Thưa luật sư: Đất đang tranh chấp, chờ tòa giải quyết, nhưng vì nóng lòng (bên tranh chấp với nhà tôi đã cắm trụ đá và trồng nhiều cây chuối để làm ranh giới) vì bức xúc nên tôi đã tiến hành: nhổ trụ đá (ba trụ và mang vào phần đất nhà tôi để) và chặt 1 số cây chuối, tổng ước tính khoảng 3 triệu đồng

Hỏi hành động trên của tôi có vi phạm và bị xử lý gì không ? Tôi phải hành động như thế nào nếu bên tranh chấp với nhà tôi tiếp tục cắm trụ ở đó ? 

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn pháp luật đất đai  Nptlawyer.com ; 

>> Luật sư tư vấn pháp luật đất đai trực tuyến gọi:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Nptlawyer.com ;. Căn cứ vào các thông tin bạn cung cấp chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau :

 

I. Cơ sở pháp lý

Bộ Luật Dân sự 2005

Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2004 sửa đổi bổ sung năm 2011

II. Nội dung tư vấn

Theo quy định của bộ luật dân sự 2005

"Điều 255. Các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu

Chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền yêu cầu Toà án, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền chiếm hữu phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền chiếm hữu và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền tự bảo vệ tài sản thuộc sở hữu của mình, tài sản đang chiếm hữu hợp pháp bằng những biện pháp theo quy định của pháp luật."

Bạn không cung cấp rõ thông tin về việc mảnh đất trước khi xảy ra tranh chấp có hiện trạng sử dụng ra sao ?(tức gia đình nào là gia đình thực tế chiếm hữu, sử dụng). Nếu gia đình bạn đang trực tiếp sử dụng và xảy ra tranh chấp với bên tranh chấp kia thì gia đình bạn vẫn được tiếp tục sử dụng cho đến khi phán quyết của tòa án có hiệu lực. Trong thời gian này, bên tranh chấp kia mà có hành vi trồng nhiều cây chuối, cắm trụ đá làm mốc giới tức là đang xâm phạm tới quyền tài sản của gia đình bạn, bạn có quyền tự mình bảo vệ quyền tài sản của mình bằng việc nhổ trụ đá và chặt chuối. Nếu bên tranh chấp mới là người đang sử dụng trực tiếp mảnh đất bị tranh chấp này, thì bên này có quyền tiếp tục sử dụng cho đến khi phán quyết của tòa án có hiệu lực pháp luật. Việc bạn chặt cây và nhổ trụ là vi phạm pháp luật, bạn có thể bị buộc trả lại ba trụ đá và bồi thường thiệt hại cho bên kia.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 99 BLTTDS:

"Trong quá trình giải quyết vụ án, đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 162 của Bộ luật này có quyền yêu cầu Toà án đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 102 của Bộ luật này để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được hoặc bảo đảm việc thi hành án."

Theo quy định tại Điều 110 BLTTDS:

"Điều 110. Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp

Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi tháo gỡ, lắp ghép, xây dựng thêm hoặc có hành vi khác làm thay đổi hiện trạng tài sản đó".

Trong trường hợp bạn cho rằng bên kia tiến hành trồng cây, cắm cọc khi mà chưa có phán quyết của Tòa án gây ảnh hưởng đến hiện trạng mảnh đất đang tranh chấp, để ngăn chặn hành động này của bên hộ gia đình kia, bạn có thể gửi đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đến Tòa án đề nghị thực hiện biện pháp:"Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp." theo quy định tại khoản 8 Điều 102 BLTTDS. Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý, người yêu cầu Toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình. Trong trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc cho người thứ ba thì phải bồi thường. Ngoài ra, theo quy định tại Điều 120 BLTTDS,  người yêu cầu Toà án áp dụng một trong các biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại các khoản 6, 7, 8, 10 và 11 Điều 102 của Bộ luật này phải gửi một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá do Toà án ấn định nhưng phải tương đương với nghĩa vụ tài sản mà người có nghĩa vụ phải thực hiện để bảo vệ lợi ích của người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và ngăn ngừa sự lạm dụng quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời từ phía người có quyền yêu cầu.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo.

Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số:  hoặc gửi qua email: npttrinhlaw@gmail.com  để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Nptlawyer.com ;.

Trân trọng./.

BỘ PHẬN TƯ VẤN PHÁP LUẬT ĐẤT ĐAI

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *