Theo quy định của Luật Đất đai, Nghị định 181/2004/NĐ-CP của Chính phủ và một số văn bản dưới luật có liên quan, những trường hợp đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) hoặc chưa có GCNQSDĐ nhưng đã có một trong các loại giấy tờ quy định tại khoản 1,2,5 Điều 50 của Luật Đất đai, nếu có tranh chấp thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Đây là cơ sở pháp lý để các cơ quan nhà nước xác định thẩm quyền thụ lý giải quyết các vụ, việc tranh chấp đất.

Tuy nhiên, thực tế việc xử lý các vụ việc liên quan đến lĩnh vực đất đai rất phức tạp, tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa cơ quan hành chính nhà nước và cơ quan tư pháp thường xảy ra, làm hạn chế hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Cụ thể, với những quy định hiện hành thì hầu hết các vụ tranh chấp đất đều thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, vì hiện nay công tác xác lập quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình đã đi vào giai đoạn hoàn thiện. Do vậy, những năm trước đây, chính quyền địa phương thường mạnh tay với những đối tượng có hành vi cản trở việc sử dụng đất hoặc xây dựng công trình, nhà trái phép trên đất đã giao cho người khác một cách hợp pháp thì nay, những biện pháp như xử phạt hành chính, cưỡng chế, buộc tháo gỡ… không mấy khi được sử dụng, trách nhiệm thường được đẩy sang Tòa án, dẫn đến giải quyết vụ việc kéo dài, kéo theo nhiều hệ lụy cho người dân. Có vụ việc, nếu được xác định thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương, xử lý theo thủ tục hành chính sẽ bớt đi nhiều công đoạn và giảm bớt sự phiền hà không đáng có cho người dân.

Luật sư tư vấn luật Đất đai qua điện thoại gọi số:  –

Có thể dẫn chứng một số vụ việc để thấy rõ điều này. Điển hình là vụ tranh chấp đất của những hộ dân tại thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, Hoài Nhơn,  Bình Định. Năm 2007, UBND xã Hoài Mỹ quyết định thanh lý mặt bằng và tài sản khu chợ Lộ Diêu, do hoạt động không hiệu quả để quy hoạch đất ở khu dân cư.

Có 4 hộ là Nguyễn Thị Don, Trần Kim Huệ, Trần Kim Thông và Nguyễn Thị Huệ đã nộp cho ngân sách xã trung bình 25 triệu đồng/hộ, được UBND huyện cấp GCNQSDĐ. Một trong số 4 hộ nói trên là Nguyễn Thị Huệ có điều kiện nên đã tiến hành xây dựng nhà ở ổn định; 3 hộ còn lại ngay sau đó đã bị gia đình bà Lê Thị Máy đứng ra tranh chấp, cho rằng nguồn gốc đất cũ khai hoang từ những năm 1980. Ông Trương Văn Xuân, con trai bà Máy đã tiến hành xây dựng nhà trên khu đất đã cấp cho 3 hộ dân. UBND xã đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, tạm đình chỉ việc xây dựng nhà trái phép, nhưng ông Xuân vẫn không chấp hành. Vì đã có GCNQSDĐ nên 3 hộ dân nói trên đã được hướng dẫn khởi kiện tại Tòa. Phiên tòa sơ thẩm cấp huyện và phúc thẩm cấp tỉnh đã tuyên buộc 5 mẹ con bà Lê Thị Máy “chấm dứt hành vi cản trở quyền sử dụng đất và buộc tháo dỡ công trình đã xây dựng trái phép trên các thửa đất đã cấp cho bà Don, ông Thông, ông Huệ”. Vụ việc xảy ra từ khi có tranh chấp đến lúc Tòa phúc thẩm xét xử kéo dài gần một năm, sắp tới cơ quan Thi hành án Dân sự còn phải làm các thủ tục để cưỡng chế. Chưa đầy 500m2 đất, với 8 người tham gia tố tụng; tại phiên sơ thẩm, mỗi khi Tòa triệu tập lấy lời khai, hòa giải, tiến hành xét xử, các đương sự phải vượt gần 20 km mới đến được trung tâm huyện lỵ và họ phải đi- về gần 120 km mới đến trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh để tham dự phiên Tòa phúc thẩm. Nếu vụ việc được xử lý hành chính, có lẽ người dân không mất nhiều thời gian, công sức như vậy. Tương tự là trường hợp của bà Lê Thị Sự ở cùng địa phương. Nhà bà Sự trong diện giải tỏa trắng để xây dựng đường quốc phòng 639, bà Sự được chính quyền cấp một lô đất thổ cư tại vị trí khác, nhưng lô đất này đã bị người khác đến xây móng nhà. Vụ việc cũng được chuyển Tòa án thụ lý, giải quyết vì bà Sự đã có GCNQSDĐ.

Đều đáng nói trong hai trường hợp nêu trên là khi các đối tượng tiến hành xây dựng móng nhà, nhà trên các khu đất đã giao cho người khác, UBND xã đều tiến hành lập biên bản, tiến hành hòa giải, nhưng sau đó lại hướng dẫn đương sự khởi kiện tại Tòa (theo quy định). Như vậy, các quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai đã làm khó cho người dân, kể cả những trường hợp đã rất rõ ràng như trên. Và, việc phân định thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính, tư pháp trong những trường hợp cụ thể nêu trên cũng cho thấy, Chính quyền cơ sở đã máy móc trong cách vận dụng quy định của pháp luật về thẩm quyền thụ lý giải quyết các vụ, việc tranh chấp đất để đứng ngoài cuộc.

Trong các vụ việc trên, lẽ ra trên cơ sở biên bản vi phạm hành chính  đã lập, UBND xã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu, nếu đương sự không chấp hành thì tiến hành cưỡng chế, tháo gỡ. Các đương sự có quyền kiếu nại quyết định hành chính của UBND xã lên Chủ tịch UBND huyện, hoặc khởi kiện ra Tòa theo trình tự của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính. Thực hiện theo quy trình này, chắc chắn vụ việc sẽ được giải quyết nhanh, gọn hơn; chính quyền địa phương cũng nâng cao được trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về đất đai.

SOURCE: BÁO NGƯỜI ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN – HOÀI NHÂN

Trích dẫn từ: http://nguoidaibieu.com.vn/

(MKLAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

—————————————————–

THAM KHẢO DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN:

1. Tư vấn pháp luật lao động;

3. Tư vấn pháp luật lĩnh vực dân sự;

4. Tư vấn luật hành chính Việt Nam;

2. Luật sư riêng cho doanh nghiệp;

5. Dịch vụ luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp tại tòa án.

6. Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp hôn nhân gia đình;

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *