Nên hay không nên quy định Theo Luật đất đai năm 2003, “hòa giải ở cấp cơ sở” trong giải quyết các tranh chấp đất đai là một trong những điều kiện bắt buộc trước khi các đương sự được khởi kiện tới Tòa án?

1. Những bất cập về mặt pháp luật và vướng mắc trong thực tiễn:

Điều 135 Luật đất đai năm 2003 quy định về  hoà giải tranh chấp đất đai như sau:

“1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hoà giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đaithông qua hoà giải ở cơ sở.

2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hoà giải được thì gửi đơn đến Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp.   

Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác để hoà giải tranh chấp đất đai

Thời hạn hoà giải là ba mươi ngày làm việc, kể từ ngày Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nhận được đơn.

Kết quả hoà giải tranh chấp đất đai phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên tranh chấp và xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất. Trường hợp kết quả hoà giải khác với hiện trạng sử dụng đất thì Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn chuyển kết quả hoà giải đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết theo quy định về quản lý đất đai.”

>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi:  –

 

Tuy nhiên, Điều 136 Luật đất đai quy định “ Tòa án chỉ giải quyết các tranh chấp đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã nhưng các đương sự không nhất trí với nhau” . Như vậy, thủ tục hòa giải cơ sở do Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn tiến hành là điều kiện bắt buộc trước khi các đương sự được khởi kiện tới Tòa án chứ không phải là thủ tục mang tính tùy nghi hoặc khuyến khích.

Việc Nhà nước đề cao việc hòa giải trong quá trình giải quyết các tranh chấp đất đai và coi đó là một trong những biện pháp cơ bản để giải quyết tranh chấp đất đai nhằm mục đích khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở là một chủ trương đúng đắn. Quy định này là cần thiết nhằm tạo cơ hội để các bên thương lượng giải quyết,  giữ được tình cảm gia đình , bạn bè, làng xóm, tăng tính đoàn kết trong nhân dân. Tuy nhiên trên thực tế kết quả việc hòa giải tranh chấp đất đai ở cơ sở cho thấy thủ tục này chỉ mang tính hình thức, động viên và ghi nhận hòa giải không thành để chuyển sang Tòa án giải quyết. Do tranh chấp đất đai thường  rất gay gắt, phức tạp vượt quá khả năng giải quyết của cán bộ địa phương, mặt khác trong quá trình hòa giải ở cơ sở, các bên đương sự thường không cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ nên Hội đồng hòa giải cơ sở cũng khó hòa giải thành. Nhiều trường hợp mâu thuẫn đã có từ lâu và đến khi phải ra đến chính quyền giải quyết là lúc tranh chấp giữa hai bên đã rất căng thẳng. Mặt khác, ở nhiều địa phương,cán bộ tham gia hòa giải nhiều khi là họ hàng hoặc quen biết cả hai bên nên có phần e ngại va chạm, vì thế có tâm lý né tránh, gây thêm khó khăn cho đương sự trong việc giải quyết tranh chấp. Nhiều nơi cán bộ của Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện việc hòa giải qua quýt, không đúng thủ tục, gây mất thời gian. Kết quả là việc hòa giải đó không giải quyết được tranh chấp mà lại thêm thủ tục phiền hà cho người dân.

Về hiệu quả pháp lý của việc tiến hành hòa giải tại cơ sở, thực tế còn xảy ra trường hợp Ủy bân nhân dân cấp xã hòa giải thành nhưng sau đó một hoặc các bên tranh chấp không thực hiện nội dung hòa giải  lại tiếp tục khởi kiện dẫn đến vụ việc tranh chấp kéo dài. Chính vì vậy quy định bắt buộc các đương sự muốn khởi kiện tại Tòa án phải qua hòa giải tại địa phương là không cần thiết vì hiệu quả không cao do không có chế tài mà chỉ dựa trên sự tự nguyện của các bên.

Về thành phần tham gia hòa giải tại cơ sở, theo khoản 2 Điều 135 Luật đất đai:  “ Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác để hoà giải tranh chấp đất đai” là quá rộng . Trên thực tế khi Ủy ban nhân dân cấp xã tiến hành hòa giải, thành phần hòa giải thường không đầy đủ do thiếu cán bộ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hoặc  cán bộ của các tổ chức thành viên của Mặt trận, tổ chức hội phụ nữ, tham gia hòa giải. Trong trường hợp này, khi Tòa án trả lại đơn khởi kiện,  có nơi  Ủy ban nhân dân cấp xã chấp nhận tổ chức hòa giải lại, nhưng có nơi Ủy ban nhân dân cấp xã lại từ chối vì cho rằng tranh chấp đã được hòa giải, dẫn đến tình trạng việc giải quyết tranh chấp bị kéo dài, gây mất nhiều thời gian, công sức của người dân và cơ quan Tòa án.

Về thời hiệu khởi kiện, khoản 2, Điều 166 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định“ ngày khởi kiện được tính từ ngày đương sự nộp đơn tại Tòa án hoặc ngày có dấu bưu điện nơi gửi “trong khi Luật đất đai quy định thời hạn tiến hành hòa giải ở cơ sở là 30 ngày làm việc, kể từ ngày Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nhận được đơn.  Như vậy giai đoạn Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện hòa giải không được tính vào thời hiệu khởi kiện. Do vậy, nhiều trường hợp đương sự đợi để được hòa giải ở địa phương xong, gửi đơn đến Tòa án thì hết thời hiệu khởi kiện theo quy định của pháp luật, làm thiệt hại đến quyền lợi chính đáng của đương sự.

2- Một số kiến nghị:

Để khắc phục bất cập về mặt pháp luật và tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn thi hành các quy định nêu trên, nên chăng chỉ quy định khuyến khích hòa giải tranh chấp đất đai ở cơ sở trước khi khởi kiện ra tòa án mà không quy định đó là một thủ tục bắt buộc; hoặc chỉ nên quy định hòa giải cơ sở đối với các tranh chấp về đất đai trên cơ sở yêu cầu của đương sự. Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp xã không tiến hành hòa giải,  không có điều kiện hòa giải, hoặc một bên đương sự không có thiện chí nên không có mặt, hay không thể có mặt thì đương sự có quyền khởi kiện ra Tòa án. Như vậy sẽ tạo điều kiện cho các chủ thể có thể khởi kiện thẳng đến Tòa án, không phải giải quyết tranh chấp đất đai qua nhiều cấp, tiết kiệm được thời gian, kịp thời bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người bị xâm phạm. Mặt khác tại Tòa án cũng có thủ tục hòa giải. Ngay cả khi cấp cơ sở đã tiến hành hòa giải cho các bên tranh chấp, khi thụ lý giải quyết tại Tòa án, Tòa án vẫn phải hòa giải, đây là một thủ tục bắt buộc trong hoạt động tố tụng.

Nếu vẫn quy định việc hòa giải tranh chấp đất đai ở cơ sở là điều kiện bắt buộc thì nên quy định hiệu lực pháp luật của các vụ việc tranh chấp đã được hòa giải thành, đồng thời xem xét lại thời hiệu khởi kiện để không ảnh hưởng đến thời hiệu của người khởi kiện. Đồng thời để nâng cao chất lượng công tác hòa giải tại cơ sở, cần đầu tư nghiên cứu ban hành các văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật và tăng cường đào tạo, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức quản lý Nhà nước về đất đai, cán bộ địa chính xã, phường, thị trấn, đội ngũ cán bộ làm công tác hòa giải tranh chấp đất đai của cấp Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và các cán bộ , thẩm phán Tòa án.

SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO –ĐĂNG MINH

Trích dẫn từ: http://toaan.gov.vn/

(MKLAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

————————————————-

THAM KHẢO DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN:

1. Tư vấn pháp luật lao động;

3. Tư vấn pháp luật lĩnh vực dân sự;

4. Tư vấn luật hành chính Việt Nam;

2. Luật sư riêng cho doanh nghiệp;

5. Dịch vụ luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp tại tòa án.

6. Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp hôn nhân gia đình;

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *