Trong hoàn cảnh đất nước bị tàn phá hoàn toàn trong chiến tranh và cho đến năm 1948 trở thành một trong những nước nghèo nhất thế giới, CHLB Đức (Tây Ðức) buộc phải tìm bằng được một chiến lược kinh tế thích hợp, giúp nó thoát khỏi đói nghèo và nhục nhã. Cuộc tranh luận công khai, không khoan nhượng, để tìm kiếm mô hình kinh tế thích hợp đã nổ ra khắp nơi và thu hút sự tham gia rộng rãi của mọi tầng lớp nhân dân.

1. Vài nét về kinh tế thị trường mang tính xã hội

 Một mô hình KT thích hợp phải là mô hình động viên được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội và bảo đảm được môi trường ổn định cho phát triển. Các mô hình Kinh tế kế hoạch chỉ huy, Kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và KTTT mang tính xã hội đã được đem ra mổ xẻ, phân tích kỹ lưỡng.

Nhờ nền Kinh tế thị trường mang tính Xã hội (KTTTMTXH), Cộng Hòa Liên Bang Ðức đã vươn lên trở thành cường quốc xuất khẩu lớn nhất thế giới, với nền kinh tế mạnh thứ ba trên thế giới (sau Mỹ và Nhật) chỉ trong vòng 20 năm. Ðức cũng là cường quốc KTTTMTXH đứng đầu thế giới. Nếu chúng ta để ý rằng, nền kinh tế thị trường tự do thuần túy chỉ có ở Hoa kỳ và Canada (mà hiện nay thực tế cũng đã bắt đầu chuyển hướng sang KTTTMTXH), trong khi tất cả các nước công nghiệp phát triển khác đều thực hiện KTTTMTXH, thì mới có thể hiểu được tầm quan trọng đặc biệt của mô hình này.

Ý tưởng về KTTTMTXH ra đời từ những năm 30, khi người ta càng ngày càng nhận rõ rằng, chủ nghĩa tư bản hoang dại không thể có tương lai, nếu nó không tự cải tổ để mang nhiều tính xã hội hơn nữa.KTTTMTXH là một nền kinh tế tự do hoạt động theo các qui luật của thị trường, nhà nước chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm phân chia công bằng sản phẩm xã hội, sao cho kinh tế và xã hội trở thành một tổng thể không thể tách rời phục vụ con người tự do. Ở đây, xin nói thêm là, mô hình KTTTMTXH đang có những thay đổi cơ bản dưới tác động của quá trình Toàn cầu hóa và nhất là do sự trưởng thành của ý thức công dân. Vai trò của nhà nước ngày càng giảm. Không phải vì nhà nước bất lực, mà vì người dân càng có điều kiện trực tiếp tham gia vào hoạt động kinh tế, vào qúa trình hình thành những quyết định về chính sách xã hội hơn. Và vì vậy, cơ cấu phân chia sản phẩm xã hội cũng đang thay đổi một cách cơ bản.

 

Luật sư tư vấn luật Đất đai qua điện thoại gọi số:  –

2. Ðịnh nghĩa KTTT mang tính XH:

Theo nhà kinh tế học Ludwig Erhard, Kinh tế Thị trường mang tính xã hội là một nền kinh tế thị trường với những đặc trưng xã hội nhằm mục tiêu tạo điều kiện cho mỗi cá nhân đều có điều kiện phát triển, để họ đặt giá trị nhân cách lên trên hết và để họ có thu nhập thích đáng theo thành qủa. Trong nền kinh tế này, thị trường không chỉ đáp ứng nhu cầu kinh tế, mà còn phải đáp ứng, làm hài lòng mọi quan hệ xã hội khác nhau. Kinh tế, xã hội và nhà nước ở đây, phải là một tổng thể thống nhất. Trọng tâm của KTTT mang tính xã hội không phải là lợi nhuận tuyệt đối, mà là những con người tự do được bảo đảm phẩm giá. KTTT MTXH là một trật tự kinh tế bảo đảm quyền tự do con người ở mức rất cao, đồng thời cũng đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cá nhân ở mức độ như vậy.

a) Nội dung thực hiện cụ thể:

Về kinh tế: kinh tế trong KTTTMTXH, vẫn là một nền kinh tế vận hành theo những qui luật thị trường, giá cả được định đoạt thông qua thị trường tự do; quan hệ lao động do các bên liên quan tự do thỏa thuận. Nhà nước bảo đảm quyền tư hữu tư liệu sản xuất và một môi trường cạnh tranh tự do, bình đẳng. Nhà nước có chức năng quản lý kinh tế, nhưng không trực tiếp can thiệp vào các hoạt động kinh tế. Tự do tiêu thụ- một trong những quyền tự do quan trọng nhất về kinh tế – phải được bảo đảm.

Chức năng quản lý nhà nước tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như: Ðề ra chính sách kinh tế, chính sách thuế, chính sách xã hội; tìm các biện pháp khuyến khích kinh tế phát triển, kiểm tra các thành phần kinh tế bảo đảm luật chơi; quan hệ với nước ngoài. Ngoài ra, nhà nước có quyền trực tiếp kinh doanh những lĩnh vực có ảnh hưởng lớn về mặt xã hội để bảo đảm ai cũng được đáp ứng nhu cầu sống có phẩm giá. Ví dụ: Ðiện, nước, viễn thông, giao thông công cộng. Những chính sách kinh tế của nhà nước đều phải được cân nhắc trên cở sở lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội ngang nhau.

Thị trường tự do- một trong những điều kiện của tự do cá nhân, đồng thời cũng là một bộ phận không thể tách rời của một xã hội mở- vẫn phải được bảo đảm trong KTTT mang tính xã hội. Một nhiệm vụ quan trọng khác của nhà nước trong nền kinh tế thị trường mang tính xã hội, là bảo đảm bình đẳng cho các thành phần tham gia hoạt động kinh tế, chống nguy cơ hình thành độc quyền trong hoạt động kinh tế, có thể làm mất cân bằng tự nhiên dẫn đến hoạt động sai lạc cơ chế điều khiển thị trường theo qui luật cung-cầu.

Sự khác nhau giữa KT thị trường và KT Kế hoạch chỉ huy không phải là về khái niệm, mà là giữa nền KT trong đó giá cả được định đoạt thông qua thị trường tự do, với nền kinh tế chỉ huy có sự can thiệp hợp pháp của nhà nước vào các vấn đề phân phối. Trong khi ở thị trường tự do, mọi sai lầm trong chỉ đạo đều được thể hiện, một cách tự động, qua việc giá cả thay đổi và hậu qủa của nó rất rõ ràng, thì những sai lầm nghiêm trọng trong nền kinh tế do nhà nước chỉ huy thường không bị phát hiện và loại trừ ngay, để cuối cùng phải dùng đến các biện pháp cưỡng bức.

Về xã hội: Nhà nước có trách nhiệm giải quyết những vấn đề xã hội. Nhưng can thiệp của nhà nước, nhằm giảm bớt hậu qủa tiêu cực do thị trường tự do gây ra, không được phép làm mất hiệu năng của thị trường và tự do kinh tế. Ðể giải quyết tương quan kinh tế-xã hội này, Đức đã xây dựng một mô hình thống nhất giữa chính sách kinh tế và xã hội, trong đó những mục tiêu xã hội cơ bản được thực hiện bằng chính sách giữ kỷ cương chứ không phải bằng sự can thiệp trực tiếp vào chính sách xã hội.

Chính sách Xã hội, về bản chất, là sự phân chia lại sản phẩm xã hội. Trong chính sách xã hội hướng tới sự tự do lý tưởng, mức sống càng tăng thì ý thức tự lo cho mình, ý thức trách nhiệm của cá nhân đối với xã hội cũng phải tăng theo.Nguyên tắc hỗ trợ là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất trong chính sách gìn giữ kỷ cương. Chính sách xã hội của nhà nước phải nhằm mục đích bảo đảm An sinh và Bình đẳng xã hội. Trụ cột bảo đảm an sinh xã hội ở Ðức là hệ thống bảo hiểm xã hội gồm bảo hiểm y tế, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn.(SD 04). Các khoản tiền đóng bảo hiểm do người lao động, giới chủ và nhà nước cùng đóng góp. Ðối với những người thất nghiệp hoặc không còn khả năng đóng bảo hiểm, nhà nước sẽ đảm nhận chi phí bảo hiểm. Ngoài ra, bằng quĩ trợ cấp xã hội, nhà nước có trách nhiệm giúp những người không còn đủ khả năng tự kiếm sống, vẫn có được một cuộc sống ổn định, tuy thanh đạm nhưng vẫn bảo vệ được nhân phẩm của mình.

Ðể xây dựng Bình đẳng xã hội, nhà nước tạo điều kiện để mọi người trong xã hội có cơ hội vào đời và phát triển ngang nhau, thông qua hệ thống giáo dục miễn phí từ phổ thông đến đại học, các chương trình trợ cấp khuyến khích kinh doanh v.v… Toàn bộ hoạt động thực hiện chính sách xã hội đều dựa trên nguyên tắc phân phối lại của cải xã hội một cách công bằng, minh bạch.

Nền KTTTMTXH đã thành công rực rỡ trong việc giải phóng sức sáng tạo, sáng kiến và tinh thần chăm chỉ của người dân, vì những cố gắng của họ được đề bù xứng đáng. Do đó, dù đứng trên quan điểm tạo cơ hội phát triển tối ưu cho cá nhân, quan điểm cần tạo hiệu suất cao nhất, hay quan điểm tạo trách nhiệm tuân thủ luật cạnh tranh tự do, thì kinh tế thị trường tự do và kinh tế thị trường mang tính xã hội đều vượt trội hơn so với kinh tế kế hoạch chỉ huy. Vì nó cho phép sáng kiến, sáng tạo của vô số người trở thành có ích, dù những cái đó phục vụ quyền lợi của mỗi cá nhân.

Không một nhà nước hiện đại nào có thể bỏ qua được trí tuệ của người dân. Nhà nước cần sự cộng tác có trách nhiệm của họ, để đạt được thành công chung. Chỉ khi niềm vui sáng tạo và tinh thần dám nhận trách nhiệm cá nhân trên mọi lĩnh vực được giải phóng, thì từ đó mới xuất hiện sức mạnh tổng hợp vượt qua những khó khăn trở ngại lớn lao và thúc đẩy xã hội pháp triển.Ðây cũng chính là một biểu tượng của nền KTTTMTXH ở CHLB Ðức.

Hành động vì xã hội của mỗi cá nhân trong nền KTTT mang tính xã hội, là phải ngày càng lôi cuốn được nhiều người có ý chí quyết tâm thực hiện tôn trọng tự do, có ý thức trách nhiệm và đoàn kết với những người yếu thế hơn. Vì vậy, các khoản tiền trợ cấp xã hội trong nền KTTTMTXH được hiểu là biểu hiện của sự đoàn kết, trách nhiệm tương trợ của toàn xã hội với người yếu thế.

Về con người: Con người tự do là chủ thể, là đối tượng phục vụ của nền KTTTMTXH. Chính từ nhận thức rằng, con người tự do là người tiêu thụ tự tin, có ý thức cao nên không ai có thể lừa dối hay áp đặt nhu cầu tiêu thụ cho họ được, mà nhà nước chỉ can thiệp định hướng nền kinh tế, chứ không thể làm thay cơ chế tự thích nghi của thị trường. Trật tự kinh tế trong KTTTMTXH là một trật tự tôn trọng phẩm giá con người, mở ra cho họ khả năng và triển vọng thành công trong xã hội.

Thành công của Tây Ðức cho thấy rằng, chỉ khi niềm vui sáng tạo và tinh thần dám nhận trách nhiệm cá nhân trong mọi lĩnh vực kinh tế-xã hội-chính trị được thực sự giải phóng, thì lúc đó mới xuất hiện sức mạnh tổng hợp vượt qua khó khăn lớn lao và thúc đẩy xã hội phát triển. Chính vì vậy, toàn bộ cơ cấu nhà nước, cơ sở luật pháp, cấu trúc kinh tế và quan hệ xã hội ở Tây Ðức đã được xây dựng nhằm mục đích bảo vệ con người tự do, khuyến khích và bảo đảm cho họ có điều kiện tham gia trực tiếp vào mọi công việc của đất nước.

Một ví dụ điển hình là: mọi công ty, xí nghiệp ở Ðức có từ 50 công nhân trở lên đều phải có đại diện do công nhân bầu ra trong ban giám đốc; có từ 200 công nhân trở lên phải có hội đồng xí nghiệp do công nhân bầu ra (không kể các nghiệp đoàn) tham gia điều hành công ty, xí nghiệp.

KTTTMTXH coi con người tiêu thụ là mục tiêu phục vụ. Và họ là đối tượng được bảo vệ của nhà nước. Nhà nước có những chính sách nhằm bảo đảm thông tin kinh tế chính xác, giúp người tiêu thụ có thể tự đánh giá về chất lượng và giá cả hàng hóa. Ở Ðức có hơn 300 tổ chức cảnh báo, giám định, khuyên nhủ, chỉ ra các bất hợp lý giữa người tiêu thụ và người cung cấp hàng, khiến cho các doanh nghiệp không đứng đắn không được.

b) Nền tảng pháp lý thực hiện các nội dung trên:

Mô hình và các nguyên tắc tuyệt vời của nền KTTTMTXH sẽ chẳng có giá trị gì khi nó không được thực hiện và thực hiện đúng đắn trong thực tế. Để buộc Nhà nước và mọi thành viên khác trong xã hội có nghĩa vụ biến mô hình này thành hiện thực, các nguyên tắc thực hiện KTTTMTXH, quyền lợi và trách nhiệm của họ đều được luật hóa.

Con người: Con người vừa là đối tượng phục vụ, vừa là chủ thể và động lực của nền KTTTMTXH. Hiến pháp CHLB Ðức khẳng định Ðức là một nhà nước pháp quyền mang tính xã hội. Nhà nước pháp quyền bo đảm các quyền tự do cá nhân và tính xã hội của nhà nước này, thể hiện qua trách nhiệm bảo đảm an sinh và bình đẳng cho họ. Ðiều 1 của hiến pháp CHLB Ðức qui định: Phẩm giá của con người là bất khả xâm phạm, đây cũng chính là kim chỉ nam cho hoạt động của cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Các nguyên tắc bảo đảm hoạt động dân chủ là: nguyên tắc toàn bộ quyền lực từ dân mà ra; nguyên tắc phân tập quyền lực, nguyên tắc nhà nước pháp quyền và nguyên tắc đa số được khẳng định trong hiến pháp và tôn trọng trong hoạt động thực tế. Tòa Hiến pháp chịu trách nhiệm giám sát các cơ quan nhà nước, chính phủ có hoạt động theo đúng hiến pháp hay không.

– Sự thống nhất giữa xã hội, KTTTMTXH, và nhà nước, là một tổng thể vừa rất nhạy cảm với các chính sách kinh tế xã hội, vừa chứa đựng trong bản thân nó rất nhiều nguy cơ bị lạm dụng. Ví dụ: Giới hạn cụ thể của các chính sách xã hội phải ra sao để không phá vỡ cân bằng giữa quyền lợi kinh tế và trách nhiệm xã hội trong một lĩnh vực, hay thậm chí đối với một công ty cụ thể? Hoặc làm thế nào để ngăn chặn đảng cầm quyền đưa ra những chính sách có lợi cho cử tri của mình bất chấp hậu qủa xấu đến toàn xã hội? Chính sự nhậy cảm và phức tạp này đòi hỏi phải có một cơ chế kiểm soát và cân bằng quyền lực nhà nước theo mô hình nhà nước pháp quyền. Ðiều quan trọng là phải có một hệ thống tòa án độc lập và hoàn chỉnh các cấp mà đặc biệt là tòa hành chính và Tòa bảo hiến.

– Bảo đảm quyền của người dân khởi kiện yêu cầu Tòa hành chính kiểm tra, xét xử bất cứ hoạt động quản lý nào của Nhà nước.

Chắc chắn không phải là ngẫu nhiên khi đa số các nhà khoa học, xã hội học, kinh tế học, luật học và chính trị học đều nhận định rằng Tòa cầu hóa về kinh tế sẽ dẫn đến hình thành một nền kinh tế thị trường mang tính xã hội trên phạm vi toàn cầu.

SG, 28.08.2003

SOURCE:GS.TS. NGUYỄN VÂN NAM

Trích dẫn: http://thongtinphapluatdansu.wordpress.com/

(Nptlawyer.com LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

—————————————————

THAM KHẢO DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN:

1. Tư vấn pháp luật lao động;

3. Tư vấn pháp luật lĩnh vực dân sự;

4. Tư vấn luật hành chính Việt Nam;

2. Luật sư riêng cho doanh nghiệp;

5. Dịch vụ luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp tại tòa án.

6. Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp hôn nhân gia đình;

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *