Sau 30 năm ra đời, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển được đánh giá là thành tựu quan trọng của luật pháp quốc tế, có ý nghĩa to lớn trong việc điều chỉnh hoạt động của cộng đồng quốc tế tại mọi vùng biển và đại dương.

Biển và đại dương luôn đóng vai trò quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế – xã hội của các quốc gia trên toàn thế giới. Bước vào những năm đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước, khoa học – công nghệ đã có những bước phát triển vượt bậc, cho phép con người sử dụng và vươn tới những vùng biển sâu và xa bờ để khai thác tài nguyên. Để tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động đó, các quốc gia ven biển ban hành luật lệ mở rộng phạm vi quyền tài phán đối với các vùng biển và thềm lục địa.

>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi:  –

 

Trong khi các quốc gia có năng lực thực tế làm chủ các vùng biển và thềm lục địa khác nhau, nếu không có một văn bản pháp lý quốc tế điều chỉnh phạm vi cũng như chế độ triển khai các hoạt động trên biển và đại dương phù hợp với xu hướng phát triển chung, đồng thời duy trì an ninh, trật tự trên biển, bảo vệ lợi ích lâu dài của cộng đồng quốc tế, sẽ dẫn đến tình trạng bất công, nguy cơ khai thác cạn kiệt tài nguyên và hủy hoại môi trường biển.

Với cách tiếp cận nói trên, Malta, một quốc gia ven biển nhỏ bé ở châu Âu, mà đại diện là Đại sứ Arvid Pardo, một luật gia có tầm nhìn sắc sảo và vượt trước thời đại đã khởi xướng đề nghị Liên Hợp Quốc bảo trợ một Hội nghị quốc tế (năm 1967) soạn thảo Công ước Luật Biển.

Sau 9 năm đàm phán, với sự tham gia của hơn 150 quốc gia và nhiều tổ chức quốc tế, kể cả các tổ chức phi chính phủ Hội nghị đã thông qua văn kiện cuối cùng là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (sau đây gọi tắt là “Công ước Luật Biển 1982”) vào ngày 30/4/1982 và ngày 10/12/1982 được ấn định là ngày mở ký Công ước tại Montego Bay, Jamaica. Ngay trong ngày mở ký đầu tiên, đã có 107 quốc gia ký Công ước. Điều đó cho thấy Công ước ra đời với sự ủng hộ mạnh mẽ và đông đảo của cộng đồng quốc tế.

Trong số các văn kiện pháp lý quốc tế được ký kết kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, Công ước Luật Biển 1982 được coi là văn kiện đứng thứ hai về tầm quan trọng, chỉ sau Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Với 320 điều khoản và 9 Phụ lục, Công ước Luật Biển 1982 được coi là bản hiến pháp về biển của cộng đồng quốc tế, không chỉ bao gồm các điều khoản kế thừa từ các điều ước quốc tế trước đó về biển mà còn pháp điển hoá các quy định mang tính tập quán quốc tế, tồn tại qua một thời gian dài trong thực tiễn của các quốc gia, cũng như những xu hướng phát triển mới trong thực tiễn sử dụng và khai thác biển và đại dương.

Những chế định quan trọng của Công ước

Công ước khẳng định lại cách thức xác định đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải dựa trên hai phương pháp: đường cơ sở thẳng và đường cơ sở theo ngấn nước thủy triều thấp nhất ven bờ biển. Vùng nước phía bên trong đường cơ sở là nội thủy, phía bên ngoài đường cơ sở ra đến 12 hải lý là lãnh hải.

Tại nội thủy, quốc gia ven biển có chủ quyền hoàn toàn, đầy đủ và tuyệt đối như đối với lãnh thổ đất liền. Tại lãnh hải, quốc gia ven biển có chủ quyền đối với vùng nước, vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển và vùng trời phía trên lãnh hải, đồng thời, quốc gia ven biển phải tôn trọng quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải của tàu thuyền nước ngoài.

Quốc gia ven biển có quyền xác định vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý, vùng thềm lục địa tối thiểu là 200 hải lý, tối đa là 350 hải lý. Tại các vùng biển này, quốc gia ven biển có quyền chủ quyền thăm dò, khai thác, bảo quản tài nguyên, quyền tài phán đối với nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ môi trường biển, lắp đặt và sử dụng các thiết bị, công trình. Các quốc gia khác có quyền tự do hàng hải và hàng không, quyền tự do đặt cáp và ống dẫn ngầm.

Bên ngoài các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển là vùng biển quốc tế, nơi tất cả các quốc gia có quyền tự do hàng hải, đánh bắt cá; có nghĩa vụ hợp tác bảo vệ môi trường, chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm cướp biển, chuyên chở, buôn bán ma túy, chất độc hại… Đáy biển và lòng đất dưới đáy biển phía ngoài thềm lục địa của quốc gia ven biển là tài sản chung của nhân loại, Cơ quan quyền lực quốc tế về đáy đại dương thay mặt các quốc gia thành viên quản lý việc thăm dò, khai thác tài nguyên ở đây theo chế độ chung.

Công ước có nhiều điều khoản quy định về chế độ hợp tác giữa các quốc gia thành viên để điều chỉnh việc sử dụng các eo biển dùng cho hàng hải quốc tế hay các biển kín và nửa kín, thúc đẩy việc nghiên cứu khoa học biển, chống ô nhiễm môi trường biển, bảo đảm tự do và an toàn hàng hải, bảo vệ hệ thống dây cáp và ống dẫn ngầm.

Đặc biệt, Công ước có hẳn một phần quy định chi tiết các nguyên tắc, thủ tục, cơ chế giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế liên quan đến giải thích và áp dụng Công ước.

Ngày 16/11/1994, 12 tháng kể từ ngày Guyana, quốc gia thứ 60 phê chuẩn Công ước, Công ước Luật Biển 1982 chính thức có hiệu lực. Việc Công ước chính thức có hiệu lực đã đáp ứng được nguyện vọng và mong đợi của cộng đồng quốc tế về một trật tự pháp lý mới, điều chỉnh toàn diện các vấn đề về sử dụng, khai thác, quản lý, bảo vệ biển và đại dương. Theo tài liệu của Ban Thư ký Liên Hợp quốc, cho đến nay đã có 164 quốc gia là thành viên Công ước. Số lượng các quốc gia thành viên ban hành luật lệ quốc gia để nội luật hóa các quyền nghĩa vụ theo Công ước ngày càng tăng lên.

Công ước Luật Biển 1982 là điều ước quốc tế yêu cầu các thành viên phải chấp thuận sự điều chỉnh cả gói, điều đó có nghĩa là các quốc gia thành viên có trách nhiệm thực hiện toàn bộ các quy định của Công ước và không được phép đưa ra các bảo lưu, trừ việc có những tuyên bố được quy định cụ thể trong Công ước.

Công ước Luật Biển 1982 với Việt Nam

Việt Nam là một trong 9 quốc gia nằm trên bờ Biển Đông, bên cạnh các quốc gia khác là Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Brunei, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Campuchia. Biển Đông có ý nghĩa lớn đối với cuộc sống dân cư của các quốc gia ven biển, chứa đựng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương, Châu Âu – Châu Á, Trung Đông – Châu Á và được coi là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ hai của thế giới.

Đối với Việt Nam, Biển Đông đóng vai trò chiến lược, đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong lịch sử, hiện tại và tương lai. Biển Đông cũng là không gian sinh tồn và cung cấp thu nhập quan trọng cho nền kinh tế quốc dân. Vì vậy, Việt Nam hết sức coi trọng vai trò của luật biển quốc tế trong việc điều chỉnh các mối quan hệ giữa các quốc gia ven biển Đông, nhằm tạo môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển bền vững cho cả khu vực.

Sau khi Công ước Luật biển 1982 được thông qua ngày 30/4/1982, Việt Nam là một trong 107 quốc gia đầu tiên tham gia ký Công ước tại Montego Bay. Ngày 23/6/1994, Quốc hội Việt nam đã ra Nghị quyết về việc phê chuẩn Công ước Luật Biển, trong đó khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với các vùng nội thủy, lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam trên cơ sở các quy định của Công ước và các nguyên tắc của pháp luật quốc tế, yêu cầu các nước khác tôn trọng các quyền nói trên của Việt Nam.

Đồng thời, Nghị quyết ngày 23/6/1994 của Quốc hội Việt Nam cũng một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và chủ trương giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ cũng như các bất đồng khác liên quan đến vấn đề Biển Đông thông qua thương lượng hòa bình, trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển năm 1982, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Là thành viên của Công ước Luật biển 1982, Việt Nam được quyền có lãnh hải rộng 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý, thềm lục địa rộng ít nhất 200 hải lý. Đồng thời, Việt Nam cũng có những nghĩa vụ đối với các quốc gia khác tại các vùng biển thuộc quyền tài phán của mình.

Để thể hiện trách nhiệm và thiện chí của một quốc gia thành viên của Công ước Luật Biển năm 1982, trong những năm qua, Việt Nam thực thi đầy đủ các quy định của Công ước, tiến hành sửa đổi, ban hành mới pháp luật Việt Nam phù hợp với các quy định của Công ước.

Ngày 21/6/2012, Việt Nam đã ban hành Luật Biển nhằm thống nhất quản lý việc hoạch định, sử dụng, thăm dò, khai thác, bảo quản các vùng biển, thềm lục địa và hải đảo của Việt Nam, cũng như việc giải quyết tranh chấp trên biển giữa Việt Nam với các nước láng giềng tại một văn bản có giá trị hiệu lực cao.

Đây được coi là bước tiến quan trọng trong việc nội luật hóa các quy định của Công ước Luật Biển vào pháp luật Việt Nam, tạo thuận lợi cho Nhà nước Việt Nam quản lý thống nhất về biển và phát triển nền kinh tế biển của Việt Nam. Đây cũng là một bằng chứng sống động thể hiện sự cam kết thực tế của Việt Nam đối với việc tôn trọng và thực thi các quy định của Công ước Luật biển 1982.

Sau 30 năm kể từ khi ra đời, không thể phủ nhận ý nghĩa to lớn và vai trò tích cực của Công ước Luật biển 1982 trong việc điều chỉnh hoạt động của cộng đồng quốc tế tại mọi vùng biển và đại dương.

Nếu như ngay từ khi được thông qua, Công ước được cho là kết quả của quá trình hợp tác và đấu tranh giữa các quốc gia có chế độ chính trị, trình độ phát triển kinh tế và quan điểm pháp luật khác nhau, thì sau 30 năm tồn tại, đặc biệt là kể từ khi chính thức có hiệu lực vào năm 1994, Công ước đã cho thấy không chỉ là sự dung hòa lợi ích giữa các quốc gia mà còn là khuôn khổ pháp lý cho các quốc gia điều chỉnh hành vi ứng xử của mình trên biển và đại dương.

Công Pháp (Nguồn:http://vnexpress.net/)

(MKLAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

———————————————————-

THAM KHẢO DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN:

1. Tư vấn pháp luật lao động;

3. Tư vấn pháp luật lĩnh vực dân sự;

4. Tư vấn luật hành chính Việt Nam;

2. Luật sư riêng cho doanh nghiệp;

5. Dịch vụ luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp tại tòa án.

6. Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp hôn nhân gia đình;

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *