Công ty PFV yêu cầu hoàn lại tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đã trả cho Công ty TNHHMTV CK Trần Hưng Đạo để sử dụng khu đất HH1 tại 114 Mai Hắc Đế, Hai Bà Trưng, Hà Nội

  BẢN TƯ VẤN PHÁP LUẬT
V/v. Công ty PFV yêu cầu hoàn lại tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đã trả cho Công ty TNHHMTV CK Trần Hưng Đạo để sử dụng khu đất HH1 tại 114 Mai Hắc Đế, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Nội dung tư vấn bao gồm các vấn đề sau:
   1. Khái niệm “tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng”.
   Trước khi trả lời câu hỏi nêu trên cần giải thích khái niệm tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng là gì.
   Theo quy định của Luật đất đai năm 2003 khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì Nhà nước thực hiện “bồi thường, giải phóng mặt bằng sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được công bố hoặc khi dự án đầu tư có nhu cầu sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt” (khỏan 1 điều 39).
   Trong đó: i) “Bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất là việc Nhà nước trả lại giá trị quyền sử dụng đất đối với diện tích đất bị thu hồi cho người bị thu hồi đất” (khoản 6 điều 4).
   ii) “Hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất là việc Nhà nước giúp đỡ người bị thu hồi đất thông qua đào tạo nghề mới, bố trí việc làm mới, cấp kinh phí để di dời đến địa điểm mới”(khoản 7 điều 4).
      Tư vấn: như vậy tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng chỉ áp dụng khi Nhà nước thu hồi đất vì những mục đích quy định tại điều 38 Luật đất đai và là khỏan tiền mà Nhà nước trả cho người có đất bị thu hồi. Tiền bồi thường bao gồm bồi thường về đất và bồi thường về tài sản gắn liền với đất bị thu hồi.
      2. Căn cứ vào các tài liệu được cung cấp chúng tôi xác định:
      1) Khu đất HH1 tại số 114 Mai Hắc Đế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội do Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo (sau này đã chuyển đổi thành Công ty Cơ khí Trần Hưng Đạo rồi Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Cơ khí Trần Hưng Đạo) sử dụng từ năm 1957 để làm nhà xưởng sản xuất, hàng năm vẫn nộp tiền thuê đất nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hiện trạng khu đất này gồm các khu: i) Tòa nhà Vincom hiện hữu với diện tích 6.742m2, ii) khu HH1 diện tích 3.609m2, iii) khu HH2 với diện tích 3.972m2.
      2) Ngày 30/3/1995 Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 1665/KTN với các nội dung: i) đồng ý việc di chuyển nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo ra khỏi Hà Nội; ii)đồng ý việc sử dụng khu đất tại 191 Bà Triệu (19.600m2) để liên doanh xây dựng trung tâm thương mại-khách sạn, iii) đồng ý việc sử dụng tiền đền bù của đối tác nước ngoài để đầu tư xây dựng nhà máy ở cơ sở mới, iv) cho phép nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo là 1 bên đối tác liên doanh.
      3) Ngày 31/12/2001 UBND thành phố Hà Nội có QĐ số 3228/UB-XDĐT với nội dung: i) chấp nhận việc di chuyển toàn bộ nhà máy Trần Hưng Đạo ra khỏi  nội thành, ii) đồng ý cho Công ty cơ khí Trần Hưng Đạo liên doanh với đối tác để đầu tư xây dựng tại đây, iii) đối tác liên doanh phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế và trách nhiệm với Nhà nước Việt Nam theo quy định.
      4) Ngày 15/9/2005 Sở kế hoạch và đầu tư TP. Hà Nội cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho Công ty TNHHMTVCK Trần Hưng Đạo và Công ty CP Vincom JSC thành lập liên doanh Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại PFV để thực hiện dự án Trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp cho thuê tại 114 Mai Hắc Đế.
      5) Ngày 1/3/2007 Công ty Đầu tư và Thương mại PFV là doanh nghiệp liên doanh được cấp Giấy CNĐT cấp ngày 1/3/2007 (điều chỉnh ngày 13/6/2007).
      6) Ngày 10/9/2007 Bộ Tài chính có văn bản số 12099/BTC-QLCS có nội dung Công ty PFV được UBND TP. HN giao khu đất nêu trên để thực hiện dự án đầu tư Trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp cho thuê thì Công ty phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định của NĐ 198 ngày 3/12/2004.
      7) Ngày 17/1/2008 UBND TP. Hà Nội ra QĐ số 277/QĐ-UBND có nội dung: i) thu hồi 3.609m2 đất tại khu HH1 số 114 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, ii) và giao cho Công ty PFV để thực hiện Dự án xây dựng Trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp cho thuê (điều 1). Hình thức sử dụng đất: giao đất có thu tiền sử dụng đất với thời hạn sử dụng đất là 50 năm kể từ ngày 1/3/2007, iii) Công ty PFV có trách nhiệm phối hợp cùng Công ty TNHH MTV CK Trần Hưng Đạo báo cáo Bộ tài chính làm thủ tục thanh lý tài sản trên đất, quản lý số tiền bồi thường, hỗ trợ di chuyển theo quy định (khoản 8 điều 2).
      8) Ngày 12/3/2008 UBND TP. Hà Nội ra QĐ số 930/QĐ-UBND về phê duyệt giá đất để thu tiền sử dụng đất tại khu HH1 số 114 Mai Hắc Đế do Công ty PFV làm chủ đầu tư diện tích 3.609m2 số tiền 253.965.330.000đ.

 

>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi:  

 

Tư vấn:

Căn cứ khoản 2 điều 41 Luật đất đai năm 2003 quy định: “Nhà nước thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng và giao đất cho nhà đầu tư để thực hiện dự án đối với trường hợp đã có dự án đầu tư đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt”.
Căn cứ Nghị định 17 và Nghị định 84 của Chính phủ vì khu đất tại 114 Mai Hắc Đế bị Nhà nước thu hồi vì mục đích lợi ích công cộng (để xây dựng Trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp cho thuê) nên Nhà nước phải tiến hành bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất cho người có đất bị thu hồi đồng thời Nhà nước tiến hành giao đất đã thu hồi cho tổ chức kinh tế thực hiện dự án đầu tư.
Đối chiếu vào các dữ kiện nêu trên xác định:
i) Công ty TNHHMTV CK Trần Hưng Đạo được xác định là người có đất bị thu hồi do phải di chuyển tòan bộ nhà máy đến địa điểm mới.
ii) Công ty PFV là nhà đầu tư có dự án đầu tư đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt và được UBND TP. Hà Nội giao đất theo hình thức có thu tiền sử dụng đất tại địa điểm mà Công ty TNHHMTV CK Trần Hưng Đạo bị thu hồi (khu HH1).
iii) Nhà nước có trách nhiệm bồi thường, hỗ trợ GPMB theo quy định của Luật đất đai cho Công ty TNHHMTVCK Trần Hưng Đạo.
Căn cứ khoản 3 điều 43 Luật đất đai thì Nhà nước bồi thường cho Công ty TNHHMTV CK Trần Hưng Đạo tài sản gắn liền với đất bị thu hồi chứ không phải bồi thường về đất.
3. Vậy luật có quy định chủ đầu tư tự trả tiền bồi thường, hỗ trợ GPMB cho người có đất bị thu hồi? Câu trả lời là “có”.
Căn cứ điều 4 Nghị định 17 sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 điều 3 Nghị định số 197/2004/NĐ-CP như sau: “ Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất…đã ứng trước tiền để thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng thì được trừ số tiền đã bồi thường về đất, hỗ trợ về đất vào tiền sử dụng đất…phải nộp cho Nhà nước; mức được trừ không vượt quá số tiền sử dụng đất phải nộp”.
Căn cứ dữ kiện nêu trên cho thấy Công ty PFV phải nộp tiền sử dụng đất khi được giao sử dụng khu đất HH1 để thực hiện dự án đầu tư là 253.965.330.000đồng. Nếu Công ty này đã ứng tiền bồi thường, hỗ trợ GPMB cho Công ty TNHHMTVCK Trần Hưng Đạo và chưa nộp hết số tiền sử dụng đất cho Nhà nước thì sẽ được trừ trước khi nộp ngân sách, còn nếu đã nộp xong thì sẽ được hoàn lại số tiền này.

4. Mức bồi thường, hỗ trợ GPMB mà Công ty TNHHMTVCK Trần Hưng Đạo được nhận khi bị thu hồi đất?
4.1. Căn cứ tài liệu cung cấp cho luật sư nghiên cứu thì thấy:
Ngày 24/6/2005 Hợp đồng hợp tác liên doanh giữa Công ty CP Thương mại Tổng hợp Việt Nam (JSC) là bên A và Công ty TNHHMTV CK Trần Hưng Đạo (bên B) được ký kết, tại điều 7.2 quy định “Tổng chi phí đền bù GPMB do bên B chịu”. Điều 7.3 quy định: “Chi phí đền bù giải phóng mặt bằng và hỗ trợ di chuyển để Công ty Cơ khí THĐ tái đầu tư là 2.35 cây vàng 9999/1m2 (Tại phụ lục ngày 17/1/2006 sửa đổi lại thành 1.080,31 USD/1M2) đã bao gồm:i) quyền thuê mặt bằng trong 50 năm; ii) Chi phí di dời, GPMB; iii)Lợi thế thương mại của khu đất; iv) Chi phí hỗ trợ bên B tái đầu tư xây dựng cơ sở kinh doanh mới; v)tất cả các khoản thuế, phí, lệ phí và các chi phí liên quan đến GPMB”.
Tư vấn: Nội dung nêu trên là trái với quy định của pháp luật hiện hành và trái với các văn bản của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền liên quan đến việc thu hồi đất, giao đất để thực hiện dự án đầu tư tại khu đất HH1 cụ thể:
* Trái với các văn bản của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền:
– Hợp đồng HTLD được xác lập sau khi các văn bản sau được ban hành: Văn bản số 1665 ngày 30/3/1995 của Thủ tướng Chính phủ “đồng ý việc sử dụng tiền đền bù của đối tác nước ngoài để đầu tư xây dựng nhà máy ở cơ sở mới”; QĐ số 3228 ngày 31/12/2001 của UBND thành phố Hà Nội quy định “đối tác liên doanh phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế và trách nhiệm với Nhà nước Việt Nam” nên phải tuân thủ những quy định nêu trên.
– Thời điểm xác lập hợp đồng HTLD là trước khi UBND thành phố Hà Nội ban hành QĐ thu hồi đất của Công ty TNHHMTV CK Trần Hưng Đạo và Công ty PFV chưa được thành lập. Có nghĩa rằng nội dung nêu trên chỉ phù hợp nếu Công ty TNHHMTV CK Trần Hưng Đạo góp vốn bằng quyền sử dụng đất tại khu HH1 vào liên doanh để cùng thực hiện dự án đầu tư.
– Ngày 21/12/2007 Bộ Tài chính đã ban hành văn bản số 17392 quy định “Công ty TNHH MTV Trần Hưng Đạo được sử dụng 50% số tiền thu được khi giao đất ở khu HH1 (sau khi trừ các chi phí liên quan) để thực hiện dự án di chuyển, xây dựng cơ sở mới và để liên doanh góp vốn với đối tác đầu tư”. Nên các bên tham gia hợp đồng HTLD phải điều chỉnh điều 7 cho phù hợp.
* Trái với quy định của pháp luật hiện hành.
i) Quy định tại điều 7.2.1 “tổng chi phí đền bù GPMB do bên B (tức người có đất bị thu hồi) chịu” là trái với khoản 3 điều 43 Luật đất đai.
ii) Quy định tại điều 7.3: “Bên A đền bù cho bên B chi phí đền bù giải phóng mặt bằng và hỗ trợ di chuyển để Công ty Cơ khí THĐ tái đầu tư là 2.35 cây vàng 9999/1m2 (Tại phụ lục ngày 17/1/2006 sửa đổi lại thành 1.080,31 USD/1M2) là trái với khoản 1 điều 39, khỏan 2 điều 41 Luật đất đai. Mức bồi thường (1.080,31USD/1M2) là không có căn cứ vì không đúng quy định của luật mà đó chỉ là do hai bên tự thỏa thuận.
iii) Quy định tại các tiểu mục ở điều 7.3 “Chi phí đền bù đã bao gồm các khoản” cũng không đúng và phù hợp với pháp luật cụ thể:
– Quyền thuê mặt bằng trong 50 năm và lợi thế thương mại của khu đất: Nội dung này là không phù hợp vì tại QĐ số 277 ngày 17/1/2008 quyền sử dụng đất của Công ty TNHHMTV CK Trần Hưng Đạo đã bị thu hồi và Công ty này phải di chuyển ra khỏi khu đất để giao cho nhà đầu tư khác);
– Chi phí di dời, GPMB, chi phí hỗ trợ bên B tái đầu tư : Theo văn bản của Bộ tài chính các khỏan tiền này nằm trong 50% tiền thu được khi giao đất sau khi đã trừ chi phí thì bên B được hưởng;
– Tất cả các khoản thuế, phí, lệ phí: các khỏan này do nhà đầu tư phải chịu theo QĐ số 3228 ngày 31/12/2001 của UBND thành phố Hà Nội quy định “đối tác liên doanh phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế và trách nhiệm với Nhà nước Việt Nam”.
Tóm lại: Mức bồi thường, hỗ trợ GPMB như quy định trong Hợp đồng HTLD (điều 7.2.1, 7.3) là không phù hợp quy định của pháp luật nên không được chấp nhận hoàn lại. Công ty PFV chỉ được hòan lại số tiền bồi thường, hỗ trợ GPMB được hình thành theo trình tự thủ tục mà pháp luật quy định.

4.2. Quy định pháp luật về tiền bồi thường, hỗ trợ GPMB.
Căn cứ khoản 6 điều 42 Luật đất đai năm 2003 quy định: “Chính phủ quy định việc bồi thường, tái định cư cho người có đất bị thu hồi và việc hỗ trợ để thực hiện thu hồi đất”. Như vậy cần căn cứ vào các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật đất đai do Chính phủ ban hành để xác định mức bồi thường, hỗ trợ GPMB. Vì dự án đầu tư trên địa bàn thành phố Hà Nội nên cũng cần phải tuân theo các quy định hiện hành của thành phố Hà Nội bao gồm:
i) Nghị định 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định bổ sung về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. (Xem Chương V về Trình tự thu hồi đất và thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất). Trình tự thủ tục như sau:
Điều 122 khỏan 2 điểm b Luật đất đai quy định: “Căn cứ vào Quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan có thẩm quyền , UBND huyện, quận, thị xã thành phố thuộc tỉnh tổ chức thực hiện việc bồi thường , giải phóng mặt bằng”
– Khi có Văn bản chấp thuận địa điểm đầu tư của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường,GPMB (thuộc UBND quận, huyện nơi thực hiện dự án đầu tư) có sự tham gia của chủ đầu tư đã phải lập phương án tổng thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nộp tại Ban bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thẩm định. Phương án tổng thể phải có các nội dung chính trong đó có dự kiến mức bồi thường hỗ trợ (điểm d khỏan 1 điều 51).
– Trong thời hạn không quá 15 ngày phương án tổng thể sẽ được Cơ quan Tài chính phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan có liên quan tiến hành thẩm định phương án trình UBND cùng cấp xét duyệt (khỏan 2 điều 51)

– Trong thời hạn không quá 7 ngày kể từ ngày nhận được tờ trình của Cơ quan tài chính, UBND đã có chủ trương thu hồi đất hoặc chấp thuận về địa điểm đầu tư có trách nhiệm xem xét, ký quyết định xét duyệt phương án tổng thể.
– Sau đó mới thực hiện các thủ tục như: thông báo thu hồi đất, ban hành quyết định thu hồi đất, người sử dụng đất kê khai tài sản trên đất, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường GPMB đi kiểm tra (theo quy định tại điều 52, 53, 55).
– Căn cứ điều 56 Nghị định 84 quy định việc lập phương án cụ thể về bồi thường, hỗ trợ tái định cư sau khi đã thực hiện các thủ tục trên. Phương án cụ thể tuân theo Nghị định 197/2004/NĐ-CP và Nghị định 17/2006/NĐ-CP rồi mới ra được số tiền bồi thường, hỗ trợ cụ thể.
– Sau khi ra được phương án cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải tiến hành niêm yết công khai lấy ý kiến tại UBND cấp xã nơi thực hiện dự án (khoản 2 điều 56).
– Sau đó hoàn chỉnh phương án và lại thẩm định và trình UBND cấp có thẩm quyền phê duyệt trong đó giá đất bồi thường hỗ trợ phải phù hợp với bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành.
– Theo quy định của Nghị định 84 sau 5 ngày gửi thông báo về phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư đến người có đất bị thu hồi tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường GPMB thực hiện việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ (điều 58). Sau khi nhận tiền xong thì người có đất bị thu hồi phải bàn giao mặt bằng (điều 59).
Theo tài liệu cung cấp xác định: Dự án xây dựng Trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp cho thuê tại khu HH1 số 114 Mai Hắc Đế thuộc loại dự án phát triển kinh tế thuộc diện nhà nước thu hồi đầt nhưng chủ đầu tư tự thỏa thuận với người có đất bị thu hồi. Cụ thể chủ đầu tư (Công ty PFV) và người có đất bị thu hồi (Công ty TNHHMTVCK Trần Phú) tự thỏa thuận chi trả tiền bồi thường hỗ trợ và bàn giao đất cho nhau mà không phải thông qua tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường GPMB.
Tóm lại: Vì không được cung cấp tài liệu phương án bồi thường, hỗ trợ di chuyển nên chúng tôi tạm tư vấn như sau:
i) Mức giá 1.080,31USD/1m2 như quy định trong bản phụ lục Hợp đồng HTLD là không được chấp nhận vì không tuân theo quy trình luật định và không căn cứ vào bảng giá đất của UBND thành phố Hà Nội ban hành.
ii) Tuy nhiên nếu mức bồi thường, hỗ trợ trong phương án được UBND cấp có thẩm quyền phê duyệt bằng với mức quy định trong Hợp đồng HTLD thì vẫn được chấp nhận.
5. Trả lời câu hỏi: Công ty PFV có được hoàn lại số tiền bồi thường hỗ trợ GPMB đã trả cho Công ty TNHHMTVCK Trần Hưng Đạo để được sử dụng khu đất HH1 tại 114 Mai Hắc Đế, Hai Bà Trưng, Hà Nội ? câu trả lời là có nhưng chỉ được hoàn với mức tiền đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Trong trường hợp Công ty PFV và Công ty TNHHMTV CK Trần Hưng Đạo tự thoả thuận chi trả tiền đền bù (không theo các quy định của Luật đất đai) và Công ty PFV không thực hiện trình tự thủ tục lập phương án đền bù hỗ trợ GPMB như quy định tại điều 51 ,56 Nghị định 84 thì nay Công ty PFV vẫn có thể xin Nhà nước hoàn số tiền đền bù hỗ trợ GPMB đã chi trả cho Công ty TNHHMTV CK Trần Hưng Đạo căn cứ vào các quy định pháp luật sau đây:
– Căn cứ khoản 1 điều 38, khoản 2 điều 41 Luật đất đai năm 2003 thì khu đất của Công ty TNHHMTV CK Trần Hưng Đạo thuộc trường hợp Nhà nước ra Quyết định thu hồi đất (vì phải di chuyển đến địa điểm khác ngoài nội thành). Vì thế Nhà nước thực hiện đền bù, hỗ trợ, GPMB cho Công ty TNHHMTV CK Trần Hưng Đạo và sau khi thu hồi thì Nhà nước giao cho Công ty PFV để thực hiện dự án đầu tư đã được phê duyệt. Công ty này phải trả tiền sử dụng đất cho nhà nước để được giao đất thực hiện dự án đầu tư.
– Căn cứ điều 51, 56 Nghị định 84 quy định chủ đầu tư lập phương án đên bù hỗ trợ GPMB đề trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt để làm cơ sở chi trả cho người có đất bị thu hồi. Do đó trường hợp chưa làm thì nay lãm để được Nhà nước hoàn.
– Căn cứ khoản 3 điều 43 Luật đất đai thì Công ty TNHHMTV CK Trần Hưng Đạo chỉ được hưởng tiền đền bù tài sản gắn liền với đất bị thu hồi (khu HH1 = 3609m2) chứ không được hưởng tiền đền bù thiệt hại về đất (vì cho đến thời điểm bị thu hồi Công ty này chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hình thức sử dụng đất của Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo trước kia là nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất).
– Căn cứ Nghị định 197 quy định lập phương án để được đền bù về tài sản gắn liền với đất.
– Căn cứ các quy định về trình tự thủ tục quy định tại Nghị định 84 phương án đền bù của Công ty PFV sẽ được lần lượt thẩm định và xét duyệt căn cứ vào quy định hiện hành vào thời điểm thành phố có Quyết định giao đất cho Công ty PFV để thực hiện dự án. Sau đó trình UBND thành phố phê duyệt và làm căn cứ để Công ty này xin Nhà nước hoàn. Mức được hoàn sẽ nhỏ hơn 56,1tỷ đồng –là số tiền mà Công ty Vincom JSC và Công ty TNHHMTV CK Trần Hưng Đạo tự thoả thuận không theo quy định của pháp luật. Căn cứ văn bản của Bộ Tài chính thì coi số tiền này (56,1tỷ) là số tiền tạm ứng trước trong khoản tiền mà Công ty TNHHMTV CK Trần Hưng Đạo được nhận từ đối tác để chi sử dụng vào mục đích như di dời, xây dựng cơ sở mới và góp vốn liên doanh với đối tác.

6. Tư vấn 1 số vấn đề khác (để làm rõ hơn yêu cầu tư vấn).
– Tòan bộ khu đất của Công ty TNHHMTV CK Trần Hưng Đạo gồm 19.600m2 trong đó tòa nhà Vincom hiện hữu đã thực hiện xong. Còn hai khu đất HH1 diện tích 3609m2 và HH2 3972m2. Hợp đồng HTLD ngày 24/6/2005 chỉ liên quan đến khu đất HH1 theo đó Công ty Vincom đã trả cho Công ty TNHHMTVCK Trần Hưng Đạo để được trở thành đối tác liên doanh với Công ty này thực hiện dự án tại đây là 56,1 tỷ ( vì vậy không thuộc trường hợp phải đấu giá quyền sử dụng đất và đầu thầu dự án).
– Tổng số tiền thu được khi giao khu HH1 cho nhà đầu tư Công ty PFV thực hiện dự án là 253.965.000đ.
– Số tiền này sau khi trừ đi các chi phí có liên quan đến việc giao đất (chưa có tài liệu để xác định số liệu này nhưng theo chúng tôi thì không lớn gọi là X và tạm cho là bằng 0) thì chia đôi: 50% nộp vào ngân sách thành phố còn 50% Công ty TNHHMTV CK Trần Hưng Đạo được hưởng bằng 126.982.665.000đ. Số tiền này dùng vào 3 mục đích đó là: i) di dời tòan bộ nhà máy từ nội thành Hà Nội đến Khu công nghiệp Tiên sơn, Bắc Ninh, ii) xây dựng cơ sở vật chất tại địa điểm mới và iii) đầu tư vào liên doanh để nhằm mục đích tích lũy vốn để phát triển ngành cơ khí chế tạo động cơ diesel (theo Hợp đồng HTLD thì Công ty này góp 14 tỷ đồng chiếm 7% vốn điều lệ còn Công ty Vincom JSC góp 186.000.000.000đ chiếm 93% vốn điều lệ (vốn điều lệ 200 tỷ).Công ty này đã nhận 56,1tỷ nên còn được nhận tiếp 70.882.665.000đ. Căn cứ khoản 8 điều 2 QĐ số 277 ngày 17/1/2008 của UBND TP. Hà Nội Công ty TNHH MTV CK Trần Hưng Đạo phải quản lý số tiền bồi thường, hỗ trợ di chuyển do đối tác chi trả theo quy định của pháp luật.
– Công ty PFV đã chi trả tiền đền bù hỗ trợ cho Công ty TNHHMTVCK Trần Hưng Đạo thì được hoàn lại với điều kiện phải là số tiền trong Phương án đã được phê duyệt theo đúng quy định của Luật đất đai tạm gọi là Y (có hai khả năng i) bằng 56,1 tỷ và ii) nhỏ hơn 56,1tỷ).

7. Các căn cứ pháp lý chủ yếu để thực hiện tư vấn:
– Luật đất đai ngày 26/11/2003
– Luật đầu tư ngày 29/11/2005
– Luật doanh nghiệp năm 2005
– Luật doanh nghiệp Nhà nước 2003
– Luật xây dựng năm 2003
– Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành 1 số điều của Luật đầu tư
– Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật đất đai năm 2003
-Nghị định 17/2006/NĐ-CP ngày 27/01/2006 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật đất đai
– Nghị định 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định bổ sung về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thựchiện QSD đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai.
– Quyết định số 136/2007/QĐ-UBND ngày 30/11/2007 của UBND thành phố Hà Nội ban hành Quy định về thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư và làm nhà ở dãn dân nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội
– Quyết định số 22/2007/QĐ-UBND ngày 9/2/2007 của UBND thành phố Hà Nội về việc ban hành quy định về quy trình giải quyết một số thủ tục hành chính trong quản lý một số thủ tục hành chính trong quản lý các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước trên địa bàn TP. Hà Nội.
Ghi chú: Nội dung tư vấn chỉ trong khuôn khổ những tài liệu do khách hàng cung cấp vào thời điểm thực hiện tư vấn. Khi có bổ sung tài liệu luật sư sẽ có điều chỉnh nội dung tư vấn nếu cần thiết.
Phí tư vấn: 15.000.000 đồng (chưa bao gồm VAT).

Nguồn: VĂN PHÒNG LUẬT SƯ HOÀNG LONG

(MKLAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

——————————————————-

THAM KHẢO VÀ DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN:

1. Luật sư riêng cho doanh nghiệp ;

2. Dịch vụ tư vấn cơ cấu lại doanh nghiệp ;

3. Tư vấn thành lập doanh nghiệp tại Hà Nội ;

4. Tư vấn xây dựng quy chế hoạt động cho doanh nghiệp ;

5. Luật sư tư vấn vụ án tranh chấp kinh doanh, thương mại ;

6. Luật sư tư vấn và giải quyết tranh chấp nội bộ doanh nghiệp .

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *