Mấy năm gần đây, nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em gia tăng nghiêm trọng. Điều đáng nói là, ngay cả trong các trường hợp bọn buôn người sử dụng những chiêu bài cũ rích, thì các nạn nhân vẫn bị lừa gạt một cách dễ dàng. Vì vậy, nâng cao nhận thức cho phụ nữ và trẻ em, đặc biệt các đối tượng ở vùng sâu, vùng xa đang là một trong những việc làm cấp bách hiện nay.

Nhức nhối tệ nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em

Nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em đang là một hiện tượng nhức nhối ở nước ta hiện nay, là hoạt động tội phạm xâm hại những quyền cơ bản nhất của con người, làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống dân cư. Và đối tượng bị tổn thương nhất là phụ nữ và trẻ em. Tệ nạn này làm ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe, phẩm hạnh và cơ hội phát triển của họ.

Điều đáng lo ngại là, số vụ việc và số phụ nữ, trẻ em bị buôn bán ngày càng tăng theo thời gian. Theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), giai đoạn 1998 – 2006, có 5.746 phụ nữ và trẻ em bị bán ra nước ngoài và 665 phụ nữ và trẻ em bị buôn bán trong nước, chưa kể đến con số 7.940 phụ nữ và trẻ em nghi ngờ bị buôn bán. Từ năm 2005 đến tháng 6-2008, toàn quốc đã xảy ra 1.100 vụ với 2.800 phụ nữ và trẻ em bị buôn bán, diễn ra mạnh nhất tại các tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc với hơn 65% tổng số vụ. Tuyến Việt Nam – Cam-pu-chia cũng chiếm đến 15% tổng số vụ buôn bán phụ nữ và trẻ em, tuyến Việt Nam – Lào chiếm khoảng 6,5% số vụ. Toàn quốc hiện nay có 54 tuyến trọng điểm về buôn bán phụ nữ và trẻ em, trong đó có năm tuyến quốc tế và 18 tuyến liên tỉnh.

Luật sư tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình gọi số –

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo 130/CP (Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em), chỉ trong sáu tháng đầu năm 2009, cả nước đã xảy ra 191 vụ buôn bán phụ nữ, trẻ em, với 362 đối tượng, lừa bán 417 nạn nhân. Đáng chú ý, tình trạng chiếm đoạt, bắt cóc trẻ em, mua bán trẻ sơ sinh đưa ra nước ngoài bán liên tục xảy ra ở một số địa phương phía Bắc như Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Điện Biên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Nam…

Không chỉ trên đường bộ, nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em còn được thực hiện qua cả đường hàng không, đường biển, tập trung đến một số nước và vùng lãnh thổ thiếu nữ trầm trọng hoặc giá nhân công lao động cao như Hàn Quốc, Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po, Hồng Kông, thậm chí cả một số nước châu Âu, châu Mỹ… Phụ nữ và trẻ em được đưa đi theo đường này sẽ bị bán để "làm vợ", bán vào các động mại dâm của người địa phương hoặc cộng đồng người gốc Việt ở nước đó, một số khác bị đưa đi lao động cưỡng bức.

Mặc dù các địa phương đều nỗ lực hết mình trong việc tuyên truyền sâu rộng những thủ đoạn của bọn buôn bán người, song hoạt động buôn bán phụ nữ, trẻ em vẫn diễn biến phức tạp, do tính chất, quy mô và thủ đoạn hoạt động phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức chặt chẽ.

Lạng Sơn là một trong những điểm nóng của cả nước về tệ nạn này. Tỉnh có năm huyện tiếp giáp với Trung Quốc trên đường biên dài 253 km; với hai cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và Đồng Đăng, hai cửa khẩu quốc gia Chi Ma và Bình Nghi, cộng thêm vô số đường tiểu ngạch dọc vùng biên, là đặc điểm địa lý dẫn đến nguy cơ cao về tệ nạn buôn bán người, khiến Lạng Sơn trở thành tuyến đường trung chuyển buôn bán người sang Trung Quốc. Mặt khác, phần lớn dân số Lạng Sơn là dân tộc thiểu số (Nùng 43% và Tày 36%), có trình độ dân trí thấp nên dễ trở thành nạn nhân của bọn buôn bán người.

Nhức nhối hơn nữa là hiện tượng một số cá nhân có chức quyền nhưng đã thoái hóa, biến chất ở Trung tâm bảo trợ xã hội huyện Trực Ninh (Nam Định) và Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Hòa Bình đã tình nguyện làm một "mắt xích" trong đường dây chuyên buôn bán trẻ sơ sinh, sau một thời gian dài mới bị phát hiện.

Thủ đoạn lừa gạt của bọn tội phạm chủ yếu dưới danh nghĩa giúp tìm việc làm, rủ đi làm ăn, buôn bán, mang vác hàng hóa, du lịch và một vài năm trở lại đây là dưới hình thức kết hôn với người nước ngoài. Một hình thức khá phổ biến hiện nay, thủ phạm (là nam giới), giả vờ yêu các cô gái rồi rủ rê họ về nhà ra mắt bố mẹ hoặc đi Lạng Sơn, Quảng Ninh… mua sắm đồ cưới. Nhiều cô gái nhẹ dạ cả tin đã dễ dàng sa bẫy của "người yêu". Đến lúc các cô rõ chân tướng của người đã từng thề non hẹn biển với mình thì không còn đường lui nữa.

Nghiêm trọng hơn cả là tình trạng bọn buôn người lợi dụng đêm tối, sơ hở của gia đình nạn nhân và lực lượng chức năng, để tn công, cướp, chiếm đoạt trẻ em bán ra nước ngoài. Tại Hà Giang, có huyện chỉ trong một tháng xảy ra 4 vụ, bắt cóc 4 trẻ em, có huyện từ tháng 1-2009 đến tháng 5-2009 xảy ra 6 vụ, 7 trẻ em bị bắt cóc. Ngoài ra, các tỉnh phía Nam, đặc biệt là các tỉnh miền Tây Nam Bộ, hoạt động môi giới hôn nhân bất hợp pháp để đưa phụ nữ ra nước ngoài vẫn thường xuyên xảy ra dưới nhiều hình thức trá hình khác nhau.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng phụ nữ và trẻ em bị buôn bán

– Ham lợi ích vật chất:

Ham lợi ích vật chất là yếu tố đầu tiên dẫn đến việc buôn bán phụ nữ và trẻ em, do cả hai phía: kẻ buôn người và nạn nhân. Kẻ buôn người bất chấp pháp luật và đạo lý bởi một "hình thức kinh doanh" không mất vốn mà lại thu được số lợi nhuận quá hời. Nạn nhân, bị hấp dẫn bởi những "chiếc bánh vẽ" ngon lành về lợi ích kinh tế mà bọn buôn người đưa ra, kết cục là sa vào bẫy của bọn chúng.

– Hạn chế về nhận thức:

Trình độ dân trí thấp, hạn chế trong việc tiếp cận thông tin, đặc biệt là thông tin liên quan đến nạn buôn bán người… là những tồn tại phổ biến trong dân cư vùng sâu vùng xa, thậm chí cả với những đô thị, thành phố lớn nhưng gia đình, nhà trường chưa có sự quan tâm, giáo dục sát sao về vấn đề này. Nhiều vụ việc xảy ra với những tình tiết đơn giản đến không ngờ mà nếu như một người có nhận thức, hiểu biết về vấn đề này sẽ không bao giờ mắc phải. Trên thực tế, các nạn nhân vẫn bị dỗ ngon, dỗ ngọt bởi các chiêu bài tìm việc làm nhàn hạ nhưng lại có thu nhập cao. Họ dễ dàng theo đối tượng có khi chỉ quen biết sơ sơ đến những nơi xa lạ để mong một sự đổiđời.

– Đói nghèo, thất học và thất nghiệp:

Đây là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến nhu cầu và xu hướng di dân tìm việc làm và thu nhập, nó chứa đựng cả hai yếu tố nói trên. Đói nghèo và thất nghiệp dẫn đến những ham hố lợi ích vật chất của nạn nhân và thất học dẫn đến sự hạn chế về nhận thức, hiểu biết. Nạn nhân sống trong tình trạng nghèo đói, không có việc làm, thiếu kiến thức và giáo dục là những điều kiện thuận lợi cho bọn buôn người tiếp cận, lôi kéo, dụ dỗ.

– Thiếu sự quan tâm, dạy dỗ của gia đình:

Đây là một nguyên nhân quan trọng. Không ít các gia đình mà bố mẹ chỉ biết chu cấp vật chất đầy đủ cho con cái mà thiếu sự quan tâm, dạy dỗ. Nhiều trường hợp con bỏ nhà đi mấy ngày bố mẹ mới biết. Những bậc phụ huynh này, có người vì quá ham kiếm tiền hoặc mải mê với những thú vui ích kỷ mà quên mất rằng con trẻ, nhất là trong hoàn cảnh xã hội phức tạp như ngày nay, rất cần có sự che chở, yêu thương, quan tâm, dạy dỗ của bố mẹ. Nhưng cũng có những người vì cuộc sống quá cơ cực, bần hàn, họ phải lăn lộn để mưu sinh nên không còn thời gian và sức lực để chăm sóc con cái.

– Do một số bộ, ngành và nhiều địa phương còn xem nhẹ:

Những địa phương này chưa xác định phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em là một nhiệm vụ quan trọng và yêu cầu có sự phối hợp đồng bộ của nhiều cấp ngành, chính quyền, gia đình, lực lượng công an…, dẫn đến việc thiếu các chương trình, kế hoạch cụ thể.

– Công tác tuyên truyền còn dàn trải, chưa đủ sức nặng:

Công tác tuyên truyền nhiều khi còn mang tính phong trào, thời vụ; công tác giáo dục, phổ biến pháp luật còn yếu. Công tác phòng ngừa, đấu tranh đạt kết quả thấp, chưa tương xứng với các giải pháp đề ra.

– Công tác xác minh, tiếp nhận, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị buôn bán từ nước ngoài trở về còn lúng túng. Các nạn nhân trở về được với gia đình, địa phương là một may mắn lớn của họ, song khi niềm vui vừa qua đi là nỗi lo đã ập đến. Họ sẽ làm gì vượt qua những mặc cảm, sự kỳ thị, sẽ làm gì để sinh sống, để thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu.

Biện pháp phòng chống nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em

– Nâng cao năng lực nhận biết và phòng ngừa:

Đây là hoạt động cần chú trọng đầu tiên, trong đó bao gồm việc nâng cao năng lực phòng, chống loại tội phạm này cho chính quyền địa phương, đặc biệt là Hội phụ nữ tỉnh, huyện, các ban ngành liên quan, tình nguyện viên và nâng cao nhận thức cho các nhóm đối tượng có nguy cơ bị buôn bán. Thực hiện các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng ngừa cho người dân địa phương, nhất là những phụ nữ và trẻ em dễ bị lôi kéo, lừa gạt. Các hoạt động truyền thông cần được thực hiện thông qua các câu lạc bộ phòng chống buôn bán người, tư vấn cá nhân và các cuộc họp cộng đồng, nhất là nên được tiến hành ở các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Phối hợp triển khai các dự án về phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em do các tổ chức quốc tế tài trợ. Như ở Lạng Sơn, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã phối hợp với Trung tâm nâng cao sức khỏe cộng đồng (CPH) để thực hiện Dự án phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em, do AusAid (thuộc Đại sứ quán Ô-xtrây-li-a) tài trợ, đã có hiệu quả trong việc nâng cao nhận thức cho cộng đồng, đặc biệt là các em học sinh tại một số huyện "điểm nóng" của tỉnh.

– Tạo công ăn việc làm:

Đây là yếu tố có ý nghĩa then chốt của vấn đề. Khi có công ăn việc làm đầy đủ, không quá bị thúc bách về vấn đề thu nhập, con người sẽ không bị rơi vào tình trạng "nhắm mắt đưa chân". Hơn nữa, có việc làm không chỉ giúp con người có thu nhập mà còn tăng thêm cho họ nhận thức và sự hiểu biết về mọi mặt, trong đó có nhận thức về các hoạt động lừa đảo nói chung và lừa gạt phụ nữ, trẻ em nói riêng.

Cần sớm chỉnh sửa mức phạt đối với tội danh buôn bán người, ngoài phạt tiền còn phải truy cứu trách nhiệm hình sự nặng hơn để đủ mức răn đe. Các hình thức phạt như hiện nay, theo chúng tôi, không những không phát huy tác dụng ngăn ngừa, mà còn phản tác dụng./.

SOURCE: TẠP CHÍ CỘNG SẢN ĐIỆN TỬ SỐ 20 (188) NĂM 2009 – ĐOÀN HIỀN

(MKLAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

—————————————————–

THAM KHẢO DỊCH VỤ PHÁP LUẬT LIÊN QUAN:

1. Dịch vụ luật sư, tư vấn pháp luật;
2. Luật sư tư vấn pháp luật hình sự;
3. Dịch vụ luật sư bào chữa tại tòa án;
4. Luật sư tranh tụng các vụ án hình sự;
5. Luật sư tư vấn thu hồi nợ cho doanh nghiệp;
6. Luật sư tư vấn, tranh tụng trong lĩnh vực hình sự;

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *