Hợp đồng tặng cho tài sản là một trong các loại giao dịch phổ biến trong thực tế, trong đó có hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện. Vậy hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện có những đặc điểm gì?

Điều 457 Bộ luật dân sự 2015 quy định về Hợp đồng tặng cho tài sản như sau:

Điều 457. Hợp đồng tặng cho tài sản

Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận.

Như vậy, trong thực tế chúng ta thường gặp các trường hợp tặng cho tài sản không có điều kiện như quy định tại Điều 457 BLDS 2015 nêu trên. Theo đó, bên có tài sản sẽ giao tài sản của họ và chuyển quyền sở hữu tài sản của họ cho người khác mà không yêu cầu đền bù; đồng thời được bên nhận tài sản đồng ý.

Thông thường các trường hợp tặng cho như vậy thường xuất phát từ những người thân quen, gia đình như cha mẹ tặng cho con cái hoặc các mạnh thường quân tặng cho những người có hoàn cảnh khó khăn … Người nhận các tài sản tặng cho này không phải thực hiện bất kỳ nghĩa vụ nào đối với bên tặng cho.

Tuy nhiên, luật cũng quy định trường hợp tặng cho tài sản có điều kiện, cụ thể tại Điều 462 Bộ luật dân sự 2015 quy định về việc Tặng cho tài sản có điều kiện như sau:

Điều 462. Tặng cho tài sản có điều kiện

1. Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

2. Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện.

3. Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Như vậy, ngoài hợp đồng tặng cho tài sản “không có điều kiện” thì còn tồn tại hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện. Hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện có các đặc điểm sau đây:

Thứ nhất, bên tặng cho có thể yêu cầu bên nhận thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho. Điều này có nghĩa rằng để được nhận tài sản thì bên được tặng phải thực hiện nghĩa vụ nhất định cho bên tặng. Chẳng hạn: bố mẹ tặng cho con cái nhà ở nhằm mục đích thờ cúng, hương hỏa …

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng nghĩa vụ đó không được vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội. Chẳng hạn: A đồng ý tặng cho B 100 triệu với điều kiện B phải đánh C, như vậy trường hợp tặng cho tài sản này đã vi phạm điều cấm của luật và sẽ không có giá trị hiệu lực.

Thứ hai, trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho, nếu bên được tặng cho tài sản đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho yêu cầu mà bên tặng cho không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán cho bên được tặng tương ứng với nghĩa vụ đã thực hiện. Ví dụ: A lập hợp đồng tặng cho B thửa đất với điều kiện B phải thay A trả nợ 50 triệu đồng cho chủ nợ, tuy nhiên sau khi B trả nợ giúp xong thì A đổi ý không tặng nữa. Trong trường hợp này, A phải trả lại khoản tiền 50 triệu đồng cho B.

Thứ ba, nếu bên được tặng cho không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bên được tặng cho bồi thường thiệt hại. Ví dụ: cha mẹ lập hợp đồng tặng nhà, đất cho con cái với điều kiện phải có trách nhiệm chăm lo, phụng dưỡng cha mẹ lúc già. Tuy nhiên, sau khi nhận được nhà, đất thì con cái trở nên bất hiếu, không chăm sóc cha mẹ thì cha mẹ có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại (nếu có).

NPTLAWYER.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *