Đặc điểm của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, nền kinh tế chưa thể đơn nhất hoá hình thức sở hữu tư liệu sản xuất. Nhận thức tính khách quan của sự tồn tại các loại hình sở hữu trong thời kỳ quá độ, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng chỉ rõ: "… phù hợp với sự phát triển lực lượng sản xuất, thiết lập từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa từ thấp đến cao, với sự đa dạng về hình thức sở hữu".

I. Vì sao Việt Nam đa dạng hoá hình thức sở hữu ?

Đa dạng hoá các hình thức sở hữu ở nước ta là tất yếu khách quan, xuất phát từ những cơ sở lý luận và thực tiễn sau đây:

Trước hết, từ đặc điểm của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, nền kinh tế chưa thể đơn nhất hoá hình thức sở hữu tư liệu sản xuất. Nhận thức tính khách quan của sự tồn tại các loại hình sở hữu trong thời kỳ quá độ, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng chỉ rõ: "… phù hợp với sự phát triển lực lượng sản xuất, thiết lập từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa từ thấp đến cao, với sự đa dạng về hình thức sở hữu".

Hai là, từ sự phát triển không đều của lực lượng sản xuất giữa các vùng, ngành kinh tế ở nước ta hiện nay.

Nền kinh tế nước ta là một nền kinh tế nông nghiệp, sản xuất nhỏ là phổ biến, lại trải qua chiến tranh lâu dài. Do đó, sự phát triển của lực lượng sản xuất rất không đều nhau giữa các vùng, ngành kinh tế của đất nước ; giữa miền xuôi với miền ngược ; giữa thành thị với nông thôn sự phát triển của lực lượng sản xuất không đều nhau. Chính vì thế, đòi hỏi phải có các hình thức sở hữu tương ứng, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất ở từng vùng, miền và từng ngành kinh tế khác nhau. Điều đó cũng có nghĩa là, với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất ở nước ta hiện nay, chưa thể đơn nhất hoá, mà đa dạng hình thức sở hữu tư liệu sản xuất trở thành tất yếu khách quan.

>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi:  

Ba là, từ thực tiễn nước ta trước đây và hiện nay.

Trước đổi mới, nền kinh tế nước ta, chỉ tồn tại hai hình thức sở hữu là sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể. Sự vượt trước của quan hệ sản xuất, trong khi tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất chưa cho phép, đã kìm hãm sự phát triển của sản xuất xã hội. Đất nước ta rơi vào tình trạng khủng hoảng kinh tế – xã hội. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã mở ra thời kỳ mới cho đất nước bằng sự nghiệp đổi mới toàn diện kinh tế xã hội. Thực hiện nhất quán đường lối đa dạng hoá hình thức sở hữu, xây dựng cơ cấu kinh tế nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế nước ta từng bước thoát ra khỏi khủng hoảng và hiện nay đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

II. Những tác động tích cực và thách thức của quá trình đa dạng hoá hình thức sở hữu

Cần nhận thức rằng, việc đa dạng hoá hình thức sở hữu tư liệu sản xuất ở nước ta là quá trình có tính hai mặt. Một mặt, quá trình này có những tác động tích cực, mặt khác, chính quá trình này cũng đặt ra nhiều thách thức cho sự phát triển kinh tế – xã hội của nước ta.

1. Tác động tích cực của quá trình đa dạng hoá hình thức sở hữu tư liệu sản xuất đối với nền kinh tế nước ta.

Một là, góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất. Từ các hình thức sở hữu cơ bản : sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể và sở hữu tư nhân hình thành 6 thành phần kinh tế : kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế cá thể tiểu chủ, kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế tư bản nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Chính sự vận động của nền kinh tế nhiều thành phần theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã mang đến cho nền kinh tế nước ta một sức sống mới. Tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 1991 – 2000 đạt bình quân 7%/năm, sau 10 năm GDP tăng 2,07 lần, các năm gần đây 2001, 2002 và 7 tháng đầu năm 2003 GDP đều tăng xấp xỉ 7%. Tốc độ tăng trưởng của công nghiệp bình quân trong 10 năm 1991 – 2000 đạt 13%, các năm gần đây đều có tốc độ tăng trưởng tương tự, đặc biệt 7 tháng đầu năm 2003 đạt trên 15%. Cơ cấu ngành kinh tế theo hướng hiện đại đang dần dần được hình thành. Chẳng hạn, trong GDP, tỷ trọng nông nghiệp từ 38,7% giảm xuống 24,3%; công nghiệp và xây dựng từ 22,7% tăng lên 36,6%; dịch vụ từ 38% tăng lên 39,1%.

Hai là, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ta. Đa dạng hoá hình thức sở hữu góp phần quan trọng vào việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ta. Biểu hiện đầu tiên là, góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chuẩn nước ta) từ 30% xuống 10%, theo tiêu chuẩn của Ngân hàng thế giới (IMF) thu nhập dưới 2 đô la/người/ngày là nghèo, Việt Nam đã giảm nhanh tỷ lệ người nghèo từ 90% năm 1990 xuống còn 60% năm 2002. Với nền kinh tế nhiều thành phần hàng năm có thêm 1,2 triệu việc làm mới. Với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, điện, đường, trường, trạm đã vươn tới mọi miền của Tổ quốc. Tốc độ đô thị hoá nông thôn đang diễn ra nhanh chóng, chất lượng cuộc sống của nhân dân không ngừng được nâng cao. Tuổi thọ bình quân từ 65,2 tuổi tăng lên 68,3 tuổi. Biểu hiện thứ hai là, trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực và tính năng động xã hội được nâng lên đáng kể. Với hệ thống trường lớp đa thành phần tham gia, nước ta đã hoàn thành mục tiêu xoá mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, bắt đầu phổ cập trung học cơ sở ở một số thành phố, tỉnh đồng bằng. Số sinh viên đại học, cao đẳng tăng gấp 6 lần. Đào tạo nghề được mở rộng. Các hoạt động thông tin văn hoá về với mỗi bản làng, thôn xóm, từ hải đảo xa xôi đến vùng sâu, vùng xa đều đã được phủ sóng truyền hình và đài phát thanh. Chính vì vậy, lòng tin của nhân dân đối với sự nghiệp đổi mới ngày càng tăng và sự nghiệp đổi mới của Đảng đang từng ngày, từng giờ đi vào cuộc sống của người dân.

Ba là, góp phần ổn định chính trị xã hội và nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Vào cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, nền kinh tế xã hội nước ta, đang trong tình trạng khủng hoảng. Cũng là thời điểm chúng ta bắt đầu tiến hành đổi mới, bạn bè quốc tế, không ít người lo ngại cho tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của nước ta. Còn kẻ thù của chủ nghĩa xã hội coi đây là cơ hội để tiến hành "diễn biến hoà bình", gây mất ổn định chính trị, xã hội hòng thay đổi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Điều đó, đã không xẩy ra, bởi vì với cơ cấu kinh tế nhiều thành phần có sự quản lý chặt chẽ của nhà nước xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế nước ta, chỉ sau một thời gian ngắn thoát khỏi khủng hoảng, từng bước hội nhập kinh tế quốc tế. Kinh tế phát triển là nhân tố quyết định sự ổn định chính trị xã hội, đến lượt mình, ổn định chính trị xã hội lại tạo tiền đề thuận lợi cho kinh tế phát triển. Vốn đầu tư nước ngoài vào nước ta từ năm 1998 đến năm 2002 đạt 42 tỉ USD, vốn thực hiện đạt 21 tỉ USD và chúng ta đã có trên 40 dự án đầu tư vào 12 nước và vùng lãnh thổ v.v… Kim ngạch xuất khẩu tăng từ khoảng 1 tỉ rúp, đô la những năm cuối thập kỷ 80 lên 16 tỉ 530 triệu đô la năm 2002 và dự kiến đạt 19 tỉ USD năm 2003.

Sự phát triển về kinh tế, ổn định về chính trị xã hội đã nâng cao uy tín của nước ta trên trường quốc tế. Đến nay, Việt Nam đã lập quan hệ ngoại giao với 166 nước và vùng lãnh thổ, là thành viên của Liên hợp quốc, thành viên của ASEAN, tham gia diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEM 1996), thành viên chính thức của AFEC (1998). Quan hệ của nước ta với các nước, các trung tâm kinh tế, chính trị lớn trên thế giới không ngừng được cải thiện.

2. Những thách thức do đa dạng hoá các hình thức sở hữu đặt ra

Một là, giảm tỷ trọng kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể trong cấu thành GDP của nước ta dễ gây chệch hướng xã hội chủ nghĩa về kinh tế.

Trước đổi mới, tuyệt đại bộ phận GDP (trên 90%), do kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể tạo ra. Sau gần hai mươi năm đổi mới tỷ trọng đó đã có sự thay đổi: "Đến năm 2000, tỷ trọng khu vực kinh tế nhà nước trong GDP vào khoảng 39%; khu vực kinh tế tập thể 8,5%; khu vực kinh tế tư nhân 3,3%; khu vực kinh tế cá thể 32%; khu vực kinh tế hỗn hợp 3,9% và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 13,3%". Như vậy, kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể, hai thành phần kinh tế nền tảng của chủ nghĩa xã hội, chỉ chiếm 47,5% GDP. Đây là một thực tế đặt ra cần được tính tới để có những chiến lược và các chính sách kinh tế chủ động, linh hoạt nhằm giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa nền kinh tế nước ta.

Hai là, nhiều vấn đề xã hội mới nảy sinh và môi trường sinh thái bị tàn phá. Cùng với sự phát triển kinh tế nhiều thành phần và cơ chế thị trường, tình trạng phân hoá giàu nghèo, các tệ nạn, tiêu cực xã hội như tham nhũng, ma tuý, mại dâm và môi trường sinh thái bị tàn phá có chiều hướng gia tăng. Đó là hậu quả khó tránh khỏi bởi sự tác động của mặt trái của cơ chế thị trường. Đây là một thách thức lớn đang đặt ra, đòi hỏi chúng ta phải xử lý. Những vấn đề này nếu không được xử lý kịp thời, kiên quyết sẽ rất dễ nảy sinh thành những vấn đề chính trị phức tạp.

Ba là, thông qua hoạt động hợp tác đầu tư các thế lực thù địch đang tiến hành mạnh mẽ chiến lược "diễn biến hoà bình" đối với cách mạng nước ta. Trong xu thế toàn cầu hoá kinh tế hiện nay, hội nhập kinh tế quốc tế là một xu hướng tất yếu khách quan đối với nền kinh tế nước ta. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực và thế giới, nền kinh tế nước ta còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, chúng ta còn thiếu kinh nghiệm và trình độ tổ chức quản lý một nền kinh tế nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường. Đây chính là kẽ hở để các thế lực thù địch lợi dụng, một mặt thâm nhập cài cắm các lực lượng chống đối, mặt khác, tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta nhằm thực hiện âm mưu "diễn biến hoà bình". Những thách thức trên đây có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, nó vừa là nhân, vừa là quả của nhau. Do đó, trong quá trình tổ chức và quản lý nền kinh tế đa hình thức sở hữu, chúng ta không nên xem nhẹ một thách thức nào.

III. Một số giải pháp cơ bản nhằm giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện đa dạng hoá hình thức sở hữu

1. Đẩy mạnh hơn nữa việc sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, theo tinh thần Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ ba (khoá IX) của Đảng.

Đây là giải pháp hàng đầu, giải pháp này bắt nguồn từ kinh tế nhà nước mà nòng cốt là doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế nước ta.Trong những năm gần đây, mặc dầu doanh nghiệp nhà nước không giữ tỷ trọng tuyệt đối trong cấu thành GDP, nhưng vẫn là lực lượng kinh tế mạnh nhất với 39,9% GDP, đóng góp 39,2% thu ngân sách nhà nước và 50% xuất khẩu. Vì vậy, sắp xếp, đổi mới, phát triển và phát triển nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước trở thành giải pháp vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính cơ bản lâu dài. Tính cấp bách của giải pháp này thể hiện ở chỗ, kinh tế nhà nước là thành phần kinh tế về bản chất dựa trên cơ sở sở hữu toàn dân. Thành phần kinh tế này vững mạnh tức là hình thức sở hữu toàn dân được tăng cường, củng cố và định hướng xã hội chủ nghĩa được giữ vững. Tính cơ bản của giải pháp này thể hiện ở chỗ, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, trên cơ sở đa hình thức sở hữu là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, được duy trì trong suốt thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Do vậy, kinh tế nhà nước mà nòng cốt là doanh nghiệp nhà nước phải thường xuyên, liên tục giữ vững vai trò định hướng, dẫn dắt các thành phần kinh tế khác. Để giải pháp này trở thành hoạt động thực tiễn, cần thực hiện các biện pháp cụ thể sau :

– Kiên quyết thực hiện chủ trương cổ phần hoá, giao, bán, khoán, cho thuê những doanh nghiệp nhà nước đã đưa vào kế hoạch.

– Đẩy mạnh hơn nữa quá trình đổi mới cơ chế, chính sách đối với tất cả các loại hình doanh nghiệp nhà nước, đồng thời, phân định rõ các loại hình doanh nghiệp công ích và ngoài công ích để áp dụng các cơ chế, chính sách phù hợp.

– Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình sắp xếp, đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.

2. Tăng cường các biện pháp xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân ngày càng vững mạnh và trong sạch.

Bất kỳ chế độ chính trị – xã hội nào đều cần có một nhà nước mạnh để quả lý kinh tế – xã hội. Đối với nước ta, Nhà nước là Nhà nước của dân, do dân và vì dân, nhà nước đó mang bản chất giai cấp công nhân. C.Mác đã khẳng định: "Giữa xã hội tư bản chủ nghĩa và xã hội cộng sản là một thời kỳ cải biến cách mạng từ xã hội nọ sang xã hội kia. Thích ứng với thời kỳ ấy là một thời kỳ quá độ chính trị, và nhà nước của thời kỳ ấy không thể là cái gì khác hơn là nền chuyên chính của giai cấp vô sản".

Trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhiều hình thức sở hữu, rõ ràng chúng ta cần có một nhà nước đủ mạnh để định hướng xã hội chủ nghĩa cho toàn bộ nền kinh tế. Một Nhà nước mạnh phải là nhà nước có trình độ và năng lực tổ chức quản lý tốt kinh tế – xã hội, đồng thời phải là một nhà nước trong sạch. Trên thực tế, bộ máy nhà nước của ta còn cồng kềnh, trình độ tổ chức, quản lý kinh tế – xã hội còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, nạn tham nhũng, tệ quan liêu còn tràn nan, đây thực sự là những vấn đề nhức nhối của đất nước. Vì vậy, tăng cường các biện pháp xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân ngày càng vững mạnh và trong sạch trở thành giải pháp quan trọng, nhằm giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa nền kinh tế nước ta, trong điều kiện đa dạng hoá hình thức sở hữu. Muốn vậy, theo chúng tôi, cần tiến hành một số biện pháp cơ bản sau :

– Kiên quyết sắp xếp, tinh giảm hơn nữa bộ máy nhà nước từ Trung ương đến địa phương.

– Xây dựng cơ chế và chính sách thích hợp nhằm đào tạo và tuyển lựa một đội ngũ cán bộ, công chức thực tài cho bộ máy nhà nước các cấp, có đủ trình độ và năng lực tổ chức, quản lý nền kinh tế đi đúng định hướng xã hội chủ nghĩa.

– Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát và thực hiện cơ chế dân biết, dân làm, dân kiểm tra để hạn chế từng bước và tiến đến triệt tiêu nạn tham nhũng, tệ quan liêu trong bộ máy nhà nước.

– Giữ vững và tăng cường hơn nữa bản chất giai cấp công nhân của bộ máy nhà nước, trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

3. Từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật pháp của nhà nước xã hội chủ nghĩa

Mỗi một chế độ chính trị, xã hội khác nhau, có một hệ thống luật pháp riêng. Hệ thống luật pháp đó mang bản chất của giai cấp thống trị, phục vụ lợi ích kinh tế, chính trị của giai cấp sinh ra nó. Trong quá trình đổi mới toàn diện kinh tế xã hội của đất nước, tất yếu phải xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật pháp phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội mới. Đây là giải pháp vừa cấp bách vừa lâu dài. Bởi vì, trước đổi mới, hệ thống luật pháp của nước ta được xây dựng theo hướng bảo đảm hành lang pháp lý cho kinh tế quốc doanh và tập thể hoạt động sản xuất kinh doanh là chủ yếu. Ngày nay, hệ thống luật pháp phải đảm bảo hành lang pháp lý cho mọi thành phần kinh tế hoạt động sản xuất kinh doanh theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa. Với yêu cầu như vậy, cần tiến hành các biện pháp cụ thể sau:

– Rà soát lại hệ thống luật pháp hiện có, một mặt, loại bỏ những luật pháp không còn phù hợp, mặt khác, kịp thời ban hành, bổ sung những luật pháp mới cho phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế – xã hội.

– Tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền pháp luật cho mọi người dân thuộc mọi thành phần kinh tế để họ tự giác chấp hành luật pháp, trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.

– Tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát việc thực thi luật pháp của mọi thành phần kinh tế, thưởng phạt phân minh, nhằm tăng hiệu lực của luật pháp, đồng thời, phát hiện những khiếm khuyết của hệ thống luật pháp, để sửa đổi bổ sung kịp thời.

Các giải pháp trên, được tiến hành đồng bộ sẽ tạo thành sức mạnh tổng hợp, đưa nền kinh tế đa hình thức sở hữu của nước ta phát triển đúng định hướng xã hội chủ nghĩa.

———————-

(1) Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội – Nxb Sự thật, Hà Nội.1991, tr.9.

(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb CTQG, Hà Nội.2001, tr.229.

(3) C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 19, Nxb CTQG, Hà Nội tr.47.

SOURCE: TẠP CHÍ CỘNG SẢN SỐ 44 NĂM 2003 – TS. HOÀNG MINH THẢO – Học viện Chính trị quân sự

(MKLAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

THAM KHẢO VÀ DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN:

1. Luật sư riêng cho doanh nghiệp ;

2. Dịch vụ tư vấn cơ cấu lại doanh nghiệp ;

3. Tư vấn thành lập doanh nghiệp tại Hà Nội ;

4. Tư vấn xây dựng quy chế hoạt động cho doanh nghiệp ;

5. Luật sư tư vấn vụ án tranh chấp kinh doanh, thương mại ;

6. Luật sư tư vấn và giải quyết tranh chấp nội bộ doanh nghiệp .
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *