Tôi hiện đang làm cho một công ty nội thất ở Quận Bình Thạnh, TP.HCM. Tuy nhiên, mấy tháng nay công ty trả lương chậm khiến tôi gặp khó khăn trong việc chi trả các chi phí sinh hoạt. Tôi có trình bày với công ty để xin tạm ứng lương trước nhưng công ty chỉ cho ứng 30% lương/tháng. Cho tôi hỏi là luật quy định công ty cho tạm ứng tối đa bao nhiêu phần trăm lương/tháng không? Tôi xin cám ơn.

 NPTLAWYER tư vấn cho bạn:

Theo quy định tại Điều 94 Bộ luật Lao động 2012:

Điều 94. Hình thức trả lương

  1. Người sử dụng lao động có quyền lựa chọn hình thức trả lương theo thời gian, sản phẩm hoặc khoán. Hình thức trả lương đã chọn phải được duy trì trong một thời gian nhất định; trường hợp thay đổi hình thức trả lương, thì người sử dụng lao động phải thông báo cho người lao động biết trước ít nhất 10 ngày.
  2. Lương được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng. Trường hợp trả qua tài khoản ngân hàng, thì người sử dụng lao động phải thỏa thuận với người lao động về các loại phí liên quan đến việc mở, duy trì tài khoản.

Theo đó, tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận. Người sử dụng lao động có quyền lựa chọn hình thức trả lương theo thời gian, sản phẩm hoặc khoán.

Hình thức trả lương đã chọn phải được duy trì trong một thời gian nhất định; trường hợp thay đổi hình thức trả lương, thì người sử dụng lao động phải thông báo cho người lao động biết trước ít nhất 10 ngày.

Đồng thời tại Điều 95 Bộ luật Lao động 2012 quy định về Kỳ hạn trả lương như sau:

Điều 95. Kỳ hạn trả lương

  1. Người lao động hưởng lương giờ, ngày, tuần thì được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp do hai bên thoả thuận, nhưng ít nhất 15 ngày phải được trả gộp một lần.
  2. Người lao động hưởng lương tháng được trả lương tháng một lần hoặc nửa tháng một lần.
  3. Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thoả thuận của hai bên; nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.

 Điều 96. Nguyên tắc trả lương

Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn.

Trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá 01 tháng và người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương.

Qua đó, pháp luật chỉ quy định việc tạm ứng lương trong trường hợp áp dụng hình thức trả lương theo sản phẩm hoặc theo khoán dựa trên khối lượng công việc đã làm trong tháng nếu công việc phải kéo dài nhiều tháng mới hoàn thành.

Mặt khác, pháp luật có quy định một trường hợp đặc thù đối với tạm ứng tiền lương nếu người lao động tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân theo quy định nêu trên.

Điều 100. Tạm ứng tiền lương

  1. Người lao động được tạm ứng tiền lương theo điều kiện do hai bên thoả thuận.
  2. Người sử dụng lao động phải tạm ứng tiền lương tương ứng với số ngày người lao động tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân từ 01 tuần trở lên nhưng tối đa không quá 01 tháng lương và phải hoàn lại số tiền đã tạm ứng trừ trường hợp thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Khoản 5 Điều 26 Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định:

  1. Tiền lương làm căn cứ để tạm ứng cho người lao động trong thời gian tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân theo quy định tại Khoản 2 Điều 100 hoặc bị tạm đình chỉ công việc quy định tại Điều 129 của Bộ luật Lao động là tiền lương theo hợp đồng lao động của tháng trước liền kề trước khi người lao động tạm thời nghỉ việc hoặc bị tạm đình chỉ công việc và được tính tương ứng với các hình thức trả lương theo thời gian quy định tại Khoản 1 Điều 22 Nghị định này.

Vì vậy, trường hợp doanh nghiệp áp dụng hình thức trả lương theo giờ, ngày, tuần hoặc tháng thì không bắt buộc phải tạm ứng trước lương cho người lao động. Trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn không trả lương đúng thời hạn quy định thì việc tạm ứng lương (nếu có) sẽ do doanh nghiệp và người lao động tự thỏa thuận chứ pháp luật không quy định tạm ứng tối đa bao nhiêu phần trăm.

Hơn nữa, việc trả lương đúng hạn là nguyên tắc trả lương và nghĩa vụ của doanh nghiệp nên nếu doanh nghiệp chậm trễ trả lương thì người lao động được quyền yêu cầu doanh nghiệp trả thêm một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng công bố tại thời điểm trả lương; tuy nhiên, việc trả lương không được chậm quá 01 tháng.  

Điều 96. Nguyên tắc trả lương

Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn.

Trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá 01 tháng và người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương.

Vì vậy, trong trường hợp công ty chậm trả lương làm ảnh hưởng đế sinh hoạt của bạn thì bạn nên gặp trực tiếp Ban chấp hành Công đoàn cơ sở/người có thẩm quyền của công ty để trình bày những vướng mắc hiện tại của bản thân để từ đó có hướng thỏa thuận tốt nhất cho cả bạn và công ty.

NPTLAWYER hy vọng tư vấn trên hữu ích cho bạn.

Trân trọng!

*Lưu ý: Nội dung tư vấn nêu trên chỉ nhằm mục đích tham khảo. Tùy từng thời điểm có sự thay đổi về chính sách pháp luật mà nội dung tư vấn có thể được điều chỉnh. Nếu có bất kỳ thắc mắc hoặc góp ý xin vui lòng liên hệ về email: npttrinhlaw@gmail.com 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *