Thời gian qua, truyền thông đại chúng (TTĐC) có nhiều đóng góp quan trọng trong việc tuyên truyền, cổ vũ, định hướng cộng đồng thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về vấn đề bình đẳng giới;

Khẳng định, tôn vinh vị trí, vai trò và khả năng của phụ nữ trong việc xây dựng, duy trì, phát triển kinh tế-chính trị-xã hội và văn hoá truyền thống của Việt Nam. Trong nhiều sản phẩm truyền thông đã lồng ghép vấn đề bình đẳng giới góp phần quan trọng trong việc định hướng, thay đổi hành vi ứng xử, suy nghĩ, thái độ và tình cảm của phụ nữ và nam giới, xoá bỏ dần những định kiến giới.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều sản phẩm truyền thông củng cố các định kiến giới một các không ý thức. Các bài viết, các câu chuyện trên báo chí thường nhấn mạnh vai trò của phụ nữ và nam giới dựa trên những khuôn mẫu giới như: phụ nữ thường làm công việc đơn giản, liên quan đến dịch vụ và luôn gắn với công việc gia đình, chăm sóc con cái, nội trợ; trong cuộc sống vợ chồng luôn là những người vợ biết nhẫn nhịn, phục dịch thiếu độc lập. Còn nam giới thường làm công việc quan trọng, tham gia vào các lĩnh vực nổi bật, thu nhập cao; là người trụ cột, có tiếng nói quyết định trong gia đình và nắm giữ quyền lực; năng động, tự chủ, thành đạt…

Ngoài những khuôn mẫu giới vô tình được phản ảnh trong các tác phẩm báo chí, định kiến giới còn thể hiện ngay trong các câu hỏi, lời bình, dẫn dắt của một số nhà báo cho rằng phụ nữ phải biết nấu ăn ngon, là người nội trợ chăm chỉ và chiều mọi thành viên trong gia đình, nhất là gia đình chồng.

.

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi:  –

Chẳng hạn, trong chương trình “Sức sống mới” phát ngày 6 tháng 11 năm 2007 với chủ đề “Người phụ nữ làm công tác khoa học”, người xem được biết tới một nhân vật nữ giỏi công nghệ thông tin. Tuy nhiên, việc này được coi như là điều bất thường qua những câu hỏi và lời bình của người dẫn chương trình (MC) “Khi sang Pháp chị đã từng làm nhiều việc dành cho nam giới chị có thể kể về những việc đó không ạ” hay “Tham gia trong lĩnh vực của nam giới chị có được nhiều thành công hay không?”. Những câu hỏi như vậy mang định kiến ngành công nghệ thông tin chỉ dành cho nam giới. MC và khách mời còn bình luận thêm về việc trở thành một “hiệp sỹ thông tin” đối với một nữ giới là điều đặc biệt, vì sự khác nhau về mặt sinh học giữa nam và nữ. Phụ nữ phải sinh con, nuôi con nên có ít thời gian để nghiên cứu vì vậy việc trở thành nhà khoa học nổi tiếng là điều hiếm thấy. Trong cách phân tích và bình luận như vậy, MC và khách mời đều thể hiện rõ định kiến của mình về khả năng kém nổi trội của phụ nữ so với nam giới và thậm chí cho đó là bình thường, là quy luật.

Cũng có một số chương trình giới thiệu những gương mặt phụ nữ thành đạt, nhưng khi nói đến sự thành công của họ thì người xem có thể thấy những khuôn mẫu giới vẫn ngầm được duy trì.

Ví dụ, trong chương trình “Dành cho người hâm mộ”, giới thiệu về ca sỹ Siu Black, người xem lại thấy bên cạnh sự thành công vượt trội của cô một hình ảnh người phụ nữ cô đơn, thiếu hạnh phúc trong cuộc sống gia đình. Điều này có vẻ ngầm khẳng định rằng, người phụ nữ thành đạt trong sự nghiệp thì phải hy sinh một điều gì đó. Sự thành công của họ được đề cập đến như những điều rất phi thường mà một người phụ nữ thường gặp không có được.

Một quan niệm mang dấu ấn đậm nét của định kiến giới nữa đó là sự trông đợi phụ nữ phải biết nấu ăn ngon, là người nội trợ chăm chỉ và chiều lòng mọi thành viên trong gia đình, nhất là gia đình chồng.

Ví dụ: Trong bài “Phụ nữ đừng đánh mất mình”, đăng trên chuyên đề “Đời sống gia đình” (của Báo Phụ nữ Thủ đô) số 20, (14-5-2009), có đoạn “Dọn dẹp nhà cửa thì có gì nhiều nhặn đâu, vậy mà một số chị em cũng thuê người một tuần dọn dẹp, giặt giũ một lần… Có người đã tự hỏi không biết mình lấy vợ để làm gì ? khi người phụ nữ bị tước đoạt đi tất cả những công việc gia đình thì họ tự mình đánh mất vai trò “người giữ lửa trong nhà”, do đó không khí trong nhà có phần lạnh lẽo hẳn đi”. Tiêu chí và chuẩn mực đánh giá phẩm chất, giá trị của người phụ nữ mang nặng định kiến đối với phụ nữ.

Bài “Nghĩ lại một chút về bình đẳng giới” đăng trên báo Tiền phong (20/12/2006), cũng ủng hộ quan điểm phụ nữ nên ở nhà làm các công việc nội trợ “Nước ta hiện nay vẫn còn thiếu công ăn việc làm, nên chăng động viên một số chị em sau khi lấy chồng thì nhường bớt công việc cho nam giới để chuyên tâm hơn với gia đình, những người chồng vừa phải cảm ơn họ vì luôn có cơm dẻo, canh ngọt chờ sẵn ở nhà, vừa có thêm cơ hội để thể hiện mình là đấng trượng phu”.

Chương trình “Sức sống mới” (16-11-2007), MC nêu câu hỏi đầu tiên trong chương trình “Các nàng dâu khi về nhà chồng thường bối rối nhất là chuyện bếp núc phải không?”. Đây là một câu hỏi dẫn dắt, nhưng trong đó ngầm phản ánh một quan niệm rằng bếp núc là chuyện quan trọng của người phụ nữ; “Nếu nàng dâu dậy muộn, xuống bếp thấy bà mẹ chồng đã đi chợ về và đang chuẩn bị bếp núc nhìn nàng dâu với ánh mắt không được vui lắm thì nàng dâu phải thế nào?” một lần nữa khẳng định định kiến trên, “trong bữa ăn nếu người bố chồng nói muối ở ngoài chợ giảm giá hay sao con? thì người phụ nữ nên làm thế nào?”, khách mời nói rằng “trong trường hợp này người phụ nữ nên nhập gia tuỳ tục, rút kinh nghiệm để nấu phù hợp với khẩu vị của mọi người ”. Khách mời đưa ra lời khuyên: “Nếu người phụ nữ ngủ dậy muộn thì mất nhiều thứ, các đấng mày râu thường rất sợ vợ ngủ nướng nên cố gắng dậy sớm”, MC đưa ra cách giải quyết việc ngủ muộn là “nên thay đồng hồ mới”, lời khuyên của khách mời và cách giải quyết của MC ngầm khẳng định: nấu nướng nội trợ là việc của phụ nữ; phụ nữ phải dậy sớm nấu ăn phục vụ cho cả gia đình, phải biết nấu ăn ngon và biết chiều theo ý thích của mọi người. Muốn được mọi người trong gia đình quý mến người phụ nữ phải làm rất nhiều việc, đôi khi phải hy sinh và đây cũng là tiêu chí để đánh giá sự hoàn thiện của họ.

Cùng với việc củng cố khuôn mẫu, giới phụ nữ phải chăm lo việc bếp núc và con cái, một số bài báo còn ủng hộ vai trò trụ cột của người đàn ông trong gia đình, chẳng hạn “người đàn ông cho phụ nữ cái cảm giác được nương tựa cả cuộc sống vật chất” (Bản lĩnh đàn ông – Báo Bóng đá, ngày 19/5/2009), hay “Người phụ nữ dù tài giỏi đến đâu, khi ở nhà cũng nên lui về vị trí của mình: một người vợ đảm đang, hiền lành, nết na và có một chút vâng phục chồng. Nếu người vợ ấy cậy mình “bạo vì tiền”, đưa ra quyết sách cho cả nhà, lấn quyền chồng thì vô tình “cực âm” bị biến thành “cực dương”, mà hai “cực dương” đó đẩy nhau là điều tất yếu. Với truyền thống và tâm lý Á Đông, vai trò trụ cột vẫn cần thiết thuộc về người chồng. Người phụ nữ dù tài giỏi đến đâu, cũng thực sự cảm thấy hạnh phúc và yên ổn khi nép vào chồng… Vì vậy với những quyết định lớn trong gia đình như xây nhà, mua sắm vật dụng đắt tiền, định hướng cho con cái học hành… người vợ chỉ nên đưa ra ý kiến để chồng tham khảo, trao quyền quyết định cho chồng” (VnExpress, ngày 3-5-2009). Ý kiến này đã hướng nhận thức bạn đọc theo những khuôn mẫu giới đang là rào cản, khiến phụ nữ không phát huy được thế mạnh để đóng góp cho gia đình và xã hội, đi ngược lại chủ trương của Đảng và Nhà nước cổ vũ, khích lệ mỗi giới vươn lên đóng góp tích cực cho gia đình và xã hội.

Vẫn còn nhiều bài báo khi phản ánh về thực trạng bạo lực gia đình không đặt câu chuyện bạo lực trong bối cảnh rộng của địa phương hoặc quốc gia, chỉ dừng lại mô tả hành vi bạo lực tại thời điểm xảy ra; cung cấp thông tin chưa đầy đủ và chính xác về bản chất của bạo lực gia đình, gây ngộ nhận nguy hại trong cộng đồng; nguồn câu chuyện hạn chế và thiếu các ý kiến của các chuyên gia. Thậm chí có nhà báo còn ngầm cổ suý cho vấn đề bạo lực giới của người chồng để giải quyết mâu thuẫn với vợ.

Một số bài viết sử dụng ngôn từ buộc tội nạn nhân như: Chồng giết vợ vì bị từ chối “yêu”(Vietnam.net), trong đó có đoạn Bị cáo Nguyễn Tấn Trung đã bóp cổ giết vợ mình là Cao Thị Nga, khiến đứa con 7 tuổi trở thành trẻ mồ côi chỉ vì từ chối “quan hệ vợ chồng”, bản chất vụ việc này là bạo lực tình dục vì người bị hại không đồng thuận với ý muốn quan hệ tình dục của chồng (Luật PCBLGĐ). Người chồng đã dùng sức mạnh và quyền lực để thể hiện hành vi “cưỡng ép quan hệ tình dục”. Việc người chồng bóp cổ vợ đến chết không chỉ vì không được thoả mãn dục vọng, mà còn chứng tỏ quyền sở hữu tuyệt đối trong quan hệ hôn nhân. Lẽ ra sau khi phản ánh hiện tượng, tác giả cần lên án mạnh mẽ hành vi bạo lực của người chồng, thì bài báo lại đưa thông tin quá sơ lược, cách đưa tin như vậy đã khiến dư luận chú ý tới hành vi từ chối của người vợ hơn hành vi bạo lực tình dục của người chồng. Vì vậy, công chúng rất có thể thể quay sang trách cứ người vợ – nạn nhân.

Vẫn còn có các nhà báo ngầm cổ suý cho vấn đề bạo lực giới, ví dụ “và đến hôm nay khi không chịu nổi thói quá đáng của Dạ Thảo, Liêm mới phải tát một cái như “trời giáng” như thể hiện sự bực bội không kiểm soát của mình”, “cắn rứt lương tâm, Dạ Thảo thấy mình chẳng ra gì… Cái tát “ trời giáng” ấy, Dạ Thảo đã phải nhận từ lâu rồi mới phải…”. (Mẹ chồng như mẹ đẻ – chuyên san “Hạnh phúc gia đình” của báo PNVN số 23, ngày 5-9-2009). Dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn là sai trái, là vi phạm quyền thân thể của người khác. Lẽ ra cần phân tích để công chúng hiểu được không cần dùng bạo lực vẫn có thể giải quyết được, nhưng tác giả lại đưa ra thông điệp đồng tình và ủng hộ việc người chồng dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn. Đây là một cách gián tiếp củng cố quan điểm của không ít người trong xã hội: bạo lực với phụ nữ là hành vi có thể chấp nhận, là một biện pháp hiệu quả để buộc người khác phải thay đổi.

Gần đây, trên VTV3 chiếu bộ phim nhiều tập “Lập trình cho trái tim”. Bộ phim xoay quanh những vấn đề về tình yêu, hôn nhân, gia đình… của đời sống xã hội hiện đại. Trong đó hành trình tới tình yêu và hạnh phúc của các nhân vật là một quá trình đối đầu với định kiến giới của mỗi gia đình, mỗi con người cũng như toàn xã hội. Nhân vật Vũ Vũ đại diện cho mẫu người phụ nữ mới, rất năng động tự tin, dám nghĩ, dám làm… nhưng luôn gặp trở ngại từ định kiến giới. Tốt nghiệp đại học, Vũ Vũ phải khéo léo mới vượt qua được rào cản trong nếp nghĩ coi thường phụ nữ của người cha: “Tôi đã nói với bà rồi, con gái học nhiều chỉ tổ cứng đầu, cứ lôi quách về lấy cho nó một thằng chồng là xong” (tập 1). Khi tìm được việc làm, cô quyết tâm phấn đấu vươn lên trong công việc, khẳng định vị thế, tài năng của mình. Song hầu như tất cả thiện ý hay ác ý của các đồng nghiệp nam dành cho cô đều xuất phát từ những mặc định giới đầy phi lý: “nó là con gái, phải quan tâm kẻo nó tủi thân” (tập 3), “con gái phải nhẹ nhàng, từ từ… không được quát, không được ngoa ngoắt” (tập 4). Vũ Vũ đạt được thành công bước đầu trong sự nghiệp cũng là lúc cô phải đối đầu với nguy cơ hạnh phúc gia đình bị rạn nứt. Bức tường lạnh được dựng lên giữa cô và Hoàng Lâm là hàng loạt định kiến giới vốn từng tồn tại trong nếp tư duy truyền thống (mặc cảm chồng thấp, vợ cao, đòi hỏi người phụ nữ phải đảm đang việc nội trợ, phải nhường nhịn, phải biết vâng lời, phải chịu thua thiệt…). Thậm chí ngay cả thời điểm cô rơi vào nỗi buồn, hoang mang gần như tuyệt vọng vì chồng cô đã ngã vào vòng tay của người đàn bà khác, nhưng cách nhìn của gia đình, cộng đồng có vẻ như không lên án người chồng đúng như những gì anh ta gây ra. Mọi nỗ lực của người thân nhằm bênh vực cô cũng chỉ là lời khuyên răn, an ủi theo hướng chấp nhận: “ là vợ nên nhẫn nhục chịu đựng” (lời mẹ chồng- tập 35); “Đàn ông năm thê, bảy thiếp…cốt là nó vẫn yêu thương vợ…” (lời bố Vũ Vũ- tập 37)…

Nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng trên là do nhận thức về giới và bình đẳng giới của xã hội và truyền thông chưa đầy đủ và sâu sắc về mặt lý luận và khoa học. Thêm vào đó vai trò, chức năng, trách nhiệm của báo chí đối với việc tăng cường nhận thức của cộng đồng về bình đẳng giới chưa được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật của nhà nước về báo chí. Luật Báo chí chỉ quy định các nhiệm vụ chung của báo chí như: tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước… Trong Chương trình hành động quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đến năm 2010, Kế hoạch hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam giai đoạn 2006-2010 và Luật Bình đẳng giới không đề cập đến vai trò, trách nhiệm của báo chí. Chỉ thị số 10/2007/CT-TTg ngày 3-5-2007 của Chính phủ về việc triển khai thi hành Luật Bình đẳng giới, cũng chỉ quy định trách nhiệm của các cơ quan báo chí là tăng cường thời lượng giới thiệu Luật Bình đẳng giới. Luật Phòng chống Bạo lực Gia đình (2007) có quy định trách nhiệm của Bộ Thông tin-Truyền thông và cơ quan thông tin đại chúng, nhưng lại gắn trực tiếp và chủ yếu với vấn đề phòng chống bạo lực gia đình. Sự gắn kết vai trò, trách nhiệm của báo chí với sự nghiệp thúc đẩy bình đẳng giới và sự giám sát của các cơ quan quản lý báo chí về vấn đề này còn lỏng lẻo.

Để công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về giới, bình đẳng giới đạt hiệu quả, thiết nghĩ, trước tiên cần nâng cao nhận thức về giới và bình đẳng giới cho những người làm công tác truyền thông. Một khi họ nhận thức đúng và đủ tầm quan trọng của bình đẳng giới đối với sự phát triển của xã hội, họ sẽ có kế hoạch tuyên truyền về vấn đề này tốt hơn./.

SOURCE: TẠP CHÍ TUYÊN GIÁO SỐ 12 NĂM 2009 – THS. DOÃN THỊ THUẬN

(MKLAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

——————————————————-

THAM KHẢO DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN:

1. Tư vấn pháp luật lao động;

3. Tư vấn pháp luật lĩnh vực dân sự;

4. Tư vấn luật hành chính Việt Nam;

2. Luật sư riêng cho doanh nghiệp;

5. Dịch vụ luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp tại tòa án.

6. Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp hôn nhân gia đình;

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *