Dù Luật Phòng chống HIV/AIDS (có hiệu lực từ ngày 1-1-2007) đã nghiêm cấm các hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử với những người bị nhiễm HIV/AIDS – gọi tắt là H – nhưng trên thực tế, phần đông trong số họ vẫn bị xã hội và gia đình chối bỏ dưới nhiều hình thức khác nhau.

 Chính vì vậy, từ tháng 12-2007, Văn phòng trợ giúp pháp lý HIV/AIDS thuộc Hội Luật gia TPHCM (địa chỉ tại 111 Lê Thánh Tôn quận 1) ra đời nhằm bảo vệ về mặt luật pháp đối với những người có H và bị ảnh hưởng bởi H.

>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi:  –

Một buổi tuyên truyền luật do Văn phòng trợ giúp pháp lý HIV/AIDS phối hợp tổ chức.

Đòi quyền được tôn trọng

Vừa đi vào hoạt động, văn phòng tiếp nhận một trường hợp kỳ thị khá “độc”. Sau khi chồng chết vì bệnh AIDS, chị C.T.V. vẫn sống chung với gia đình chồng tại phường 4 quận Phú Nhuận. Mang căn bệnh thế kỷ trong người (chị V. bị lây từ chồng), cuộc sống của chị càng khó khăn hơn khi bị chính người em chồng phá rối. Mỗi lần chị xin được việc làm ở đâu là lại có thư nặc danh gửi đến nơi đó thông báo chị đang bị nhiễm H, khiến cho chị bị mất việc.

Qua tìm hiểu, biết được mọi việc đều do người em chồng gây ra với mục đích để chị phải ra khỏi nhà, chị bức xúc tìm đến văn phòng nhờ can thiệp.

Không thể để việc kỳ thị sai trái kéo dài, tư vấn viên của văn phòng trực tiếp đến gặp lãnh đạo phường, yêu cầu phường có buổi làm việc với nội bộ gia đình chồng chị V., phân tích việc em chồng chị V. công khai tình trạng bị nhiễm H của chị trong khi chưa được chị đồng ý đã vi phạm Điều 8 Luật Phòng chống HIV/AIDS; nếu việc làm trên vẫn tiếp diễn, văn phòng sẽ cử người trợ giúp pháp lý, bảo vệ quyền lợi cho chị V. trước pháp luật.

Nhờ sự can thiệp kịp thời của văn phòng và với sự quan tâm theo dõi của chính quyền địa phương, chỉ một thời gian sau, tình trạng trên chấm dứt.

Chị T.T.T. (nhà ở quận 11) cũng tìm đến văn phòng khi bị phân biệt đối xử từ phía người thân. Sau khi sinh con, chị phát hiện mình bị nhiễm H và bị chồng đuổi ra khỏi nhà, không được mang con theo. Không chốn nương thân, chị tìm đến văn phòng để được giúp đỡ.

Kết quả, các tư vấn viên của văn phòng bảo vệ quyền lợi miễn phí cho chị trước tòa, giúp chị được ly hôn và giành được quyền nuôi con. Không chỉ vậy, văn phòng còn giới thiệu chị đến Mái ấm Mai Tâm (nơi nuôi dưỡng các bà mẹ, trẻ em bị nhiễm H) để làm việc, ổn định cuộc sống.

Ngoài việc đồng hành cùng thân chủ đòi quyền được đối xử bình đẳng, các tư vấn viên của văn phòng (gồm các luật sư, luật gia) còn tích cực hướng dẫn, hỗ trợ nhiều thân chủ chuyển sang AIDS giai đoạn cuối đang bị bắt tạm giam, bị đưa đi cai nghiện bắt buộc làm đơn xin được tại ngoại hoặc được hồi gia để điều trị.

Hầu hết những trường hợp này đều được cơ quan có thẩm quyền giải quyết, tạo điều kiện để họ được chữa bệnh theo đúng phác đồ điều trị.

Cần sự hỗ trợ từ nhiều phía

Sau 2 năm hoạt động, các tư vấn viên của Văn phòng trợ giúp pháp lý HIV/AIDS thực hiện tư vấn trực tiếp tại trụ sở, tư vấn qua các số điện thoại (08)38223028 – (08)38272658 và trợ giúp pháp lý cho gần 650 lượt khách hàng.

Ngoài ra, văn phòng còn thường xuyên tổ chức nhiều buổi lưu động đến trường học, khu dân cư, khoa tham vấn để trợ giúp pháp lý, tư vấn cộng đồng về quy định của pháp luật về phòng chống H, hôn nhân gia đình, hộ tịch, thừa kế, dân sự, hình sự, lao động… với sự tham gia của hàng ngàn lượt người.

Kết quả này đã đưa văn phòng trở thành điểm tựa pháp lý không thể thiếu của người có H, người bị ảnh hưởng bởi H. Tuy nhiên, trong thực tế, hoạt động của văn phòng cũng gặp không ít khó khăn.

Bà Phạm Thị Hồng Hương, Trưởng Văn phòng trợ giúp pháp lý HIV/AIDS, cho biết: “Điều 8 Luật Phòng chống HIV/AIDS nghiêm cấm các hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm H, từ chối mai táng, từ chối khám chữa bệnh cho một người vì biết hay nghi ngờ người đó nhiễm H…

Thế nhưng, do đến nay vẫn chưa có nghị định hướng dẫn việc thực hiện biện pháp chế tài đối với các hành vi này nên chỉ có thể trông chờ vào nhận thức của tổ chức, cá nhân mà thôi”.

Bên cạnh đó, theo bà Hương, sự thiếu phối hợp, hỗ trợ từ các cơ quan chức năng cũng ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của văn phòng.

Điển hình là trường hợp anh L.T.B. (nhà ở quận 4) nhiễm H, sau cai nghiện được đưa về lao động tự nguyện tại một doanh nghiệp trong KCN Nhị Xuân. Khi anh hồi gia, doanh nghiệp không trả lương cho anh. Tháng 2-2009, làm việc với tư vấn viên của văn phòng, Ban quản lý KCN Nhị Xuân hứa sẽ tác động để doanh nghiệp trả lương, nhưng ròng rã mấy tháng trời, anh B. vẫn không đòi được tiền.

Sau đó, văn phòng tiếp tục gửi công văn sang Thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM, đề nghị sở yêu cầu doanh nghiệp phải giải quyết quyền lợi cho anh B., nhưng đến nay sở cũng không trả lời. Lực bất tòng tâm, các tư vấn viên đành xếp trường hợp của anh vào dạng “đang theo dõi” mà không biết đến khi nào mới giúp anh nhận được khoản tiền mồ hôi công sức của mình.

Luật Phòng chống HIV/AIDS ra đời nhằm tạo điều kiện để người bị nhiễm H bước ra khỏi “bóng tối”, sống hòa nhập với cộng đồng. Tuy nhiên, để quyền lợi của những người nhiễm H thực sự được bảo vệ, hoạt động của một vài Văn phòng trợ giúp pháp lý HIV/AIDS như trên vẫn chưa đủ, cần có thêm những nghị định chi tiết hóa quy định của luật; đồng thời cần tuyên truyền phổ biến luật rộng rãi để mọi người biết và chấp hành, chung tay hỗ trợ.

Bảo vệ quyền lợi của người bị nhiễm H là biện pháp chủ động ngăn chặn tốc độ lây nhiễm H trong xã hội, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và cho chính mỗi người.

Ái Chân (theo báo pháp luật)

——————————————

THAM KHẢO DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN:

1. Tư vấn pháp luật lao động;

3. Tư vấn pháp luật lĩnh vực dân sự;

4. Tư vấn luật hành chính Việt Nam;

2. Luật sư riêng cho doanh nghiệp;

5. Dịch vụ luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp tại tòa án.

6. Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp hôn nhân gia đình;

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *