Quyền sở hữu tài sản của vợ chồng (còn gọi là chế độ tài sản giữa vợ chồng) là một phạm trù thuộc quyền sở hữu công dân được ghi nhận trong Hiến pháp (Điều 58 – Hiến pháp 1992)

Trong suốt quá trình phát triển của lịch sử xã hội, mỗi chế độ xã hội đều quy định một chế độ tài sản giữa vợ chồng cho phù hợp với phong tục tập quán và hoàn cảnh kinh tế xã hội. Chẳng hạn, thời kì trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 trong Bộ dân luật Bắc Kỳ (1931) và Bộ dân luật Trung Kỳ (1936) đã quy định cho vợ chồng được tự do lập hôn ước, chế độ tài sản pháp định chỉ đặt ra khi vợ chồng không lập hôn ước. Theo chế độ này, tài sản chung của vợ chồng bao gồm tất cả của cải, hoa lợi của chồng cũng như của vợ, không kể tài sản đó được tạo ra trước hay trong thời kì hôn nhân.

Tập Dân luật giản yếu 1883 (một hệ thống án lệ) không thừa nhận người vợ có tài sản riêng, do đó không thể có cộng đồng tài sản giữa vợ và chồng mà toàn bộ tài sản trong gia đình đều thuộc quyền sở hữu duy nhất của người chồng…

Như vậy, trong chế độ cũ, chế độ tài sản của vợ chồng thể hiện sự bất bình đẳng giữa nam và nữ, giữa vợ chồng trong gia đình.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay, Nhà nước ta đã ban hành các văn bản pháp luật về hôn nhân và gia đình phù hợp vớii từng giai đoạn phát triển của đất nước, trong đó đặc biệt chú ý tới chế độ tài sản giữa vợ và chồng:

Luật hôn nhân và gia đình năm 1959 (có hiệu lực 13/1/1960) đã quy định chế độ tài sản giữa vợ và chồng tại Điều 15: “Vợ chồng đều có quyền sở hữu, hưởng thụ và sử dụng ngang nhau đối với tài sản có trước và sau khi cưới”. Rõ ràng Luật hôn nhân gia đình 1959 chỉ quy định một chế độ tài sản của vợ chồng, đó là tài sản chung hợp nhất. Điều đó nhằm xóa bỏ sự bất bình đẳng giữa nam và nữ, bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ trong gia đình. Khi hôn nhân được xác lập, không kể tài sản có được từ nguồn gốc nào đều được coi là tài sản chung của vợ chồng và từ đó mỗi bên vợ hoặc chồng không còn tài sản thuộc sở hữu riêng.

Luật sư tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình gọi số

Sau gần ba mươi năm thực hiện Luật hôn nhân và gia đình 1959, đất nước ta bắt đầu bước vào thời kì đổi mới, các quan hệ xã hội ngày càng phong phú, đa dạng, đặc biệt là về mặt kinh tế. Để đảm bảo thực sự quyền tự định đoạt của công dân, Luật hôn nhân và gia đình mới đã được ban hành năm 1986 (có hiệu lực ngày 3/1/1987). Luật này quy định chế độ tài sản của vợ chồng bao gồm chế độ tài sản chung và chế độ tài sản riêng. Điều đó phù hợp với yêu cầu khách quan của xã hội.

Chế độ tài sản giữa vợ và chồng mà Luật hôn nhân gia đình 1986 quy định đã tạo ra môi trường pháp lí đảm bảo sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ tài sản giữa vợ và chồng; đảm bảo sự tự do của vợ và chồng khi tham gia các giao dịch ngoài xã hội cũng như xác định rõ trách nhiệm, khả năng thanh toán của vợ hoặc chồng và bảo vệ quyền lợi của những người khác khi tham gia giao dịch. Mặt khác, đó còn là căn cứ pháp lí để các cấp tòa án giải quyết thấu đáo, công bằng những vụ việc tranh chấp liên quan đến tài sản của vợ chồng.

Điều 14 Luật hôn nhân và gia đình 1986 quy định:

Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ hoặc chồng tạo ra, thu nhập về nghề nghiệp và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kì hôn nhân, tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc tặng cho chung”.

Điều 16 Luật hôn nhân và gia đình 1986 quy định:

Đối với tài sản mà vợ hoặc chồng có trước khi kết hôn, tài sản được thừa kế riêng hoặc được cho riêng trong thời kì hôn nhân thì người có tài sản đó có quyền nhập hoặc không nhập vào khối tài sản chung của vợ chồng”.

Như vậy, theo các điều luật trên, để xác định một tài sản nào đó là tài sản chung của vợ chồng hay là tài sản riêng của vợ hoặc chồng phải căn cứ vào hai dấu hiệu: Thời kì hôn nhân và nguồn gốc tài sản. Thời kì hôn nhân được tính từ khi hai bên nam nữ được ủy ban nhân dân cấp giấy chứng nhận kết hôn đến khi hôn nhân chấm dứt do một bên chết hoặc do vợ chồng li hôn bằng bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án. Xác định nguồn gốc tài sản là xác định tài sản đó do đâu mà có: Từ hợp đồng tặng cho, mua bán hay được thừa kế…

Tuy nhiên, cũng chính từ điều này đã dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau về vấn đề sau đây:

* Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng sẽ trở thành tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất của vợ chồng hay trở thành tài sản thuộc sở hữu riêng của mỗi người.

Đối với vấn đề này, chúng ta có thể chia ra hai trường hợp:

Thứ nhất, chúng ta sẽ coi hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng là tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất của vợ chồng.

Điều 14 Luật hôn nhân và gia đình 1986 có thể coi là căn cứ pháp lí để xác định điều đó. Bởi vì những hoa lợi, lợi tức này là loại “thu nhập hợp pháp khác có trong thời kì hôn nhân”. Mặt khác, trong thực tế của đời sống hôn nhân và gia đình, nếu hoa lợi, lợi tức là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc coi nó là tài sản chung sẽ đảm bảo đời sống chung của gia đình, tránh tình trạng vô trách nhiệm của bên có tài sản riêng.

Nhưng nếu chúng ta coi hoa lợi, lợi tức là tài sản chung thì cũng có một số điểm không hợp lí sau đây:

– ảnh hưởng đến quyền tự định đoạt của sở hữu chủ; hạn chế việc tham gia vào các giao dịch ngoài xã hội, thậm chí không đảm bảo lợi ích của người thứ ba tham gia giao dịch:

Ví dụ: ông A kết hôn với bà B năm 1988. Tại thời điểm này, ông A có một khối lượng tài sản riêng là 500 triệu đồng. Sau khi kết hôn, ông A đã sử dụng số tiền trên vào đầu tư kinh doanh. Trong khoảng hai năm đầu số lợi tức lên tới 300 triệu đồng. Nếu ông A muốn đầu tư 300 triệu đồng này vào kinh doanh lại phải được sự đồng ý của bà B (bởi như trên chúng ta đang xem xét, lợi tức này là tài sản chung của vợ chồng). Trong trường hợp bà B không thỏa thuận thì sao? Hoặc sự thỏa thuận đó diễn ra trong một khoảng thời gian quá lâu mà cơ hội kinh doanh chỉ có một?… Hoặc đặt giả thiết, vào những năm tiếp theo do làm ăn thua lỗ, phải bồi thường thiệt hại thì về mặt nguyên tắc chỉ bản thân ông A là người chịu trách nhiệm thanh toán, bởi ông A đã sử dụng tài sản riêng vào mục đích kinh doanh. Trong trường hợp tài sản riêng không đủ để thanh toán, nếu muốn lấy khoản lợi tức trên để bồi thường thì phải có sự đồng ý của bà B. Nếu bà B không đồng ý thì ông A chỉ có quyền yêu cầu tòa án trích chia 1/2 số tài sản đó để bồi thường…

– ảnh hưởng đến sự bình đẳng, công bằng trong hôn nhân.

Điều 18 Luật hôn nhân và gia đình 1986 quy định: “Khi hôn nhân tồn tại, nếu một bên có yêu cầu và có lí do chính đáng thì có thể chia tài sản chung của vợ chồng theo quy định ở Điều 42 của Luật này”.

Như vậy khi hôn nhân tồn tại, nếu như hai vợ chồng có lí do chính đáng, như: Vợ chồng tính tình không hợp (Nghị quyết số 01/HĐTP ngày 20/1/1988 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao) hoặc hai vợ chồng không thỏa thuận được về việc định đoạt tài sản chung thì họ sẽ được chia tài sản chung của vợ chồng.

Sau khi đã chia tài sản chung theo Điều 18, chúng ta vẫn có căn cứ để khẳng định hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng (có thể là từ tài sản chung vừa được chia hoặc từ một căn cứ hợp pháp khác mà có) là tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất của vợ chồng. Chính điều đó đã gây nên những bất hợp lý.

Ví dụ: Tài sản chung của ông A và bà B là 400 triệu đồng. Trong khi hôn nhân còn tồn tại, hai người đã yêu cầu tòa án chia tài sản chung đó. Sau khi tòa án chia, mỗi người được 200 triệu đồng. Ông A đã sử dụng 200 triệu đồng này và một số tài sản do thu nhập mà có vào việc buôn bán, kinh doanh. Sau hai năm số tài sản đó lên tới 400 triệu đồng. Còn bà B do làm ăn thua lỗ, tiêu tán dần số tài sản đó. Sau một thời gian bà B yêu cầu tòa án chia số tài sản chung phát sinh sau đó thì về nguyên tắc bà B vẫn được hưởng một phần tài sản trích từ hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của ông A. Vậy điều này có là phù hợp với thực tế hay không?

Về vấn đề này, Dự thảo Luật hôn nhân và gia đình (12b) cũng chưa quy định rõ, cụ thể, một vài điều luật được nhắc đến chung chung. Ví dụ: Điều 36 Dự thảo luật hôn nhân và gia đình quy định: “Sau khi chia tài sản chung, tài sản do vợ – chồng tạo lập vẫn thuộc sở hữu chung của vợ chồng trừ trường hợp vợ – chồng có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác…”

Điều 38 Dự thảo luật hôn nhân và gia đình quy định: “Trong trường hợp vợ chồng li thân và tài sản chung đã được chia thì quyền sở hữu chung của vợ chồng đối với tài sản đó chấm dứt; tài sản do vợ, chồng tạo ra trong thời gian sống li thân thuộc quyền sở hữu riêng của mỗi người…”

Theo tinh thần hai điều luật này, cần phân biệt hai trường hợp:

– Nếu chia tài sản chung mà vợ chồng không sống li thân thì vẫn có thể tồn tại tài sản thuộc sở hữu không hợp nhất của vợ chồng;

– Nếu vợ chồng sống li thân và có yêu cầu chia tài sản thì quan hệ sở hữu chung tài sản của vợ chồng sẽ chấm dứt.

Các điều luật trên cũng chưa đề cập hoa lợi, lợi tức xuất phát từ tài sản riêng sau khi chia tài sản chung của vợ chồng khi hôn nhân còn tồn tại.

Tóm lại:

– Thứ nhất, có thể khẳng định từ khi hai bên nam nữ được trao giấy chứng nhận kết hôn thì cũng là lúc họ không còn khả năng làm tăng giá trị khối tài sản riêng mà mình vốn có (trừ trường hợp họ được tặng cho riêng hoặc được thừa kế riêng).

– Thứ hai, có thể coi hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng mỗi người là tài sản riêng của vợ hoặc chồng

Luật hôn nhân gia đình có quy định rõ như vậy mới đảm bảo quyền năng của sở hữu chủ.

Người có tài sản riêng có toàn quyền trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng cũng như hoa lợi, lợi tức có được từ tài sản đó.

Điều 16 Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam 1986 quy định: “Người có tài sản riêng có quyền nhập hoặc không nhập vào khối tài sản chung của vợ chồng”. Mặt khác, nếu hoàn cảnh gia đình túng thiếu, một bên ốm đau… nếu tài sản chung không đủ để trang trải, phục vụ gia đình thì người có tài sản riêng vẫn phải có trách nhiệm lấy tài sản của mình cấp dưỡng và bảo đảm nhu cầu chung của gia đình và không có quyền đòi lại. Đó là một đặc trưng chỉ xuất hiện trong quan hệ hôn nhân gia đình, quan hệ tài sản này không mang tính chất đền bù và ngang giá.

Điều 41 Dự thảo Luật hôn nhân và gia đình quy định: “Tài sản riêng của vợ, chồng được dùng để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung về tài sản trong trường hợp tài sản chung không đủ để thanh toán

Trong trường hợp tài sản riêng đã được đưa vào sử dụng chung cho gia đình hoặc hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản đó là do vợ chồng bàn bạc, thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu tòa án giải quyết”.

Tuy nhiên, nếu coi hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng là tài sản riêng thì cũng có những bất hợp lí sau:

– Chính điều đó phần nào dẫn đến sự bất bình đẳng trong gia đình; có thể người có tài sản riêng ỷ lại, coi thường và có những hành vi không tốt đối với vợ hoặc chồng mình và có thể gây ra những hậu quả xấu.

ảnh hưởng quyền lợi của phía bên kia (bên không có tài sản). Bởi lẽ, mặc dù họ không có tài sản nhưng trong thực tế họ đã thực hiện nghĩa vụ duy trì, bảo quản, giữ gìn tài sản riêng và hoa lợi, lợi tức cho chồng hoặc vợ mình; hay họ có công sức đóng góp vào việc phát sinh ra những hoa lợi, lợi tức đó nhưng sau khi có yêu cầu xin chia tài sản chung hoặc li hôn mà họ lại không được hưởng thụ tài sản đó hoặc chỉ là một phần rất ít.

Qua việc phân tích trên, chúng ta đã tìm ra được một số điểm hợp lí và bất hợp lí của vấn đề xung quanh quyền sở hữu tài sản của vợ chồng mà Dự thảo Luật hôn nhân và gia đình mới cần thiết phải quy định cụ thể, rõ ràng, phù hợp với yêu cầu thực tế khách quan của xã hội, góp phần nhằm làm ổn định đời sống hôn nhân gia đình./.

ThS. Nguyễn Thị LanKhoa Luật dân sự – Đại học Luật Hà Nội

Nguồn: Tạp chí Luật học

(MINH LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

———————————————————-

THAM KHẢO DỊCH VỤ TƯ VẤN LUẬT LIÊN QUAN:

1. Tư vấn thủ tục ly hôn;

2. Dịch vụ tư vấn pháp luật lĩnh vực Hôn nhân gia đình;

3. Dịch vụ tư vấn pháp luật: Lĩnh vực hôn nhân gia đình;

4. Luật sư Bảo vệ trong các vụ án Hôn nhân và gia đình;

5. Luật sư đại diện tranh tụng lĩnh vực Hôn nhân – Gia đình;

6. Tư vấn thủ tục khởi kiện vụ án dân sự – hôn nhân – gia đình;

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *