Theo quy định tại Điều 74 của Nghị định 71/2010/NĐ-CP, pháp luật quy định về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của các địa phương như sau:

1. Trên cơ sở định hướng, chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, các cơ chế, chính sách về phát triển, quản lý nhà ở hiện hành của trung ương và nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cho từng giai đoạn năm năm và mười năm hoặc dài hơn trên địa bàn để trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua trước khi ban hành.

2. Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương bao gồm các nội dung chính sau đây:

a) Khái quát hiện trạng nhà ở của địa phương;

b) Phân tích, đánh giá kết quả, tồn tại, nguyên nhân công tác phát triển, quản lý nhà ở của địa phương;

c) Xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, trong đó nêu rõ từng khu vực, từng loại đối tượng trên địa bàn theo quy định sau đây:

– Đối với nhà ở tại khu vực đô thị: phải nêu rõ thực trạng các loại nhà ở (các nhà chung cư xuống cấp nguy hiểm, các khu nhà ở tạm bợ, nhà ổ chuột, khu nhà ở có hạ tầng kỹ thuật không đáp ứng yêu cầu), các khó khăn vướng mắc trong việc xây dựng, cải tạo nhà ở, nhu cầu về nhà ở của từng loại đối tượng và xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở trong từng năm.

Trong chương trình phải đề xuất hướng giải quyết về quỹ đất, công tác giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư, về quy hoạch các khu dự án phát triển nhà ở, về nguồn vốn cho đầu tư phát triển nhà ở, cơ chế, chính sách về tài chính đất đai cho phát triển nhà ở, về chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân đầu người và phương án giải quyết chỗ ở cho từng loại đối tượng tại đô thị;

– Đối với nhà ở khu vực nông thôn: phải nêu rõ thực trạng về nhà ở của từng khu vực, nhà ở của đồng bào các dân tộc (nếu có), phong tục tập quán về xây dựng nhà ở của người dân, diện tích đất bình quân để xây dựng nhà ở, những khó khăn vướng mắc trong việc phát triển nhà ở, nhu cầu về nhà ở của người dân và kế hoạch phát triển nhà ở trong từng năm.

Trong chương trình phải đề xuất quỹ đất, lập quy hoạch các khu vực xây dựng nhà ở, phương án huy động các nguồn vốn tham gia xây dựng nhà ở, các hình thức hỗ trợ xây dựng nhà ở, chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân đầu người.

– Đối với nhà ở công nhân khu công nghiệp (nếu có): phải nêu rõ thực trạng và nhu cầu về nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, lập quy hoạch, tạo quỹ đất xây dựng nhà ở, kế hoạch huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng nhà ở, kế hoạch bố trí nhà ở cho công nhân trong từng năm;

– Đối với nhà ở của các đối tượng khác trên địa bàn, bao gồm: nhà ở cho học sinh, sinh viên, nhà ở cho người nghèo tại đô thị và nông thôn, nhà cho cán bộ, công chức, nhà ở công vụ, nhà ở cho người có công với cách mạng thì phải nêu rõ thực trạng và nhu cầu về nhà ở của từng loại đối tượng, nêu rõ kế hoạch xây dựng nhà ở cho từng loại đối tượng, phương thức tạo điều kiện hỗ trợ về nhà ở (bố trí cho thuê, cho thuê mua nhà ở, hỗ trợ kinh phí, nguyên vật liệu để xây dựng nhà ở, cấp đất xây dựng nhà ở, ưu đãi về tín dụng);

d) Các nội dung có liên quan khác;

đ) Chương trình phát triển nhà ở phải xác định rõ tiến độ thực hiện; nhiệm vụ và trách nhiệm cụ thể của các Sở, Ban, ngành, các cấp chính quyền trong quá trình triển khai thực hiện.

3. Các chỉ tiêu cơ bản về phát triển nhà ở trong chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở phải được đưa vào nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương trong từng giai đoạn. Hàng năm phải có sơ kết, đánh giá và thực hiện sửa đổi, điều chỉnh những điểm chưa phù hợp với thực tế. Kết thúc chương trình, kế hoạch phải có tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ và gửi Bộ Xây dựng Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương để theo dõi, kiểm tra. Đối với các thành phố trực thuộc Trung ương thì sau khi Hội đồng nhân dân thành phố thông qua Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, Ủy ban nhân dân thành phố phải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước khi triển khai thực hiện.

5. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí ngân sách địa phương cho việc điều tra, khảo sát, xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương mình.

Trân trọng./.
BỘ PHẬN TƯ VẤN LUẬT – Nptlawyer.com ;

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *