Hiện tượng đồng tính luyến ái đang được thảo luận khá nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là sau sự xuất hiện của cuộc hôn nhân công khai đầu tiên giữa hai người phụ nữ tại Hà Nội.

Có nhiều ý kiến thảo luận theo khuynh hướng mong muốn xã hội cần cảm thông và thừa nhận hiện tượng này. Và cũng không phải không có dấu hiệu cho thấy sự cảm thông đang bị đẩy thành một trào lưu ủng hộ, nhất là trong giới trẻ, như thể càng tích cực ủng hộ thì càng thể hiện quan điểm tiến bộ, hợp thời.

Nhưng có lẽ, trước khi bày tỏ thái độ về một vấn đề xã hội đã tạo ra nhiều tranh luận không chỉ ở Việt Nam, chúng ta cần có những đề tài thảo luận sâu hơn. Điều rõ ràng là hiện vẫn có nhiều nước phương Tây tiên tiến chưa công nhận hiện tượng đồng tính dù các phong trào đòi quyền bình đẳng cho người đồng tính đã phát triển mạnh. Ở đây, chỉ xin đề cập vấn đề này dưới góc độ con cái của các cặp đồng tính.

Con số thống kê do P.Krémer công bố trên tờ Le Monde (Pháp) từ gần mười năm trước cho biết ở Pháp có khoảng 50% số người đồng tính đang sống cặp đôi với nhau, 10% đang có con cái và 40-50% số người đồng tính muốn được làm cha mẹ. Như vậy hiện tượng cặp đôi đồng tính đã tạo ra một mô hình gia đình mới mà cha mẹ là người đồng giới (homoparental) và con cái không phải là người có quan hệ máu mủ với cha mẹ (do các cặp vợ chồng đồng tính không thể sinh con từ hành vi tình dục đồng tính của mình). Và đây là một vấn đề xã hội cần xem xét.

Hệ quả trước hết là những đứa trẻ sống với những bậc cha mẹ đồng tính sẽ không có sự phát triển bình thường về tâm lý lẫn xu hướng tình dục của mình như những đứa trẻ sống với cha mẹ là những người dị tính. Đứa trẻ sống trong gia đình có cha mẹ dị tính sẽ có được hai hệ quy chiếu để học hỏi cả về tâm lý lẫn thiên hướng tính dục “nam” (từ người cha) và “nữ” (từ người mẹ). Thế nhưng với những đứa trẻ có cha mẹ đồng tính thì các em không hề có được sự quy chiếu mang tính quân bình như thế, bởi chúng đang sống với hai bà mẹ hoặc hai ông bố, và vì vậy, sự phát triển về tâm lý lẫn nhân cách của các em có nguy cơ bị lệch.

 

Bên cạnh đó, trong những xã hội mà đa số người dân chưa muốn nhìn nhận hôn nhân đồng tính, các gia đình kiểu này thường phải sống trong sự co rút, hoặc bí mật, và do đó, những đứa con của họ phải đối diện với nhiều trở ngại khi hội nhập vào xã hội. Chẳng hạn, việc những đứa trẻ đó sẽ phải “thông tin” như thế nào với bạn bè về cha mẹ của chúng, và nguy cơ các em sẽ gặp phải những chấn thương tâm lý khi phải đối diện với vô vàn những tình huống kiểu như thế trong quá trình sống, học tập và giao tiếp xã hội.

Ở Việt Nam chúng ta cho đến nay vẫn chưa có thống kê hay khảo cứu nào về giới đồng tính cả về mặt y học, văn hóa, kinh tế, tâm lý xã hội. Thiết nghĩ, việc tỏ thái độ ủng hộ hay phản đối lúc này đều là vội vàng.

SOURCE: THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN – LÊ MINH TIẾN – Giảng viên xã hội học, Đại học Mở TPHCM

Trích dẫn từ: http://www.thesaigontimes.vn

(Nptlawyer.com LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *