Thưa luật sư, con sinh năm 1994, chồng con sinh năm 1990, 2 đứa con yêu nhau 1 thời gian và quyết định đi tới hôn nhân, vì tuổi trẻ quá bồng bột, quyết định vội vã và khi kết hôn xong ngày nào chúng con cũng cãi nhau không thể hòa thuận.

Chúng con kết hôn tháng 11 năm 2013 tới đầu tháng 12( âm lịch) năm 2014, chúng con không sống cùng nhau và không liên lạc lại. Có cách nào để chúng con làm đơn ly hôn càng nhanh càng tốt nhưng không phải gặp mặt nhau vì con không muốn phải về quê chồng con để làm đơn và thủ tục?

Mong luật sư tư vấn giúp con. Con cảm ơn ạ!

Người gửi: Hoa

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật hôn nhân của Nptlawyer.com ;.

Luật sư tư vấn luật hôn nhân gia đình trực tuyến, gọi:

Trả lời

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến cho công ty chúng tôi. Thắc mắc của bạn được chúng tôi giải đáp như sau:

Căn cứ pháp lý

Bộ luật tố tụng dân sự số 24/2004/QH11 sửa đổi bổ sung năm 2011 

Luật Hôn nhân gia đình số 52/2014/QH13

Nội dung tư vấn

Do thông tin bạn cung cấp chưa đầy đủ nên chúng tôi sẽ chia vụ việc này thành 2 trường hợp như sau:

Trường hợp 1: Thuận tình ly hôn

Theo quy định tại Điều 55 Luật Hôn nhân gia đình:

“Điều 55. Thuận tình ly hôn

Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn, nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn”

Để yêu cầu tòa án công nhận thuận tình ly hôn thì 2 vợ chồng phải nộp đơn yêu cầu thuận tình ly hôn (theo mẫu) đến tòa án. Theo quy định trên, 2 vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn thì mới được coi là thuận tình ly hôn. Do đó, cả 2 vợ chồng cùng là người yêu cầu trong việc yêu cầu tòa án công nhận thuận tình ly hôn.

Bạn không muốn về quê chồng để làm thủ tục ly hôn thì vợ chồng bạn có thể yêu cầu tòa án công nhận thuận tình ly hôn tại nơi bạn cư trú, làm việc. Vấn đề này được quy định tại điểm h khoản 2 Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung như sau:

“h) Tòa án nơi một trong các bên thuận tình ly hôn, nuôi con, chia tài sản khi ly hôn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, nuôi con, chia tài sản khi ly hôn”

Theo quy định tại khoản 3 Điều 313 Bộ luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung về sự có mặt của những người có đơn yêu cầu tại phiên họp giải quyết việc dân sự thì:

“3. Người có đơn yêu cầu hoặc người đại diện hợp pháp của họ phải tham gia phiên họp theo giấy triệu tập của Toà án.

Người có đơn yêu cầu vắng mặt lần thứ nhất có lý do chính đáng thì Toà án hoãn phiên họp. Trường hợp người có đơn yêu cầu đề nghị giải quyết việc dân sự không có sự tham gia của họ thì Toà án giải quyết việc dân sự vắng mặt họ; nếu người có đơn yêu cầu đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì bị coi là từ bỏ yêu cầu và Toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết việc dân sự; trong trường hợp này, quyền yêu cầu Toà án giải quyết việc dân sự đó theo thủ tục do Bộ luật này quy định vẫn được bảo đảm.”

Như vậy, nếu 2 vợ chồng muốn ly hôn thuận tình mà không phải gặp mặt nhau thì có thể yêu cầu tòa án giải quyết việc thuận tình ly hôn vắng mặt một bên theo khoản 3 ở trên.

Trường hợp 2: Đơn phương ly hôn

Nếu bạn là người đệ đơn ly hôn và bạn không muốn về quê chồng để làm đơn và thủ tục thì bạn có thể thỏa thuận với chồng bạn bằng văn bản yêu cầu tòa án nơi bạn cư trú, làm việc giải quyết tranh chấp về hôn nhân gia đình. Vấn đề này được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung như sau:

“b) Các đương sự có quyền tự thoả thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Toà án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 25, 27, 29 và 31 của Bộ luật này;”

Nếu chồng bạn là người đệ đơn ly hôn trong trường hợp này, tức là nguyên đơn trong vụ tranh chấp về hôn nhân gia đình. Khi đó, theo quy định tại điểm a khoản này, chồng bạn sẽ phải nộp đơn tới tòa án có thẩm quyền là Tòa án nơi bạn cư trú, làm việc:

“1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Toà án theo lãnh thổ được xác định như sau:

a) Toà án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 25, 27, 29 và 31 của Bộ luật này;”

Đối với trường hợp này, sau khi tòa án thụ lý vụ án, tòa sẽ tiến hành hòa giải và chuẩn bị xét xử. Về sự có mặt của các đương sự trong giai đoạn này được quy định như sau:

+ Theo quy định tại khoản 1 Điều 182 Bô luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung: bị đơn đã được Toà án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt thì coi như vụ án ly hôn của vợ chồng bạn không tiến hành hoà giải được.

+ Theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 192 Bộ luật này: Nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị giải quyết vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng thì Tòa án sẽ đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.

Như vậy, vì bạn và chồng không muốn gặp mặt nhau nên nếu chồng bạn là người đệ đơn ly hôn thì bạn là bị đơn có thể cố tình vắng mặt để hòa giải không tiến hành được và vụ án được đưa ra xét xử. Nếu bạn là người đệ đơn ly hôn thì bạn có thể làm đơn đề nghị giải quyết vắng mặt.

Nếu không tiến hành hòa giải được hoặc hòa giải không thành và không thuộc các trường hợp đình chỉ, tạm đình chỉ giải quyết vụ án theo các Điều 192,189 Bộ luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung thì Tòa án sẽ quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Tại giai đoạn xét xử, sự có mặt của các đương sự tại phiên tòa được quy định tại Điều 199 Bộ luật tố tụng dân sự như sau:

“Điều 199. Sự có mặt của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự

1. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt; trường hợp có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

Tòa án thông báo cho đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự biết việc hoãn phiên tòa.

2. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa, nếu vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng thì xử lý như sau:

a) Nguyên đơn, người đại diện theo pháp luật vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Nguyên đơn có quyền khởi kiện lại, nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn;

b) Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ;

c) Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu độc lập của mình và Tòa án quyết định đình chỉ việc giải quyết đối với yêu cầu độc lập có người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu độc lập đó, nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn;

d) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt họ.”

Hơn nữa, theo quy định tại khoản 3 Điều 73 Bộ luật này: “Người đại diện theo uỷ quyền được quy định trong Bộ luật dân sự là người đại diện theo uỷ quyền trong tố tụng dân sự; đối với việc ly hôn, đương sự không được uỷ quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng.”

Như vậy, theo các quy định trên thì nếu bên nguyên đơn yêu cầu ly hôn vẫn vắng mặt khi được tòa án triệu tâp hợp lệ lần thứ hai thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án ly hôn, trừ trường hợp nguyên đơn có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Nếu bị đơn vẫn vắng mặt khi đươc triệu tập hợp lệ lần thứ hai thfi Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ

Về thời gian giải quyết ly hôn, nếu Tòa án giải quyết việc ly hôn theo trường hợp 2 thì sẽ có thêm bước hòa giải và chuẩn bị xét xử. Theo quy định tại khoản 1 Điều 179 thì giai đoạn này kéo dài ít nhất là 4 tháng:

Điều 179. Thời hạn chuẩn bị xét xử

1. Thời hạn chuẩn bị xét xử các loại vụ án được quy định như sau:

a) Đối với các vụ án quy định tại Điều 25 và Điều 27 của Bộ luật này, thời hạn là bốn tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án;

b) Đối với các vụ án quy định tại Điều 29 và Điều 31 của Bộ luật này, thời hạn là hai tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án.

Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan thì Chánh án Toà án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không quá hai tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm a và một tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

…”

Như vậy, nếu giải quyết ly hôn theo trường hợp 2 sẽ mất nhiều thời gian hơn. Nên nếu bạn muốn giải quyết ly hôn càng nhanh càng tốt thì bạn nên thỏa thuận với chồng bạn để giải quyết theo thuận tình ly hôn.

Trên đây là những giải đáp, tư vấn từ phía Nptlawyer.com ; cho câu hỏi của Quý khách hàng. Nếu còn có điều gì thắc mắc, mời Quý khách hàng vui lòng gửi thư theo địa chỉ email: lienhe@Nptlawyer.com.vn hoặc gọi điện trực tiếp đến tổng đài  để được giải đáp nhanh chóng và chính xác nhất.

Trân trọng./.

BỘ PHẬN TƯ VẤN LUẬT – Nptlawyer.com ;.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *