Nâng cao hơn nữa chất lượng xét xử đối với các vụ án hành chính, xét xử công tâm, vô tư, khách quan, thể hiện tính thuyết phục cao, nhằm bảo đảm cho bản án, quyết định được thực thi trên thực tế .

Bước tiến trong giải quyết các vụ án hành chính

Phó chánh án Tòa Hành chính, TANDTC Đoàn Thị Xuân Lan cho rằng, Luật Tố tụng hành chính năm 2010 đã có những quy định mới so với Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính hiện hành. Theo đó, Luật đã thể hiện rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước ta là mở rộng thẩm quyền xét xử của Tòa án đối với các khiếu kiện hành chính, đổi mới thủ tục giải quyết các khiếu kiện hành chính tại Tòa án. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia tố tụng, bảo đảm sự bình đẳng giữa công dân và cơ quan công quyền trước Tòa án. Cụ thể, tại Điều 103 Luật Tố tụng Hành chính  thì quyền khởi kiện vụ án hành chính quy định: cá nhân, tổ chức có quyền khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh trong trường hợp không đồng ý với quyết định đó. Đây là những quy định cho thấy điểm khác biệt và thay đổi lớn trong quy định về điều kiện của Luật Tố tụng hành chính năm 2010 so với Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính hiện hành. Nếu như Pháp lệnh quy định bắt buộc người khởi kiện phải thực hiện thủ tục khiếu nại trước khi khởi kiện thì Luật Tố tụng hành chính năm 2010 đã bỏ quy định này.
Theo quy định của Pháp lệnh thì cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện đến Tòa án giải quyết vụ án hành chính nếu đã thực hiện thủ tục khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, hết thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định mà không được giải quyết hoặc đã được giải quyết khiếu nại nhưng không đồng ý với quyết định giải quyết đó. Quy định như vậy chưa tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong việc khởi kiện vụ án hành chính, thủ tục còn rườm rà; nhiều trường hợp người dân mất quyền khởi kiện vụ án hành chính để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Vì vậy, việc bỏ thủ tục khiếu nại trước khi khởi kiện vụ án hành chính như trong Luật Tố tụng hành chính là điều kiện khởi kiện đã được đơn giản hóa, để tạo điều kiện cho cá nhân, cơ quan, tổ chức có thể khởi kiện ngay ra Tòa án khi không đồng ý với quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước.

>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi:  –

 

Cơ chế bảo đảm thi hành

Cùng với những bước tiến trong thủ tục, điều kiện khởi kiện, Luật Tố tụng hành chính còn có những quy định về cơ chế bảo đảm thi hành các bản án, quyết định hành chính.

Điều 74 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính quy định, cá nhân, cơ quan nhà nước, tổ chức có nghĩa vụ nghiêm chỉnh chấp hành bản án, quyết định của Toà án hành chính. Thủ trưởng cơ quan nhà nước cấp trên trực tiếp có trách nhiệm theo dõi, giám sát việc thi hành án hành chính, trong trường hợp cần thiết có quyền buộc phải chấp hành quyết định của Toà án về vụ án hành chính; các quy định về tài sản, quyền tài sản trong bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính được thi hành theo Pháp lệnh Thi hành án dân sự.

Tuy nhiên, từ thực tiễn thi hành án theo quy định của Pháp lệnh này cho thấy, công tác quản lý nhà nước về thi hành án vẫn còn rất chung chung, chưa có quy định cụ thể về thi hành án hành chính và hướng giải quyết mâu thuẫn xung đột trong quá  trình tiến hành thi hành các vụ án hành chính. Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính có quy định: Thủ trưởng cơ quan nhà nước cấp trên trực tiếp có trách nhiệm theo dõi, giám sát việc thi hành án hành chính song lại chưa quy định trách  nhiệm của Toà án trong việc gửi bản án, quyết định hoặc thông báo, kiến nghị cho Thủ trưởng cơ quan trực tiếp sau khi giải quyết án hành chính liên quan đến các cá nhân, đơn vị thuộc quyền quản lý của cơ quan này. Trong khi đó, quy định này dẫn đến có quá nhiều đầu mối cùng có trách nhiệm giám sát, theo dõi việc thi hành án, quyết định hành chính nhưng lại không có cơ quan nào chịu trách nhiệm chính trong phạm vi cả nước.

Theo quy định của Luật Tố tụng hành chính thì cơ chế bảo đảm thi hành án hành chính đã được thiết lập khá chặt chẽ như trong trường hợp người khởi kiện bị thua thì cơ quan đã ban hành quyết định hành chính bị kiện sẽ tổ chức thi hành quyết định hành chính và tổ chức việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính của mình theo quy định của pháp luật; việc theo dõi, đôn đốc thi hành án hành chính được giao cho cơ quan Thi hành án dân sự; quy định rõ vai trò chỉ đạo thi hành án của cấp trên trực tiếp đối với người phải đi hành án và vai trò kiểm sát việc thi hành án chính của Viện kiểm sát.

Theo Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự – Hành chính, Bộ Tư pháp Đặng Thanh Sơn, quan trọng nhất trong vấn đề này là nâng cao hơn nữa chất lượng xét xử đối với các vụ án hành chính, xét xử công tâm, vô tư, khách quan, thể hiện tính thuyết phục cao, nhằm bảo đảm cho bản án, quyết định được thực thi trên thực tế. Trường hợp bản án, quyết định hành chính của Toà án tuyên huỷ quyết định của cơ quan hành chính thì cần tuyên rõ ràng khi bản án có hiệu lực pháp luật, quyết định hành chính đương nhiên bị huỷ. Toà án hành chính phải tống đạt các bản án, quyết định do mình xét xử kịp thời, bảo đảm thời gian cho các bên thực hiện quyến kháng cáo, kháng nghị của mình.

Từ thực tiễn áp dụng Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính cho thấy, cần quan tâm đến công tác kiểm sát thi hành án đối với đối tượng phải thi hành án là cơ quan hành chính nhà nước trong việc thực thi các bản án, quyết định. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn các quy định về thủ tục giải quyết các vụ án hành chính đến lãnh đạo các cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và nhân dân để thấy rõ quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia tố tụng hành chính và trách nhiệm.

P.Hương
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân

(MKLAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)
——————————————————-

THAM KHẢO DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN:

1. Tư vấn pháp luật lao động;

3. Tư vấn pháp luật lĩnh vực dân sự;

4. Tư vấn luật hành chính Việt Nam;

2. Luật sư riêng cho doanh nghiệp;

5. Dịch vụ luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp tại tòa án.

6. Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp hôn nhân gia đình;

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *