Xin chào Diễn Đàn Luật;, Tôi hiện đang sống tại Hàn Quốc theo diện kết hôn với người nước ngoài, tôi có thẻ cư trú người nước ngoài. Trong thời gian sắp tơi, tôi dự định mua nhà hoặc đất tại Việt Nam.

Vậy quý công ty có thể cho tôi hỏi, hiện tôi mang quốc tịch Việt Nam thì có được đứng tên trên sổ đỏ bình thường không?

Mong nhận được sự hồi âm sớm. Cảm ơn quý công ty.

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn pháp luật đất đai của Nptlawyer.com ;.

 Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp qua tổng đài – 

 

Trả lời:

Chào bạn! Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Về vấn đề mà bạn thắc mắc chúng tôi xin được giải đáp như sau:

 

1. Cơ sở pháp lý

Luật nhà ở số 65/2014/QH13 của Quốc hội

Luật đất đai số 45/2013/QH13 của Quốc hội

2. Nội dung tư vấn

Theo quy định tại Điều 7 Luật Nhà ở 2014 thì các đối tượng có quyền sở hữu nhà ở ở Việt Nam là:

"Điều 7. Đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam

1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước.

2. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

3. Tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại khoản 1 Điều 159 của Luật này".

Như vậy, trong trường hợp của bạn, hiện tại bạn đang sống tại Hàn Quốc, nhưng vẫn còn Quốc tịch Việt Nam như vậy bạn vẫn có quyền được sở hữu nhà ở tại Việt Nam nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 8, Luật nhà ở 2014:

"Điều 8. Điều kiện được công nhận quyền sở hữu nhà ở

1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước; đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam; đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài thì phải có đủ điều kiện quy định tại Điều 160 của Luật này.

2. Có nhà ở hợp pháp thông qua các hình thức sau đây:

a)  Đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước thì thông qua hình thức đầu tư xây dựng, mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở và các hình thức khác theo quy định của pháp luật;

b) Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì thông qua hình thức mua, thuê mua nhà ở thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản (sau đây gọi chung là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản); mua, nhận tặng cho, nhận đổi, nhận thừa kế nhà ở của hộ gia đình, cá nhân; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật;

c) Đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài thì thông qua các hình thức quy định tại khoản 2 Điều 159 của Luật này."

Theo như quy định trên, trường hợp của bạn thuộc vào trường hợp tại điểm b điều luật trên. Nếu bạn là người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài mà được phép nhập cảnh vào Việt Nam, và bạn mua nhà theo các hình thức như: mua nhà của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, mua nhà ở của hộ gia đình, cá nhân; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại.

Còn về quyền sử dụng đất, tại khoản 1 Điều 186 Luật Đất đai 2013 quy định:

"Điều 186. Quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam; người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam

1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng có quyền sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở thì có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam."

Vì vậy, nếu bạn đáp ứng ứng đầy đủ các quy định của luật nhà ở về điều kiện sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì cũng đồng thời được quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo.

Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng qua email npttrinhlaw@gmail.com  hoặc qua tổng đài  . Chúng tôi sẳn sàng giải đáp.

Trân trọng ./.

Bộ phận Tư vấn Luật Đất đai

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *