Chào luật sư! Tôi 30 tuổi, quê Bình Thuận, đăng ký kết hôn năm 2012 với chồng tôi tại Bình Định và hiện có 1 con chung 2 tuổi.Hiện tôi đang gặp vấn đề với hôn nhan và cần tư vấn ly hôn. Để không làm mất nhiều thời gian của luật sư, tôi xin trình bày luôn như sau: Chồng tôi 30 tuổi, tốt nghiệp đại học ngành điện, điện tử. Trước khi kết hôn anh ấy làm tại TPHCM nhưng sau kết hôn anh ấy thuyết phục tôi về quê mở tiệm điện nước kinh doanh.

Vì không phải là người giỏi tính toán và kinh doanh nên tiệm không có khách. Từ đó anh chỉ nằm nhà chơi và mãi đến thời gian gần đây thì giấu tôi sinh tật cờ bạc khiến vợ chồng lâm vào cảnh nợ nần. Sợ chồng càng bị lôi kéo nên tôi đưa anh vào TPHCM để vợ chồng kiếm việc làm trở lại. Hiện tôi đang làm cv văn phòng, còn anh thì mãi vẫn không có việc. hoặc đang giấu tôi làm việc gì đó mà không ai biết được, nhưng nói chung anh luôn trong tình trạng thiếu trước hụt sau, không đủ nuôi sống bản thân mà thường than phiền với tôi hết tiền, hỏi mượn. Tôi vì quá chản nản khi thấy chồng không có tính tự lập, ngang ngược, gia trưởng.cộng thêm những mâu thuẫn từ gia đình 2 bên, đặc biệt là sự thiếu tôn trọng của chồng với gia đình vợ nên quyết định ly dị. Hiện tôi cần tư vấn các vấn đề sau: 1. Tài sản và nợ: Chúng tôi có vay bố mẹ vợ 100tr+ bố mẹ chồng 90tr.Vợ chồng tôi có 1 cửa hàng điện nước ở Bình Định, vồn đầu tư khoảng 200tr, nay chồng tôi muốn về thanh lý cửa hàng và giữ tiền,không có ý định đưa tôi để trả tiền vay cho bố mẹ tôi, vậy sau này ly dị thì phần nợ sẽ giải quyết thế nào? 2. Con cái: Chồng tôi không có bằng chứng gì mà vu cho tôi ngoại tình rồi đòi bắt con. Nhưng từ lúc cháu sinh ra đến nay là do tôi chăm sóc chính đến 18 tháng tuổi. Thời gian mấy tháng gần đây tôi vào tphcm làm việc nên mẹ chồng trông giúp khoảng 5 tháng, chồng chăm khoảng 2 tháng rồi bảo tôi không quan tâm chăm sóc con bằng họ nên đòi bắt cháu.  Về điều kiện nuôi cháu: Lương tháng tôi 6tr + Thu nhập phụ gồm : tiền lời kinh doanh bánh trung thu hàng năm khoảng 50tr, vị chi trung bình khoảng 10tr/tháng. Tôi cũng đã xin cháu được học ở trường mầm non gần nhà tôi, có uy tín.  Chồng tôi: không có việc làm cụ thể, không chứng minh được thu nhập, hiện nuôi cháu phải nhờ giúp đỡ từ gia đình. 3. Về giấy tờ li hôn: CMND + hộ khẩu có tên tôi (bản gốc) Tôi giữ, Giay đăng ký kết hôn  Hiện không lấy được vì nhà chồng giữ, Giay khai sinh của cháu, Hiện không lấy được vì nhà chồng giữ Do cháu sinh ra ở quê tôi nên tôi có thể xin lại bản sao giấy khai sinh, còn giấy đăng ký kết hôn làm sao lấy được vì xin bản sao phải về quê chồng, mà tôi lại e ngại bản tính cộc cằn và hung của chồng nên không dám về. Thêm nữa là trong thời gian chờ tòa giải quyết, có cách nào để tôi giành quyền nuôi con tạm thời vì tôi cảm thấy bố cháu tuy thương con nhưng có tật xấu mỗi khi rượu chè, anh ấy cũng quá chiều con làm bé có những hành động hỗn với người lớn , tôi e những ảnh hưởng xấu của chồng tác động đến nó. Xin nhờ luât sư tư vấn giúp, va xin lưu ý giúp tôi là chồng tôi khi nổi nóng rất cục cằn và thiếu lý trí, nhờ tư vấn giúp tôi một biện pháp có tính an toàn cao.

Chân thành cảm ơn sự giúp đỡ từ luật sư!

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật hôn nhân gia đình Nptlawyer.com ;.

 

Luật sư tư vấn luật hôn nhân gia đình gọi :

Trả Lời:

Kính thưa Quý khách hàng, Công ty TNHH Nptlawyer.com ; đã nhận được yêu cầu của Quý khách. Vấn đề của Quý khách chúng tôi xin giải đáp như sau:

 

Cơ sở pháp lý:

Luật hôn nhân gia đình 2014

Nội dung phân tích:

1. Theo quy định của luật hôn nhân gia đình 2014 thì tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân trừ trường hợp quy định tại khoản 1 điều 40, tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. Theo đó cửa hàng điện nước là là vốn của cả 2 vợ chồng thì đây là tài sản chung khi chồng bạn muốn bán cửa hàng này thì phải thỏa thuận với bạn cũng như bạn cũng được 1 nửa số tài sản này. Việc vợ chồng bạn cùng vay tiền bố mẹ hai bên thì vợ chồng bạn phải thực hiện nghĩa vụ trả khoản vay này.

"Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng

1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung."

"Điều 35. Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung

1. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận.

2. Việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp sau đây:

a) Bất động sản;

b) Động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu;

c) Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình."

"Điều 64. Chia tài sản chung của vợ chồng đưa vào kinh doanh

Vợ, chồng đang thực hiện hoạt động kinh doanh liên quan đến tài sản chung có quyền được nhận tài sản đó và phải thanh toán cho bên kia phần giá trị tài sản mà họ được hưởng, trừ trường hợp pháp luật về kinh doanh có quy định khác."

"Điều 37. Nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng

Vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:

1. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;

2. Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;

3. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;

4. Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;

5. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;

6. Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan."

Điều 27. Trách nhiệm liên đới của vợ, chồng

1. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 30hoặc giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện tại các điều 24, 25 và 26 của Luật này.

2. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới về các nghĩa vụ quy định tại Điều 37 của Luật này.

2. Về vấn đề nuôi con thì ở đây là cháu bé mới được 2 tuổi tức là con dưới 36 tháng tuổi, theo quy định tại khoản 3 điều 81 luật hôn nhân gia đình thì con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, mặt khác bạn có đầy đủ về mặt vật chất cũng như mặt tinh thần để cháu có một môi trường phát triển tốt, bên cạnh đó thì bố cháu không có việc làm cũng như có các hành vi không tốt như nhậu nhẹt, chiều hư cháu thì khả năng bạn được quyền nuôi cháu là rất cao so với chồng bạn.

"Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con."

3. Về vấn đề giấy tờ ly hôn bạn có thể về nhà chồng bạn lấy hoặc có thể yêu cầu tòa án giúp đỡ trong trường hợp chồng bạn không cho lấy các loại giấy tờ trên.

4. Trong trường hợp hai bạn đang chờ tòa thụ lý và giải quyết ly hôn thì quyền chăm sóc nuôi dưỡng con của hai vợ chồng là ngang nhau, mặt khác hiện tại thì hai vợ chồng bạn chưa có ly hôn do đó quyền chăm sóc con ngang nhau và không có cơ quan nào có thể can thiệp vào để bạn có quyền tạm thời nuôi con trừ trường hợp bố cháu bé đánh đập, hành hạ thì mới có thể nhờ cơ quan chức năng can thiệp.

"Điều 71. Nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng

1. Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

2. Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ."

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật về, luật thuế và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo. Chúng tôi hy vọng rằng, ý kiến tư vấn của chúng tôi sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Trên từng vấn đề cụ thể, nếu bạn cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn của chúng tôi, xin hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ email npttrinhlaw@gmail.com  hoặc qua Tổng đài tư vấn:  .

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn luật hôn nhân gia đình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *