Chào Diễn Đàn Luật;. Tôi có một vài vấn đề mong được giúp đỡ. Mong ban luật sư tư vấn giúp tôi. Tôi và chồng tôi có với nhau 1 đứa con 22 tháng tuổi. Chúng tôi kinh doanh internet… vì 2 quan điểm làm việc khác nhau. Tối thì muốn sổ sách phải ghi rõ ràng, chia nhỏ khoảng thời gian trong ngày để chốt số tiền tránh trường hợp thiếu tiền do chưa thu tiền của khách ( để dễ kiểm soát)

trong khi đó anh ta thì làm việc theo kiểu thuộc lòng không ghi chép, tiền thu thì thiếu trước hụt sau và mâu thuẫn xảy ra. Mỗi ngày 1 ít, lâu dần thành 1 khoảng cách lớn cả 2 không có sự tôn trọng lẫn nhau. Tôi cố gắng duy trì cuộc hôn nhân là vì khoảng nợ chúng tôi vay mượn để kinh doanh chưa trả hết và quan trọng nhất là lo sợ cho tương lai của con nên không thể ly hôn. Nhưng bây giờ thì khác, anh ta đe dọa sẽ giết tôi ( chúng tôi đã có nhà riêng và đang sống cùng với con nhỏ, đất ở thì cha mẹ tôi cho rồi chúng tôi chạy tiền để xây nhà). Mỗi lần nhậu say về anh ta lấy dao thái lan chỉ vào mặt tôi dọa sẽ đâm tôi và sau đó để trên đầu giường ngủ. Mới đây, đi nhậu say về anh ta nói với tôi và mọi người xung quanh rằng: " Tối nay tôi sẽ giết nó rồi mang con về bên nội để ba mẹ nuôi". Anh ta liên tục đe dọa tôi. Như vậy, xin hỏi ban luật sư tôi nên làm gì để: 1. Bảo vệ chính mình ? 2. Nếu ly hôn thì con, phần nợ và nhà ở của chúng tôi sẽ giải quyết như thế nào? 3. Giành quyền nuôi dưỡng con trai 22 tháng tuổi cho gia đình tôi nếu có điều không hay xảy ra với tôi? Tôi xin thành thật cảm ơn ban luật sư-Nptlawyer.com ; !!!

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật hôn nhân  của Nptlawyer.com ;.

Luật sư tư vấn luật hôn nhân gọi:

Trả lời:

 

Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Nptlawyer.com ;. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

1. Cơ sở pháp lý:

Luật hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13 của Quốc hội

Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung 2009.

2. Nội dung tư vấn:

Thứ nhất: Về việc chồng bạn đe dọa giết bạn.

Tại  Điều 103 Bộ luật hình sự có qui định về tội “đe dọa giết người”. Theo đó, “ Người nào đe doạ giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe doạ lo sợ rằng việc đe doạ này sẽ được thực hiện” thì có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đe dọa giết người và bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

Theo như thông tin mà bạn cung cấp thì khi chồng bạn say xỉn đều dọa giết bạn. Trong trường hợp này chúng tôi chưa thể xác định được việc đe dọa giết bạn có được thực hiện thật không hay chỉ là đe dọa. Có lẽ cũng chưa đến mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu người chồng đe dọa nhiều lần, chúng tôi nghĩ chị cũng có thể và nên làm đơn tố cáo gửi tới công an xã để có biện pháp ngăn chặn, nhắc nhở. Tránh hậu quả xấu có thể xảy ra.

Thứ hai: Nếu ly hôn thì con, phần nợ và nhà ở của bạn sẽ giải quyết như thế nào?

Về phần nợ: 

Theo quy định tại điều 60 Luật HN&GĐ 2014 thì khi ly hôn vợ, chồng có tranh chấp về nghĩa vụ của tài sản đối với người thứ 3 thì sẽ áp dụng quy định tại điều 27, 37 và 45 luật này:
 
"1. Quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba vẫn có hiệu lực sau khi ly hôn, trừ trường hợp vợ chồng và người thứ ba có thỏa thuận khác.

2. Trong trường hợp có tranh chấp về quyền, nghĩa vụ tài sản thì áp dụng quy định tại các điều 27, 37 và 45 của Luật này và quy định của Bộ luật dân sự để giải quyết".
 
Theo quy định tại điều 37 luật HN&GĐ về nghĩa vụ chung của vợ chồng thì các nghĩa vụ sau đây sẽ dùng tài sản chung của cả hai để giải quyết:
 
"1. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;

2. Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;

3. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;

4. Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;

5. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;

6. Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan".

Ngoài ra, pháp luật cũng quy định tại điều 27 Luật HN&GĐ về trách nhiệm liên đới của vợ chồng:

"1. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 30 hoặc giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện tại các điều 24, 25 và 26 của Luật này.

2. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới về các nghĩa vụ quy định tại Điều 37 của Luật này".
 
Trong trường hợp này, bạn và chồng bạn vay tiền chung để kinh doanh   (nghĩa là có sự thỏa thuận giữa 2 vợ chồng về việc vay nợ và sử dụng số tiền này) và việc vay tiền của chồng bạn là quan hệ đại diện giữa vợ và chồng theo quy định tại điều 24, 25, 26 Luật HN&GĐ2014 nên tài sản chung của vợ chồng sẽ được dùng để thực hiện nghĩa vụ đối với người thứ theo quy định tại điều này và khi ly hôn bạn sẽ không phải chịu trách nhiệm đối với khoản nợ riêng của chồng bạn.

Ngoài ra, theo quy định tại điều 30 Luật HNGĐ nếu việc vay tiền của chồng bạn để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình theo nhận định của cơ quan Tòa án thì bạn cũng sẽ chịu trách nhiệm liên đới đới với khoản nợ này:

"Điều 30. Quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng trong việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình

1. Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình".

Nếu tài sản vay nợ đó không nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì bạn không phải chịu trách nhiệm với số tiền này.

Tuy nhiên, trong quá trình tranh chấp xảy ra tại Tòa án và nếu như chồng bạn chứng minh được rằng đã có thỏa thuận với bạn về việc vay tiền và bạn có liên quan tới việc sử dụng số tiền này để làm ăn thì bạn sẽ phải chịu trách nhiệm trả nợ liên đới với chồng.

Về con :

Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về quyền nuôi con sau khi vợ chồng ly hôn như sau:

Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Như vậy, sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền và nghĩa vụ nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để nuôi mình. Tuy nhiên người trực tiếp nuôi dưỡng con do vợ chồng thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì tòa án sẽ quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi. Tòa án sẽ căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con để quyết định.

Theo như thông tin mà bạn cung cấp thì con bạn đến nay mới 22 tháng tuổi. Vì vậy, nếu bạn muốn giành quyền nuôi con thì bạn phải chứng minh với tòa án về điều kiện nuôi con của bạn, bạn phải cho tòa án thấy bạn bảo đảm được quyền lợi về mọi mặt của con hơn so với chồng. 

Về nhà ở:

Trong trường hợp nhà ở thuộc sở hữu riêng của một bên đã được đưa vào sử dụng chung thì khi ly hôn, nhà ở đó vẫn thuộc sở hữu riêng của chủ sở hữu nhà, nhưng phải thanh toán cho bên kia một phần giá trị nhà, căn cứ vào công sức bảo dưỡng, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa nhà. 

 Còn trong trường hợp nếu  nhà ở trong trường hợp nhà ở thuộc sở hữu chung của vợ chồng có thể chia để sử dụng thì khi ly hôn được chia theo quy định; nếu không thể chia được thì bên được tiếp tục sử dụng nhà ở phải thanh toán cho bên kia phần giá trị mà họ được hưởng.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo.

Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số:  hoặc gửi qua email: npttrinhlaw@gmail.com để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Nptlawyer.com ;.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận Tư vấn pháp luật Hôn nhân và gia đình. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *