Suốt hơn 60 năm qua các nhà lãnh đạo đã hết sức cố gắng dạy chúng ta chống quan liêu. Quan liêu luôn được hiểu theo nghĩa xấu: “thiên về dùng mệnh lệnh, giấy tờ, xa thực tế, xa quần chúng" (Từ điển Tiếng Việt Hoàng Phê), hàm ý kém cỏi, thiển cận, chồng chéo, cồng kềnh, máy móc theo các quy tắc cứng nhắc mà không xem xét thích đáng các trường hợp cụ thể…

Có thói quan liêu, bệnh quan liêu, tác phong quan liêu, tất cả đều được hiểu theo nghĩa nên tránh, phải bỏ. Phải đập tan bộ máy quan liêu phong kiến và tư sản. Thay vào đó xây cái gì? Tôi đành bạo nói rằng chúng ta chưa có bộ máy quan liêu, nên việc chống ấy là chống một kẻ thù ảo, được tự hình dung ra. Chúng ta đã hiểu phiến diện, hiểu sai về quan liêu. Trả lại từ quan liêu nguyên nghĩa của nó, hiểu đúng về quan liêu có thể giúp lý giải nhiều điều ngang trái trong xã hội ta ngày nay.

>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi:  –

 

Chế độ quan liêu (bureaucracy) là cơ cấu hành chính bổ nhiệm (các quan chức và viên chức được bổ nhiệm chứ không phải được bầu). Nó được đặc trưng bởi các mối quan hệ trên dưới, xác định các lĩnh vực thẩm quyền theo các quy tắc khách quan, phi nhân cách, tuyển mộ, bổ nhiệm và cất nhắc theo tài năng được tiến hành với những thủ tục chuẩn hóa, phân công quyền hạn, trách nhiệm một cách chính thức, thúc đẩy phân công lao động và chuyên môn hóa. Hệ thống quan lại xa xưa ở Việt Nam và Trung Quốc là hệ thống quan liêu, chính quyền các nước phát triển là hệ thống quan liêu, bộ máy hành chính của tất cả các tổ chức lớn (công hay tư) là các bộ máy quan liêu. Tất cả các đặc trưng trên nếu trở nên thái quá đều không hay. Một trong những mục tiêu chủ yếu của cải cách hành chính phải là xây dựng bộ máy quan liêu hữu hiệu.

Trong các tổ chức lớn thuộc sở hữu tư nhân và phi Chính phủ, cũng như trong bộ máy chính quyền của các nước phát triển, bộ máy quan liêu được tổ chức một cách chuyên nghiệp với các quy định, các thủ tục chuẩn hóa, được mô tả bằng văn bản, xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các quan chức. Có các thủ tục tuyển dụng, đánh giá, cất nhắc, bổ nhiệm, đãi ngộ (lương, thường), kỷ luật, sa thải rõ ràng. Mỗi loại quan chức (chức năng) có mô tả công việc rạch ròi, thậm chí có khi nêu từng bước phải tiến hành một công việc cụ thể ra sao. Và nhờ vậy tương đối dễ tin bọc hóa hơn. Khoa học tổ chức, nghiên cứu phát triển nguồn nhân lực ngày càng đóng góp cho việc xây dựng hệ thống quan liêu hữu hiệu, tìm cách hạn chế các nhược điểm của nó. Ở nước ta, các tổ chức tư nhân và phi Chính phủ thật sự đã bắt đầu quan tâm và đã đi trước nhà nước một bước xa về lĩnh vực này vì lợi ích của chính họ. Hãy để họ tự lo.

Cái đáng lo là ở bộ máy chính quyền. Ngoài những đặc trưng nêu ở trên của các hệ thống quan liêu nói chung, bộ máy chính quyền còn có thêm một đặc trưng rất nổi bật (mà ở ta thì bị xem thường): quan chức nhà nước chỉ được làm cái mà pháp luật cho phép, còn người dân được làm mọi thứ mà pháp luật không cấm. Như thế mô tả công việc cho mỗi chức năng phải rất chi tiết. Đáng tiếc hầu như không hề có mô tả chức năng ở bất cứ cơ quan nhà nước nào! Việc đánh giá, bổ nhiệm, cất nhắc cũng theo những tiêu chuẩn chẳng "quan liêu” tí nào, mà chủ yếu dựa trên quan hệ cá nhân, thân quen, bè cánh. Chính thế nên các quan mới rất tự tiện, quan trên mới có khả năng can thiệp vào mọi chuyện. Hãy chỉ nêu việc làm của các quan "ăn đất" ở Đồ Sơn và nhiều nơi khác, hay việc lạm quyền vô độ của Bà Hiệu trưởng trường Lê Quý Đôn tai tiếng trong vụ "chạy trường".

Gần 10 năm trước tôi tham dự cuộc gặp đầu tiên giữa thủ tướng và các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp kêu ca, yêu cầu, nhờ Thủ tướng giải quyết. Thủ tướng giải quyết cho họ. Tất cả mọi người đều rất phấn chấn, tôi thì lo. Thủ tướng cũng nên có mô tả công việc của mình. Thủ tướng mà làm công việc của Trưởng phòng, Vụ phó, Vụ trưởng thì làm sao làm nổi, và còn đâu thời gian và năng lực cho công việc của Thủ tướng, làm sao có hệ thống quan liêu hiệu quả.

Vậy đừng nên chỉ chống quan liêu hãy xây bộ máy quan liêu hiệu quả.

TS. Nguyễn Quang A
Nguồn:
  Tạp chí Tin học & Đời sống

(MKLAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

—————————————————-

THAM KHẢO DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN:

1. Tư vấn pháp luật lao động;

3. Tư vấn pháp luật lĩnh vực dân sự;

4. Tư vấn luật hành chính Việt Nam;

2. Luật sư riêng cho doanh nghiệp;

5. Dịch vụ luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp tại tòa án.

6. Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp hôn nhân gia đình;

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *