1. Trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng cũng phải cần đến sự cổ vũ của tinh thần đó, nếu chúng ta ý thức đầy đủ về tính quyết liệt, sự sống còn và coi tham nhũng như một thứ “giặc nội xâm”.

Còn hơn thế nữa khi chúng ta đã từng tuyên chiến với tham nhũng từ lâu mà chưa thắng được. Quốc hội ban hành pháp lệnh chống tham nhũng cách nay đã tám năm và nhận thấy rằng việc thực hiện ít hiệu quả. Tham nhũng ngày càng hoành hành.

Và lần này Quốc hội đã và đang tiến hành một cách thận trọng, tranh thủ rộng rãi ý kiến của nhân dân để sớm ban hành một đạo luật phòng và chống tham nhũng. Nâng cấp từ một pháp lệnh thành một đạo luật là thể hiện sự quyết tâm đánh thắng tham nhũng. Chẳng khác gì ta quyết định sẽ trang bị một loại vũ khí tối tân hơn trước, sử dụng loại thuốc đặc hiệu hơn trước để đương đầu với một kẻ thù, một căn bệnh hiểm ác mà các loại vũ khí và các thứ thuốc đã dùng trước đó đều bất lực.

>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi:  –

 

Nhưng cũng phải ý thức được rằng vì pháp lệnh chưa đủ tầm nên ta phải nâng lên thành luật, thì đấy đã là tầm mức cao nhất ta có thể có trong hệ thống văn bản pháp luật của nước ta, có nghĩa là ta đã phải dùng tới loại vũ khí mạnh nhất, thứ thuốc đặc hiệu nhất mà chúng ta có thể có được. Vì sau đạo luật chỉ còn có hiến pháp. “Đấu tranh đây là trận cuối cùng” có ý nghĩa là vậy.

2. Tham nhũng là một hiện tượng phổ biến mà quốc gia nào cũng phải chống và ở đâu cũng gắn với tầng lớp có quyền lực. Căn bệnh tham nhũng trước hết khu trú trong tầng lớp những người có chức quyền rồi hình thành một lớp ký sinh và những căn bệnh ăn theo như hối lộ, chạy chức, chạy quyền, chạy dự án… Cho nên chống tham nhũng trước hết và chủ yếu là nâng cao sức đề kháng trong tầng lớp những người có chức quyền và tiêu diệt các thứ vi trùng, sâu bệnh nảy sinh, để làm trong sạch, khỏe khoắn tầng lớp có vai trò quyết định vận mệnh của đất nước.

Trong một thiết chế chính trị do Đảng lãnh đạo toàn diện như ở nước VN ta, chống tham nhũng phải được coi là công cuộc bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ. Bởi vì muốn tham nhũng phải có chức quyền và muốn có chức quyền thì phải “có Đảng”. Do vậy tinh thần “đấu tranh đây là trận cuối cùng” càng mang ý nghĩa thiết thực đối với đội ngũ những người luôn hát vang bài ca cách mạng để cổ vũ sự nghiệp phấn đấu cho lý tưởng của mình…

3. Với tính chất như vậy, việc xây dựng một bộ luật phòng và chống tham nhũng phải được xem như một thách thức “sống còn”. Lần này ban hành luật mà không hiệu quả thì có thể nói thẳng là thất bại. Trận đấu cuối cùng mà thất bại thì… không còn gì để bàn nữa.

Xin nêu hai kiến nghị:

Một, chỉ nên làm Luật chống tham nhũng thôi để tập trung đủ lực vào trận đánh. Còn đề phòng tham nhũng đã có rất nhiều văn bản pháp luật qui định rồi (Luật dân sự, Luật hình sự, Luật công chức…), ghép làm một thêm rườm rà, khó thực hiện.

Hai, với những qui định quan trọng mà còn nghi ngờ khả năng thực hiện như việc kê khai tài sản hay thu nhập, chúng ta không làm tràn lan mà nên tập trung thí điểm trong một số đối tượng hữu hạn trước khi mở rộng ra toàn thể công chức hay toàn xã hội…Ví dụ, thực hiện thử trong các thành viên Chính phủ (khoảng 50 người) hay thành viên Quốc hội (khoảng 500 người). Đây là những thành phần đương nhiên phải gương mẫu.

Nếu những đối tượng này làm được, mọi người sẽ làm được và Luật tham nhũng sẽ mang tính thực thi cao. Nếu những đối tượng gương mẫu ấy cũng không làm nổi thì nên dừng việc ban hành bộ luật này để tiếp tục cân nhắc.

Không thể vào trận mà không chắc thắng, mà còn chưa đủ tự tin rằng bộ luật này thực thi hiệu quả.

Dương Trung Quốc
Nguồn:  Tuổi trẻ chủ nhật

(MKLAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

——————————————————-

THAM KHẢO DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN:

1. Tư vấn pháp luật lao động;

3. Tư vấn pháp luật lĩnh vực dân sự;

4. Tư vấn luật hành chính Việt Nam;

2. Luật sư riêng cho doanh nghiệp;

5. Dịch vụ luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp tại tòa án.

6. Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp hôn nhân gia đình;

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *