Chào Luât sư! Tôi tên N, tôi năm nay 52 tuổi. Hiện tại tôi có 4 đứa con, ba đứa lớn thì đã có thể đi làm tự lo cho bản thân. Tôi còn môt thằng nhóc nhỏ 11 tuổi. Nay tôi thấy không sông cùng chông được nữa. Tôi muốn li dị nhưng rắc rối ở chỗ, đất đai nhà tôi đang chờ cấp sổ đỏ. Tôi đang lo lắng khi làm đơn ly dị chồng thì tài sản sẽ chia đôi và các con tôi không hưởng được quyền lợi của nó.

Từ năm 2003 tôi mang bầu thì chồng tôi làm ăn có cơ ngơi hơn, thoát khỏi cảnh đói nghèo như ngày trước. Kể từ khi có tiền đồ nhà tôi đổi tính đổi nết cặp bồ cặp bịch đánh đập vợ con. Tôi vừa sanh xong được vài tháng thì ông ấy giở trò đánh măng môt cách dã man. Khi đứa con trai nhỏ được hai tuổi thì tôi muốn kiếm tiền để lo cho con thoải mái hơn. Tuy làm có tiền nhưng ông ta không cho tiền mua sữa cho con. Vì không có tiền cho con uống thêm sữa nên tôi muốn tự mình kiếm thêm. Mỗi lần tôi muốn kinh doanh hoặc muốn làm thêm cái gì đó để kiếm thêm tiền cho bản thân thì đều bị chồng tôi đánh đập kiếm chuyện không cho tôi làm. Ông ấy không cho tôi làm những thứ tôi muốn. Tiền ông ấy làm ra đều đưa về nhà anh em dì ghẻ và ông ấy còn có gia đình riêng khi đang chung sống với các con và tôi. Mỗi ngày chung sống với ông ấy như địa ngục. Tôi thấy mệt mỏi và nghẹt thở. Nhưng vì các con nên tôi cố gắng đến ngày hôm nay. Chồng tôi vừa trở về sau môt năm đi biền biệt, mà nghe đâu là đi xây hạnh phúc riêng. Mẹ con tôi đã quá ngán ngẩm với cảnh của chồng và của cha. Nên chúng tôi không quan tâm đến nữa măc kệ lời đồn thổi và mặc kệ cách sống buôn thả của chồng. Mấy năm qua ông ấy hành hạ đánh đập tôi, tôi nhịn cho qua hết. Hôm nay, nhân dịp đám cưới con trai lớn của tôi. Ông ấy về dự. Me con tôi rất vui. Nhưng không, chỉ sau một ngày đám cưới mà ông ấy ra tay đánh tôi và con gái. Vì cái danh sách khách mời mà ông ta đánh con bé gãy sống mũi, cả mặt sưng phồng. Các con tôi khuyên tôi nên làm đơn ly dị. Bây giờ tôi rất rối, tôi không biết phải làm sao. Bây giờ tôi không ly dị thì ngày nào ông ấy cũng lôi cả dòng họ tôi ra chửi mắn và còn đuổi con tôi ra khỏi nhà.Tôi rất muốn ly di nhưng tôi lo cho các con tôi sẽ không được hưởng quyền lợi. Ông ta quấy rầy cuộc sống mẹ con tôi rất nhiều. Tôi đang rất mêt mỏi. Mong luật sư giúp đỡ giải thích và cho tôi một hướng đi đúng đắn. Cảm ơn Luật sư rất nhiều.

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục Tư vấn luật hôn nhân gia đình  của Nptlawyer.com ;.

Luật sư tư vấn luật hôn nhân gia đình gọi:  

Trả lời:

 

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Nptlawyer.com ;. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

Cơ sở pháp lý:

Luật hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13 của Quốc hội

Bộ luật Dân sự số 33/2005/QH11 của Quốc hội

Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009

Nội dung tư vấn:

Trường hợp của bác muốn ly hôn chồng có nghĩa là ly hôn đơn phương. Theo điều 56 Luật hôn nhân gia đình 2014:

"Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên

1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.

3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia."

Vì chồng bác đã có hành vi như khoản 1 quy định trên cho nên nếu bác có căn cứ chứng minh được những hành vi đó của chồng thì Tòa án sẽ giải quyết cho ly hôn.

Tài sản chung của vợ chồng được quy định tại điều 33 Luật hôn nhân gia đình 2014 như sau:

"Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng

1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung."

Nguyên tắc phân chia tài sản vợ chồng được quy định tại điều 59 Luật hôn nhân gia đình 2014 như sau:

"Điều 59. Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn

1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.

Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.

2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

3. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.

4. Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.

Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

5. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

6. Tòa án nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn Điều này."

Nếu mảnh đất chưa có sổ đỏ nhưng là tài sản của hai vợ chồng hình thành trong thời kỳ hôn nhân thì vẫn sẽ được chia. Khi thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì sẽ căn cứ vào bản án, quyết định của tòa án để cấp giấy chứng nhận nên bác không phải lo lắng về vấn đề này.

Việc chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn được giải quyết theo thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được sẽ do Tòa án giải quyết theo nguyên tắc chia đôi nhưng có xét đến công sức đóng góp, hoàn cảnh mỗi bên…

Luật hôn nhân gia đình chỉ quy định giải quyết việc phân chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn, không quy định cha mẹ khi ly hôn phải chia tài sản cho con cái. Việc chia tài sản hay không chia tài sản cho con hoàn toàn thuộc quyền quyết định của cha, mẹ. Vì vậy, để chia tài sản cho con thì cha, mẹ có thể thỏa thuận về việc chia tài sản cho con.

Vì chồng bác đã có hành vi bạo lực gia đình, xúc phạm gia đình nhà bác cho nên bác có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại về sức khỏe, danh dự, nhân phẩm bị xâm hại:

Việc bồi thường sức khỏe và danh dự, nhân phẩm bị xâm phạm được quy định cụ thể tại các Điều 604, 609 và Điều 611 Bộ luật dân sự 2005:

"Điều 604. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại  

1. Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

2. Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó."

"Điều 609. Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm  

1. Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.

2. Người xâm phạm sức khoẻ của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định."

"Điều 611. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm  

1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm, thiệt hại do danh dự, uy tín của pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.

2. Người xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định. "

Bác cũng có thể yêu cầu Tòa án giải quyết vấn đề vi phạm chế độ hôn nhân của chồng mình. Hành vi của chồng báccó thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 48 Nghị định 110/2013/NĐ-CP:

"Điều 48. Hành vi vi phạm quy định về cấm kết hôn, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng; vi phạm quy định về ly hôn

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;

b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;.."

Ngoài ra, nếu hành vi của chồng bác gây ra hậu quả nghiêm trọng như: ly hôn, vợ con tự sát,.. thì chồng bác còn phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 147 Bộ luật Hình sự:

"Điều 147. Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng 

1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.."

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo.

Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số:  hoặc gửi qua email: npttrinhlaw@gmail.com để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Nptlawyer.com ;.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận Luật sư Tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *