Năm 2006, Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước tại thành phố Hồ Chí Minh đón tiếp 5.391 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo (khiếu kiện) với 3.045 vụ, việc. Năm 2007 đón tiếp 7.170 lượt người với 3.173 vụ, việc. Năm 2008 tiếp 7.258 lượt người với 2.621 vụ, việc.

Sang năm 2009, số vụ, việc khiếu kiện tuy có ít hơn những năm trước, nhưng diễn biến có chiều hướng phức tạp hơn, thậm chí đã có vụ, việc mang tính bạo động, quá khích, mang màu sắc chính trị và tôn giáo. Có vụ, việc căng thẳng đến mức vượt quá giới hạn mà pháp luật cho phép. Hầu như không ngày nào không có người đi khiếu kiện dai dẳng, bức bối.

Việc khiếu kiện đã làm ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở các địa phương. Mặc dù công tác giải quyết khiếu kiện của công dân đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể các địa phương giải quyết tích cực, nhưng số việc giải quyết dứt điểm được còn ít, thậm chí nhiều nơi, việc cũ giải quyết chưa xong việc mới đã phát sinh. Hiện nay trên cả nước, các vụ việc khiếu kiện của công dân còn tồn đọng rất nhiều.

“Mở đường qua nhà một ông lãnh đạo, người ta phải uốn cong nó, để… bảo vệ ngôi nhà của người lãnh đạo. Thu đất của dân, đền bù 100.000 đồng /m2, đổ vài xe cát vào, bán vài triệu một mét. Làm thế dân không khiếu kiện mới lạ”.

(Phát biểu của Ông Vũ Đức Khiển, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội khóa XI tại Hội nghị Tổng kết Chỉ thị 09 của Ban Bí thư và chính sách, pháp luật về khiếu nại, tố cáo (tổ chức tại Hà Nội ngày 10/10/2005).

>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi:  –

 

1. Nhận xét chung về tình hình khiếu kiện trong thời gian qua

Nhận xét đầu tiên, dễ thấy nhất là số công dân đến trụ sở tiếp dân khiếu kiện ngày càng tăng (năm 2006 tăng 34,3% so với năm 2005, năm 2007 tăng 33% so với năm 2006, năm 2008 tăng 2,1% so với năm 2007, tăng 34,6% so với năm 2006 và tăng 104,9% so với năm 2005). Khiếu kiện đông người năm 2007 tăng so với năm 2006, năm 2008 giảm không đáng kể so với năm 2007 và số đoàn khiếu kiện đông người vẫn rất nhiều (năm 2006 là 145 đoàn, năm 2007 là 171 đoàn, năm 2008 là 142 đoàn).

Người dân đi khiếu kiện với nhiều nội dung, nhưng chủ yếu vẫn là: (i) khi thu hồi đất, bồi thường chưa thoả đáng, (ii) đòi lại đất cũ, (iii) đòi lại nhà, (iv) đòi tài sản cải tạo công thương nghiệp, (v) kiến nghị sửa đổi chính sách của Nhà nước, (vi) tòa án xét xử chưa khách quan, (vii) tố cáo cán bộ, đảng viên tham nhũng, tiêu cực, thủ tục hành chính rườm rà, chậm, gây khó khăn cho người dân…

Tình hình khiếu kiện của người dân đang hình thành các điểm nóng ở nhiều địa phương. Trước trụ sở tiếp dân, trước cơ quan làm việc của các sở, ngành và trụ sở UBND các tỉnh, thành phố hầu như không ngày nào là không có người dân đến khiếu kiện. Vụ, việc khiếu kiện có thể do cá nhân đứng đơn với yêu cầu độc lập, có khi là quyền lợi của cả nhóm, của cả tập thể nên cùng ký tên trong đơn và đòi hỏi giải quyết quyền lợi chung. Những người dân đi khiếu kiện áp dụng mọi hình thức đa dạng như tập trung nhiều ngày trước trụ sở tiếp công dân của Đảng và Nhà nước tại thành phố Hồ Chí Minh, trước trụ sở Vụ Công tác phía Nam của Văn phòng Quốc hội và các địa điểm tiếp dân khác. Một số người có ý đồ gây rối, gây nhiễu để lãnh đạo phải nhận đơn, giải quyết đơn bằng cách chặn xe công chức có trách nhiệm, vào trong trụ sở nhờ tắm, giặt, vệ sinh… Một số tập trung đông người gây ách tắc giao thông, tạo áp lực với cơ quan nhà nước. Họ còn mang Quốc kỳ, ảnh Bác, biểu ngữ và đeo huân huy chương, giấy chứng nhận gia đình liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng… đi diễu hành từng đoàn qua các đường phố nhằm gây sự chú ý của dư luận trong nước và quốc tế…

Tính chất của việc khiếu kiện cũng đã khác. Trong các vụ khiếu kiện đông người đã có sự liên kết giữa những người đi khiếu kiện của các địa phương khác nhau, của người dân tộc thiểu số với nhau để tạo áp lực đối với chính quyền. Khiếu kiện của người dân không chỉ nhằm đòi hỏi sự công bằng, dân chủ mà hiện còn chứa đựng tiềm ẩn các mâu thuẫn đối kháng, mang tính dân tộc và tôn giáo. Một số vụ, việc khiếu kiện đã vượt quá giới hạn cho phép bởi những người khiếu kiện đã tập trung thành đoàn, biểu tình đi qua các đường phố với khẩu hiệu quá khích như “Việt Nam không có nhân quyền”, “Chính quyền cướp đất của dân, đả đảo Chủ tịch tỉnh A, B”…. Thậm chí, một số người đã tụ tập trước cơ quan Tổng Lãnh sự quán Mỹ, Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản với ý đồ bêu riếu chính quyền, Nhà nước Việt Nam và nhờ can thiệp. Một số vụ khiếu kiện đã “đổi màu” do các thế lực phản động từ trong và ngoài nước xúi giục, kích động (như khối 8406 đòi tự do dân chủ nhân quyền). Điển hình như vụ nhiều công dân tập trung tại Nhà thờ Đức Bà để biểu dương lực lượng, nêu yêu sách…

Tình trạng khiếu kiện gia tăng và ngày càng phức tạp như trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Có thể chỉ ra một vài nguyên nhân chính như sau:

– Do sự yếu kém của cán bộ khi giải quyết khiếu kiện của công dân. Nhiều công chức làm nhiệm vụ tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân còn yếu kém về trình độ, năng lực chuyên môn. Đồng thời, cách giải quyết khiếu kiện ở cấp cơ sở còn quá cứng nhắc, rập khuôn theo quy định; chưa chú ý xem xét đến tính lịch sử của các vấn đề gây khiếu kiện. Một số công chức yếu kém về phẩm chất đạo đức, chấp hành các quy định về giải quyết khiếu kiện chưa nghiêm, việc thực thi nhiệm vụ chưa tốt, xử lý công việc chưa minh bạch, có những hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, gây khó khăn trong quá trình giải quyết khiếu kiện.

– Chính sách về đất đai còn chưa phù hợp, chính sách đền bù tái định cư chưa hợp lý và thống nhất. Từ hệ thống pháp luật, chính sách đến công tác quản lý các cấp còn một số vướng mắc, bất cập giữa lý luận và thực tế.

– Việc tiếp công dân còn bị coi nhẹ và chưa được tổ chức tốt, cán bộ tiếp dân chưa am hiểu pháp luật, thiếu trách nhiệm trong việc tiếp dân và thậm chí còn rất vô cảm trước bức xúc của dân, giải quyết sự việc chưa thấu tình, đạt lý; không phổ biến, hướng dân người dân khiếu kiện đúng quy định của pháp luật; chỉ nhận đơn thư rồi “để đó”, dẫn đến tình trạng người dân khiếu kiện vượt cấp.

– Do thực tế nhiều người dân không hiểu hết các quy định của pháp luật, đồng thời, do các biến động của lịch sử và ý thức người dân chưa cao nên khâu lưu giữ tài liệu, giấy tờ liên quan đến quyền sở hữu, sử dụng tài sản của cá nhân, tổ chức chưa tốt nên khi có tranh chấp hoặc giao dịch, họ không đủ chứng cứ chứng minh và vì vậy, không đủ cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

– Nhiều trường hợp khiếu kiện là do bị kẻ xấu lôi kéo, xúi giục, kích động hoặc bị lợi dụng.

2. Giải pháp giải quyết khiếu kiện

Trước tình hình khiếu kiện của người dân hiện nay, chúng ta không hoang mang, dao động, không thổi phồng sự việc nhưng cũng không chủ quan, coi nhẹ, lơ là. Để hạn chế tới mức thấp nhất tình hình khiếu kiện, ngoài việc tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân, chúng ta cần phải có nhiều giải pháp và phải giải quyết một cách đồng bộ. Chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp sau.

2.1 Tiếp tục quan tâm hoàn thiện hệ thống pháp luật vì pháp luật hiện nay vừa thừa lại vừa thiếu, chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu tính thống nhất, nhiều quy định không còn phù hợp với tình hình thực tế nhưng chậm được bổ sung, thay đổi. Sự bất cập này dễ gây ra thiệt thòi cho người dân do áp dụng, thậm chí vận dụng một cách tuỳ tiện của cán bộ địa phương. Không ít địa phương tùy tiện trong việc thực hiện chính sách đất đai, chính sách đền bù giá đất cho dân, không công bằng, thiếu công khai quy hoạch, thiếu cơ chế kiểm soát chặt chẽ. Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các Bộ, ngành liên quan khẩn trương rà soát lại toàn bộ (nếu cần thì sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới) các quy định của pháp luật liên quan đến đất đai, đến chính sách giải toả, đền bù, tái định cư, đặc biệt là khung giá đất để đảm bảo người dân nếu bị giải toả không bị thiệt thòi.

2.2 Tổ chức đảng, các cấp chính quyền địa phương cần quán triệt một cách nghiêm túc Kết luận số 130-TB/TW của Bộ Chính trị về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Chính phủ nên sớm có Nghị quyết của Chính phủ về việc xử lý tích cực những nội dung liên quan đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của người dân (đặc biệt là các vụ khiếu kiện đông người, khiếu kiện liên quan đến tôn giáo, khiếu kiện của đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng). Các cơ quan trung ương cần tăng cường cán bộ giúp địa phương sớm giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu kiện tồn đọng.

2.3 Thanh tra Chính phủ cần sớm nghiên cứu lập đề án củng cố, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức bộ máy của trụ sở tiếp dân theo hướng tăng thẩm quyền cho trụ sở tiếp dân, giao thêm chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cho cán bộ tiếp dân tại Trụ sở. Cần thành lập thêm trụ sở tiếp công dân của Đảng và Nhà nước tại khu vực Tây Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên.

2.4 Rất nhiều các tranh chấp hiện nay theo Luật Khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp, của các bộ, ngành và nhiều vụ việc Thủ tướng Chính phủ phải trực tiếp giải quyết, trong khi đây không phải là các cơ quan tài phán. Toà án nhân dân tối cao cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để kiện toàn đội ngũ làm công tác xét xử, báo cáo với Quốc hội để cố gắng trong thời gian sớm nhất, mọi tranh chấp của công dân sẽ do tòa án giải quyết.

2.5 Các Bộ, ngành TW, Văn phòng Chính phủ, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, các đoàn thể quần chúng khi nhận đơn, thư khiếu kiện của dân về việc khiếu nại các quyết định hành chính (quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng của Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố) thì cần thụ lý, giải quyết luôn hoặc nói rõ quan điểm đúng sai theo thẩm quyền để trả lời cho đương sự và UBND các tỉnh, thành phố. Tránh chuyển đơn, thư với cách đặt vấn đề chung chung như “đề nghị xem xét, giải quyết” vì sẽ làm cho đương sự trông chờ, hy vọng và nhiều lúc gây khó khăn cho địa phương.

2.6 Giải quyết khiếu kiện lần đầu của các địa phương là khâu then chốt, khâu quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định đến quá trình giải quyết khiếu kiện. Các địa phương cần tích cực xử lý ngay những nội dung liên quan đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của người dân, đặc biệt là các vụ khiếu kiện đông người, khiếu kiện của đồng bào dân tộc thiểu số. Chính quyền cơ sở cần giải quyết đúng pháp luật kết hợp với giải thích, động viên người dân, nhằm khắc phục tối đa tình trạng khiếu kiện và khiếu kiện vượt cấp.

2.7 Cần nâng cao ý thức và trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức chính quyền các cấp ở địa phương. Khắc phục tình trạng đùn đẩy trong bộ máy hành chính, người có trách nhiệm nhận đơn thư khiếu nại tố cáo của dân lại chỉ làm một cách chiếu lệ, không cần nắm nội dung đơn thư mà tiếp tục “kính chuyển” cho xong việc. Nhiều thủ trưởng ngại tiếp dân, khoán trắng cho cấp dưới. Hệ quả tất yếu là chất lượng giải quyết khiếu kiện thấp, không dứt điểm, hồ sơ khiếu kiện ngày càng thêm chồng chất. Hơn 50% đơn thư khiếu kiện tiếp vì địa phương chưa làm đúng chính sách, thiếu công khai, mất dân chủ, tham nhũng, tiêu cực; thậm chí có cán bộ còn thách thức dân, chính quyền có nơi, có lúc tỏ thái độ không thiện chí giải quyết khiếu kiện của dân

2.8 Nâng cao chất lượng hoạt động và sớm kiện toàn đội ngũ cán bộ của các cơ quan tư pháp. Do trình độ năng lực hoặc phẩm chất đạo đức cán bộ còn hạn chế nên nhiều vụ, việc xét xử không khách quan, sự chỉ đạo trong ngành thiếu nhất quán, không rõ ràng nên đã làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích chính đáng của người dân. Trong lĩnh vực đấu tranh trấn áp tội phạm, một số cơ quan bảo vệ pháp luật có những sai lầm nghiêm trọng như bắt oan, giam giữ không đúng quy định và khi đã thấy sai nhưng không chịu sửa, không chịu khắc phục thiếu sót (tại Trụ sở tiếp dân, khiếu kiện liên quan đến quyết định của các cấp Toà án năm 2006 là 425 vụ việc, năm 2007 là 559 vụ việc, năm 2008 là 449 vụ việc).

2.9 Tăng cường sự chỉ đạo, điều hành của cơ quan nhà nước các cấp, nâng cao ý thức chấp hành của cấp dưới. Cần chấm dứt ngay tình trạng “trên bảo dưới không nghe” bởi nhiều vụ khiếu kiện cấp trên đã có ý kiến chỉ đạo, nhưng cấp dưới vẫn đùn đẩy, né tránh không thực hiện. nhưng chúng ta vẫn chậm xử lý hoặc xử lý thiếu kiên quyết nên người dân mất nhiều niềm tin vào Đảng và Nhà nước.

2.10 Sớm xây dựng các tiêu chí đánh giá ý thức, đạo đức và trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức. Việc thanh tra trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức phải sớm được triển khai và coi đây là một việc làm thường xuyên ở các Bộ, ngành và tất cả các địa phương. Khắc phục thái độ vô cảm, thờ ơ trong công việc giải quyết khiếu kiện của một số cán bộ, đảng viên.

SOURCE: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP ĐIỆN TỬ – THS. CVCC. NGUYỄN VĂN HIỆP – Vụ địa phương (phía Nam), Văn phòng Chính phủ

Trích dẫn từ:http://www.nclp.org.vn

(MKLAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích nghiên cứu, giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

———————————————————

THAM KHẢO DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN:

1. Tư vấn pháp luật lĩnh vực dân sự;

2. Tư vấn luật hành chính Việt Nam;

3. Luật sư riêng cho doanh nghiệp;

4. Luật sư tranh tụng tại tòa án và đại diện ngoài tố tụng;

5. Dịch vụ luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp tại tòa án;

6. Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp hôn nhân gia đình;

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *