“Thời hiệu khiếu nại, khởi kiện có còn nữa không?”, đó là vấn đề quan tâm “cốt tử” đầu tiên gần như không thể thiếu của các luật sư khi tư vấn cho khách hàng về các vụ khiếu kiện hành chính trong lĩnh vực đất đai. “Cốt tử” vì nếu quá thời hạn luật định thì đương sự sẽ bị mất quyền khiếu nại hay khởi kiện cho dù nội dung khiếu kiện có bức xúc đến mấy và thậm chí thấy rõ là quyết định hành chính đó sai.

Nhiều quy định pháp luật mâu thuẫn và bất hợp lý đang gây trở ngại cho người dân khi họ muốn khiếu nại hoặc khởi kiện các quyết định hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Hệ trọng với người dân như thế nhưng các quy định của pháp luật về vấn đề này lại mâu thuẫn một cách kỳ lạ. Điều 31, Luật Khiếu nại Tố cáo (1998) cho phép thời hiệu khiếu nại là 90 ngày kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được hành vi hành chính. Trong khi đó, khoản 1, điều 64, Nghị định 84/2007/NĐ-CP ngày 25-5-2008 của Chính phủ lại quy định đối với quyết định hành chính trong quản lý đất đai của ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh thì thời hiệu khiếu nại là 30 ngày, kể từ ngày cơ quan này có quyết định đó.

 

Luật sư tư vấn luật Đất đai qua điện thoại gọi số:  –

Nghị định trên của Chính phủ chẳng những làm cho thời hiệu khiếu nại bị rút xuống còn một phần ba mà còn gây vô vàn khó khăn cho người khiếu nại khi quy định thời hiệu khiếu nại được tính kể từ ngày UBND tỉnh ban hành quyết định hành chính, thay vì kể từ ngày đương sự nhận được quyết định hành chính hoặc biết được hành vi hành chính theo như Luật Khiếu nại Tố cáo. Nếu chính quyền tìm cách “ém” quyết định hành chính đã ban hành, cho đến khi đương sự vỡ lẽ, thì thời hiệu khiếu nại đã hết, hay nói cách khác, quyền khiếu nại của họ đã bị vô hiệu. Nhiều luật sư cho biết đây là thủ thuật được không ít chính quyền địa phương áp dụng nhằm tránh bị người dân khiếu kiện.

Ngoài cơ chế khiếu nại, điều 39, Luật Khiếu nại Tố cáo năm 1998 (được sửa đổi, bổ sung tại điều 12, Luật Khiếu nại Tố cáo năm 2005) còn cho phép người dân được khởi kiện vụ án hành chính ra tòa trong hai trường hợp: a) hết thời hạn giải quyết khiếu nại mà không được giải quyết; b) hoặc không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại (lần đầu). Tuy nhiên, ông Lê Văn Khiêm, chuyên viên pháp lý của Văn phòng Luật sư người nghèo, cho biết rất nhiều trường hợp đã bị tòa trả lại đơn khởi kiện do không có quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quyết định giải quyết khiếu nại không đúng hình thức.

Giải thích về việc trả lại đơn kiện, tòa án thường căn cứ vào điều 37, Luật Khiếu nại Tố cáo (1998); điều 10, Luật Khiếu nại Tố cáo (2005); điểm 2, khoản 1, điều 1, Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính sửa đổi (2006). Cụ thể, các điều luật nói trên yêu cầu: “Người giải quyết khiếu nại lần đầu phải ra quyết định giải quyết khiếu nại bằng văn bản”.

Còn điểm 2, khoản 1, điều 1, Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính sửa đổi (2006) thì quy định: Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện để tòa án giải quyết vụ án hành chính đối với “quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai do chủ tịch UBND… giải quyết khiếu nại lần đầu, nhưng người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết đó”.

Như vậy, theo bắt bẻ của tòa, để thụ lý đơn kiện phải thỏa mãn điều kiện: vụ việc đã được cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu và việc giải quyết khiếu nại đó phải được thể hiện bằng văn bản, dưới hình thc một quyết định giải quyết khiếu nại. Với cách hiểu này, nếu không đáp ứng được điều kiện trên thì tòa từ chối thụ lý đơn kiện cho dù rõ ràng là có sự mâu thuẫn với điều 39, Luật Khiếu nại Tố cáo (1998); điều 12, Luật Khiếu nại Tố cáo (2005) khi luật cho phép người dân được quyền khởi kiện vụ án hành chính ra tòa kể cả trong trường hợp không cần phải có quyết định giải quyết khiếu nại (hết thời hạn giải quyết khiếu nại mà không được giải quyết). Theo ông Khiêm, nắm được cách xử lý trả lại đơn kiện của tòa, có nơi như tỉnh X ở miền Trung, chính quyền địa phương đã chỉ thị (miệng) với nhau là nhất quyết lờ đi, không ban hành quyết định giải quyết khiếu nại khi có khiếu nại hoặc có địa phương đối phó bằng cách giải quyết khiếu nại dưới hình thức thông báo, công văn… thay vì (theo yêu cầu của tòa) phải dưới hình thức quyết định. Người dân trong những trường hợp như vậy xem như bế tắc vì không còn cửa nào để có thể giúp họ giải quyết vụ việc một cách hợp pháp hơn.

Thế nhưng, những khó khăn về thủ tục cũng chỉ là “màn dạo đầu” so với cả đoạn trường giải quyết vụ án mà người đi kiện luôn ở vị trí bất lợi trước một bị đơn là cơ quan nhà nước. Vì vậy, theo nhiều luật sư, đáng lo ngại nhất vẫn là quá trình giải quyết vụ án có đảm bảo được tính khách quan hay không. Ông Khiêm cho biết có trường hợp trước khi xét xử tỉnh ủy, UBND tỉnh đã “triệu tập” thẩm phán – chủ tọa phiên tòa để chỉ đạo hướng giải quyết. Có nơi, theo luật sư Trần Duy Cảnh, Công ty luật Luật Việt, khi biết mình thất lý, chính quyền đã đối phó bằng cách vào “phút 89” chuẩn bị xét xử là lại hủy quyết định đang bị kiện và ban hành quyết định mới với nội dung gần như không thay đổi. Đương sự cuối cùng mệt mỏi quá đành phải ngậm ngùi rút lui.

Quy hoạch “treo”: kiện ở đâu?

Suốt từ năm 2005 đến nay, người dân ở phường Tân Kiểng, quận 7, TPHCM, luôn sống trong tâm trạng bất an, lo âu vì quy hoạch “treo”. Thật ra, nhiều năm trước nữa ở đây đã từng có quy hoạch và cũng đã bị “treo”…, tuy nhiên do thấy khó khả thi, ngày 25-8-2005, Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM đã ra thông báo xóa quy hoạch chi tiết hẻm của bốn phường, trong đó có phường Tân Kiểng. Tuy nhiên, bà con chưa kịp mừng thì lập tức chỉ sau đấy đúng một ngày, 26-8-2005, UBND quận 7 lại ban hành quyết định quy hoạch chi tiết mới phường Tân Kiểng mà theo ghi nhận sự điều chỉnh còn bất cập hơn rất nhiều (TBKTSG, ngày 17-11-2005).

Và đến nay, tức sau hơn bốn năm ban hành, bản quy hoạch mới vẫn… còn nằm trên giấy. Thế nhưng, quy hoạch này có tiếp tục được thực hiện hay bị hủy bỏ thì chính quyền địa phương lại không công bố khiến cho người dân bị thiệt hại rất nhiều. Ông Vũ Hùng, một cán bộ hưu trí ở đây, bức xúc cho biết có gia đình muốn bán căn nhà nhưng khi biết quy hoạch còn “treo” nên hầu hết khách bỏ đi, không dám mua.

Khoản 3, điều 29, Luật Đất đai quy định: đất thu hồi để thực hiện dự án, công trình hoặc phải chuyển mục đích sử dụng đất mà sau ba năm không được thực hiện theo kế hoạch thì phải được điều chỉnh hoặc hủy bỏ và công bố. “Như vậy, nếu chính quyền không điều chỉnh hoặc hủy bỏ và không công bố thì bị chế tài gì? Người dân được quyền khiếu kiện về vấn đề này ở đâu?”, ông Hùng đặt vấn đề.

Có ý kiến cho rằng việc khiếu nại hay khởi kiện chính quyền ra tòa trong trường hợp trên là không thể bởi theo quy định hiện hành (điều 162, Nghị định 181/2004/NĐ-CP) quyết định về quy hoạch (đất đai, xây dựng) không thuộc loại quyết định hành chính được quyền khiếu nại và do đó sẽ không được khởi kiện theo thủ tục tố tụng hành chính.

SOURCE: THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN –NGUYÊN TẤN

Trích dẫn từ: http://www.thesaigontimes.vn

(MKLAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

—————————————————–

THAM KHẢO MỘT SỐ DỊCH VỤ TƯ VẤN LUẬT:

1. Tư vấn tách thửa đất đai;

2. Tư vấn pháp luật đất đai ;

3. Tư vấn cấp lại sổ đỏ bị mất ;

4. Tư vấn mua bán, chuyển nhượng đất đai ;

5. Tư vấn đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ;

6. Tư vấn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do trúng đấu giá ;

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *