Hành vi ngoại tình chỉ có thể bị xem là vi phạm chế độ một vợ, một chồng khi làm gia đình của một hoặc cả hai bên tan vỡ, có người tự sát… Ngoại tình thường bị phê phán về mặt đạo đức, ít xử lý hình sự vì chỉ là quan hệ lén lút.

Vừa qua, khi ra tòa ly hôn, chị N. (ngụ tỉnh Long An) đã đề nghị tòa xử lý hình sự người chồng vì ngoại tình. Tuy nhiên, tòa đã không thể đáp ứng yêu cầu này.

Bắt quả tang ngoại tình

Theo chị N., qua tìm hiểu, chị biết chồng có qua lại với một phụ nữ. Chị đã chụp được ảnh người chồng và bạn gái ngồi trong quán cà phê rồi sau đó hai người cùng vào khách sạn. Chị cho rằng chồng mình đã phạm vào tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng quy định tại Điều 147 BLHS.

Tòa đã lý giải hành vi của chồng chị không phải là nguyên nhân chính dẫn đến việc ly hôn nên không có căn cứ truy cứu…

Một trường hợp khác, cô S. và ông M. là bạn hàng làm ăn chung. Lâu ngày hai bên nảy sinh tình cảm thương mến. Vợ ông M. thuê người theo dõi nên biết được ông chồng thường lui tới cửa hàng bán chè của cô S. ở quận 7 (TP.HCM) và đôi khi ở lại qua đêm. Bà tìm đến tận nơi, nhờ công an và hội phụ nữ địa phương chứng kiến, lập biên bản. Thế nhưng công an phường chỉ có thể phạt hành chính ông M. về hành vi… không đăng ký tạm trú mà thôi chứ không thể xử lý hình sự vì không đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Cho ly hôn, ít xử hình sự

Thẩm phán Đặng Chí Công, TAND huyên Krông Pa (Gia Lai), cho rằng pháp luật cấm người đang có vợ, có chồng kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác… Theo Thông tư liên tịch 01 ngày 25-9-2001 giữa Bộ Tư pháp, Bộ Công an, TAND Tối cao, VKSND Tối cao thì việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung; đã được gia đình, cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó… Mặt khác, hành vi ngoại tình chỉ có thể bị xem là vi phạm chế độ một vợ, một chồng khi làm gia đình của một hoặc cả hai bên tan vỡ, có người tự sát hoặc hành vi đó đã bị xử phạt hành chính nay tái phạm. Những trường hợp như ông M. thì chỉ là mối quan hệ lén lút, không cùng sinh hoạt chung như một gia đình… nên chưa đủ yếu tố cấu thành tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng.

Một thẩm phán tòa quận ở TP.HCM cho biết nhiều trường hợp vợ chồng ra tòa xin ly hôn, người vợ trưng ra bằng chứng chồng công khai ngoại tình, có con riêng. Trong trường hợp này, tòa thường tuyên hủy mối quan hệ sống chung bất hợp pháp, cho vợ chồng ly hôn chứ ít khi chuyển sang xử lý hình sự. Bởi luật pháp chấp nhận cho con ngoài giá thú có mọi quyền lợi như con trong giá thú. Nếu người chồng thừa nhận và đứng tên cha trong khai sinh của đứa bé thì quyền lợi của nó cũng như những người con khác. Luật không xác định ai có lỗi trong ly hôn để làm căn cứ phân chia tài sản khi ly hôn. Thế nên những quan hệ ngoài luồng nếu có con chung thì dù họ có bị phê phán về mặt đạo đức nhưng quyền lợi của con họ vẫn được đảm bảo…

Theo Điều 147 BLHS, phạm tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng khi:

– Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.

– Phạm tội trong trường hợp đã có quyết định của tòa án tiêu hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Còn theo Nghị định số 87/2001/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, sẽ phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

– Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng;

– Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng.

Chung thủy để bảo vệ gia đình

Theo tôi, vợ chồng phải chung thủy với nhau để bảo vệ nền tảng hạnh phúc gia đình. Quan hệ hôn nhân chỉ thật sự bền vững khi cái nền văn hóa, đạo đức trong mỗi con người được củng cố. Có những trường hợp, bàn tay pháp luật không thể với tới. Sự việc có khi sẽ rắc rối hơn nếu mọi ngóc ngách của quan hệ gia đình đều nhờ đến pháp luật.

Luật sư TRỊNH CÔNG MINH, Đoàn Luật sư TP.HCM

Chào thua nếu không chính thức

Pháp luật đã quy định khá rõ những trường hợp nào sẽ bị truy cứu về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng. Theo đó, nếu ai ngoại tình mà gây hậu quả nghiêm trọng (có thể là làm cho gia đình của một hoặc cả hai bên tan vỡ dẫn đến ly hôn, vợ hoặc chồng, con vì thế mà tự sát…) hoặc người vi phạm chế độ một vợ, một chồng đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. Tuy nhiên, thực tế những vụ ngoại tình không chính thức thì pháp luật cũng chào thua.

Thạc sĩ LƯU ĐỨC QUANG, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM

Thiếu chứng cứ ngoại tình, bác ly hôn

Hiện nay, trong bản mẫu đơn xin ly hôn, tòa đưa ra bốn tình huống là lý do chính xin ly hôn: Tính tình không hòa hợp; do cách giáo dục con; ngoại tình; do mâu thuẫn với cha mẹ, anh em. Việc ngoại tình là nguyên nhân của phần lớn các vụ ly hôn. Hầu hết các vụ này đều khó hòa giải đoàn tụ.

Tuy nhiên, đôi khi đương sự không thể đưa ra chứng cứ nói bên kia ngoại tình. Trong những trường hợp như thế, thường tòa bác đơn xin ly hôn và cũng không có căn cứ để xử lý hình sự hành vi ngoại tình.

Một thẩm phán ngành TAND TP.HC

PHƯƠNG LOAN

(Theo www.phapluattp.vn)  

——————————————–

THAM KHẢO DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN:

1. Tư vấn pháp luật lao động;

3. Tư vấn pháp luật lĩnh vực dân sự;

4. Tư vấn luật hành chính Việt Nam;

2. Luật sư riêng cho doanh nghiệp;

5. Dịch vụ luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp tại tòa án.

6. Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp hôn nhân gia đình;

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *