên em đã thanh toán hết đến tháng 8/2019. Nay bên em muốn chấm dứt hợp đồng này thì có phải bồi thường gì không
File Đính Kèm
NPTLAWYER tư vấn cho bạn:
Trước hết, NPTLAWYER sẽ tư vấn dựa trên dữ kiện câu hỏi mà bạn đưa ra.
NPTLAWYER tóm tắt sơ về Hợp đồng theo dữ kiện bạn cung cấp như sau:
Thứ nhất, một vài điều khoản cơ bản trong Hợp đồng:
– Thời hạn hợp đồng: từ 8/2017 đến 8/2020.
– Điều khoản về chấm dứt Hợp đồng:
“…
6.2. Nếu một trong hai Bên muốn chấm dứt hợp đồng trước thời hạn thì phải thông báo cho Bên kia biết trước ít nhất là ba (03) tháng và chỉ chấm dứt khi có sự đồng ý bằng văn bản của Bên kia.
6.3. Trong trường hợp một Bên đơn phương chấm dứt Hợp Đồng Thuê mà không tuân thủ theo các quy định trong Hợp Đồng Thuê này thì phải bồi thường:
i. Toàn bộ khoản Tiền Thuê sẽ phải trả trong thời hạn còn lại của Thời Hạn Thuê như thế Hợp Đồng Thuê này không bị chấm dứt trước hạn.
ii. Chi phí tháo dỡ, nhân công thực hiện và toàn bộ thiệt hại đã gây ra theo đúng quy định của pháp luật.”
Thứ hai, về thực tế thực hiện Hợp đồng:
– Công ty bạn đã thanh toán cho Công ty kia đến hết 10/8/2019 (nghĩa là đã thanh toán đủ cho hai năm thuê đầu tiên).
– Công ty bạn mong muốn chấm dứt Hợp đồng này trước thời hạn.
Trường hợp 1: Nếu Công ty bạn chấm dứt Hợp đồng đúng quy định đã thỏa thuận.
Điều 6 Hợp đồng quy định rõ điều kiện để chấm dứt hợp đồng trước thời hạn bao gồm (i) Công ty bạn phải thông báo cho Bên kia biết trước ít nhất ba (03) tháng; và (ii) Công ty kia phải đồng ý bằng văn bản về việc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn này.
Nếu trên thực tế Công ty bạn thỏa mãn được hai điều kiện nêu trên thì Công ty bạn sẽ không phải bồi thường thiệt hại cho Công ty kia.
Trường hợp 2: Nếu Công ty bạn chấm dứt Hợp đồng không đúng quy định đã thỏa thuận.
Nếu Công ty bạn không thông báo cho Công ty kia về việc chấm dứt Hợp đồng trước hạn hoặc đã thông báo nhưng không nhận được sự chấp thuận bằng văn bản của Công ty kia mà Công ty bạn vẫn đơn phương chấm dứt Hợp đồng thì coi như Công ty bạn đã vi phạm Điều 6 Hợp đồng. Tuy nhiên, việc Công ty bạn có phải bồi thường thiệt hại cho Công ty kia hay không thì còn phụ thuộc vào các yếu tố sau đây:
– Hợp đồng này được ký giữa Công ty bạn và Công ty kia, theo chủ thể ký kết hợp đồng, nội dung thực hiện và bản chất của hợp đồng thì đây là loại hợp đồng kinh doanh thương mại được điều chỉnh và áp dụng theo Luật Thương mại 2005.
– Như đã xác định ở trên, vì áp dụng theo Luật Thương mại 2005 nên căn cứ bồi thường thiệt hại sẽ phải áp dụng theo Luật Thương mại 2005, theo đó căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 303 Luật Thương mại 2005 như sau:
“Điều 303. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
Trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này, trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi có đủ các yếu tố sau đây:
1. Có hành vi vi phạm hợp đồng;
2. Có thiệt hại thực tế;
3. Hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại.”
Theo quy định trên, nếu Công ty kia yêu cầu Công ty bạn bồi thường thiệt hại thì phải thỏa mãn đủ ba điều kiện nêu trên. NPTLAWYER phân tích:
– Có hành vi vi phạm hợp đồng hay không?
=> Công ty bạn đã không thỏa mãn điều kiện để chấm dứt Hợp đồng trước thời hạn, do đó Công ty bạn đã đơn phương chấm dứt hợp đồng trái quy định tại Điều 6 Hợp đồng này.
Vì vậy, xác định đã có sự vi phạm hợp đồng.
– Có thiệt hại thực tế không?
Mặc dù Điều 6.3 Hợp đồng có ghi rõ rằng:
“6.3. Trong trường hợp một Bên đơn phương chấm dứt Hợp Đồng Thuê mà không tuân thủ theo các quy định trong Hợp Đồng Thuê này thì phải bồi thường:
i. Toàn bộ khoản Tiền Thuê sẽ phải trả trong thời hạn còn lại của Thời Hạn Thuê như thế Hợp Đồng Thuê này không bị chấm dứt trước hạn.
ii. Chi phí tháo dỡ, nhân công thực hiện và toàn bộ thiệt hại đã gây ra theo đúng quy định của pháp luật.”
Các bên đã ấn định trước số tiền bồi thường mà bên vi phạm do đơn phương chấm dứt Hợp đồng trái quy định phải trả cho bên còn lại. Tuy nhiên, ngay từ ban đầu khi soạn thảo và ký kết Hợp đồng này thì Điều 6.3 đã không phù hợp và không đúng quy định pháp luật bởi vì Luật Thương mại đã quy định rõ các căn cứ bắt buộc để một bên yêu cầu bên còn lại bồi thường là có thiệt hại thực tế phát sinh. Do vậy nếu Công ty kia chứng minh được mình bị thiệt hại và thiệt hại này phát sinh do sự vi phạm của Công ty bạn gây ra thì Công ty kia mới có quyền yêu cầu Công ty bạn bồi thường số tiền này.
Vì vậy, nếu Công ty kia cung cấp đủ chứng cứ, tài liệu để chứng minh các tổn thất mà mình phải chịu do việc đơn phương chấm dứt Hợp đồng của Công ty bạn gây ra thì Công ty bạn sẽ phải bồi thường số tiền thiệt hại tương ứng.
Điều 304 Luật Thương mại 2005 quy định nghĩa vụ chứng minh tổn thất như sau: “Bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải chứng minh tổn thất, mức độ tổn thất do hành vi vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.”
Do đó, từ các căn cứ trên, Công ty kia phải chứng minh được các thiệt hại thực tế mà mình phải gánh chịu và các thiệt hại này phải là kết quả từ sự vi phạm của Công ty bạn (đơn phương chấm dứt trước thời hạn). Nếu Công ty kia không chứng minh được các thiệt hại thì Công ty bạn không có nghĩa vụ phải bồi thường Công ty kia.
Please login or Register to submit your answer