Thưa Luật sư, tôi có câu hỏi cần tư vấn như sau: Ông nội tôi có 5 người con, bố tôi là cả và 2 chú thứ 3, thứ 4.

Ông nội nay đã về già và thiếu minh mẫn, ông đứng tên 1 sổ đỏ và đang ở với chú thứ 3, gần đây thì chú này đã đổi sổ hộ khẩu đứng tên chú có thành viên là vợ chú, con chú cùng ông và chú thứ 4, cô út ( chú thứ 4 và cô út chưa có gia đình và đang đi làm xa).

Vậy sau này việc phân chia tài sản (sổ đỏ do ông đứng tên) có bị ảnh hưởng gì không? Bố em là cả thì có quyền gì khác ? Và chú thứ 3 có quyền sở hữu mảnh đất có sổ đỏ ông đứng tên không?

Trân trọng cảm ơn.

Người gửi: T.L

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục Tư vấn luật đất đai của Nptlawyer.com ;.

 

Luật sư tư vấn luật đất đai gọi số: 

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới thư mục tư vấn của công ty chúng tôi. Về vấn đề của bạn, chúng tôi xin được tư vấn như sau:

Cơ sở pháp lý

Luật cư trú năm 2006 

Bộ luật dân sự năm 2005 

Phân tích nội dung

Khoản 1 Điều 25 Luật cư trú năm 2006 quy định như sau: 

"Điều 25. Sổ hộ khẩu cấp cho hộ gia đình

1. Sổ hộ khẩu được cấp cho từng hộ gia đình. Mỗi hộ gia đình cử một người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ làm chủ hộ để thực hiện và hướng dẫn các thành viên trong hộ thực hiện quy định về đăng ký, quản lý cư trú. Trường hợp không có ng­ười từ đủ mười tám tuổi trở lên hoặc có người từ đủ 18 tuổi trở lên nhưng bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự thì đ­ược cử một ng­ười trong hộ làm chủ hộ.

Những ng­ười ở chung một chỗ ở hợp pháp và có quan hệ gia đình là ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con và anh, chị, em ruột, cháu ruột thì có thể được cấp chung một sổ hộ khẩu."

Như vậy, việc chú ba của bạn đứng tên chủ hộ trong sổ hộ khẩu chỉ nhằm thực hiện và hướng dẫn các thành viên trong hộ thực hiện quy định về đăng ký, quản lý cư trú chứ không đồng nghĩa với việc chú ba của bạn là chủ sở hữu căn nhà hay quyền sử dụng đất.

Về vấn đề thừa kế, nếu ông bạn có lập di chúc thì sau khi ông bạn mất đi, di sản mà ông bạn để lại sẽ được chia theo di chúc. Trong trường hợp ông bạn không lập di chúc thì phần di sản để lại sẽ được chia theo pháp luật. Điều 676 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định như sau: 

"Điều 676. Người thừa kế theo pháp luật  

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản."

Theo đó, phần di sản mà ông bạn để lại sẽ được chia đều cho các con của ông bao gồm bố của bạn, chú 3, chú 4 và cô út. Vì vậy, việc chú ba của bạn đứng tên chủ hộ trong sổ hộ khẩu gia đình không làm ảnh hưởng đến quyền thừa kế của những đồng thừa kế khác cũng như việc bố bạn là con cả không làm phát sinh  thêm quyền gì khác so với những người con còn lại.

Về vấn đề căn nhà và quyền sử dụng đất có thuộc về chú ba của bạn hay không thì như đã nói ở trên, việc chú ba của bạn đứng tên chủ hộ trong sổ hộ khẩu không đồng nghĩa với việc chú ba là chủ sở hữu quyền sử dụng đất và ngôi nhà đó. Việc ông bạn vẫn đứng tên trong sổ đỏ cho thấy ông bạn vẫn là chủ sở hữu quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà chứ không phải chú ba của bạn.

Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về vấn đề của bạn. Rất cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn công ty chúng tôi. Nếu còn điều gì vướng mắc, xin vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua đường dây nóng (24h/7)  để được tư vấn, hỗ trợ.

Trân trọng ./.

BỘ PHẬN TƯ VẤN LUẬT – Nptlawyer.com ;

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *