Thuê mua nhà ở xã hội, thuê mua công trình xây dựng đang trở thành chủ đề được giới kinh doanh địa ốc của Việt Nam quan tâm và nhiều tầng lớp dân chúng bình luận. Nhà ở xã hội được đánh giá là sự hội tụ cao của tính đa mục tiêu của chính sách quốc gia[i].

Mục tiêu và nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội mà Quốc hội và Chính phủ đã đặt ra cho năm 2009 cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp từ các phía và các cấp, các ngành trực tiếp và gián tiếp có liên quan, trong đó cần có đột phá quan trọng cả về nhận thức lẫn cơ chế triển khai phát triển nhà ở cho người có thu nhập thấp. Trong cuộc họp định kỳ của Chính phủ vào tháng 1/2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã quyết định mục tiêu phát triển nhà ở xã hội là một trong những trọng tâm ưu tiên của Việt Nam  trong năm 2009.

Thị trường bất động sản nóng lạnh thất thường, một giải pháp kích cầu cho thị trường này là Thuê mua nhà ở xã hội, thuê mua công trình xây dựng[ii]. Đây chính là giải pháp xử lý khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản  hiện nay. Trong thực tiễn kinh doanh, khối lượng giao dịch về nhà đất trên thị trường này trong thời gian qua có biểu hiện lắng xuống. Vậy thuê mua bất động sản là gì?  Nó có thể làm đa dạng hoá hình thức đầu tư bất động sản hay không? nó có phải là cách thức giúp cho những người dân nghèo, sinh viên mới ra trường, công chức có thu nhập thấp có được nhà ở khi mà giá nhà đất ở các đô thị lớn quá cao so với thu nhập của họ hiện nay?

Thuê mua nhà ở, công trình xây dựng là một hình thức hoạt động đầu tư bất động sản được chuyển giao từ bên cho thuê sang bên thuê trong một thời hạn nhất định, theo những điều kiện mà hai bên thoả thuận. Quyền sở hữu bất động sản cuối cùng được chuyển giao cho bên thuê khi kết thúc hợp đồng thuê mua.

Thuê mua bất động sản là hình thức cho thuê bất động sản, trong thời gian thuê mua, bên cho thuê mua thu hồi vốn đầu tư cùng với các chi phí tài chính, chi phí quản lý liên quan đến bất động sản, thu được lợi nhuận hợp lý. Sau đó tuỳ theo thoả thuận của các bên trong hợp đồng thuê mua, bên cho thuê có thể bán lại bất động sản đó cho bên thuê vào bất kỳ thời gian nào nhưng chậm nhất là khi kết thúc hợp đồng thuê mua. Hợp đồng thuê mua có các đặc điểm  pháp lý cơ bản sau:

Một là, phần lớn các hợp đồng thuê mua là hợp đồng mang tính chất thương mại;

>> Luật sư tư vấn luật Đất đai qua điện thoại gọi số: 

 

Luật Nhà ở năm 2005 (được Quốc hội khoá XI thông qua ngày 29/11/2005), tại Điều 56 có quy định về giá trong hợp đồng thuê mua nhà ở xã hội phải thoả mãn yêu cầu “bảo toàn vốn” và “đủ bù đắp chi phí quản lý, duy trì, bảo dưỡng, duy tu” nhà ở trong quá trình sử dụng. Đối tượng thuê mua nhà ở xã hội phải thoả mãn những điều kiện theo quy định của Điều 53 Luật này. Tuy nhiên, những đối tượng được tham gia hợp đồng thuê mua nhà ở xã hội rất ít (Nghị định số 90/2006/NĐ-CP ngày 06/09/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Nhà ở). Vì vậy, tác giả  cho rằng, xét về bản chất pháp lý, phần lớn các hợp đồng thuê mua là hợp đồng thương mại. Từ những điểm trình bày ở trên, tác giả khẳng định hợp đồng thuê mua là hợp đồng thương mại. Đây là một trong những đặc điểm đầu tiên về bản chất pháp lý của hợp đồng thuê mua ở Việt Nam hiện nay.

Hai là,  hợp đồng  thuê mua là hợp đồng cấp tín dụng dưới dạng tài sản;

Khi khẳng định đặc điểm về bản chất pháp lý này của hợp đồng thuê mua, tác giả căn cứ vào những điểm sau đây: trước hết, hợp đồng thuê mua được ký kết nhằm tạo điều kiện cho Bên thuê có được tài sản để sử dụng vào mục đích hoạt động của mình. Tài sản – đối tượng của thuê mua thường là thiết bị như  nhà ở, căn hộ chung cư, máy bay, tàu biển… hoặc những tài sản có giá trị lớn. Như vậy, thường thì thuê mua phù hợp với các hoạt động kinh doanh thương mại của doanh nghiệp (hơn là hoạt động dân sự của người dân). Tiếp theo, vì doanh nghiệp là “tổ chức kinh tế có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch ổn định, được đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nhằm mục đích thực hiện các hoạt động kinh doanh” (Điều 4 Khoản 1 Luật Doanh nghiệp Việt Nam năm 2005). Còn kinh doanh lại được hiểu là “việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lời” (Điều 4 Khoản 2 Luật Doanh nghiệp Việt Nam năm 2005). Ngoài ra, Luật Thương mại Việt Nam năm 2005 (có hiệu lực từ 1/1/2006) quy định rõ rằng hoạt động thương mại là “hoạt động nhằm mục đích sinh lời…” (Điều 3 Khoản 1). Đặc biệt, Pháp lệnh Trọng tài Thương mại (ban hành ngày 16/12/2002 và có hiệu lực ngày 1/7/2003) khi quy định về phạm vi điều chỉnh và thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về thương mại của mình đã mở rộng và cụ thể hoá khái niệm về hoạt động thương mại, theo đó, thuê mua cũng nằm trong khái niệm Hoạt động thương mại theo cách hiểu của Pháp lệnh này. Cụ thể, Điều 2 Khoản 3 của Pháp lệnh này ghi rõ: “hoạt động thương mại là việc thực hiện một hay nhiều hành vi thương mại của cá nhân, tổ chức kinh doanh bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, phân phối, đại diện, đại lý thương mại, ký gửi, thuê, cho thuê, thuê mua, xây dựng, tư vấn, kỹ thuật, li-xăng, đầu tư, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, thăm dũ, … và cỏc hành vi thương mại khác theo quy định của pháp luật”.

Ba là, hợp đồng thuê mua là hợp đồng không được đơn phương huỷ ngang, giao kết và thực hiện tại Công ty CTTC – Tổ chức tín dụng phi ngân hàng; Cơ quan quản lý nhà, quản lý quỹ nhà ở xã hội. Như đã nói ở trên, để có tài sản cho Bên thuê thuê theo hợp đồng thuê mua, người cho thuê phải tìm được tài sản phù hợp từ người cung ứng tài sản (người sản xuất, người có tài sản). Vì tài sản – đối tượng của hợp đồng thuê mua thường có giá trị lớn, có thời gian thuê phụ thuộc vào yêu cầu của bên thuê mua nên chủ yếu là các tổ chức tín dụng, các ngân hàng mới đủ khả năng về tài chính để mua tài sản này từ nhà cung ứng. Vì vậy, theo pháp luật của các nước phát triển, Bên cho thuê trong hợp đồng thuê mua thường là tổ chc tín dụng được phép hoạt động kinh doanh lĩnh vực này. Sự xuất hiện các tổ chức tín dụng với tư cách là Bên cho thuê trong hợp đồng thuê mua sẽ làm cho hợp đồng này mang bản chất của một hợp đồng tài trợ vốn (cấp tín dụng) dưới hình thức tài sản hơn là hợp đồng thuê tài sản hoặc mua tài sản thuần tuý. Chính đặc điểm này lý giải vì sao các hoạt động thuê mua cũng như việc giao kết và thực hiện hợp đồng này chịu sự điều chỉnh đặc biệt của các văn bản pháp luật về tín dụng.

Bốn là, tài sản- đối tượng của hợp đồng thuê mua chủ yếu là tài sản có giá trị lớn;

Đối tượng của hợp đồng thuê mua thường rất đa dạng bao gồm: Máy móc thiết bị phụ tùng công nghiệp; Thiết bị Nông nghiệp; Thiết bị bảo vệ môi sinh; Thiết bị xây dựng; Thiết bị y khoa; Thiết bị xây dựng thương mại và văn phòng; Thiết bị điện viễn thông; Thiết bị giao thông vận tải; Thiết bị khoa học kỹ thuật chính xác; nhà ở và công trình xây dựng… Có thể phân chia tài sản- đối tượng của hợp đồng Thuê mua thành hai loại chính, đó là:

Một là, bất động sản: Nhà cửa, văn phòng làm việc, cửa hàng kinh doanh, nhà máy, phân xưởng sản xuất, hầm mỏ,…

Hai là, động sản: Trang thiết bị văn phòng, trang thiết bị nhà xưởng… có thời gian hữu ích trên một năm hoặc là máy bay, tàu biển lớn, vệ tinh…

Tài sản được giao kết trong hợp đồng thuê mua chủ yếu là tài sản có giá trị lớn, đặc biệt lớn. Nếu tài sản không có giá trị lớn thì các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức có thể có đủ tiền để mua luôn tài sản đó và họ trở thành chủ sở hữu mà không phải đi tìm kiếm nguồn tài trợ khác. Trong thực tế, cũng có khi doanh nghiệp có đủ tiền nhưng họ vẫn có thể áp dụng hình thức thuê mua này vì họ muốn dùng tiền để đầu tư cho mục đích khác mà lợi nhuận đem lại có thể sẽ lớn hơn nhiều so với số tiền họ phải trả cho tài sản đi thuê trong hợp đồng thuê mua.

Năm là, quyền sở hữu về tài sản thuộc về Bên cho thuê trong suốt thời gian cho thuê tài sản, quyền sử dụng trong suốt thời gian thuê thuộc Bên thuê;

Bên cho thuê là chủ sở hữu của tài sản cho thuê trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng. Điều này có nghĩa là khi Bên thuê chưa trả hết tiền thuê tài sản hay Bên cho thuê chưa thực hiện việc chuyển giao quyền sở hữu tài sản cho Bên thuê trong hợp đồng thuê mua thì Bên thuê chỉ được quyền sử dụng tài sản mà không có  bốn (04) quyền sau đây: Một là, bán, chuyển giao, thế chấp tài sản thuê hay dùng thiết bị làm vật thế nợ; Hai là, thay đổi hình dáng tài sản hoặc chuyển thiết bị thuê khỏi nơi mà thiết bị đã được lắp đặt đúng địa điểm đã nêu trong hợp đồng đã ký kết mà không có thông báo bằng văn bản cho Bên cho thuê; Ba là, hay đổi hoặc huỷ bỏ xác nhận nguồn gốc của tài sản, thiết bị cho thuê; Bốn là, sử dụng thiết bị cho thuê với những mục đích không được thoả thuận. Nếu Bên thuê tài sản vi phạm  các quy định trên thì Bên cho thuê có quyền lấy lại tài sản với tư cách là chủ sở hữu về mặt pháp lý đối với tài sản cho thuê.

Sáu là, sự lựa chọn tài sản thuê của Bên thuê là cơ sở để Bên cho thuê lựa chọn mua tài sản từ nhà cung ứng; Bên thuê tìm cách giao dịch với nhà sản xuất hoặc nhà cung ứng tài sản cho thuê. Bên thuê có thể tuỳ theo nhu cầu của mình để lựa chọn tài sản thuê theo tính năng, đặc điểm của tài sản thuê.  Đây là đặc điểm quan trọng trong hoạt động thuê mua này. Bên cho thuê không phải có trách nhiệm trong trường hợp tài sản bị hư hỏng, mất hoặc thiếu sót do lỗi của Bên thuê hay của nhà cung ứng. Bên thuê phải có trách nhiệm bồi thường cho Bên cho thuê nếu tài sản bị mất, hỏng trong thời gian thực hiện hợp đồng. Ngày giao nhận tài sản hay các vấn đề liên quan đến bảo lãnh của người cung cấp tài sản do Bên thuê đưa ra.

Bảy là, hợp đồng thuê mua phải được ký bằng văn bản và phải ghi rõ việc xử lý hợp đồng chấm dứt trước hạn.Về hình thức, hợp đồng thuê mua phải được lập bằng văn bản phù hợp với quy định của pháp luật. Đây là điều kiện bắt buộc và cũng chính là một trong những đặc điểm của hợp đồng thuê mua để có thể phân biệt hợp đồng này với các hợp đồng có tính thương mại khác, đồng thời nó là điều khoản không thể thiếu được trong hợp đồng. Đối với cả hợp đồng cho thuê tài chính và hợp đồng cho thuê vận hành cũng đều phải tuân theo quy định trên.

Khái niệm thuê mua nhà ở xã hội được đưa vào Điều 105 trong Luật Nhà ở năm 2005 (được Quốc hội khoá XI thông qua ngày 29/11/2005), theo đó thì “1.. Thuê mua nhà ở xã hội là việc người thuê nhà ở được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận quyền sở hữu đối với nhà ở đang thuê sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ của người thuê trong một thời gian quy định; 2. Việc thuê mua nhà ở xã hội phải thông qua hợp đồng được ký kết giữa đơn vị được giao quản lý quỹ nhà ở xã hội với người được thuê mua; 3. Kết thúc thời hạn thuê mua theo hợp đồng, người thuê mua phải làm thủ tục theo quy định tại Điều 16 của Luật này để được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở”. [iii]

  Trong bối cảnh đó, xét đề nghị của Bộ Xây dựng (các công văn: số 53/ TTr- BXD ngày 26/7/2005; số 171/ BXD- QLN ngày 27/01/2006), ý kiến của Bộ Tư pháp (Công văn số 2491/TP- PLDSKT ngày 18 /8/2005) về Đề án nhà ở xã hội,  Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo “ cho phép 3 địa phương: Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Tỉnh Bình Dương được triển khai thí điểm trước một số Dự án Xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn theo quy định của Luật Nhà ở để rút kinh nghiệp trước khi áp dụng rộng rãi ”[iv].

Thuê mua nhà ở xã hội[v], công trình xây dựng triển khai sẽ làm cho dịch vụ mua bán, tài chính, tín dụng, đầu tư có thêm một phương thức kinh doanh mới. Đây chính là một hoạt động đầu tư mới, tạo thêm việc làm cho thị trường lao động của nước nhà, tăng thêm thu nhập, doanh số kinh doanh từ các giao dịch nhà đất sẽ tăng, cải thiện tình hình thị trường nhà đất, giúp cho các doanh nghiệp kinh doanh địa ốc thoát khỏi tình trạng điêu đứng, phá sản như trước đây. Hợp tác với ngân hàng, nhà đầu tư  bất động sản sẽ có một cứu cánh trong kinh doanh vì buôn tài không bằng dài vốn.

Luật Kinh doanh bất động sản năm 2006 đã quy định Điều 4 khoản 12: “thuê mua nhà ở, công trình xây dựng là hình thức kinh doanh bất động sản theo đó bên thuê mua trở thành chủ sở hữu nhà, công trình xây dựng đang thuê mua sau khi trả hết tiền thuê mua theo hợp đồng thuê mua

Thuê mua nhà ở, công trình xây dựng sẽ là một giải pháp giúp cho những  người dân, doanh nghiệp không đủ tiềm lực tài chính để mua nhà, công trình xây dựng ngay một lúc nhưng vấn được sử dụng tài sản và được mua  sau khi đã hoàn thành  nghĩa vụ tài chính  sau một thời gian kiếm tiền, tìm cơ hội kinh doanh, sản suất mang lại hiệu quả tốt. Đây chính là giải pháp có tính an toàn cao, ít rủi ro cho các bên tham gia hợp đồng thuê mua. Bên cho thuê vẫn là chủ sở hữu tài sản trong suốt thời hạn cho thuê. Tiền cho thuê tài sản bên cho thuê hay tiền vốn và lãi của ngân hàng cho vay tiền vấn thu  theo kỳ đều đặn. Bên thuê tài sản được sử dụng tài sản theo đúng lựa chọn của mình để sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh.

Hợp đồng thuê mua bất động sản là sự thoả thuận bằng văn bản giữa bên cho thuê mua và bên thuê mua theo đó bên cho thuê mua chuyển giao quyền sử dụng bất động sản cho bên thuê mua trong một thời gian nhất định, còn bên thuê mua phải trả tiền thuê tài sản tính theo kỳ hạn. Trong thời hạn thuê mua, các bên không được đơn phương huỷ bỏ hợp đồng. Sau khi hết hạn hợp đồng, bên thuê mua có quyền mua bất động sản với giá thấp hơn giá trị của bất động sản trên thị trường theo sự thoả thuận của các bên hoặc theo quy định của pháp luật và phù hợp với quyền và nghĩa vụ của các bên.

Thuê mua nhà ở, công trình xây dựng sẽ hạn chế được những phản ứng của người dân mua nhà trả góp bằng vàng hiện nay vì giá vàng không còn ổn định như trong thời gian trước, đồng thời tháo gỡ khó khăn trong quản lý nhà tái định cư cho chính quyền các thành phố lớn như  Hà Nội, Hồ Chí Minh… Các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam được thanh toán chủ yếu bằng nội tệ, nên giá nhà  được tính bằng đồng Việt Nam và lãi suất vay mua nhà để thuê mua sẽ được tính bằng lãi suất không kỳ hạn  của Ngân hàng Thương mại cho khách hàng.

Hiến pháp năm 1992 đã khẳng định mọi người dân Việt Nam có quyền có nhà ở để bảo đảm quyền sống xứng đáng với tên gọi và phẩm giá con người. Phát triển quỹ nhà ở xã hội  ở Việt Nam đã trở thành hiện thực xã hội nổi bật. Thuê mua nhà ở xã hội [vi] đã trở thành tiêu điểm sáng cho sự công bẵng xã hội, mang đậm tính nhân văn trong tiến trình khai thác quỹ đất đai, môi trường bền vững của quốc gia .

Muốn thị trường bất động sản “ấm” lên,  dẫu biết rằng thị trường bất động sản vận động theo chu kỳ, với vai trò của Nhà nước là quản lý mọi mặt của đời sống xã hội, Nhà nước nên thành lập và cho phép ngân hàng chuyên doanh thuê mua bất động sản, kinh doanh loại hình thuê mua bất động sản trung và dài hạn     từ 5 năm  đến hơn  20 năm.

Thuê mua nhà ở xã hội và thuê mua nhà ở, công trình xây dựng sẽ giúp cho các doanh nghiệp, người dân được sử dụng tài sản – đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh và đời sống của họ trong giai đoạn hiện nay. Chính vì vậy, giải pháp kích cầu và đa dạng hoá dịch vụ trong sản xuất, kinh doanh thương mại, trong thị trường điạ ốc của Việt Nam  xuất hiện ngày càng nhiều hợp đồng thuê mua tài sản được giao kết và triển khai thành công. Đây chính là sự minh chứng thuyết phục nhất cho loại hợp đồng thuê mua đã từng bước đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng  của dân chúng ở Việt Nam trong thời gian gần đây.


Tài liệu tham khảo

i. Xem TS. Nguyễn Minh Phong – Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế – Viện nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội “ Nhà ở Xã hội – trọng tâm kích cầu năm 2009 ở Việt Nam” Tạp chí Bất động sản –  Nhà đất Việt Nam – Hiệp hội bất động sản  nhà đất Việt Nam số 64/ngày 05/5/2009, trang 8-10

ii. Xem.Doãn Hồng Nhung, Thuê mua nhà ở, công trình xây dựng: Giải pháp kích cầu cho thị trường Bất động sản đang đóng băng hiện nay – Báo Xây dựng  số  38(757), Thứ năm ngày 11/5/2006, trang1-9.

iii.  Xem, TS. Doãn Hồng Nhung, “ Về bản chất pháp lý của hợp đồng thuê mua ở Việt Nam ”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật – Viện khoa học xã hội Việt Nam – Viện  Nhà nước và Pháp luật. Số 7/2009, trang 29-35

iv.  Xem Công văn  số 537/TTg-CN ngày 6/4/ 2006 về Đề án nhà ở xã hội của Thủ tướng Chính phủ, KT Thủ tướng – Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng .

v. Xem.Nhà vui Huế và dự án nhà ở xã hội tại thành phố Huế – Tạp chí Bất động sản số 67 tháng 5/8/2009  Hiệp hội bất động sản nhà đất  Việt Nam, trang 3

vi. Công văn số 42/2009/CV- HH ngày 18/3/2009 của Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh trình UBND thành phố Hồ Chí Minh  về chương trình xây dựng nhà ở Xã hội

SOURCE: CHƯA XÁC ĐỊNH – TS. DOÃN HỒNG NHUNG – Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội

Trích dẫn từ: http://amc.edu.vn/

(MKLAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

THAM KHẢO MỘT SỐ DỊCH VỤ TƯ VẤN LUẬT:

1. Tư vấn tách thửa đất đai;

2. Tư vấn pháp luật đất đai ;

3. Tư vấn cấp lại sổ đỏ bị mất ;

4. Tư vấn mua bán, chuyển nhượng đất đai ;

5. Tư vấn đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ;

6. Tư vấn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do trúng đấu giá ;

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *