Thưa Nptlawyer.com ; !Tôi và chồng tôi lấy nhau được 8 năm và đã có 2 con gái, bé lớn hiện đang học lớp 1 còn bé thứ 2 đang học lớp mầm non. Trước đây chúng tôi sống và làm việc tại Hà Nội. Vợ chồng tôi thường xuyên cãi vã nhau và chồng tôi thường xuyên đánh đập tôi trước mặt con.

Mấy tháng trước chồng tôi đánh tôi rồi dẫn theo con lớn vào Biên Hòa ở mà không nói với tôi. Mỗi lần tôi gọi điện để gặp con anh ta không cho con nghe. Sau 3 tháng tôi đã dẫn con bé thứ hai cùng vào nhưng anh ta vẫn chứng nào tật ấy, vẫn đánh đập tôi. Bây giờ tôi muốn ly hôn và muốn giành quyền nuôi 2 bé. Mong luật sư tư vấn giúp tôi.

Xin chân thành cảm ơn!

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật hôn nhân của Nptlawyer.com ;

>> Luật sư tư vấn luật hôn nhân trực tuyến, gọi: 

Trả lời :

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Nptlawyer.com ;. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

 

Cơ sở pháp lý

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014

Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004

Nội dung tư vấn

Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình quy định:

Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên
1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.

Thủ tục đơn phương ly hôn

Hồ sơ xin đơn phương ly hôn bao gồm:
– Đơn xin ly hôn;
– Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn;
– Bản sao Hộ khẩu thường trú, tạm trú của vợ và chồng
– Bản sao Chứng minh thư nhân dân hoặc bản sao hộ chiếu của vợ và chồng
– Các giấy tờ chứng minh về tài sản: Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở (nếu có)…
– Bản sao giấy khai sinh của con

Trình tự:

+ Thụ lý đơn ly hôn (đơn khởi kiện): Sau khi nhận được đơn từ nguyên đơn, sau 5 ngày làm việc Tòa án phải xem xét có thụ lý đơn hay không. Nếu hồ sơ hợp lệ thì Tòa án gửi thông báo cho nguyên đơn đóng tiền tạm ứng án phí, Tòa án ra quyết định thụ lý đơn ly hôn đơn phương từ thời điểm nguyên đơn nộp biên lai đã đóng tiền tạm ứng án phí theo quy định tại Điều 167 và Điều 171 Bộ luật tố tụng dân sự 2004 sửa đổi 2011

+ Hòa giải: Theo quy định tại Điều 54 Luật hôn nhân và gia đình 2014  thì hòa giải tại Tòa án là thủ tục bắt buộc trước khi đưa vụ án ra xét xử. Nếu hòa giải thành thì tòa án lập biên bản hòa giải thành và sau 7 ngày mà các đương sự không thay đổi về ý kiến thì Tòa án ra quyết định công nhận hòa giải thành và quyết định này có hiệu lực ngay và không được kháng cáo kháng nghị. Nếu hòa giải không thành Tòa án cũng phải lập biên bản hòa giải không thành sau đó ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo quy định tại Điều 183, 186, 187,188, 195 Bộ luật tố tụng dân sự 2004 sửa đổi 2011

+ Phiên tòa sơ thẩm: Sau khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử các bên được Tòa án gửi giấy triệu tập và được thông báo rõ về thời gian, địa điểm mở phiên Tòa sơ thẩm. Theo đó các bên phải có mặt, nếu không có mặt thì áp dụng theo quy định tại Điều 199 và Điều 200 Bộ luật tố tụng dân sự 2004 sửa đổi 2011

Nơi nộp đơn:

Khoản 1 Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự quy định:

Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Toà án theo lãnh thổ được xác định như sau:
a) Toà án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 25, 27, 29 và 31 của Bộ luật này;
b) Các đương sự có quyền tự thoả thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Toà án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 25, 27, 29 và 31 của Bộ luật này;
c) Toà án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp về bất động sản.

Theo đó, bạn của bạn phải nộp đơn ly hôn tại Tòa án nơi người chồng cư trú.

Đóng án phí:

Do người vợ làm đơn khởi kiện yêu cầu ly hôn nên người vợ có nghĩa vụ nộp án phí sơ thẩm và người chồng (bị đơn) sẽ không phải nộp án phí căn cứ vào khoản 4 điều 131 BLTTDS:

Điều 131. Nghĩa vụ nộp án phí sơ thẩm

4. Trong vụ án ly hôn thì nguyên đơn phải nộp án phí sơ thẩm, không phụ thuộc vào việc Toà án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Trong trường hợp cả hai thuận tình ly hôn thì mỗi bên đương sự phải chịu một nửa án phí sơ thẩm"

Căn cứ vào Pháp lệnh 10/2009/UBTVQH12, án phí ly hôn theo quy định của pháp luật là 200.000 Việt Nam đồng. Nếu có liên quan đến việc chia tài sản thì bạn phải chịu thêm mức án phí tương ứng tỉ lệ với tài sản được chia theo quy định của pháp luật. 

Thời gian giải quyết:

Thời gian giải quyết vụ án tùy thuộc vào việc giải quyết các nội dung quan hệ vợ chồng. Thông thường, thời hạn chuẩn bị xét xử sẽ từ 4 đến 6 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án; thời hạn mở phiên tòa sẽ từ 1 đến 2 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Điều 81 Luật hôn nhân và gia đinh 2014 quy định:

"Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn
1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con"

Trong trường hợp của bạn, vợ chồng bạn sẽ thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con. Trong trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ xem xét, quyết định trên cơ sở bảo đảm quyền lợi mọi mặt của con. Một số căn cứ có thể được xem xét như: điều kiện sống từ lúc cháu sinh ra đến khi ly hôn; đạo đức, lối sống có ảnh hưởng đến cuộc sống của cháu con sau này; điều kiện về kinh tế có thể bảo đảm cuộc sống cho con; điều điều kiện về chỗ ở và các điều kiện khác.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo.

Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số:  hoặc gửi qua email: npttrinhlaw@gmail.com để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Nptlawyer.com ;.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.                                  

Bộ phận Tư vấn pháp luật hôn nhân và gia đình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *