Nói một cách tổng thể, quy trình lập pháp ở Liberia không khác nhiều so với nhiều các nước. Quy trình bắt đầu từ khi xuất hiện ý tưởng lập pháp cho đến khi trở thành đạo luật được ban hành gồm các bước cơ bản như quy trình lập pháp thông thường.

Trước hết, đề xuất về dự luật xuất phát chủ yếu từ chính phủ, nhưng cũng có thể từ công dân, nhóm lợi ích, từ chính các nghị sỹ. Tuy nhiên, muốn đưa một dự luật vào chương trình phải được ít nhất một nghị sỹ đứng tên bảo trợ, và nghị sỹ đó có thể đề nghị nghị sỹ khác đứng tên đồng bảo trợ.

Sau khi nhận được sự bảo trợ, dự luật sẽ được soạn thảo. Nếu đó là dự luật do chính phủ trình, nó sẽ do một cơ quan chuyên soạn thảo xây dựng. Nếu đó là dự luật của chính nghị sỹ, Trung tâm nghiên cứu và soạn thảo luật có nhiệm vụ hỗ trợ nghị sỹ soạn thảo dự luật đúng kỹ thuật, quy trình. Dù trong trường hợp nào, nghị sỹ đứng tên bảo trợ phải kiểm tra lại dự luật một lần cuối trước khi trình ra nghị viện.

Nghị sỹ bảo trợ dự luật phải thông báo trước toàn thể nghị viện về ý định và gửi dự luật đến Tổng Thư ký Thượng viện hoặc Tổng Thư ký Hạ viện để đưa vào sổ đăng ký. Ngày hôm sau, ít nhất là tên của dự luật được đọc to tại phiên họp của Viện, nếu không thì được thảo luận để biểu quyết đưa vào chương trình. Đây được gọi là lần đọc thứ nhất để giới thiệu dự luật; dự luật được in ấn và gửi cho các nghị sỹ.

Sau lần đọc thứ nhất, Chủ tịch Thượng viện hoặc Hạ viện phân công cho một hoặc vài ủy ban của Viện thẩm tra; hoặc có thể quyết định đưa dự luật ra lần đọc thứ hai nhằm rút gọn quy trình. Nếu được phân công, Chủ nhiệm Ủy ban sẽ lên lịch xem xét dự luật tại phiên họp công khai của toàn thể ủy ban. Ủy ban có thể sửa đổi dự luật hoặc thay thế bằng một dự thảo khác của luật đó. Nếu không được xem xét hoặc báo cáo, dự luật vẫn chưa qua khỏi giai đoạn ủy ban.

Sau khi được ủy ban trình hoặc được Chủ tịch một trong hai viện đưa thẳng vào chương trình nghị sự, dự luật được toàn thể Viện thảo luận chi tiết và sửa đổi tại lần đọc thứ hai theo thủ tục quy định chi tiết trong Quy chế hoạt động của mình.

Tại lần đọc thứ ba do Chủ tịch một trong hai Viện lên lịch, các nghị sỹ chỉ thảo luận về việc có thông qua dự luật đó hay không, mà không tranh luận sửa đổi các điều khoản. Nếu thấy cần phải sửa đổi, các nghị sỹ biểu quyết về việc xem xét dự luật tại lần đọc thứ hai một lần nữa. Một dự luật không thể được xem xét ở hai lần đọc trong cùng một ngày, trừ trường hợp khẩn cấp phải được tổng số nghị sỹ của Viện đồng ý. Dự luật được coi là thông qua nếu đa số nghị sỹ của Viện biểu quyết đồng ý. Nếu không, Viện phải biểu quyết về việc xem xét dự luật tại phiên họp khác hoặc gửi trả Ủy ban.

Sau khi được thông qua tại một Viện, dự luật được chuyển cho Viện khác. Nếu Viện thứ hai có sửa đổi, dự luật được chuyển lại cho Viện thứ nhất biểu quyết về các điểm sửa đổi. Khi cả hai viện đều biểu quyết đồng ý, dự luật đã qua công đoạn nghị viện.

Cuối cùng, dự luật được chuyển cho Tổng thống ký ban hành và trở thành đạo luật. Nếu trong vòng 20 ngày, Tổng thống không có động thái nào, dự luật cũng mặc nhiên trở thành đạo luật. Tuy nhiên, Tổng thống có thể phủ quyết có điều kiện, tức là trả lại dự luật cho nghị viện sửa đổi; hoặc phủ quyết tuyệt đối, tức là bác bỏ hoàn toàn đối với dự luật. Trong trường hợp này, dự luật vẫn trở thành đạo luật nếu 2/3 tổng số nghị sỹ biểu quyết phản đối phủ quyết. Đạo luật sẽ có hiệu lực kể từ ngày được quy định ngay trong đạo luật đó.

Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *