Theo Luật Cạnh tranh, một doanh nghiệp chiếm thị phần từ 30% trở lên được coi là vị trí thống lĩnh trên thị trường và vi phạm Luật Cạnh tranh. Nếu chiếu theo đó thì nhiều tập đoàn kinh tế hiện nay có đang phạm luật không? Làm sao đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp?

Đó là những câu hỏi của cộng đồng doanh nghiệp đặt ra tại hội thảo “Thúc đẩy môi trường cạnh tranh lành mạnh”, do Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) vừa tổ chức, tại Hà Nội.

Các tập đoàn đang… phạm luật?

Ở bất cứ nền kinh tế nào, một doanh nghiệp chiếm trên 30% thị phần trở lên đồng nghĩa với việc có khả năng bóp méo sự phát triển lành mạnh của thị trường, do có thể áp đặt các điều kiện thương mại hay gây cản trở sự phát triển kỹ thuật, công nghệ cũng như các doanh nghiệp khác và gây thiệt hại cho khách hàng. Đây là điều vi phạm pháp luật về cạnh tranh.

Như vậy, chiểu theo Luật Cạnh tranh thì hầu hết những tập đoàn kinh tế hiện nay như Điện lực Việt Nam EVN, Petrolimex, Than -Khoáng sản… đều đang phạm luật. Bởi thực tế, thị phần mà các tập đoàn này nắm đã bỏ xa giới hạn 30%. Thậm chí có những tập đoàn gần như “một mình một chợ” mà EVN là điển hình.

“Vậy phải xử lý các trường hợp này thế nào?”, ông Đinh Quang Huy, Chủ tịch Hiệp hội gốm sứ đặt câu hỏi. Đây cũng là thắc mắc chung của nhiều doanh nghiệp khác.

Trả lời câu hỏi này, ông Vũ Bá Phú, Cục phó Cục Quản lý Cạnh tranh, cho biết, đúng là nhiều tập đoàn kinh tế đang nắm thị phần chi phối nhưng có phạm luật hay không còn phụ thuộc vào việc có xác định được “hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh” hay không. Ngoài ra, thông thường, câu hỏi này cũng chỉ được đặt ra khi có ai đó khiếu kiện các tập đoàn này lên Cục Quản lý Cạnh tranh.

Luật sư tư vấn luật Đất đai qua điện thoại gọi số:  –

Nhưng tại Việt Nam, đây là vấn đề quá mới mẻ nên theo ông Phú “nhiều doanh nghiệp thậm chí còn không biết ai được quyền khiếu kiện, quy trình kiện ra sao… mà  một trong những điều kiện để xử lý các vụ việc vi phạm Luật Cạnh tranh là phải có đơn khởi kiện của các doanh nghiệp hoặc cá nhân”.

“Tôi lấy ví dụ Petrolimex chiếm 60% thị phần xăng dầu cả nước nhưng chế độ hoa hồng hợp lý và không có ai khiếu kiện cả. Khi giá xăng dầu thế giới hạ thì trước sức ép người tiêu dùng – Petrolimex cũng đã tự hạ giá xăng dầu” – ông Phú cho biết.

Tuy nhiên, các chuyên gia và quan chức của Cục Quản lý Cạnh tranh cũng thừa nhận, với chế độ sổ sách, kế toán và thống kê hiện nay ở Việt Nam, không dễ để có thể tính toán và xác định thế nào là chiếm lĩnh thị phần, độc quyền hay lạm dụng vị trí thống lĩnh.

“Cũng có trường hợp thuộc diện đặc biệt như điện lực. Đây là mặt hàng trong danh mục quản lý giá của Nhà nước nên loại trừ khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật Cạnh tranh”, ông Phú nói.

4 năm vẫn còn quá… mới

Tại hội thảo, nhiều hiệp hội, doanh nghiệp đã đưa ra những ví dụ về việc bị “xử ép” nếu chiếu theo Luật Cạnh tranh. Đại diện Hiệp hội Vận tải lên tiếng: "Áp đặt điều kiện hợp đồng là một hình thức vi phạm Luật Cạnh tranh nhưng các DN lớn thường cho chúng tôi một hợp đồng có sẵn đã kèm các điều kiện do họ đưa ra và "buộc" chúng tôi chấp thuận”.

Năm 2008, Cục Quản lý Cạnh tranh cũng đã tham gia giải quyết một số vụ việc liên quan đến pháp luật cạnh tranh. Điển hình nhất là vụ các DN trong Hiệp hội Thép “bắt tay” để giữ giá bán thép không dưới mức 13,7-14 triệu đồng/tấn và vụ Hiệp hội Bảo hiểm thống nhất với DN nâng mức phí bảo hiểm lên 3,95%/năm cho tất cả các đối tượng khách hàng.

Theo Luật Cạnh tranh, những doanh nghiệp tham gia “liên minh làm giá” này sẽ bị phạt tối đa 10% tổng doanh thu trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi. Nhưng ông Phú cho biết, vụ thép đã dừng lại do DN chủ động xin rút còn vụ bảo hiểm, Cục đang hoàn tất hồ sơ để chuyển sang Hội đồng Cạnh tranh xét xử.

Như vậy, sau 4 năm kể từ 1/7/2005, Luật Cạnh tranh đi vào cuộc sống, cùng với vụ Công ty CP xăng dầu Hàng không (Vinapco) không chịu bán xăng máy bay cho Pacific Airlines trước đó, vụ bảo hiểm mới là vụ thứ hai đang được cục này hoàn tất hồ sơ để chuyển sang Hội đồng Cạnh tranh xử lý. Còn hầu hết các điều tra khác vẫn đang trong quá trình triển khai như điều tra than, dược…

Lý do của sự chậm trễ này theo ông Phú là “các vấn đề vi phạm cạnh tranh, trong đó có nội dung liên quan tới độc quyền còn rất mới mẻ ở Việt Nam”. Chưa kể ông Phú cũng cho rằng thủ tục điều tra khá phức tạp và dài dòng nên không phải doanh nghiệp nào cũng muốn đâm đơn khiếu kiện.

“Dĩ nhiên, chúng tôi cũng chủ động điều tra với những lĩnh vực có “nguy cơ” vi phạm cạnh tranh cao như năm ngoái chúng tôi đã tiến hành điều tra thị trường dược, viễn thông, than… Năm 2009, chúng tôi dự đoán thị trường phân phối bán lẻ và hàng điện máy sẽ nóng nên cũng đã chủ động đưa vào kế hoạch”, ông Phú cho biết.

Dường như, việc lành mạnh hóa môi trường kinh doanh vẫn cần thêm thời gian để các doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý nhà nước “làm quen”.

SOURCE: VIETNAMNET.VN

Trích dẫn từ: http://news.VIBOnline.com.vn/

(MKLAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

————————————————-

THAM KHẢO VÀ DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN:

1. Luật sư riêng cho doanh nghiệp ;

2. Dịch vụ tư vấn cơ cấu lại doanh nghiệp ;

3. Tư vấn thành lập doanh nghiệp tại Hà Nội ;
4. Tư vấn xây dựng quy chế hoạt động cho doanh nghiệp ;
5. Luật sư tư vấn vụ án tranh chấp kinh doanh, thương mại ;
6. Luật sư tư vấn và giải quyết tranh chấp nội bộ doanh nghiệp .

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *